Chiếc cặp chống gù huyền thoại Randoseru đã trở thành vật bất ly thân của học sinh tiểu học ở Nhật và nằm trong danh sách đồ dùng học tập không thể thiếu khi trẻ em bắt đầu đi học. Hình ảnh những trẻ em Nhật đeo trên vai chiếc ba lô vuông vắn đã trở nên quá phổ biến không chỉ ở khắp các đường phố Nhật Bản mà còn được thế giới biết đến rộng rãi qua phim, ảnh, truyện tranh.

Trang phục cố định khi đến trường của học sinh tiểu học Nhật Bản

Học sinh tiểu học Nhật Bản có trang phục cố định khi đến trường. Đó là mũ vành tròn và chiếc cặp sách bằng da căng phồng được gọi là Randoseru. Thông thường, các lớp nhỏ ở tiểu học sẽ đội mũ màu vàng, đeo cặp có lớp bọc ngoài màu vàng. Điều này là để khi trẻ đi trên những con đường rải nhựa màu đen, những người lái xe sẽ dễ nhìn thấy và phòng tránh được tai nạn. Thêm vào đó, cần có mũ để bảo vệ đầu cho trẻ khi chẳng may bị vấp ngã.

Trẻ em Nhật Bản vào nhà trẻ ngay khi các bé vừa biết tự đi đứng được một mình và các phụ huynh nhận được yêu cầu phải chuẩn bị mũ cho con. Nó đơn giản chỉ là chiếc mũ vải có đính quai đeo bằng dây chun nên có thể nhiều phụ huynh ngoại quốc sẽ hoài nghi về tác dụng bảo vệ của nó. Nhưng người Nhật quan niệm rằng, mũ có rất nhiều tác dụng như giúp phòng được việc say nắng, bảo vệ đầu cho bé nên các bậc cha mẹ cũng không thể không đội cho con. Tại Nhật, quy định về an toàn nhà trẻ rất nghiêm, tới mức chỉ cần không đội mũ thì trẻ cũng không được lên chơi ở cầu trượt.

Dù trẻ em mẫu giáo hay tiểu học thì trên đường đi học hay vào giờ thể dục, trẻ em bắt buộc phải đội mũ. Đối với học sinh tiểu học ở mỗi khối lớp còn có màu mũ khác nhau để dễ phân biệt và chia thành các đội, nhất là trong các dịp như thi Hội khỏe thì điều này được áp dụng rất hiệu quả.

Những quy định định về việc đội mũ của trẻ em Nhật Bản đã lạ lùng rồi, nhưng trong ấn tượng của người nước ngoài, điều lạ lùng hơn chính là chiếc cặp của học sinh tiểu học. Ở nước ta, trẻ em đến trường thường dùng cặp có in hình nhân vật hoạt hình, siêu nhân và cũng có thể dùng các loại cặp nhẹ may bằng vải. Vậy nhưng tại Nhật thì trẻ em dù là lớp lớn hay lớp bé, dù là trường có mặc đồng phục hay cho mặc thường phục, tất cả học sinh đều đeo chiếc cặp da giống y như nhau mà đến trường.

Chiếc cặp Randoseru là hình ảnh quen thuộc của học sinh tiểu học Nhật Bản. (Ảnh: webstagram.one)

Lịch sử của chiếc cặp Randoseru

Chiếc cặp Randoseru có lịch sử khá lâu đời. Tương truyền rằng, ban đầu nó được lính Hà Lan đem đến Nhật vào thời Edo dùng làm túi đựng đồ quân dụng. Từ gốc tiếng Hà Lan là “ransel” nghĩa là ba lô, sau đó biến âm chuyển hẳn thành “randoseru”. Tại Nhật randoseru bắt đầu được dùng làm cặp cho học sinh từ những năm 1887. Thái tử Nhật Bản khi đó (sau này là Thiên hoàng Taisho) mới nhập học đã được thủ tướng đương thời Ito Hirobumi gửi chiếc cặp làm quà chúc mừng.

Thời đó, chiếc Randoseru làm bằng da có khắc hoa văn là một vật phẩm cực kỳ xa xỉ. Nó được coi là chiếc cặp của hoàng tộc và chỉ thịnh hành trong giới nhà giàu. Những năm về sau khi mức tăng trưởng kinh tế ở đỉnh cao, đời sống người dân trở nên dư dả, Randoseru bắt đầu được bán phổ biến trên thị trường.

Với lịch sử bắt đầu như vậy và kéo dài cho đến hiện tại, Randoseru đã trở thành danh từ chung để chỉ những món quà mà ông bà, cha mẹ và người thân tặng cho con cháu mình vào dịp tựu trường.

Tại sao tất cả trẻ em Nhật Bản đều đeo cặp Randoseru?

Rất nhiều người thắc mắc rằng ở trường tiểu học còn chưa mặc đồng phục, vậy mà lại có quy định về cặp sách sao? Điều đặc biệt là chiếc cặp này không dừng lại là nét đẹp văn hóa mà nó còn trở thành vật dụng không thể thiếu đối với học sinh tiểu học. Vậy đâu là lý do khiến chiếc cặp được cho là có tác dụng chống gù lưng đối với trẻ em lại nằm trong danh sách các vật dụng bắt buộc của trẻ em Nhật?

Thực ra, lúc đầu không hề có quy định nào về cặp sách tại các trường tiểu học cả. Trẻ có thể đeo bất kỳ loại cặp nào mình thích đi học cũng được, nhưng vì tất cả đều đeo cặp randoseru bằng da nên trước ngày nhập học tất cả các gia đình có con ở tuổi đến trường đều đi mua cặp randoseru cho con.

Học sinh Nhật Bản đến trường với chiếc cặp truyền thống. (Ảnh: teenage.by)

Với thiết kế chắc chắn và ưu việt, chiếc cặp Randoseru đặc biệt phù hợp với thói quen đi bộ tới trường của trẻ em Nhật. Như chúng ta đã biết, bắt đầu từ khi bước chân vào lớp 1 cũng là lúc trẻ em ở đất nước mặt trời mọc làm quen với việc tự đi bộ tới trường. Đây không chỉ là thói quen mà còn là quy định bắt buộc của hầu hết các trường tiểu học.

Khi vào lớp 1, trẻ em Nhật sẽ được phân vào các trường đảm bảo khoảng cách từ nhà tới trường đủ để các bé có thể tự đi bộ. Và từ ngày đầu tiên tới lớp, các em sẽ được hướng dẫn đi học, trở về nhà theo đúng tuyến đường quy định sẵn, khi quen, các em sẽ tự đi một mình.

Việc đi bộ tới trường đã trở thành thói quen và còn là niềm vui thích của trẻ em Nhật, cả trong những ngày thời tiết thuận lợi hay là ngày mưa gió, tuyết rơi. Nó là niềm tự hào của mỗi bé cho thấy mình đã trưởng thành và tự lập.

Hơn nữa, chiếc cặp chống gù Randoseru với kích thước rộng còn phù hợp để đựng toàn bộ đồ dùng học tập suốt một ngày dài như hộp cơm bento, nước uống, quần áo… của trẻ em Nhật khi đi học.

Chất liệu cặp randoseru hoàn toàn bằng da, bên trong được gia công chống vi khuẩn, chống mùi hôi, bên ngoài được gia công chống nước nên đi ngày mưa cặp không bị ướt. Phần quai cặp được thiết kế 3D, có thể điều chỉnh khi bé lớn lên từ lớp 1 đến lớp 6. Phần bề mặt cặp áp vào lưng có đệm êm giúp giảm lực tiếp xúc với lưng trẻ và có khả năng thấm hút mồ hôi.

Điều đặc biệt của chiếc cặp này chính là khả năng chống gù lưng nhờ thiết kế phần dây và lưng cặp. Cả dây đeo và phần tiếp xúc trực tiếp với lưng trẻ đều chắc chắn nhưng thông thoáng và mềm mại để tránh gây tổn hại đến cột sống trẻ, giúp trẻ tránh bị gù lưng. Dây đeo là dây balo dạng 3D giúp giảm sức nặng của đồ trên vai trẻ, tránh bị chảy xệ vai và tấm đệm phần lưng giúp trẻ không bị gù.

Cặp Randoseru được thiết kế rất tinh tế. (Ảnh: zixundingzhi.com)

Về màu sắc, cặp Randoseru truyền thống có hai màu đen và đỏ, nhưng hiện nay nó được sản xuất đa dạng cả về màu sắc, chất liệu và giá thành. Giá cả một chiếc cặp chống gù lưng không hề rẻ, ngay cả với các gia đình ở Nhật Bản thì việc mua cho trẻ một chiếc cặp này cũng là một khoản kha khá, dao động từ khoảng 8 triệu đồng đến hơn 20 triệu đồng. Người Nhật vốn tiết kiệm, hóa ra khi tiêu tiền cho trẻ con dù chỉ là một chiếc cặp đi học, họ cũng chi tiền khá mạnh tay như vậy.

Không chỉ phổ biến ở Nhật Bản mà ngày nay, cặp randoseru còn được bố mẹ nhiều nước trên thế giới tìm mua cho con, trong đó có Việt Nam. Ai cũng biết độ “hot” của nó trên thị trường nhưng ít ai biết hết được công dụng và lịch sử xuất hiện của nó ra sao.

Video xem thêm: Trong cuộc đời, điều gì mới là trân quý nhất?

videoinfo__video3.dkn.tv||4f7ddec95__