Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Tần vương đại nộ: “Ngươi thông minh vậy, có thực lực vậy, thế thì ngươi ra tiền tuyến đi”. Bạch Khởi nói: “Tôi đã sắp chết rồi”. Rốt cuộc Bạch Khởi có bệnh không, có thể là ông ta bị bệnh thật, nhưng ở đây Bạch Khởi có giận Tần vương…
Tần vương cho rằng ông không đối phó được trước mặt Bạch Khởi, nên ông lập tức thu lại tước vị Vũ An Quân của Bạch Khởi. Sau khi thu hồi, ông nói với Bạch Khởi: “Ta cho ngươi sung quân đến một nơi gọi là Âm Mật” (nay thuộc huyện Linh Đài, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc), chính là một nơi rất hoang vu lạnh lẽo.
Bạch Khởi nói: “Tôi đã bệnh, tôi đi không được”. Tần vương nói: “Ngươi phải lập tức đi ngay, hôm nay phải đi”. Bạch Khởi không còn cách nào khác buộc phải ngồi dậy, sau đó mang theo hành lý rồi đi đến Âm Mật. Cách đô thành Hàm Dương 10 dặm có một nơi gọi là Đỗ Bưu. Bạch Khởi để hành lý ở Đỗ Bưu rồi nghỉ ngơi một chút.
Lúc đó Phạm Thư nói với Tần vương: “Bản sự của con người Bạch Khởi này rất là lớn, lần này để ông ấy đi đày, trong tâm ông ta sẽ rất oán giận. Nếu chư hầu nhân lúc ông ta tức tối như vậy, họ chiêu mộ ông ta về nước họ, để ông ấy lãnh binh đánh Tần, thì đây sẽ là uy hiếp lớn nhất đối với nước Tần ta”.
Tần vương nghe xong, lập tức phái người đưa bảo kiếm cho Bạch Khởi.
Bạch Khởi khi đó tay rút kiếm nói một câu: “Thỏ khôn chết, chó bị nấu. Ta vì nước Tần đánh hạ bảy mươi mấy thành trì… Việc ta nên làm thì ta đã làm rồi, cho nên Tần vương muốn ta chết”.
Ông cầm kiếm đầy oán trách, nhưng trước khi lâm chung, ông đột nhiên tỉnh ngộ: “Hỡi ôi, con người ta đây xác thực đáng chết. Khi đó trong trận chiến Trường Bình, 40 vạn quân Triệu đều là người vô tội, ta trong một đêm mà chôn sống họ. Hôm nay ta chết đã muộn rồi…”. Thế là ở nơi Đỗ Bưu, Vũ An Quân cầm kiếm tự vẫn.
Bạch Khởi dùng binh đánh trận ‘không trận nào là không thắng’. Xem trong “Sử ký – Bạch Khởi, Vương Tiễn liệt truyện” có thể thấy Bạch Khởi đánh trận chưa từng thua, ông vì nước Tần đánh hạ bảy mươi mấy thành trì, nhưng ông lại giết người quá hung ác tàn nhẫn. Có những lần là: chém đầu 24 vạn, chém đầu 13 vạn, chém đầu 5 vạn, dìm chết 2 vạn quân ở sông… Cuối cùng trong trận chiến Trường Bình, trong chốc lát đã giết 40 vạn quân Triệu. Chúng ta tính sơ sơ, số binh sĩ đối phương bị Bạch Khởi giết khi đánh trận đã lên đến hơn 80 vạn (800 nghìn người).
Lão Tử từng giảng câu này: “Người mà thích sát nhân, không thể đắc chí (hợp ý) của thiên hạ”. Đối với Bạch Khởi mà nói, đây đã không còn là vấn đề có đắc được ý chí thiên hạ hay không nữa rồi. Ông dùng mạng mình để trả vẫn chưa hết, còn phải trả thêm ác nghiệp sát nhân nữa.
Trong “Đông Chu liệt quốc chí” ghi lại, vào những năm cuối triều đại nhà Đường, có một lần Trời đánh sét xuống, sét đánh chết một con bò, trên bụng con bò có hai chữ Bạch Khởi, chính là nói Bạch Khởi giết người quá nhiều, sau khi chết mấy trăm năm còn phải nhận ác báo thành súc sinh rồi bị sét đánh chết.
Tần Chiêu Tương Vương sau khi giết Bạch Khởi, lại điều thêm binh để tấn công đô thành Hàm Đan của nước Triệu. Ông muốn hạ Hàm Đan nhưng không được. Bình Nguyên Quân Triệu Thắng của nước Triệu chuẩn bị cầu cứu nước Sở. Sở là nước lớn, hơn nữa ở phía nam nước Tần.
Bình Nguyên Quân khi đó chuẩn bị 20 người cùng ông đến nước Sở cầu cứu, ông tìm ở trong nhà mình. 20 người đi cùng ông nhất định phải có cả văn lẫn võ, là người văn võ song toàn. Chọn tới chọn lui, ông chọn được 19 người, chưa tìm thấy người thứ 20.
Lúc này dưới thềm có một người đứng lên, ông ta nói: “Nếu không đủ thì tôi sẽ gom vào cho đủ số”. Người này chính là Mao Toại. Câu thành ngữ ‘Mao Toại tự tiến cử’ chính từ đây mà ra.
Triệu Thắng nhìn Mao Toại rồi hỏi: “Ông đến nhà ta bao lâu?”. Mao Toại đáp: “Đã ba năm rồi”. Triệu Thắng nói: “Một người hiền ở chỗ ta đây, giống như từng cái dùi từng cái dùi đặt trong túi, mũi dùi sẽ lập tức lộ ra. Ông ở nhà tôi đã ba năm, tôi lại chưa nghe tên ông, xem bộ dạng ông có thể không có năng lực gì. Ông không nên đi, hãy ở lại đây thôi”.
Mao Toại nói: “Ngài trước giờ chưa đặt tôi bỏ vào túi. Ngài nếu đặt tôi vào, không cần nói lộ mũi dùi, có lẽ cả cái dùi sẽ… rớt ra luôn ấy”. Bình Nguyên Quân cảm thấy người này nói chuyện rất hài hước, hơn nữa phản ứng lại rất nhanh, thế là ông quyết định mang theo Mao Toại cùng đi.
Bình Nguyên Quân mang 20 người đến nước Sở. Ven đường, 19 người khác đều coi thường Mao Toại, bởi vì Mao Toại vừa nghèo vừa không có danh, nhưng sau khi nói chuyện mới phát hiện con người Mao Toại này rất có đẳng cấp.
20 người sau khi đến nước Sở, Bình Nguyên Quân Triệu Thắng đàm luận với Sở vương làm thế nào để cứu nước Triệu. Sở vương nói: “Ta tại sao phải đi? Nước Tần vốn dĩ đánh Sở, nếu ta đi thì nước Tần sẽ quay lại đánh ta, ta chẳng phải là ‘con dê thế tội sao’ (1)?”. Nói tới nói lui, nói từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời đứng bóng, Sở vương vẫn không muốn cứu Triệu.
19 môn khách ở dưới khi này mới nhìn Mao Toại nói: “Ông lên đi”. Mao Toại bèn đến trước mặt Sở vương nói: “Sự việc hợp tung cần hai ba câu là nói rõ rồi, làm thế nào mà nói từ sáng đến trưa, đến bây giờ vẫn chưa nói rõ?”.
Khi đó Sở vương rất tức giận mới quát Mao Toại: “Ngươi là ai? Ta hiện tại đang nói với chú của Triệu vương, ngươi sao lại đến đây làm loạn chúng ta?”. Mao Toại đến trước mặt Sở vương, rút kiếm ra rồi nói: “Ngài mắng tôi làm gì, ngài cho rằng quân đội nước Sở rất mạnh, ngài cho rằng ngài có trăm vạn binh sĩ, đúng vậy không? Hôm nay Mao Toại đứng trước mặt ngài, một trăm vạn binh sĩ cũng không cứu được vì tính mệnh đại vương đang nằm trong tay tôi”.
Ý tứ là nếu ngài không hợp tung, hôm nay tôi sẽ liều chết với ngài. Ông nói với Sở vương vô cùng nghiêm túc: “Nước Sở với năm ngàn dặm đất, tướng sĩ nhiều trăm vạn. Với binh sĩ và đất đai như vậy, đây thật sự là vốn liếng để xưng bá thiên hạ. Nhưng nước Sở lại như thế nào đây? Quá yếu nhược vô năng”.
Ông nói thêm rằng: “Bạch Khởi, bầy tôi nhỏ bé của nước Tần, thống lĩnh mấy vạn quân, khởi binh đánh Sở, trong một trận lấy được hai vùng Yên – Dĩnh, lại còn đốt được Di Lăng, trận thứ ba đã vũ nhục được tổ tiên của đại vương, oán khí bách tính khắp nơi. Ngay cả chúng tôi nhìn vào đều lấy làm thẹn, nhưng ngài lại không biết xấu hổ. Hôm nay chúng ta hợp tung không chỉ vì nước Triệu mà cũng là vì danh dự nước Sở”.
Sở vương nói: “Ngươi nói đúng”. Kỳ thực chúng ta sẽ cảm thấy một mặt Sở vương bị kích động, mặt khác là có thể ông sợ thanh bảo kiếm đang nằm trong tay Mao Toại. Mao Toại nói tiếp: “Ngài đã hạ quyết tâm chưa?”, Sở vương nói: “Đã hạ quyết tâm rồi”.
Mao Toại vẫn cầm kiếm không rời nói: “Nay hãy đem bát huyết của gà, chó, ngựa lại đây”.
Quá khứ khi các nước liên minh với nhau, phải lấy máu bôi vào miệng, quốc vương bôi máu ngựa hoặc máu bò, Đại phu bôi máu chó, người không có tước vị giống như Mao Toại đâu thì bôi máu gà. Cho nên khi đó lấy máu gà, chó, ngựa bôi lên, gọi là ‘uống máu kết liên minh’. Sau đó nước Sở đã xuất binh giúp nước Triệu.
Mao Toại lúc đó còn châm biếm 19 môn khách còn lại. Khi uống máu kết liên minh, ông kêu 19 người lại, nói: “Mọi người đều tới đây, chúng ta hãy cùng nhau lau hết máu trên miệng”. Ý tứ là các bạn không có máu trên miệng để lau, chỉ có tôi là vượt trội thôi.
Lời bạch: Bạch Khởi bị bức phải tự vẫn ở Đỗ Bưu. Tần vương tiếp tục tăng binh để tấn công Hàm Đan. Triệu vương vô cùng lo sợ mới phái sứ giả cầu cứu các chư hầu. Chú của Triệu vương là Bình Nguyên Quân đi sứ đến Sở, Mao Toại tự tiến cử và đã thuyết phục được Sở vương đồng ý thiết lập liên minh hợp tung. Thế là Sở vương phái Xuân Thân Quân Hoàng Hiết lãnh 8 vạn sĩ tốt đến cứu Triệu, đồng thời Nguỵ vương cũng lệnh cho Tướng quân Tấn Bỉ đem 10 vạn quân tiến về Hàm Đan. Vậy thì liên quân chư hầu có thắng được quân Tần không?
Kỳ thực liên quân chư hầu căn bản không phát sinh bất cứ trận chiến nào với quân Tần. Vì sao vậy? Bởi vì khi đó Tần vương nghe nói quân cứu viện của chư hầu sắp đến, ông mới đến Hàm Đan thị sát và hạ một mệnh lệnh: “Hiện tại quả nhân tấn công Hàm Đan, trong sớm tối sẽ hạ được Hàm Đan. Nếu có chư hầu nào muốn cứu viện Hàm Đan, quả nhân sẽ hướng binh tấn công nước đó, ai muốn cứu Hàm Đan, ta sẽ tấn công người ấy”.
Kết quả Xuân Thân Quân Hoàng Hiết dẫn 8 vạn quân Sở tới vùng Vũ Quan (chính là huyện Đan Phượng tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc ngày nay), đóng quân ở đó mà không dám tiến tiếp nữa.
Vua Nguỵ chính là Nguỵ An Hy Vương nghe Tần vương nói cứng rắn như vậy, lập tức phái người đuổi theo quân Tấn Bỉ. Thế là Tấn Bỉ mang 10 vạn đại quân đóng tại Nghiệp Thành (nay là huyện Lâm Chương tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), kề sát với Hà Nam. Quân của Tấn Bỉ cũng không tiến tiếp nữa.
Cho nên nước Triệu sa vào cảnh ngộ: một nước cô thế đối chọi với nước Tần hùng mạnh. Khi nước Tần tấn công nước Triệu, hình thế nước Triệu có rất nhiều nguy hiểm, lão bách tính trao đổi con cái để ăn, không có rơm củi thì dùng xương người để đốt, cho nên gọi là ‘trao đổi con để ăn, dùng xương người để đốt’ (Dịch tử xuy cốt nhi thực – 易子炊骨而食). Tình cảnh bấy giờ vô cùng thê thảm.
Có một người tên là Lý Đồng đi bái kiến Bình Nguyên Quân Triệu Thắng. Lý Đồng nói: “Công tử à, hiện tại nước Triệu đã nguy hiểm như thế này, lão bách tính đều ‘trao đổi con để ăn, dùng xương người để đốt’, nhưng ngài xem trong gia đình ngài, mỹ nhân trên trăm người, y phục mặc toàn là gấm lụa, ăn cơm trắng với thịt heo, nhưng bách tính thì ngay cả quần áo vải thô cũng không có mà mặc, ngay cả thịt cũng không có mà ăn, nước Triệu như thế liệu có giữ vững được không? Trên dưới không đồng lòng! Tôi kiến nghị ngài hãy lấy tiền trong nhà ngài, lương thực có trong kho, hãy lấy thứ đó phân phát cho quân đội, như thế quân đội mới có thể phục vụ quên mình”.
Thế là Bình Nguyên Quân Triệu Thắng lấy hết tất cả tiền trong nhà phân phát hết, tất cả mọi người từ phu nhân của ông trở xuống đều biên chế vào quân đội, dù là đi may áo hay sửa thành, dù thế nào cũng phải giúp đỡ việc phòng thủ thành trì, chính là thu phục lòng dân như thế.
Triệu Thắng lại chiêu mộ ba nghìn binh sĩ cảm tử, lúc nửa đêm từ trên thành đu dây xuống, sau đó tập kích đại doanh nước Tần. Nước Tần đánh Hàm Đan xưa nay chưa gặp tình huống như vậy, đang ngủ lúc nửa đêm đột nhiên bị mấy ngàn lính cảm tử tấn công đại doanh. Ngay lập tức quân Tần bị làm cho sợ khiếp vía, đành rút lui 10 dặm. Ba ngàn lính cảm tử, trên cơ bản toàn bộ đều tử trận, người dẫn đầu Lý Đồng bị trọng thương mà chết.
Phương thức tấn công cảm tử đó chỉ có thể bẻ gãy một chút sĩ khí của quân Tần, về cơ bản không thể giải quyết được mối nguy hiểm của thành Hàm Đan, cũng không thể khiến quân Tần thoái binh. Vậy trong trận chiến khốc liệt này, đô thành Hàm Đan của nước Triệu có giữ lại được không, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo “Thiết phù cứu Triệu” (trộm phù hiệu cứu nước Triệu).
Chú thích:
(1) Nguyên gốc là Bối hắc oa – 背黑鍋: phần đen sau nồi, nhọ nồi trực tiếp đối diện với lửa, ở đây dịch là ‘con dê thế tội’.
Theo Epoch Times
Mạn Vũ biên dịch