Bạn nghĩ sao nếu những yếu tố quyết định thành công trong tương lai của con mình lại nằm ở những điều đơn giản hơn rất nhiều?
Một người bạn của tôi gần đây đã nhận xét rằng, bạn biết rằng mình đang già đi khi bạn bắt đầu truyền cho con những ước mơ của mình, ví dụ được chơi bóng rổ cho NBA. Nhận xét này chắc chắn sẽ vang vọng trong lòng mọi bậc phụ huynh.
Khi con chỉ mới là một đứa trẻ nhỏ, gần như tất cả các bậc phụ huynh tốt đều bắt đầu mơ về việc mang đến cho con những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Trong suốt những năm sau đó, cha mẹ làm mọi thứ có thể để biến giấc mơ này thành hiện thực, bằng cách cung cấp cho con một chế độ dinh dưỡng tuyệt vời, giáo dục tốt nhất có thể, và các lớp học piano, múa, bóng đá, lập trình máy tính và tất cả mọi thứ có thể giúp con đạt được hạnh phúc và thành công trong tương lai.
Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi, liệu tất cả những nỗ lực này có phải là quá mức không? Và nếu như những yếu tố quyết định thành công trong tương lai của con mình lại nằm ở những điều đơn giản hơn rất nhiều?
Câu hỏi này đã xuất hiện trong tâm trí tôi khi đọc cuốn hồi ký của Russell Kirk, mang tên The Sword of Imagination (Thanh gươm của trí tưởng tượng). Mặc dù ông Kirk không phải là một người nổi tiếng, nhưng ông chắc chắn đã thành công trong cuộc đời. Thực tế, ông được coi là một trong những nhà tư tưởng bảo thủ hàng đầu của thế kỷ 20, có ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ qua việc sáng lập và viết cho những tạp chí nổi tiếng như National Review và Modern Age.
Người ta có thể nghĩ rằng một người có ảnh hưởng và thành công như ông đã được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất. Thực tế là, ông đã lớn lên trong sự giản dị, được hình thành bởi bốn yếu tố sau đây:
Một gia đình hạnh phúc

“Chàng trai nhỏ Russell sinh ra trong một thế giới của trật tự gia đình, hạnh phúc trong các cuộc hôn nhân, rộng lượng với con cái, với những gia đình gắn kết và ý thức về sự tiếp nối của mình,” ông Kirk viết.
Cha mẹ của ông Kirk không phải là những người giàu có hay có học thức quá cao, ông Kirk ghi nhận rằng cha ông chỉ học đến lớp sáu và đã làm nhiều công việc trước khi làm việc trong ngành đường sắt suốt phần lớn cuộc đời. Tuy nhiên, ông cho rằng sự tương tác với gia đình chính là một trong những yếu tố quan trọng đã “chuẩn bị” cho ông đối mặt với thế giới đầy sóng gió sau này.
Sự hiện diện của cha ông có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong sự chuẩn bị này. “Tỉnh táo, tận tụy, luôn dịu dàng và trung thực trong lời nói, có lẽ ông đã trải qua những giờ phút hạnh phúc nhất khi nằm bên cạnh con trai nhỏ dưới bóng cây sồi lớn gần hồ nước,” ông viết về cha mình. Một sự tương phản rõ rệt với những chỉ dẫn ngày nay, khuyến khích chúng ta dành vô số giờ đồng hồ tìm kiếm vinh quang, sự giàu có và sự phát triển bản thân! Trái lại, cha của ông Kirk chứng minh rằng một trong những thành tựu lớn nhất mà chúng ta có thể đạt được trong đời là làm việc trung thành trong một công việc bình thường để nuôi sống con cái, một công việc không chiếm quá nhiều năng lượng tới nỗi chúng ta không thể dành thời gian chất lượng với lũ trẻ.
Tương tác với gia đình mở rộng

Ngoài thời gian bên cha, ông Kirk còn dành rất nhiều thời gian bên ông nội, Frank Pierce.
“Ông Pierce không có những người bạn thân trong thế hệ của mình,” ông Kirk viết. “Ông trò chuyện và đi dạo với chính cháu trai của mình”. Cả hai đi bộ qua các ngọn đồi và thung lũng, nói về những khái niệm như sự tiến bộ, những bất công trong Richard II, khao khát sự bất tử, ý nghĩa của những giấc mơ, lý do tại sao biển lại sôi sục và liệu lợn có cánh không. Tuy nhiên, chính qua tấm gương chứ không phải qua lời nói, ông Pierce đã dạy cho cậu bé về lòng từ bi và sức mạnh tinh thần”.
Ngày nay, trẻ em ngày càng hiếm khi có cơ hội giao lưu thường xuyên với ông bà hay với thế hệ trước. Tình trạng này chủ yếu là do sự mất mát của cộng đồng và lịch trình bận rộn của các gia đình, cũng như xu hướng ngày càng xa cách giữa cha mẹ và con cái trưởng thành cùng với gia đình riêng của họ.
Ông nội của ông Kirk rõ ràng đã mở ra cho ông những suy nghĩ sâu sắc, trí tuệ và phẩm hạnh. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có cho phép con cái mình có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với ông bà để chúng có thể học hỏi những kiến thức tương tự? Và ngược lại: ông bà có tận dụng thời gian và ảnh hưởng của mình để chăm sóc và nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ thơ quanh mình không? Trí tuệ của thế hệ đi trước là vô giá.
Tiếp xúc thường xuyên với sách

Sách là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông Kirk, vừa nhờ vào sự giới thiệu của ông nội, vừa nhờ vào những cuốn sách có trong nhà ông. Một điều thú vị là, ông Kirk bắt đầu đọc một mình khi lên 7 tuổi, nhờ vào thời gian đáng kể mà mẹ ông dành để đọc sách cho ông nghe, một hành động mà ông Kirk cho là lý do giúp ông có vốn từ vựng phong phú. Ông đã học đọc trong hai tuần, nhờ vào nền tảng mà mẹ đã đặt ra trong những năm tháng trước đó.
“Đọc sách to lên là một trong số ít những điều thỏa mãn mọi yêu cầu về sức khỏe xã hội, cảm xúc và tinh thần,” một bài viết của NPR giải thích, trong đó Keisha Siriboe, chuyên gia tư vấn về việc dạy đọc cho trẻ em, nói về việc “đọc sách to có thể giúp mọi người quản lý căng thẳng, hy vọng và khả năng phục hồi”. Mẹ của ông Kirk không hề biết rằng bà đang tận hưởng những lợi ích của việc đọc sách to, nhưng chúng ta có làm vậy không? Nếu không, chúng ta đang bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời để gắn kết và giúp con cái mình trong việc học hỏi và kiến thức sau này.
Tự do khám phá

Ngày nay, rất nhiều trẻ em bị bao bọc trong một chiếc kén và được giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng chúng không làm tổn thương bản thân.
Điều này không xảy ra với ông Kirk. Ông được tự do khám phá và học hỏi qua hành động:
“Ông chơi và đánh trận giả với những cậu bé khỏe mạnh ở khu phố dưới, gọi chúng là các hiệp sĩ của Bàn Tròn và trang bị cho chúng kiếm gỗ và áo giáp bìa cứng. Tại ngân hàng của ông nội, ông đóng dấu vào mặt sau của những tấm séc và thậm chí được phép chất các hộp bảo mật trong két sắt như thể đó là các khối xây dựng”.
Bao nhiêu lần chúng ta cho phép con cái mình chơi tự do và phát huy trí tưởng tượng, hoặc để chúng tham gia cùng chúng ta trong khi chúng ta làm việc, và vô thức học hỏi những kỹ năng và công việc của người trưởng thành? Làm như vậy, con cái chúng ta sẽ có được sự độc lập và tò mò giúp chúng sau này dám đối mặt với những thử thách mà những đứa trẻ ngày nay, bị cuốn vào các màn hình, sẽ không bao giờ mơ tới.
Tóm lại, mặc dù chúng ta muốn mang đến cho con cái những cơ hội tốt nhất để thành công, nhưng chính những điều đơn giản bị lãng quên thường giúp chúng có lợi thế trong cuộc sống. Liệu chúng ta có hy sinh thời gian của mình để thực hiện những điều đơn giản này? Nếu không, con cái chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc bắt kịp những gì chúng đã bỏ lỡ.
Theo Epoch Times
Thanh Ngọc biên dịch