Hồi thứ 22 trong Hồng Lâu Mộng, trước khi đón sinh nhật Bảo Thoa đã chọn vở kịch “Sơn môn” (cửa chùa) – tiết mục thuật lại cảnh Lỗ Trí Thâm phá giới uống rượu say, đại náo Ngũ Đài Sơn, rồi bị Trí Chân trưởng lão trục xuất đi nơi khác. Lúc từ biệt sư phụ, Trí Thâm đã hát bài “Ký sinh thảo”:
“Anh hùng chùi nước mắt,
Xử sĩ tiếc chi nhà
Lạy Di Đà, cắt tóc dưới tòa sen Phật
Hết duyên pháp, chớp mắt thành ly biệt
Trần trùi trụi, đi về không vướng víu
Tìm đâu tá, nón mưa áo khói một mình đi
Mặc kệ ta, giày rơm, bát vỡ theo duyên đến”.
Bảo Ngọc nghe khúc nhạc liền ngộ được thiền cơ, chỉ một câu “Trần trùi trụi, đi về không vướng víu” đã làm thức tỉnh người trong mộng. Hết thảy mọi thứ của thế gian đều là vật ngoài thân, khi sinh không mang theo đến, khi tử cũng không mang theo được. Thái độ nhân sinh phóng khoáng, phong thái hào hiệp trượng nghĩa của Lỗ Trí Thâm khiến Bảo Ngọc đặt định nền tảng cho quá trình xuất gia ngộ Đạo sau này.
Một bên là công tử cao sang quyền quý, một bên là anh hùng hảo hán dân gian. Một người là tiếng sáo du dương tựa cây ngọc trước gió, một kẻ là tiếng chiêng trống giục giã sải bước bậc anh hùng. Một bên lưu luyến tình cảm gái trai phong hoa tuyết nguyệt, một bên xem trọng nghĩa khí huynh đệ ra tử vào sinh… Vậy mà cuối cùng, cả hai đều bén duyên nơi cửa Phật.
Tu luyện cần phải phá mê đoạn dục, thật không dễ dàng gì. Điều Bảo Ngọc cần tu bỏ là muôn vàn tình tứ đầu mày cuối mặt, còn điều mà Lỗ Trí Thâm cần mất đi là sát khí râu hùm trợn mắt ăn sâu trong huyết nhục. Hai người thoạt nhìn thì thấy cách xa một trời một vực, vậy mà cuối cùng đều hướng về một đích đến, vượt qua danh lợi tình sắc chốn nhân gian, trăm sông cùng đổ về một biển.
Ngẫm lại thì thấy Lỗ Trí Thâm và Giả Bảo Ngọc đã có không ít những điểm tương đồng. Cả hai đều đơn giản, thuần phác, chí tình chí nghĩa, không bợ đỡ, không toan tính, không đố kỵ, có thể đồng cảm, khoan dung, từ bi mà thiện đãi người.
Lỗ Trí Thâm – Anh hùng trượng nghĩa
Trang hảo hán trượng nghĩa nhất trong “Thủy Hử” hiển nhiên là Lỗ Trí Thâm. Từ một quyền đánh chết Trấn Quan Tây, đại náo Đào Hoa trấn, thiêu rụi chùa Ngõa Quán, cho đến đại náo rừng Dã Trư, Lỗ Trí Thâm đã không ngừng tỏa ra nhiệt tâm dũng cảm quên mình, cơn giận chính nghĩa cứng chắc như kim cương của ông khiến cho bè lũ tà ác kinh khiếp thoái lùi.
Chỉ qua một lần tình cờ gặp gỡ, Lỗ Đề hạt vì cứu giúp cha con Kim Thúy Liên đã hủy đi con đường tương lai tốt đẹp của mình. Ông bị quan phủ truy nã, bất đắc dĩ xuống tóc làm tăng nhân. Trước vì trượng nghĩa, ông giúp người không tiếc cả tiền đồ, sau vì bằng hữu, ông giúp bạn quên cả bản thân mình.
Lỗ Trí Thâm vung cây thiền trượng cứu thoát Lâm Xung suýt chút nữa bị sát hại, một mạch hộ tống Lâm Xung đến ngoài Thương Châu 70 dặm. Bởi trở thành cái đinh trong mắt của Cao Cầu, ông muốn yên phận làm hòa thượng trông coi vườn rau trong chùa Tướng Quốc mà cũng không thể được, lần nữa lại lang thang phiêu bạt khắp giang hồ, cuối cùng lên núi làm đạo tặc. Vì để cứu Cửu Văn Long Sử Tiến, ông một mình thích sát tham quan Hạ Thái thú không thành, bị nhốt vào tử lao, tính mệnh lâm nguy trong sớm tối.
Thấy việc nghĩa không từ, xả thân vì nghĩa, chỉ cần là chuyện nghĩa hiệp, ông đều nghe theo tiếng gọi lương tâm mà hành động không chút do dự, nên ra tay thì ra tay, trước sau không hề cân đo đong đếm, suy tính thiệt hơn.
Trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, người thật sự mang đến ánh sáng và ấm áp cho mọi người, hẳn chỉ có Thiên Cô Tinh Lỗ Trí Thâm. Trong sách không hề nhắc đến cha mẹ ông, một cô nhi thiếu vắng tình thương phụ mẫu như vậy lại không hề mang trong mình một chút tâm địa. Bởi vì cô độc, nên ông đặc biệt trọng tình trọng nghĩa. Ông xem những người có duyên gặp gỡ đều như thân nhân của mình, việc của họ cũng như việc của mình. Bởi đã nếm trải đủ mọi đắng cay gian khổ, vậy nên ông luôn chân thành giúp đỡ người khác, cứu khốn phò nguy.
Không đánh đấm không gặp mặt, không giao tranh không làm quen, đánh đi đánh lại, ngay đến cả đám vô lại đến gây rối loạn cũng đều trở thành bạn bè. Ông coi Lâm Xung là tri kỷ sinh tử tri giao, những lời giãi bày trong rừng Dã Trư kia thật khiến người ta ứa lệ nghẹn ngào. Không tính toán hiềm khích trước đây, ông đã dẫn binh cứu giúp Lý Trung, Chu Thông đang bị quân đội bao vây nguy khốn.
Bởi thường xuyên hành hiệp trượng nghĩa mà rước họa vào thân, Lỗ Trí Thâm thường bị dồn đến bước đường cùng. Cô đơn buồn tẻ đến cực điểm, ấy vậy nhưng ông lại có khả năng thích ứng mau lẹ đáng kinh ngạc. Vinh nhục không động tâm, nhưng không oán cũng không hận, chịu khổ bị liên lụy, nhưng hoàn toàn không thấy khổ. Trong cuộc sống lại tràn đầy lạc quan, nhiều lúc ngây ngô vụng về như đứa trẻ bướng bỉnh nơi sơn dã, đáng yêu nhưng lại lạc quan hài hước. Một hòa thượng to béo thế kia, lại còn trông chờ ai đó đến che gió che mưa cho mình!
Chẳng trách Trí Chân trưởng lão vừa trông thấy Trí Thâm đã nhìn ra chân thiện và huệ căn của người đàn ông thô lỗ trực tính này: Trên thì ứng với thiên tinh, trong tâm thì cương trực thẳng thắn, mai này sẽ chứng đắc quả vị phi phàm.
Giả Bảo Ngọc – Tình chủng tình si
Thần Anh thị giả hạ phàm đầu thai, trong miệng ngậm viên Thông linh Bảo ngọc – viên luyện thạch còn sót lại khi Nữ Oa luyện đá vá trời. Người đến sau là Giáng Châu tiên thảo bên cạnh Tam Sinh Thạch bờ sông Linh Hà, muốn dùng nước mắt cả đời để báo đáp ân tình tưới nước cam lồ của Thần Anh. Bởi vậy mà mang đến câu chuyện chính sách, phó sách trong “Kim Lăng thập nhị thoa”.
Ở nơi êm ấm giàu sang, trong “nữ nhi quốc” vườn Đại Quan, Bảo Ngọc cùng các chị em đánh đàn chơi cờ, ngâm thơ vẽ tranh. Bảo Ngọc đặc biệt yêu mến và quan tâm đến các chị em, loại tâm tình nâng niu thương hoa tiếc ngọc đó đến từ tình si trong bản chất và chức trách đời trước của chàng.
Chàng dùng thiên nhãn nhìn thấu trong thế giới hồng trần cuồn cuộn và bẩn thỉu xấu xa này, phát hiện trên thân những thiếu nữ ngây thơ lãng mạn kia vẫn còn lưu lại phần nào nét thanh tịnh thuần khiết câu thông với thiên giới. Trong số đó, em Lâm hệt như thần tiên ấy chính là người chàng yêu thương nhất.
Bảo Ngọc nói rằng: “Xương thịt của người con gái là nước kết thành, còn xương thịt của người con trai là bùn kết thành”. Cho rằng nữ thanh nam trọc (nữ nhi trong sạch, nam nhân dơ bẩn), mọi vẻ đẹp của thế gian đều hội tụ trên thân nhi nữ: Vẻ đẹp trong sáng thuần khiết của tuổi thanh xuân ấy lại trong veo, óng ánh, và lung linh như dòng tịnh thủy, lại xinh tươi ngào ngạt hương thơm, sớm nở tối tàn, mau chóng ngắn ngủi như các loài hoa.
Điều ấy khiến chàng yêu thích, cảm động, tán thán, thậm chí quên đi bản thân mình. Đại Ngọc chôn hoa, Bảo Thoa bắt bướm, Bảo Cầm đạp tuyết tìm mai, Tương Vân ngủ dưới khóm hoa thược dược… là những tình thơ ý họa đẹp đẽ. Nếu Tào Tuyết Cần không khắc hoạ một cách sống động các thiếu nữ cao nhã nơi khuê các, thế thì hình tượng nữ giới trong văn học cổ điển Trung Quốc sẽ rất nhạt nhẽo, nhàm chán và đơn điệu vậy.
Chàng làm biếng qua lại với nhân vật chốn quan trường như Giả Vũ Thôn, cũng không nguyện ý sống cuộc sống mặt lạnh như tiền như người cha Giả Chính của mình, lại càng xem thường lối sống dâm loạn của Giả Liễn, Tiết Bàn. Bảo Ngọc tôn sùng tinh thần Lão Trang và phong cốt Ngụy Tấn, theo đuổi tình cảm tâm linh và lối sống tràn đầy ý thơ, muốn làm một tài tử dật sĩ bên ngoài thể chế.
Vị khách đến từ thiên thượng này thỉnh thoảng có những nỗi niềm cô đơn phiền não, mẫm cảm đa tình không mấy ai hiểu được. Chàng chuyện trò cùng chim cá cỏ cây, ngửa mặt lên trời ngắm nhìn trăng sao mà đau buồn thở than. Bảo Ngọc không dùng cái tâm danh lợi để nhìn nhận đánh giá người ta, mà là dùng trái tim của trẻ nhỏ thuần khiết, siêu việt khỏi thước đo của thế tục để khiến mình trở nên thanh cao, thoát tục.
Dù là con trưởng hay con thứ, chàng đều đối xử bình đẳng. Đối với a hoàn, tôi tớ cũng vui vẻ đối đãi như nhau. Chân thành cho rằng bản thân không thông minh hơn những cô gái “rất đỗi thông minh”, “rất đỗi thanh tú”, “trong trắng thuần khiết, “phẩm hạnh đoan chính” kia, đồng tình sâu sắc với vận mệnh bất hạnh của họ.
Chàng cảm phục Tình Văn bản tính ngay thẳng không chút nịnh bợ, không có vẻ ngoài nào của một a hoàn. Chàng trang điểm cho Bình Nhi chịu ủy khuất khi bị Phượng Thư đánh mắng. Nhìn thấy ông quan già vẽ hoa tường vi, chàng trai “vạn người mê” này đã thể hội được “tình duyên của đời người, mỗi người đều đã có an bài sẵn cả”.
Chỉ có Bảo Ngọc đa tình giãi bày tâm can với em Lâm, tình cảm si tình và chân thành đó mới khiến lòng người cảm động đến vậy. Đại Ngọc đàm luận về thiền, hai trái tim có được sự đồng cảm với nhau, tình yêu son sắt không bao giờ thay đổi.
Không theo đuổi công danh, mà lại điên cuồng vì tình yêu, nguyện vì tình yêu mà chết, thật đúng là “kẻ lạc lõng bên ngoài nhân thế” trước đây chưa từng có vậy, thật khiến cha mẹ đau lòng. Khuyên giải đánh mắng, ra sức đắp nặn cũng đều không thay đổi được chàng. Nhưng đó vốn là con đường chàng đến thế gian, chính như Cảnh Ảo tiên tử đã nói, sau khi nếm trải mộng ảo của cái mùi danh lợi thanh sắc, có lẽ mai sau sẽ ngộ Đạo.
Nâng niu chở che hoa, mỗi người mỗi cách
Trí Thâm và Bảo Ngọc còn có một điểm chung, ở xã hội thời đó có thể nói là cực kỳ hiếm thấy, đó chính là mang đến sự che chở đối với bậc nhi nữ yếu mềm. Đương nhiên, phương thức của họ đều không giống nhau.
Thời xưa, những người luyện võ tu Đạo có truyền thống giữ gìn nguyên khí tiên thiên, xa rời nữ sắc. Lỗ Trí Thâm nhổ bật cây dương liễu, nội công thâm hậu, thần lực vô tỉ. Võ nghệ dày công tôi luyện, đạt đến cảnh giới như vậy, ngay đến cả Lâm Xung thâm niên từng trải cũng phải khen không ngớt lời. Trên chiến trường thiên quân vạn mã, ông cũng nhiều lần lập được kỳ công. Lỗ Trí Thâm hành thiện trừ ác, che chở cho những quần thể yếu thế, không lạm sát vô tội. Phẩm đức và cảnh giới của ông vượt xa hơn cả những anh hùng hào kiệt khác.
Trong “Thủy Hử”, những kẻ giết hại phụ nữ không ít. Còn trong những lúc nguy nan then chốt, dám liều mình đứng ra, không sợ cường quyền, không kể báo đáp, không cầu hồi báo, tôn trọng và che chở cho những phụ nữ yếu đuối vốn không chút liên quan gì với mình, thiết nghĩ chỉ có duy nhất một mình Lỗ đại hiệp mà thôi. Vị Hoa hòa thượng uống rượu ăn thịt, trên mình có xăm hoa này lại thật sự che chở cho hoa.
Lỗ đại hiệp không chỉ đầy đủ năng lực hành động, hơn nữa trong thô lỗ còn có cả sự tinh tế, kiên trì có trách nhiệm. Ông trượng nghĩa khinh tài, giải cứu cha con Kim Thúy Liên trốn khỏi miệng hổ, lo lắng người hầu trong quán trọ đuổi theo, đã ngồi vững trong quán suốt 4 giờ đồng hồ liền. Tiểu bá vương Chu Thông muốn cưỡng đoạt con gái của Lưu lão ở Đào Hoa trấn, Lỗ Trí Thâm trước tiên ra tay dạy cho y một bài học, sau đó lại giảng rõ đạo lý, tận tình khuyên giải, cuối cùng yêu cầu Chu Thông bẻ gãy mũi tên lập lời thề không bao giờ được nuốt lời, không được làm khó dễ người ta mới thôi.
Tống Giang thường lấy danh nghĩa lương thiện tốt bụng và những ân huệ nhỏ nhặt để che đậy tư tâm của mình. Võ Tòng đối với phụ nữ, trong tiềm ý thức luôn có rất nhiều tranh đấu, áp chế và dồn nén. Riêng Lỗ Trí Thâm thì lại vô cùng thuần hậu, không phải giả trang, không có những mâu thuẫn gay gắt trong tâm, mà ngược lại đặc biệt chân thành, quang minh lỗi lạc, thẳng thắn vô tà.
Loại chân thành đối đãi đó vượt trên cả sức cám dỗ của tình cảm nam nữ, khiến người ta kính phục tin cậy, vừa gặp mà như đã quen thân, không có gián cách. Ông xót thương trước một Kim Thúy Liên khóc lóc kể lể sự tình, lại càng kính ngưỡng trước một Lâm nương tử trung trinh tiết liệt.
Khi Lâm Xung nhìn thấy kẻ chọc ghẹo vợ mình là con ông cháu cha Cao Nha Nội, giáo đầu chỉ huy 80 vạn cấm quân nắm đấm giơ lên đã mềm nhũn ra, còn ngăn cản Lỗ Trí Thâm hét lên muốn đánh Cao Nha Nội ba trăm thiền trượng. Lần đầu gặp Lâm nương tử, Trí Thâm đã thân thiết gọi một tiếng “chị dâu”.
Nhiều năm sau lên Lương Sơn, Trí Thâm hỏi Lâm Xung: “Sái gia từ sau khi từ biệt giáo đầu, không ngày nào là không nhớ nghĩ đến chị dâu, gần đây có tin tức gì hay không?”. Dù là quan tâm đến huynh đệ, cũng để lộ tấm chân tình. Biết Lâm nương tử treo cổ tự vẫn, ông vốn bản tính coi rượu như mạng sống, từ đó không uống một giọt rượu nào nữa.
Tác giả chỉ với vài nét bút, ý cảnh ngoài lời, ngòi bút chân thực sinh động, không cố ý nâng cao, nhưng lại có thể khắc hoạ một Lỗ Trí Thâm vượt trên mọi sự trần tục của thế gian.
Tấm lòng rộng mở, hào sảng phóng khoáng, mang trong mình bản tính chân thật nhất. Cõng được lên, buông được xuống, nhảy thoát ra, bức họa nhân sinh như lời nhắn nhủ của sinh mệnh mà ông vẩy mực viết lên, là sự linh hoạt kỳ ảo và thăng hoa trong cô đơn tuyệt vọng. Ông bao dung núi sông nhật nguyệt, đầy đủ dồi dào, khiến tâm hồn thật sự phong phú lớn mạnh.
Trong khi đó, Bảo Ngọc tình cảm phong phú, thuần chân lương thiện. Thương hoa tiếc ngọc, chăm sóc quan tâm đầy đủ chu toàn là đặc điểm chở che hoa của chàng. Chàng là người theo phái cảm thụ, lúc vui lúc buồn, dạt dào tình ý. Trái tim đồng cảm bao la và năng lực lý giải thấu đáo khiến chàng trở thành người bạn tốt để dốc bầu tâm sự. Sự thương yêu che chở này vốn không phải là ham muốn chiếm hữu, mà là một loại kính trọng đối với phái nữ, khen ngợi say đắm và nhu tình như nước đối với cái đẹp. Tình cảm lãng mạn này chỉ có nhà nghệ thuật mới hiểu thấu cho được.
Tuy là thân phận cậu ấm quý tộc, chàng lại can tâm phục vụ cho các chị em, ở vườn Đại Quan tiếp tục vai diễn của Thần Anh thị giả nơi thiên quốc, xem việc che chở cho các thiếu nữ khuê các là chức trách của mình. Chàng tán thưởng vẻ đẹp của họ, yêu thích tài hoa của họ, tôn trọng cá tính của họ, quan tâm hỷ nộ ai lạc của họ, lo lắng xót xa cho cảnh ngộ của họ, thậm chí đứng ra hòa giải cho hai bên đang có mâu thuẫn xích mích… Dùng lời của chàng mà nói thì là “lo lắng đến vỡ vụn cả tim”.
Công tử Di Hồng anh tuấn hào hoa đã làm ánh lên vẻ thanh xuân của các thiếu nữ khuê các, đáng tiếc là những ngày tháng vui vẻ chẳng được dài lâu. Bảo Ngọc ngoài hát “Hồng đậu khúc”, ngâm thơ từ, viết tế văn, khóc bên linh cữu ra, thì lại không có năng lực để che chở cho các cô gái. Nhìn được nghe được, nhưng lại không thể dùng được, trái lại có một số chuyện lại do bản tính vụng về của chàng gây nên. Khi Vương phu nhân tức giận vung tay tát Kim Xuyến, Bảo Ngọc lại bỏ chạy mất tăm. Tình Văn bị đuổi đi, chàng đều không dám lên tiếng van xin mẹ và bà nội, một chút tính cương trực cũng không khởi lên được.
Dù chàng năm lần bảy lượt muốn đóng vai vị thần bảo hộ của các cô gái trong vườn Đại Quan, nhưng chỉ có thể đưa ra bàn tay giúp đỡ trong những việc nhỏ nhặt. Vào thời khắc then chốt nhất, ai chàng cũng không che chở được. Có lòng nhưng không có sức, lực bất tòng tâm, mở to mắt nhìn những bông hoa bị mưa dập gió vùi, khô héo lụi tàn. Thậm chí hôn nhân của mình bị đánh tráo, ngay đến cả Đại Ngọc mà chàng yêu thương cũng không bảo vệ được.
Tỉnh ra mới biết ta là ta
Lỗ Trí Thâm một gậy thiền trượng đánh Phương Lạp ngã ngựa, lập được đại công. Tống Giang khuyên ông hoàn tục làm quan, cưới vợ sinh con, rạng rỡ tổ tông. Trí Thâm nói: “Sái gia lòng đã nguội lạnh, không muốn làm quan, chỉ mong tìm được một nơi thanh tịnh an thân lập mệnh đã đủ lắm rồi”. Tống Giang khuyên ông làm sư trụ trì một ngôi chùa lớn nổi tiếng trên núi, ông lại một mực cự tuyệt, nói: “Không cần đâu! Nhiều nữa cũng vô dụng. Chỉ cần mong được tấm thân nguyên vẹn là tốt lắm rồi, không dám mong cầu gì hơn”.
Vì sao lòng đã nguội lạnh rồi? Khẩu hiệu “thay trời hành đạo” của Lương Sơn giờ đã biến đổi. Lỗ Trí Thâm rõ ràng phản đối chiêu an, chỉ một câu nói đã chỉ ra văn võ bá quan trong triều phần nhiều là bọn gian tà. Sở dĩ ông vẫn còn đi cùng Tống Giang, hoàn toàn là để làm tròn cái nghĩa huynh đệ. Đội quân Lương Sơn bị triều đình dùng làm con cờ “lấy giặc diệt giặc”, đánh đông dẹp tây, ác chiến hết trận này đến trận khác, các tướng sĩ máu đổ đầu rơi, chết thảm hơn phân nửa. Tống Giang mưu cầu địa vị đổi lấy công danh, Lỗ Trí Thâm nhìn thấu mà lòng nguội lạnh chua xót.
Biết bao chuyện giết chóc trong quá khứ, bao lần cất cao khúc hát máu và lửa của thời Xuân Thu, giờ đây ông giã từ sự nghiệp khi đang trên đỉnh vinh quang, thứ gì cũng đều không cần, chỉ muốn tìm một nơi thanh tịnh. Đời này không hoàn tục, một thân khoác tăng bào đến phút cuối cùng. Đây chính là Lỗ Trí Thâm, minh mẫn sáng suốt, xuất sắc hơn người. Kết quả là, nhóm người Tống Giang cuối cùng từng người từng người bị triều đình hại chết.
Buổi tối đêm Trung Thu, tại chùa Lục Hòa Hàng Châu, Lỗ Trí Thâm nghe thấy tiếng sóng lớn trên sông Tiền Đường như tiếng trống trận rợp trời kéo đến. Tăng nhân trong chùa cho ông biết đó là tiếng triều tín. Trí Thâm bỗng nhớ đến câu kệ mà sư phụ Trí Chân đưa cho mình: “Phùng Hạ nhi cầm, ngộ Lạp nhi chấp, thính triều nhi viên, văn tín nhi tịch“. Quả nhiên mọi chuyện đều đã ứng nghiệm. Ông bắt sống Hạ Hầu Thành, bắt sống Phương Lạp. Trí Thâm vỗ tay cười hỏi ý nghĩa của viên tịch, cười rằng: “Nếu như chết được gọi là viên tịch, sái gia đêm nay ắt phải viên tịch rồi“.
Thế là, ông bèn tắm gội thay đồ, viết ra lĩnh ngộ của mình, đốt một lò hương, xếp bằng đả tọa, viên tịch niết bàn. Câu kệ viết rằng:
“Bình sinh chẳng tu thiện quả
Chỉ thích giết người phóng hỏa.
Chợt tỉnh tháo tung dây thừng vàng
Tới đây giật phăng chiếc khóa ngọc.
Tiền đường nghe sóng triều vang dội
Mới tỉnh ra rằng ta là ta”.
Nhìn lại thế gian, biết bao anh hùng tóc bạc da mồi, biết bao mỹ nhân vào tuổi xế chiều, sống chết chỉ trong nay mai, phấn son nay chỉ còn lại nắm tro tàn lạnh lẽo. Nhưng thế nhân có mấy ai đã từng nghĩ qua, thật sự nhận thức bản thân mình là ai? Mỗi người đều có Phật tính, chỉ là đã bị rất nhiều thứ nơi thế tục che lấp mất. Những lời tuyệt bút trước lúc viên tịch của Lỗ Trí Thâm, thứ bị giật đứt là gông xiềng của danh lợi, trói buộc của yêu hận tình thù. “Hôm nay mới biết ta là ta”, đó là đại triệt đại ngộ thật sự!
Ông là trang nam tử hảo hán đội trời đạp đất, đằng sau vẻ bề ngoài lỗ mãng ngang ngạnh lại là một trái tim tràn đầy từ bi thuần thiện. Không kể vinh nhục được mất, không từ bỏ một cơ hội cứu giúp người, đâu đâu cũng đều vì người khác, trước sau không nghĩ gì về bản thân mình. Những chuyện chịu thiệt về mình ông đều đã chấp nhận, còn những chuyện chiếm lợi riêng cho mình ông lại chẳng tha thiết chút nào.
Thế gian có nghìn vạn con đường, nhưng không có con đường nào quan trọng hơn tìm kiếm sự giải thoát và ngộ đạo. Một đời của Hoa hòa thượng Lỗ Trí Thâm là một chuỗi buông bỏ, cộng thêm không ngừng hoàn thiện bản thân. Hào hiệp như vậy, từ một hòa thượng rượu thịt không giữ thanh quy giới luật đến từng bước, từng bước, bước lên đài sen, tu thành chính quả. Hòa thượng Đại Huệ dùng câu “ngọc trắng bay khắp trời, mặt đất ánh vàng kim” để hình dung tọa hóa của Lỗ Trí Thâm – cảnh giới duy chỉ có bậc giác ngộ mới có thể đạt đến được.
Từ “tình sắc” ngộ ra diệu lý “chân không”
Trước đây, nhìn thấy chị Bảo “da mặt nõn nà, khóe mắt long lanh, không đánh sáp mà làn môi vẫn đỏ, không kẻ mày mà nét ngài vẫn xanh, so với Đại Ngọc lại có vẻ phong lưu thùy mị riêng”, Bảo Ngọc bất giác đứng ngẩn người ra, đầu óc nghĩ tưởng lung tung… Sau này, thuận theo Bảo Thoa không ngừng khuyên giải, Bảo Ngọc và Bảo Thoa trái lại dần dần trở nên xa cách.
Cô gái vào cung tham gia tuyển chọn tú nữ không thành này, muốn tìm được địa vị cho bản thân trong thứ tự hoàng thất mới an tâm thỏa mãn. Không làm được phi tần, thì gả cho một người đàn ông có thể gây dựng sự nghiệp vậy. Bảo Ngọc đương nhiên không phải là đối tượng của nàng. Bất đồng về lý tưởng, giá trị quan hoàn toàn khác nhau. Ngoài việc phạm vi lựa chọn đối tượng có hạn, còn bởi lợi ích của việc liên hôn gia tộc trói buộc. Ngoài lương duyên vàng ngọc vận mệnh sắp đặt ra, Bảo Thoa đối với Bảo Ngọc còn có phần nào lòng tin “ngọc mài sẽ thành vật báu”.
Thơ Đại Ngọc viết rằng: “Sổ khứ cánh vô quân ngạo thế, khán lai duy hữu ngã tri âm!”, tạm hiểu là: “Đời được mấy người xa thói tục, đây là một bạn biết lòng chăng“. Về phương diện thần giao cách cảm này, Bảo Ngọc – Đại Ngọc thật đúng là một cặp trời sinh, cùng chung nhịp đập, ý hợp tâm đầu, ghi lòng tạc dạ.
Tiên duyên giữa cây thiêng và hòn đá thiêng từ đời trước khiến họ có kết cấu tâm linh hoàn toàn khác biệt với người đời. Bảo Ngọc từ kẻ đa tình bác ái đến tri âm chỉ riêng một người, “nước sông ba nghìn, chỉ cần một gáo”, tình yêu đối với em Lâm hơn hẳn tình cảm dành cho tất cả các chị em khác. Chí đồng đạo hợp, ý hợp tâm đầu, vui buồn có nhau.
Mỗi một cô gái xinh đẹp, hoặc là ngọc nát hương tan, hoặc là cao chạy xa bay, hoặc là thân chìm xuống biển sâu, hoa tàn hoa rụng không biết làm sao được. Má hồng khóc lóc, mọi nét đẹp đều theo đó mà trở nên buồn đau, hương thơm mất hết, chỉ còn lại bao nỗi đau thương. “Nữ nhi quốc” lấy Bảo Ngọc làm trung tâm giờ đây gió cuộn mây tan, hoa cỏ tan tác, Di Hồng công tử giờ chỉ còn lại hư danh, mất đi ý nghĩa.
Bảo Ngọc mất chức nghiệp, sứ mạng che chở cho các bông hoa diễm lệ của vườn Đại Quan. Đại Ngọc khóc cạn nước mắt mà ra đi, cũng mang theo trái tim của chàng. “Hoa trong gương, trăng trong nước” đến cuối cùng chỉ còn lại hư không. Bảo Ngọc mất đi linh hồn trở thành cái vỏ trống rỗng. Cùng trong lúc này, Giả phủ lụi bại mau chóng, giống hệt như quân bài Domino bị đẩy ngã vậy: “Ầm ầm như sắp đổ đình, chập chờn như ngọn đèn xanh cạn dầu“.
Đêm động phòng hoa chúc, với vẻ đẹp sắc xảo tuyệt vời của Bảo Thoa, nếu đổi lại là đàn ông khác, hẳn sẽ thuận nước đẩy thuyền, đắm chìm trong mỹ sắc ái tình, gặp sao hay vậy. Còn Bảo Ngọc thì: “Vẫn còn thấy đó: người cao sĩ trong núi, tuyết sáng láng trong suốt. Nhưng vẫn chẳng quên: nàng tiên đẹp đẽ ở ngoài cõi thế, cánh rừng tịch mịch“. Dù là với người vợ nâng án ngang mày như Bảo Thoa, rốt cuộc cũng khó khiến chàng vơi đi phần nào tình cảm dành cho Đại Ngọc.
Bảo Thoa vững vàng thận trọng, tài hoa cao vời, chỉ là không có căn cơ xuất thế. Nàng có bản tính hoàn mỹ trước sau như một trong cách làm người, với Bảo Ngọc vô hình trung tạo nên một loại áp lực vô hình. Từ cách ứng xử ung dung bình thản đến từng bước dụng tâm thận trọng, cộng thêm kỹ năng xử thế linh hoạt, khuyên nhủ từ đầu đến cuối, thúc giục mà đặt người ta vào đúng vị trí, bước trên con đường công danh.
Tình yêu không thể giả tạo, giúp nhau thăng hoa đó mới là cao đẹp nhất. Đại Ngọc có những khuyết điểm nhỏ trong việc làm người, nhưng lại linh động hoạt bát, là tiên nữ dẫn dắt Bảo Ngọc thăng hoa về cảnh giới tinh thần. Tình yêu trong ngần thuần khiết, cùng với sự thông minh tài trí của Đại Ngọc đã vượt trên hết thảy mọi lợi ích thế gian, vượt trên thứ tình cảm nhục thể, vượt trên cả sinh tử, là ý thơ đẹp đẽ lãng mạn nhất trong “Hồng Lâu Mộng”. Giáng Châu tiên tử hạ phàm, không chỉ là hoàn trả nước mắt, mà còn là dùng cái giá của sinh mệnh để kêu gọi Thần Anh quay trở về quê nhà nơi Thiên giới.
Bảo Ngọc từ chối bị mê mờ trong cái thế giới hiện thực này. Vô luận là Đại Ngọc hay Bảo Thoa, chàng đều đã phụ họ! Nỗi niềm day dứt không thể loại bỏ và cảm giác mang tội đè nén trong tâm chàng, từ chấp trước vào việc khám phá sắc tướng hữu hình bên ngoài, từ giác ngộ diệu lý chân không trong cái tình si chần chừ mãi không buông. Giờ phút này đây chàng nguyện không bị vũng bùn ô nhiễm nơi thế tục dẫn dắt lôi kéo mà tạo thêm nợ nghiệp nữa.
Trước lúc ra đi, chàng đã cho mọi người trong nhà một biểu hiện giả dối, thật ra đó là sự bù đắp cho những thiếu sót và bàn giao trước khi đi. Thi đỗ “hương khôi” báo đáp cha mẹ, cho vợ hiền một đứa con trai, người ngoài nhìn vào thì thấy rất mỹ mãn rồi. Nhưng Bảo Ngọc biết rằng “tốt chính là xong, xong chính là tốt”. Thức dậy sau một giấc mộng đẹp, cuối cùng cần phải quay về. Bảo Thoa là cái khóa cuối cùng của Bảo Ngọc nơi trần thế, lúc này đã không trói buộc được trái tim bay nhảy của chàng thêm nữa. Bảo Ngọc dừng cương ngay trước vực thẳm, kết thúc tục duyên, một tăng một đạo dẫn theo chàng ung dung mà đi. Năm đó, Bảo Ngọc 19 tuổi.
Thương cho Tiết Bảo Thoa lỡ làng cả một đời! Thật sự rất cần một người đàn ông chân thành có thể che chở, làm tan chảy mỹ nhân lạnh lùng này, đánh thức phần thiếu nữ hoạt bát ẩn sâu dưới vẻ ngoài đoan trang của nàng, nói cho nàng biết rằng: “Trước mặt ta, nàng không cần phải gồng mình giả trang như vậy nữa”.
Biết bao đêm dài đằng đẵng, liệu Bảo Thoa có nghĩ được rằng, vở kịch Lỗ Trí Thâm say rượu đại náo Ngũ Đài sơn mà mình chọn năm nào, vô tình đã gieo xuống tiềm thức xuất gia trong tư tưởng của Bảo Ngọc. Đối với sinh mệnh mong muốn nhảy thoát khỏi chốn hồng trần, nàng giống như đại đa số người, chỉ biết ngửa mặt trông lên, xem như là một vở kịch, một câu chuyện thần thoại quá đỗi xa vời với bản thân mà thôi. Không ngờ vở kịch năm xưa lại trở thành lời sấm, giờ đây Bảo Ngọc cũng đã bước đi trên con đường nhân sinh giống như Lỗ Trí Thâm vậy.
Phồn hoa hệt như một giấc mộng, vạn cảnh hóa thành không. Chính là: Trần trùi trụi đến đi không lưu luyến, trời đất sạch trong một dải trắng ngần.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Phi Long biên dịch