Một loạt doanh nghiệp Trung Quốc, từ các công ty sản xuất cho đến các công ty vận tải biển, đều cảm nhận được tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại.

Theo Nikkei, căng thẳng thương mại leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản làm ăn khó khăn hơn.

Kết quả khảo sát mới đây cho thấy khoảng 50% số doanh nghiệp lớn của Nhật Bản công bố lợi nhuận gây thất vọng trong quý II và quý III/2018. Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng không đạt chỉ tiêu lợi nhuận.

Ông Yoshimaro Hanaki, Chủ tịch công ty thiết bị máy móc Okuma, cho biết lượng hàng xuất sang Trung Quốc của công ty thời gian gần đây đã giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Okuma cho thấy lợi nhuận của công ty trong vòng 6 tháng tính đến hết tháng 9/2018 đạt 7,9 tỷ Yên (tương đương 70 triệu USD), tăng 36% so với cùng kỳ, nhưng lại thấp hơn 500 triệu Yên so với mục tiêu đặt ra.

Tổng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp Nhật Bản trong quý III chỉ tăng 0,5%. Trước đó, con số này đã tăng trưởng 2 con số trong 7 quý liên tiếp.

Trong thời gian từ tháng 4 đến cuối tháng 9/2018, tức nửa đầu năm tài khóa, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ đạt 5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 23% của cùng kỳ năm trước.

“Bóng ma” của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã tác động mạnh mẽ đến ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. 6/8 doanh nghiệp thuộc tập đoàn Toyota Motor công bố lợi nhuận sụt giảm. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc thông qua việc tăng thuế với thép và nhôm đã khiến lợi nhuận của Toyota giảm khoảng 7 tỷ Yên và lợi nhuận của Denso giảm 5 tỷ Yên.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tăng trưởng chậm lại do chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại. So với cùng kỳ, lợi nhuận ròng của khoảng 3.500 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Trung Quốc chỉ tăng 7% trong quý III/2018, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận 23% của quý trước đó.

Rất nhiều công ty Trung Quốc đang kinh doanh khó khăn, từ các công ty sản xuất cho đến các công ty vận tải biển đều cảm nhận được tác động tiêu cực bởi căng thẳng thương mại. Các doanh nghiệp trong ngành hàng không còn phải đối mặt với tình trạng đồng Nhân dân tệ mất giá. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ô tô và kinh doanh bán lẻ gặp khó khi niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đang rất yếu buộc họ phải thắt chặt chi tiêu.

Lợi nhuận ròng của hãng hàng không China Southern Airlines đã giảm tới 52%. Chi phí nhiên liệu và nhiều loại chi phí khác được tính bằng đồng USD, trong khi đồng Nhân dân tệ mất giá đã khiến hãng bay này phải chấp nhận thiệt hại tỷ giá lên đến 2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 290 triệu USD) trong 9 tháng đầu năm.

Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, cũng không thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Kết thúc tháng 9, Alibaba đạt doanh thu 12,4 tỷ USD, tăng 54% so với năm trước, thấp hơn dự kiến của các nhà phân tích. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đã chững lại buộc Alibaba hạ dự báo doanh thu khoảng 5%.

Theo New York Times, kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu mất đà tăng trưởng. Việc hạ kỳ vọng doanh thu của Alibaba cho thấy đà giảm tốc bắt đầu ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm cả tầng lớp trung lưu đang tăng của quốc gia này.

Vỹ An (Tổng hợp)