Dự kiến, ngân hàng sữa mẹ đạt chuẩn quốc tế tại bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM) sẽ đi vào hoạt động vào quý I năm 2019.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức FHI360, chương trình Alive and Thrive, bệnh viện Từ Dũ đang trong giai đoạn nước rút để có thể chính thức đi vào hoạt động ngân hàng sữa mẹ, theo Đời sống Việt Nam.

Hằng năm, tại bệnh viện có hơn 66.000 ca, trong đó khoảng 12.000 trẻ sinh non khao khát nhận được sữa mẹ. Tuy nhiên, do nguồn sữa mẹ không có sẵn, nên các bé phải uống sữa công thức ngay từ khi còn nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh, bệnh viện Từ Dũ chia sẻ Thanh Niên, ước tính tại bệnh viện cần 14 lít sữa mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu cho các trẻ sơ sinh điều trị tại khoa sơ sinh.

Để có nguồn sữa mẹ cung cấp cho Ngân hàng sữa mẹ, bệnh viện sẽ vận động các bà mẹ có tinh thần thiện nguyện và đủ điều kiện sức khỏe hiến tặng.

Bệnh viện sẽ xét nghiệm sữa hiến tặng trước và sau khi thanh trùng. Lưu trữ và phân phối sữa mẹ theo những quy trình chặt chẽ đảm bảo an toàn và vệ sinh. Sữa mẹ hiến tặng chưa được thanh trùng được trữ đông -200 độ C, tối đa 3 tháng và sau khi thanh trùng được trữ đông -200 độ C, tối đa 6 tháng.

Theo số liệu về nuôi con bằng sữa mẹ của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh là 76,2%; tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi là 19,6%.

Bác sĩ Từ Anh cũng cho biết thêm, trẻ được bú sữa mẹ mang lại lợi ích cho cả con và mẹ. Với con thì sẽ ít bị các bệnh nhiễm trùng, ít bị tiêu chảy, viêm phổi, ít bị béo phì, khi trưởng thành giảm nguy cơ bị các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp. Lợi ích cho mẹ khi cho con bú sẽ giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng.

Vì thế, trẻ ngay sau sinh nên cho bú càng sớm càng tốt, đặc biệt trong vòng 1 giờ đầu. Để có sữa mẹ nhiều, đặt bé nằm trên người mẹ liên tục trong vòng 48 giờ đầu sau sinh để kích thích sữa mẹ mau về. Cho bé bú ngay cả khi chưa cảm thấy có sữa về, ít nhất 3 giờ/lần.

(Tổng hợp)