Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã buộc nhiều công ty toàn cầu suy nghĩ lại về công việc sản xuất và chế tạo mà họ đang thực hiện tại Trung Quốc. Theo đánh giá của của công ty tư vấn toàn cầu Bain & Co, các quốc gia Đông Nam Á đang hưởng lợi khổng lồ từ thực trạng này.
Chia sẻ trên CNBC, Satish Shankar, đại diện của Bain & Co tại Đông Nam Á, đánh giá khu vực này về ngắn hạn sẽ gặp những bất lợi nhất định, đặc biệt là khi một số mặt hàng xuất khẩu sẽ đi qua trung gian tại Trung Quốc rồi mới đến được Mỹ, tiêu biểu như ngành may mặc và điện tử.
“Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi cảm thấy khá tự tin rằng ASEAN có thể trở thành chuỗi cung ứng thay thế hấp dẫn cho các doanh nghiệp đang muốn tháo chạy khỏi Trung Quốc”, Satish Shankar nói.
Bain & Co dự đoán khi các công ty xem xét việc chuyển chuỗi cung ứng của họ sang Đông Nam Á, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực sẽ áp dụng nhiều công nghệ hơn vào các hoạt động thường nhật. Điều này có tiềm năng tạo ra cơ hội trị giá hàng nghìn tỷ USD cho các nước Đông Nam Á.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bắt đầu bùng nổ từ tháng 7 khi Mỹ quyết định áp thuế đối với một loạt sản phẩm Trung Quốc để trừng phạt Bắc Kinh vì những hành vi thương mại thiếu công bằng, đánh cắp tài sản trí tuệ và ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ. Ngay lập tức, Bắc Kinh áp thuế “trả đũa” lên các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc dự kiến diễn ra trong tuần này tại Argentina. Cuộc gặp này mang ý nghĩa quan trọng, được kỳ vọng sẽ tìm ra lối đi nhằm giải quyết bế tắc hiện nay giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo nhận định của Shankar, cho dù căng thẳng thương mại cuối cùng cũng được giảm nhiệt, các công ty vẫn sẽ cố gắng tìm cách chuyển một số chuỗi cung ứng của họ sang Đông Nam Á.
“Có hai lý do. Đầu tiên, quá trình đã được tiến hành và trải nghiệm mà các công ty ghi nhận được ở các quốc gia như Việt Nam và Thái Lan rất tích cực. Thứ hai, đó là một phương pháp vận hành kinh doanh tốt để đảm bảo sự đa dạng nhằm tránh việc tập trung mọi rủi ro vào chuỗi cung ứng”, Shankar nói.
Theo Shankar, trong tương lai, các công ty sẽ chuyển sang sử dụng các “chuỗi cung ứng phân phối”, nơi họ sẽ có nhiều nguồn cung cấp cho một sản phẩm cụ thể.
Khối kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu
Triển vọng tăng trưởng và nhân khẩu học tại Đông Nam Á đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư đến rót tiền vào khu vực này. Một nghiên cứu mới đây đã đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực kinh tế số tại Đông Nam Á. Cụ thể, nền kinh tế Internet tại đây được dự báo sẽ vượt ngưỡng 240 tỷ USD vào năm 2025.
“Đây là khối kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu, có thể sánh ngang cùng Anh và Ấn Độ. Khu vực này đã tăng trưởng 4,5-5% mỗi năm và thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài”, Shankar nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia này còn cho rằng sự hiện diện của những công ty năng động làm cho ASEAN trở thành “cơ sở chuỗi cung ứng vô cùng hợp lý”.
Mỗi quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều có những đặc thù riêng biệt. Ví dụ, Thái Lan mạnh về công nghiệp ôtô nên có thể trở thành một nơi cung cấp các sản phẩm liên quan cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xe hơi. Trong khi đó, Việt Nam vẫn duy trì phong độ tốt ở các lĩnh vực như dệt may và linh kiện điện tử.
Bên cạnh đó, đại diện của Bain & Co còn cho rằng các công ty cũng sẽ hưởng lợi từ nhu cầu nội địa mạnh tại khu vực Đông Nam Á.
Vỹ An (Tổng hợp)