Năm 1967, Viên Thù chấp hành xong bản án 12 năm của mình, đáng lẽ phải được trả tự do và trở về nhà. Tuy nhiên, khi đó đúng vào thời điểm diễn ra “Cách mạng Văn hóa”. Tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương quyết định trọng thẩm án Phan Hán Niên. Phan Hán Niên và vợ lại bị bắt giam, Viên Thù cũng bị bắt lại. Một lần giam là 8 năm nữa.
Xin chào quý vị độc giả, chào mừng quý vị đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!
Trong lịch sử 100 năm của ĐCSTQ, có rất nhiều gián điệp đã vào sinh ra tử để giúp ĐCSTQ cướp chính quyền, nhọc nhằn lập công. Tuy nhiên sau khi ĐCSTQ đoạt chính quyền, hầu hết họ đều không có kết cục tốt đẹp.
Trong các tập trước, chúng tôi đã nói về những kinh nghiệm làm gián điệp cho ĐCSTQ của Phan Hán Niên, Quan Lộ, Cát Bội Kỳ, Kim Vô Đãi, Trần Tu Lương, Tiễn Bá Tán và những người khác. Hôm nay, chúng tôi căn cứ bài viết “Những gì tôi biết về gián điệp 5 mặt Viên Thù của ĐCSTQ” của lão nhà báo Trung Quốc Cố Tuyết Ung và bài báo “Cuộc sống những năm cuối đời của ‘điệp viên 5 trọng’ Viên Thù: Khuôn mặt bị biến dạng khiến ông buồn vui thất thường” của ký giả Tống Xuân Đan, và các tư liệu khác, đồng thời trò chuyện với quý vị về cuộc đời bi thảm của Viên Thù, người từng là gián điệp năm mặt của ĐCSTQ.
Viên Thù sinh ra ở huyện Kỳ Xuân, tỉnh Hồ Bắc vào năm 1911 trong một gia đình thư hương sa sút, ông theo mẹ đến Thượng Hải dựa dẫm vào người thân để mưu sinh, làm thực tập sinh trong một nhà máy in. Năm 12 tuổi ông nhập Học viện Lập Đạt ở Thượng Hải để học tập; Năm 16 tuổi tham gia quân Bắc phạt. Sau khi rời bộ đội, ông trở về Thượng Hải, làm nghề văn chương.
Năm 1928, Văn Thù và vợ Mã Cảnh Tinh đến Nhật Bản lưu học ngành báo chí. Sau khi trở về Trung Quốc, ông sáng lập tờ báo “Tin tức văn nghệ”, trở thành một phóng viên nổi tiếng ở Thượng Hải. Có lẽ, Viên Thù đã có thể trở thành một nhà báo lớn. Thế nhưng, sau khi mối quan hệ với giới văn học cánh tả dần trở nên mật thiết hơn, ông đã phát triển thành một gián điệp năm mặt của ĐCSTQ. Con đường nhân sinh của ông từ đó thay đổi triệt để.
Thân phận gián điệp ngũ trọng của Viên Thù
Thân phận thứ nhất, cơ bản nhất của Viên Thù: Là gián điệp của ĐCSTQ
Vào tháng 10 năm 1931, Viên Thù 20 tuổi gia nhập ĐCSTQ sau khi được giới thiệu bởi Phan Hán Niên, bộ trưởng Tuyên truyền Tỉnh ủy Giang Tô của ĐCSTQ tại Thượng Hải.
Khi đó, Phan Hán Niên nói với ông: “Bạn đã tham gia một tổ chức tiên phong bí mật, các thành viên bình thường của tổ chức không biết thân phận của bạn.” Cái gì là “Tổ chức tiên phong bí mật”? Đây chính là cơ quan đặc vụ tối cao của ĐCSTQ – Đặc khoa Trung ương. Thân phận khác của Phan Hán Niên là khoa trưởng Khoa 2 của Đặc khoa Trung ương, tức là khoa trưởng tình báo.
Phan Hán Niên cũng giới thiệu Viên Thù với Vương Tử Xuân, người sẽ phụ trách liên lạc đơn tuyến của ông trong tương lai. Sau cuộc gặp gỡ đó, dưới sự sắp xếp của Vương Tử Xuân, Viên Thù được huấn luyện đặc công hai tháng. Ngay sau khi khóa huấn luyện kết thúc, ông chính thức tham gia công tác tình báo ngầm và trở thành gián điệp cho ĐCSTQ, theo chỉ thị, ông ngừng điều hành tờ “Tin tức văn nghệ” đã xuất bản 60 kỳ.
Thân phận đặc thù thứ hai của Viên Thù: Là gián điệp của Trung Thống Quốc dân đảng.
Tên đầy đủ của Trung Thống là “Cục Điều tra Thống kê của Trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc”, đây là cơ cấu đặc vụ của hệ thống đảng vụ Quốc dân đảng do các nhà lãnh đạo của Cục CC Quốc dân đảng là Trần Quả Phu và Trần Lập Phu kiểm soát. “CC” là từ viết tắt của (Chen-Chen) – hai ông họ Trần.
Năm 1932, theo sự sắp xếp của ĐCSTQ, Viên Thù nhờ người anh họ Cổ Bá Đào ở Thượng Hải giúp mình tìm công tác. Cổ Bá Đào nhanh chóng giới thiệu ông với Ngô Tỉnh Á, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Đặc biệt Thượng Hải của Quốc dân đảng, cục trưởng Cục Xã hội.
Ngô Tỉnh Á là người phụ trách Trung Thống tại Thượng Hải. Từ đó, Viên Thù đột nhập thuận lợi vào nội bộ Trung Thống, sau đó trở thành trưởng đơn vị tình báo của đoàn thể bí mật “Can Xã” của Trung Thống.
Thân phận đặc biệt thứ ba của Viên Thù: Là gián điệp của cơ quan tình báo Nhật Bản.
Để tạo bước đột phá trong công tác của mình, Viên Thù theo chỉ dẫn của Vương Tử Xuân, đã yêu cầu Ngô Tỉnh Á căn cứ sở trường sắp xếp cho ông một chức vị công khai là ký giả tin tức. Ngô Tỉnh Á đồng ý, sắp xếp cho ông làm phóng viên tờ Thông tấn xã Tân Văn, hãng thông tấn kinh tế lớn nhất Trung Quốc lúc bấy giờ.
Dưới vỏ bọc là một phóng viên, Viên Thù thường tham dự các cuộc họp báo do chính quyền Nam Kinh và lãnh sự quán Nhật Bản tổ chức. Một lần, khi đang tham gia một cuộc họp báo tại Lãnh sự quán Nhật Bản, Viên Thù gặp Eiichi Iwai, phó tổng lãnh sự Lãnh sự quán Nhật Bản. Sau khi qua lại, hai người trở thành bạn bè. Khoảng nửa năm sau, Eiichi Iwai đề nghị mời Viên Thù làm nhân viên tình báo của Lãnh sự quán Nhật Bản.
Viên Thù đã báo cáo sự tình này với Vương Tử Xuân, và Vương Tử Xuân chỉ thị cho ông báo cáo với Ngô Tỉnh Á. Ngô Tỉnh Á tin rằng mối liên hệ của Viên Thù với người Nhật sẽ có lợi cho việc thu thập thông tin tình báo, vì vậy khuyến khích ông giao vãng với Eiichi Iwai. Dưới sự sắp xếp của Eiichi Iwai, Viên Thù trở thành nhân vật quan trọng phụ trách đội điều tra đặc biệt “Iwai Mansion” của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thượng Hải.
“Iwai Mansion” là cơ quan gián điệp công khai và lớn nhất của Nhật Bản ở Thượng Hải, nằm trong một khu phức hợp ở quận Áp Bắc, bên trong có bốn tòa nhà nhỏ độc lập. Một trong những tòa nhà nhỏ là “Trụ sở của Vận động Kiến quốc Hưng Á”, Viên Thù làm tổng cán sự. Dưới bút danh “Nghiêm Quân Quang”, ông đã viết và xuất bản tuyên ngôn “Vận động Kiến quốc Hưng Á” và nhiều bài báo, tuyên truyền bừa bãi cái gọi là “cộng tồn cộng vinh” Trung – Nhật, đồng thời kêu gọi các nước châu Á xây dựng một “Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á” dưới sự lãnh đạo của Nhật Bản.
Ngoài ra còn có một tòa lầu nhỏ với một đài phát thanh bí mật trên tầng cao nhất. Các gián điệp của ĐCSTQ đóng tại Hồng Kông và Trùng Khánh đã gửi thông tin liên quan đến Quốc dân đảng, Anh và Hoa Kỳ đến Diên An, và từ Diên An phát đến “Iwai Mansion” rồi đến Nhật Bản; đồng thời, họ cũng gửi thông tin tình báo do Viên Thù và những người khác thu thập về Diên An và Tô Bắc Tân Tứ Quân. Theo những người trong cuộc, “Iwai Mansion” thực sự là văn phòng của ĐCSTQ trong khu vực Nhật Bản chiếm đóng.
Thân phận đặc biệt thứ tư của Viên Thù: Là gián điệp của chế độ bù nhìn của Uông Tinh Vệ
Theo sự sắp xếp của ĐCSTQ, Viên Thù sau đó giữ chức phó bộ trưởng Bộ Tuyên giáo Trung ương của chính phủ bù nhìn Uông Tinh Vệ, kẻ nương tựa quân xâm lược Nhật Bản, rồi làm sở trưởng Sở Giáo dục tỉnh Giang Tô, và trưởng đoàn Đoàn công tác chính trị của Ủy ban Thanh Hương, lợi dụng những chức vụ này để phục vụ ĐCSTQ.
Thân phận đặc biệt thứ năm của Viên Thù: Là gián điệp của Quân Thống Quốc dân đảng
Quân Thống tên đầy đủ là “Cục điều tra thống kê của Ủy ban Quân sự Quốc gia”, là cơ quan tình báo quan trọng trong hệ thống quân sự của chính phủ Quốc dân đảng, sát cánh cùng Bộ tư lệnh Trung ương.
Năm 1937, sau khi chiến tranh kháng Nhật toàn diện bùng nổ, Phan Hán Niên trở lại Thượng Hải với thân phận là chủ nhiệm Văn phòng Thượng Hải của Quân đoàn 8. Kể từ đó, Phan Hán Niên trở thành người liên lạc trực tiếp của Viên Thù. Với sự đồng ý của ĐCSTQ, Viên Thù lần đầu tiên gia nhập tổ chức băng đảng Thượng Hải “Thanh Hồng bang”, lai vãng giữa Đỗ Nguyệt Sinh và Hoàng Kim Vinh. Sau đó được Đỗ Nguyệt Sinh tiến cử, Viên Thù gia nhập Quân Thống do Đái Lạp đứng đầu.
Sau khi được sự đồng ý của Phan Hán Niên, Viên Thù trở thành thiếu tướng, tổ trưởng Tổ Tình báo Quốc tế Quận Thượng Hải thuộc Cục Quân Thống của Đái Lạp. Thân phận công khai của ông vẫn là một phóng viên, vì vậy ông tiếp tục giữ liên lạc với Eiichi Iwai ở Nhật Bản. Sau khi kháng Nhật thắng lợi, Viên Thù được chỉ huy quân sự bổ nhiệm làm “Chỉ huy Đội 5 của Đội Biệt động quân mới Trung nghĩa Cứu quốc, và trạm trưởng Trạm 3 trực thuộc Quân Thống”, được phong quân hàm trung tướng.
Thân phận gián điệp ngũ trọng, đeo năm chiếc mặt nạ để sống, thực sự không phải là điều mà người bình thường có thể làm được. Nếu không cẩn thận sẽ là chuyện mất mạng.
Viên Thù đã làm được gì cho ĐCSTQ?
Việc quan trọng nhất là: đại biểu cho ĐCSTQ, tổ chức các cuộc đàm phán bí mật với quân đội Nhật Bản.
Theo bài náo “Đặc vụ ngũ phương Viên Thù mà tôi biết” được Cố Tuyết Ung tuyển viết tiết lộ, sau khi bắt đầu kháng chiến chống Nhật Bản, Mao Trạch Đông, lãnh đạo ĐCSTQ, thâm cảm rằng chiến đấu với quân đội Nhật Bản sẽ chỉ tiêu hao thực lực, vì vậy ông ta đã vạch ra sách lược “liên Nhật phản Tưởng”, gửi một thông điệp bí mật cho Nhiêu Sấu Thạch, chính ủy của Quân đoàn 4 mới, yêu cầu ông ta cử người thay mặt Mao đàm phán với quân đội Nhật Bản.
Nhiêu giao nhiệm vụ này cho Bộ trưởng Tình báo Phan Hán Niên. Phan ngay lập tức đến “Iwai Mansion” ở Thượng Hải để tìm cấp dưới của mình là Viên Thù, và họ cùng nhau đến gặp trùm gián điệp Nhật Bản Eiichi Iwai. Sau đó, ba người họ đến gặp Thiếu tướng Kagesa Haruaki, người đứng đầu “Cơ quan Mai”, cơ quan mật vụ cao nhất của Nhật Bản tại Trung Quốc.
Sau ba ngày đàm phán, hai bên đã đạt được một thỏa thuận ngầm quan trọng và viết biên bản cuộc họp, nội dung chính là: Quân đội Nhật Bản và quân đội Cộng sản ngừng mọi hoạt động quân sự và cùng tồn tại hòa bình, ĐCSTQ có trách nhiệm bảo vệ an toàn giao thông đường sắt; Mở phong tỏa sông Dương Tử cho ĐCSTQ, nhân viên và vật tư của ĐCSTQ có thể thông hành thuận lợi qua hai bên bờ Trường Giang v.v.
Phan Hán Niên đại biểu cho Mao Trạch Đông đàm phán với quân xâm lược Nhật Bản, Viên Thù vừa là phiên dịch viên vừa là trợ lý của Phan, nên cũng là một trong những đại biểu của ĐCSTQ.
Thứ hai, Viên Thù đã cung cấp cho ĐCSTQ một lượng lớn thông tin tình báo chiến lược quan trọng.
Chẳng hạn, ông nói với Diên An rằng quân đội Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô, quân đội Nhật Bản quyết định “xuống phía nam để đánh Anh Mỹ thay vì lên phía bắc để đánh Liên Xô”. Diên An ngay lập tức chuyển hai thông tin này cho Liên Xô, và Liên Xô quyết định chuyển toàn bộ 400.000 quân từ Mặt trận phía Đông sang Mặt trận phía Tây.
Thứ ba, Viên Thù đã cung cấp cho ĐCSTQ một lượng lớn người, tài, vật.
Ví dụ, sau chiến thắng trong kháng chiến chống Nhật năm 1945, “Iwai Mansion” bị Quốc dân đảng đóng cửa. Viên Thù nhận được tin trước, đã giao toàn bộ đất đai, nhà cửa, vàng bạc, chứng khoán, vật liệu, v.v. của “Iwai Mansion”, trị giá hơn 100 triệu đô la Mỹ, cho ĐCSTQ để mở ngân hàng ở Thượng Hải, cung cấp kinh phí cho cuộc nội chiến của ĐCSTQ.
Bị bỏ tù hơn 20 năm sau khi ĐCSTQ đoạt chính quyền
Sau khi ĐCSTQ kiến lập chính quyền vào năm 1949, Viên Thù được Lý Khắc Nông, sở trưởng Cơ quan Tình báo Trung ương, chuyển đến Bắc Kinh với tư cách là sở trưởng Sở Châu Á, chịu trách nhiệm nghiên cứu về động thái của Nhật và Mỹ.
Vào ngày 3 tháng 4 năm 1955, Phan Hán Niên, phó Thị trưởng thường vụ Thượng Hải, bị bắt tại khách sạn Bắc Kinh vì cái gọi là “nội gián”.
Một tháng sau, Viên Thù vì dính líu đến “vụ án Phan Hán Niên” cũng bị bắt, sau đó bị giam giữ 10 năm để thẩm vấn. Năm 1965, ông bị tòa án quân sự ĐCSTQ buộc tội “Đặc vụ CC Quốc dân đảng, đặc vụ Quân Thống, đặc vụ Nhật Bản, Hán gian” và các tội danh khác, bị kết án 12 năm tù.
Năm 1967, Viên Thù chấp hành xong bản án của mình, đáng lẽ phải được trả tự do và trở về nhà. Tuy nhiên, đó là vào thời điểm diễn ra sự điên cuồng của “Cách mạng Văn hóa”. Tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương quyết định trọng thẩm trường hợp của Phan Hán Niên. Phan Hán Niên và vợ lại bị bắt giam, Viên Thù cũng bị bắt lại. Một lần giam nữa là 8 năm.
Năm 1975, sau khi Viên Thù ra tù, thay vì được về nhà, ông bị áp giải đến Nông trường Đại Quân Sơn ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc để tiếp tục “cải tạo thông qua lao động”.
Năm 1980, Viên Thù, người đã bị huyết khối não, trở về Bắc Kinh. Sau đó, ông không ngừng khiếu nại với các bộ phận liên quan của ĐCSTQ, hy vọng làm rõ các vấn đề lịch sử của mình.
Tháng 8 năm 1982, vụ án của Phan Hán Niên được bình phản. Vào ngày 7 tháng 10 năm 1982, Cục Điều tra Trung ương đã gửi cho Viên Thù bản tái thẩm của Pháp viện Tối cao, hủy bỏ bản án năm 1965 và tuyên bố Viên Thù vô tội.
Sau năm 1986, Viên Thù, người đã bị liệt nửa người, trở nên rối loạn tâm thần. Ông ủ rũ, không kiềm chế được cảm xúc, có lúc bật khóc.
Vào ngày 26 tháng 11 năm 1987, đó là một ngày tuyết rơi dày đặc, Viên Thù qua đời tại Bắc Kinh.
Lời kết
Kinh nghiệm của Viên Thù khiến người ta cảm khái, nó thuyết minh ít nhất hai vấn đề:
Thứ nhất, để lật đổ chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và đoạt chính quyền, ĐCSTQ thực sự là không từ thủ đoạn. Khi quân và dân Trung Hoa Dân Quốc huyết chiến với quân xâm lược Nhật Bản, ĐCSTQ lại lợi dụng các gián điệp cấp cao thông đồng với quân đội Nhật Bản.
Thứ hai, ngay sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, nó liền qua sông phá cầu, đá bay những người đã từng hết mình vì nó, tống những người bị nó mê hoặc làm gián điệp cho nó vào lao ngục, biến họ thành con dê tế thần cho ĐCSTQ.
- Trọn bộ Trăm Năm Chân Tướng
Theo Epoch Time,
Mộc Lan biên dịch