Nước Anh đang tích cực đẩy mạnh các thay đổi tương tự như những nỗ lực của các quốc gia phương Tây khác như Đức và Australia nhằm đối phó với nguồn đầu tư ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Chính phủ Anh đang lên kế hoạch đặt ra những quy định nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn sự kiểm soát của nước ngoài đối với các công ty nước này.
Kế hoạch này xuất phát từ những lo ngại cho rằng đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực như quốc phòng và công nghệ có tiềm ẩn nguy cơ đến an ninh quốc gia.
Theo các quy định mới, chính phủ sẽ mở rộng quyền hạn của mình để có thể điều tra các thỏa thuận, hợp đồng mà không cần quan tâm đến quy mô doanh thu hoặc thị phần của doanh nghiệp, đồng thời có quyền xem xét kỹ lưỡng bất kỳ giao dịch nào trên mọi lĩnh vực kinh tế.
Chính phủ cũng sẽ có quyền can thiệp khi một công ty muốn mua lại một bộ phận công nghệ đặc biệt hoặc một tài sản trí tuệ nào đó.
Hiện tại, chính phủ Anh chỉ có thể can thiệp nếu một thỏa thuận hoặc hợp đồng có sự tham gia của các công ty có thị phần từ 25% trở lên hoặc với giá trị giao dịch từ 70 triệu Bảng Anh trở lên. Đối với những công ty chế tạo công nghệ phục vụ lĩnh vực quân sự hoặc công nghệ lưỡng dụng, con số này được hạ xuống còn 1 triệu Bảng Anh.
Với các thay đổi như trên, Bộ Chiến lược Doanh nghiệp, Năng lượng và Công nghiệp của Anh kỳ vọng rằng mỗi năm chính phủ có thể điều tra khoảng 50 thỏa thuận, hợp đồng có liên quan đến an ninh quốc gia.
Quyết định làm nghiêm ngặt và chặt chẽ các quy định đầu tư nước ngoài đánh dấu sự thay đổi lớn hơn trong chính sách tại nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này, vốn từ lâu luôn là một trong những nền kinh tế mở nhất đối với các hoạt động liên doanh liên kết và sáp nhập trên toàn cầu.
Đầu tháng này, sau khi xem xét, cân nhắc các tác động tới an ninh quốc gia, Chính phủ Anh đã thông qua việc bán lại công ty Northern Aerospace cho Tập đoàn Gardner Aerospace Holdings Ltd do Trung Quốc sở hữu.
Năm ngoái, chính phủ Anh cũng đã thông qua việc bán công ty Sepura (chuyên sản xuất các thiết bị thu phát vô tuyến điện cho cảnh sát London) cho tập đoàn viễn thông Hytera Communications của Trung Quốc.
Kể từ khi trở thành Thủ tướng năm 2016, Thủ tướng Anh Theresa May đã cận cẩn trọng hơn đối với các thỏa thuận kinh tế.
Một trong những động thái đầu tiên của bà May trong tháng 7/2016 là cho tạm dừng dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Peescho có trị giá nhiều tỷ Bảng Anh do công ty EDF của Pháp xây dựng và phía Trung Quốc trợ giúp tài chính.
Tuy sau đó Thủ tướng Anh đã chấp thuận tiếp tục triển khai dự án, nhưng bà May khẳng định sẽ cẩn trọng hơn đối với các dự án đầu tư nước ngoài tương tự trong tương lai.
Việc thay đổi trong các quy định, điều khoản đầu tư nước ngoài nói trên diễn ra trong thời điểm chính phủ Anh đang cố gắng có cách tiếp cận tích cực hơn đối với các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và chuẩn bị đàm phán các thỏa thuận thương mại thời kỳ hậu Brexit.
Kiều Ngọc