Trung Quốc có rất nhiều tiểu thuyết lịch sử, thậm chí có người nói còn miêu tả rằng “mênh mông như biển cả”. Nhưng cho tới bây giờ, không có bộ tiểu thuyết nào ăn sâu vào lòng người giống như “Tam Quốc diễn nghĩa”.
Vậy chủ đề của “Tam Quốc diễn nghĩa” là gì? Vì sao lại được nhiều người, nhiều đời lưu truyền nhau như vậy? Người già ngày xưa thường hay ngồi và lấy “ Tam Quốc diễn nghĩa” ra đàm luận, khen ngợi tình anh em kết nghĩa của “Lưu – Quan – Trương” (Lưu Bị – Quan Vũ – Trương Phi).
Điều khiến “Tam Quốc diễn nghĩa” trường tồn theo năm tháng
Vậy rốt cuộc “Tam Quốc diễn nghĩa” vì điều gì mà được lưu truyền từ thời đại này qua thời đại khác lâu như vậy? Chẳng lẽ chỉ vẻn vẹn là vì những cuộc “đấu trí, so dũng” thôi sao? Hay là vì điều gì thâm thuý ẩn giấu bên trong tác phẩm này?
Kỳ thực, tác giả La Quán Trung đã nói rõ chủ đề của tác phẩm. Chính là dùng lịch sử của ba quốc gia để diễn giải về chữ “nghĩa” của con người làm chủ đề chính. Và những nhân vật, anh hùng, minh chúa, các vị quân sư tài năng, thảy đều là các “diễn viên” xuất sắc cho một kịch bản lớn này.
Những người có một chút am hiểu về văn hóa truyền thống đều biết, tư tưởng chính yếu của Nho gia xuyên suốt hơn 2.000 năm chính là “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Trong đó, “Nghĩa” đứng ở vị trí thứ hai, xếp trước “Lễ, Trí, Tín” và ngay sau chữ “Nhân”.
Bởi vì “Nhân” là loại cảnh giới thuần thiện, phàm đã là con người thì điều đầu tiên phải có chính là có “lòng nhân”, phải là một “con người” trước đã. Cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa con người và các loài động vật, các loại thực vật hữu cơ – vô cơ trên thế gian này. Nếu mất đi chữ “nhân” (nhân từ, nhân ái, nhân văn, nhân đạo, nhân hoà, nhân chi sơ tính bản thiện…) thì con người ấy, chỉ còn lại chữ con, và mất đi chữ người (nhân). Khổng Tử lúc về già mới thực sự hiểu rõ được nội hàm của chữ “Nhân”. Còn “Nghĩa”, “Lễ”, “Trí”, “Tín” là một loại nguyên tắc làm người ngay sau đó, thì con người lại càng dễ dàng bỏ qua mà rời xa.
“Tam Quốc diễn nghĩa” là thông qua chính trị, quân sự, và sự kết giao giữa ba nước Ngụy, Thục, Ngô để diễn giải sâu hơn về nội hàm thâm tầng của chữ “Nghĩa”, nếu chỉ nói “nghĩa” là gì mà không đưa ra dẫn chứng cụ thể, thì đó chỉ là lý thuyết và không thể nào khiến con người có thể “thấm” được cái tinh thần thâm sâu của nó, chính vì vậy thời Tam Quốc các anh hùng phải đảm nhận vai trò này, diễn một màn kịch hoành tráng, diễn thật sâu, thật ấn tượng, thật tài tình để tạo thành một bản thiên anh hùng ca, lưu truyền muôn thủa.
Quan Vũ được Tào Tháo tha mạng cho ông một lần, suốt đời ông không quên, chính vì Tào Tháo quý trọng anh tài, kính nể người anh hùng, đó cũng là thứ mà Quan Vũ xem trọng nhất, là tình cảm thực sự Tào Tháo dành cho ông. Vì vậy, trên con đường Hoa Dung năm ấy, nếu cần, Quan Vũ có thể chết theo quân lệnh để giữ trọng chữ Nghĩa của mình. Quan Vũ đã đem nội hàm của chữ “Nghĩa” suy diễn đến cực hạn.
Có thể nói, “Tam Quốc diễn nghĩa” sở dĩ có thể trường tồn mãi trong lịch sử, trường thịnh không suy chính là bởi vì chủ đề chữ “Nghĩa” cao thượng này.
“Trí, mưu” ở sau chữ “Nghĩa”
Người hiện đại chúng ta chú trọng chính là mưu kế của thời Tam Quốc. Thậm chí họ đem cả mưu kế này áp dụng ở chốn quan trường, thương trường và cả tình trường, họ không hề cảm nhận được nội hàm của chữ “Nghĩa”. Điều này thực sự là đáng tiếc, chính là “bỏ gốc lấy ngọn”, không phân biệt được đâu là chính yếu, đâu là thứ yếu!
Kỳ thực, dưới ngòi bút của La Quán Trung, “Trí và mưu” là phạm trù nằm trong “Nghĩa”, “Nghĩa” bao hàm cả “Trí và mưu”. Con người trước tiên phải có “Nghĩa” sau đó mới có tất cả những thứ khác. Nếu không “Trí và mưu” kia chỉ là để làm hại người, đạt được những mục đích tư lợi cá nhân, sự ích kỷ hẹp hòi… thì làm sao có thể toát lên cái vĩ đại, cái hào quang chói lọi của một chữ “Nghĩa” mà các bậc anh hùng đời đời truyền tụng và xem trọng đến vậy?
Cũng như, phải có một Gia Cát Lượng “cúc cung tận tụy đến chết mới thôi”, rồi sau mới có một Gia Cát Lượng “mưu trí”. Nói cách khác, nếu như không gặp được minh quân “trung nhân ái quốc”, Gia Cát Lượng thà rằng chết già ở lều cỏ chứ không nguyện ý đặt chân vào chốn quan trường hỗn loạn, vì vốn dĩ ông không phải là một người bình thường, mà là một người “siêu thường” với trí tuệ như biển cả của một người tu Đạo chân chính, ẩn cư nơi rừng già, ngẫm nhìn thế sự đổi dời mà trong lòng an nhiên tĩnh tại. Đây cũng chính là điểm đáng quý nhất của Gia Cát Lượng, đồng thời cũng chính là điểm mà người hiện đại coi trọng ‘mưu kế’, bỏ qua đạo đức lễ nghĩa truyền thống không cách nào hiểu được.
“Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, vì Lưu Bị không hề có tư tâm, chỉ có một tấm lòng chân thành chân chất muốn phục hưng Hán thất trong thời loạn thế, nên mặc dù chỉ là gã bán giày ngoài chợ, nhưng dần dần ông lại được các anh hùng theo nhau kéo về,…. từ 2 anh em Trương Phi – Quan Vũ ngoài chợ, cho đến nhân tài kiệt xuất ngàn năm khó kiếm như Gia Cát Khổng Minh cũng phải “hạ sơn” để cùng ông mưu đồ nghiệp lớn. Trải qua một cuộc bể dâu, cuối cùng anh chàng bán giày đó đã đăng cơ lên ngôi Hoàng đế, hùng bá một phương trời, nhưng trong lòng người anh hùng ấy, cũng không bao giờ vì địa vị tiền tài che mờ đi ý chí thống nhất Trung Hoa, để muôn dân trăm họ được sống trong cảnh thái bình, nhân nghĩa trải dài ngàn năm…
Có người thậm chí nói, Gia Cát Lượng nếu theo Tào Tháo thì đã sớm giúp Tào Tháo hoàn thành việc thống nhất thiên hạ. Người “trọng danh lợi, khinh nghĩa” sao có thể hiểu được lựa chọn này của ông? Nếu như “Tam Quốc diễn nghĩa” chỉ đơn thuần là thể hiện mưu kế sách lược thì thực sự sẽ rất nông cạn, chỉ có thể được xem là một bộ tiểu thuyết binh pháp bình thường mà thôi, không thể là một trong tứ đại danh tác Trung Hoa được.
Kỳ thực, “Tam Quốc diễn nghĩa” là xuyên suốt nội hàm cao siêu của tiêu chuẩn đạo đức, luân lý truyền thống. Nó vượt xa khỏi phạm trù như lời nói “từ trên xuống dưới đều là tranh đoạt lợi” của Mạnh Tử. Nó là một loại cảnh giới vô tư, không vụ lợi và được gọi là “Nghĩa”.
“Tam Quốc diễn nghĩa” ngoài chủ đề diễn giải về chữ “Nghĩa” ra còn có đạo lý “Nhân quả báo ứng”, “Thuận theo tự nhiên”, “Người tính không bằng trời tính”… đó đều là những nguyên lý bao dung của đất trời, thấm nhuần vạn sự vạn vật trên thế gian, đem lại sự công bằng, vô tư và hoà ái khắp muôn nơi.
Xét một cách tột cùng, thì lịch sử truyền thống không phải dạy con người ta lừa gạt, càng không phải là dạy người ta mưu tính như thế nào, mà chính là dạy người ta cách để trở thành một người tốt, được mọi người tôn kính. Bởi vì nắm chắc được điểm này cho nên “Tam Quốc diễn nghĩa” mới có thể “trường thịnh không suy”, đi sâu vào lòng người và được lưu truyền qua nhiều thời đại như vậy!
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch
Ánh Trăng hiệu đính
Xem thêm: