Chiến tranh thương mại biến Thái Lan trở thành nơi trú ẩn hấp dẫn cho các công ty Trung Quốc trước các gói thuế quan của Mỹ.
Thái Lan sẽ chào đón 500 công ty Trung Quốc vào cuối tuần này và dự kiến sẽ ký hơn chục hợp đồng song phương liên kết đặc khu kinh tế tại Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc, theo Nikkei.
Động thái này sẽ đem lại lợi ích khổng lồ cho Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ đang leo thang. Đầu tư và sản suất tại Thái Lan sẽ cho phép các sản phẩm của Trung Quốc tránh được các mức thuế bổ sung cho chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt.
Stanley Kan, Chủ tịch phòng Thương mại, cho biết: “Đây là cơ hội mà các nhà đầu tư Trung Quốc đang tìm kiếm: một nơi ngoài Trung Quốc phục vụ cho sản xuất với khả năng cạnh tranh cao hơn nhằm chống lại các tác động của chiến tranh”.
Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Uttama Savanayana tiết lộ rằng các biên bản ghi nhớ này sẽ bao gồm một loạt các hoạt động biến EEC trở thành trung tâm của các ngành công nghiệp thế hệ mới và cũng cho phép kết nối với các đặc khu kinh tế ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam thông qua các cơ sở hạ tầng nằm trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
“Những gì chúng tôi sản xuất trong EEC sẽ được phân phối cho khu vực miền Nam của Trung Quốc – một thị trường rộng lớn với lượng người tiêu dùng khổng lồ”, ông Uttama nói.
Ông cho biết có 17 biên bản ghi nhớ đã sẵn sàng để ký vào cuối tuần này, bao gồm sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghệ thế hệ thứ năm và các dòng xe ô tô thế hệ mới.
Thái Lan muốn thu hút sự đầu tư của Trung Quốc vào đường sắt cao tốc dài 1.500 km kết nối giữa Băng Cốc và thành phố Côn Minh phía nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Uttama nhấn mạnh rằng việc mời Trung Quốc đầu tư không có nghĩa Thái Lan sẽ hoàn toàn bị chi phối bởi Trung Quốc.
Bộ trưởng Uttama cho biết: “Chúng tôi có luật rõ ràng để điều chỉnh EEC và nếu đầu tư của Trung Quốc không phù hợp với luật EEC, họ không thể đầu tư vào đó. Đây là chính sách nhằm bảo vệ Thái Lan khỏi sự kiểm soát. Và đây cũng là kế hoạch cùng nhau phát triển, không chỉ cho Thái Lan hay Trung Quốc mà còn cả các quốc gia khác trong khu vực”.
Một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Thái Lan nhận định các biên bản ghi nhớ này sẽ giúp các công ty Trung Quốc sản xuất hàng hóa ở Thái Lan và có thể tiến vào thị trường Mỹ một cách “trơn tru”.
Đây là lần thứ hai Thái Lan mở cửa cho một nhóm lớn các doanh nghiệp nước ngoài. Trước đó vào tháng 9/2017, nước này đã chào đón 600 công ty Nhật Bản đến với EEC trong kỳ vọng mang lại đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Theo ông Stankey Kang, đây không phải lúc để nghĩ đến việc Trung Quốc có tạo ra sức ảnh hướng quá lớn đến khu vực hay không mà đây là thời điểm để tận dụng lợi nhuận từ những gì Trung Quốc đang xây dựng.
“Điều này sẽ giúp tạo ra một cơ sở đa sản xuất trong khu vực. Không chỉ với mỗi Thái Lan mà còn cho cả khu vực”, ông Kang chia sẻ về BRI.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 3 của Thái Lan sau Nhật Bản và Singapore. Tuy trong năm 2017, tổng đầu tư của Trung Quốc vào Thái Lan chỉ ở mức là 838 triệu USD, nhưng Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan với tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa và dịch vụ lên tới 73,7 tỷ USD.
Kiều Ngọc