Cả năm mới có một dịp tết để sum họp đoàn viên bên gia đình, người thân. Dù đi xa tận đâu, làm công việc gì, bận rộn như thế nào thì tết đến là đều háo hức trở về. Thế nhưng, không ít bạn trẻ vì bị “ám ảnh” bởi những câu hỏi “năm nào cũng giống nhau” của người thân, hàng xóm mà sợ phải về nhà.
Cả năm học hành, làm việc mệt mỏi, ai cũng chỉ mong đến dịp Tết để được tung tăng, được gặp gỡ những người mình yêu quý. Tưởng chừng Tết là những ngày hạnh phúc viên mãn nhất, tuy nhiên cũng có những vấn đề nảy sinh khiến bạn phải đau đầu. Và sau đây chính là những câu hỏi tưởng chừng chu đáo quan tâm nhưng thực chất rất… thiếu tế nhị khi dồn người trẻ vào tận cùng bế tắc đến mức không biết nói gì.
Đang làm ở đâu? Lương được bao nhiêu?
Trước những kỳ vọng của người thân và gia đình, công việc của các bạn trẻ gần như “chưa thấm vào đâu”. Vốn đã rất mệt mỏi khi phải đối mặt với áp lực lớn để trụ chân ở thành phố, lại thêm những kỳ vọng của gia đình, nhiều bạn trẻ có suy nghĩ “Không còn mặt mũi nào mà về” , và dù rất muốn sum vầy với ông bà, cha mẹ, anh em nhưng họ lại sợ tết vô cùng.
Mỗi lần về nhà, mình nhận được hàng chục câu hỏi về lương. “Lương bao nhiêu, cao lắm à?”. Thậm chí có người còn hỏi ba lần, khiến mình rất khó xử” – Lê Bích Ngọc (22 tuổi, Phú Thọ) chia sẻ.
“Đáng sợ nhất là những người hỏi lương có cao không. Đây là câu hỏi rất khó trả lời. Thế nào là cao, và không cao thì sao? Mỗi lần nghe câu hỏi đó, mình cảm thấy rất không thoải mái” – Ngọc nói thêm.
Hương Thảo (22 tuổi, Hải Phòng) cho biết, cô cũng đau đầu mỗi lần người nhà hỏi: “Đã được vào chính thức chưa?”. “Thời điểm mà công việc chưa ổn định, những câu hỏi như vậy rất khó trả lời. Gặp ai cũng nhận câu hỏi như vậy, khiến mình cảm thấy mệt mỏi hơn rất nhiều”.
Rõ ràng những câu hỏi về công việc, lương bổng còn khó hơn cả toán đố và luôn khiến các bạn trẻ phải đau đầu. Trả lời nhiều không được, ít cũng chẳng xong, bảo: “Cháu mới đi làm, lương chẳng được bao nhiêu đâu” thì người ta lại cười nhạt. Các bác muốn cháu phải nói sao?
“Đi làm xa thế? Sao không về nhà làm?”
Việc lựa chọn công việc cũng nằm trong tầm ngắm của người hỏi. Việc làm ở thành phố nào, tại sao không làm ở quê cũng trở thành chủ đề “chất vấn”.
Ngoài ra, những câu hỏi như làm cụ thể chỗ nào cũng khiến người nghe đau đầu. Đa phần các bạn trẻ cho biết, người quen thường hỏi “Công ty ấy tên gì?”, nhưng khi nhận được câu trả lời thì lại không biết.
Thậm chí, có trường hợp các bạn trẻ bị “ép” giải thích cụ thể đang làm gì, nhưng kết quả nhận về lại chỉ là những câu như: “Tưởng mày làm cái gì. Có mỗi thế thôi thì về quê mà làm!”
Người trẻ luôn muốn trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội. Họ rất mong được tôn trọng những chuyện riêng tư cá nhân, nhưng những lời nói thiếu khích lệ từ người lớn không chỉ khiến các bạn không muốn chia sẻ mà còn cảm thấy đang bị soi mói, phán xét.
“Không dẫn bạn trai về à? Bao giờ lấy chồng?”
Có lẽ đây là câu hỏi ám ảnh nhất, đáng sợ nhất đối với các bạn đã “đến tuổi cập kê”. Quả thực, tết nhất, câu hỏi “bao giờ lấy chồng” còn sợ hơn cả tăng cân hay không có lì xì và tất cả các câu hỏi “khó chịu” khác gộp lại!
Thực ra, có trăm ngàn lý do để các cô nàng vẫn FA, hoặc là họ đã có đối tượng nhưng chưa muốn công khai, nhưng tất cả mọi người đều quy chụp rằng đã “ế”, thậm chí các bạn gái còn bị gọi là “quả bom nổ chậm”, “chiếc quạt điện mùa đông để đâu cũng thấy vướng” hay “hàng tồn kho mất chìa khóa”….
Những câu nói đùa vô tâm hay sự quan tâm quá mức cần thiết này thường mang lại sự khó chịu cho nhiều bạn trẻ. Cũng bởi thế, với nhiều bạn, mùa Tết dù chưa tới đã trở nên… mất vị. Mới hai mươi mấy tuổi đầu, còn quá nhiều việc phải lo, phải làm, phải mơ ước, chưa yêu thì có làm sao chứ? Một mình vẫn vui vẻ, vẫn xinh tươi rạng rỡ cơ mà!
Vài năm gần đây, giới trẻ rộ lên trào lưu du lịch ngày Tết. Không ít chàng trai, cô gái chọn “xách ba lô lên và đi” trong thời điểm sum họp gia đình, một phần cũng là để tránh những câu hỏi “nhạy cảm”; bởi không ai muốn dành những ngày nghỉ để nghe giới thiệu về những ứng cử viên xem mặt, kể về chuyện nhà hàng xóm đã con bồng cháu bế hay tư vấn, góp ý chuyện tình cảm cá nhân.
Nhưng mà, bạn trẻ à, thế giới rộng lớn ngoài kia, mỗi một người mà chúng ta gặp, mỗi cung đường chúng ta qua, rốt cuộc đều dạy cho chúng ta về nỗi nhớ, về tình yêu, về ý nghĩa của đoàn tụ và sum vầy. Vậy nên, dù “đau đầu” như thế nào thì tết cũng nhớ về nhà nhé. Cha mẹ, họ hàng và cả những người hàng xóm, họ đều quan tâm và mong muốn những điều tốt nhất cho bạn, chỉ là họ quá lo lắng và chưa biết thể hiện tình cảm như thế nào mà thôi.
Bởi vì hạnh phúc của mỗi người sẽ đến vào những thời điểm khác nhau, nhân duyên vốn rất tình cờ, theo cách tự nhiên nhất mà không cần cưỡng cầu nên hãy tự tin đón một cái tết “độc thân vui vẻ” nhé!
Hiểu Minh