Trong Hồng Lâu Mộng, Ninh quốc phủ có hai nàng dâu với tính cách và số phận hoàn toàn đối lập, đó là Vương Hy Phượng (Phượng Thư) và Lý Hoàn. Hai số phận tương phản ấy khiến người đời sau có bao điều chiêm nghiệm sâu sắc…

Vương Hy Phượng vốn là tiểu thư Vương phủ, một trong tứ đại gia gia tộc đất Kim Lăng, gả làm vợ chính thất của Giả Liễn, con trai cả của Giả Xá và Hình phu nhân, nên được gọi là “Mợ hai” của Vinh quốc phủ. Phượng Thư có dung nhan diễm lệ, phong lưu, lại thông minh sắc sảo, có tài quán xuyến mọi việc từ lớn đến bé trong phủ Vinh.

Lý Hoàn cũng vốn là tiểu thư nhà đại gia họ Lý đất Kim Lăng, được gả cho Giả Châu, con cả của Giả Chính và Vương phu nhân, nên được gọi là “Mợ cả”. Giả Châu thi đỗ Tú tài, đến năm hai mươi tuổi thì chết, để lại cậu con trai Giả Lan. Từ đó Lý Hoàn ở góa bụa, thủ tiết thờ chồng nuôi con. Tác giả Tào Tuyết Cần không miêu tả chi tiết về ngoại hình của Lý Hoàn. Trong Hồng Lâu Mộng, chân dung của nàng khá mờ nhạt, lặng lẽ từ đầu chí cuối.

Đặt Lý Hoàn bên cạnh Phượng Thư khiến người sắc sảo càng thêm sắc sảo, kẻ nhu mì càng hoá khù khờ vậy.

Phượng Thư: ‘Việc đời tính rất thông minh’…

Nhân vật Phượng Thư ngay từ lần đầu tiên xuất hiện trong Hồng Lâu Mộng đã hiện lên vô cùng nổi bật, lộng lẫy:

“Chợt thấy bọn hầu đỡ một người từ phòng sau lại. Người này trang sức không giống các cô kia, gấm thêu lộng lẫy, trông như một vị thần tiên! Trên đầu, đỡ tóc bằng kim tuyến xâu hạt châu, cài trâm Ngũ Phượng Triêu Dương đính hạt châu, cổ đeo vòng vàng chạm con ly, mình mặc áo vóc đại hồng chẽn thêu trăm bướm lượn hoa bằng chỉ kim tuyến, ngoài khoác áo màu xanh lót bằng lông chuột bạch viền chỉ ngũ sắc, mặc quần lụa hoa màu cánh trả; mắt phượng, mày cong lá liễu, vóc người óng ả, dáng điệu phong lưu, thật là: Mặt phấn đầy xuân trông vẻ dịu. Làn son chưa hé miệng như cười”.

Ngoại hình thu hút đã đành, nhưng cái tài ăn nói của nàng ta mới thật là “đáng nể”:

“Hy Phượng cầm tay Đại Ngọc, nhìn kỹ một lúc rồi dắt đến cạnh Giả mẫu, cười nói:

– Trong thiên hạ lại có người đẹp như thế này! Bây giờ cháu mới được thấy! Trông hình dáng con người, ai cũng cho là cháu nội của bà, chứ không phải là cháu ngoại. Chả trách ngày nào bà cũng nhắc đến, chỉ đáng thương là em tôi vất vả, sao cô tôi lại mất sớm thế!

Nói xong lấy khăn mặt lau nước mắt. Giả mẫu cười nói:

– Ta vừa mới khuây đi, mày lại còn gợi ra. Em nó ở xa mới đến, người lại yếu, nên an ủi nó, đừng nói chuyện buồn nữa.

Vương Hy Phượng nghe xong, đổi buồn làm vui, nói:

– Phải đấy! Cháu vừa trông thấy, bụng để cả vào cô em, vừa vui vừa buồn, quên hẳn là… Đáng đánh đòn!

Rồi nắm tay Đại Ngọc nói:

– Em bao nhiêu tuổi? Đã đi học chưa? Hiện đang uống thuốc gì? Ở đây đừng nhớ nhà nhé! Muốn ăn gì, chơi gì em cứ bảo chị. Bọn người nhà có hỗn láo thì mách chị.

Hy Phượng lại hỏi người nhà:

– Những hành lý của cô Lâm đã mang vào chưa? Cô Lâm mang mấy người theo hầu? Các người hãy dọn hai gian buồng cho họ vào nghỉ”.

Thật đon đả, ngọt ngào xiết bao! Lâm Đại Ngọc là cô em họ bên chồng, lần đầu tiên gặp mặt mà sao Phượng Thư lại vồn vã, nhiệt tình đến thế? Là vì nàng ta đón được tâm ý của Giả mẫu, đang hết lòng thương xót đứa cháu ngoại mồ côi mẹ. Việc Phượng Thư có được địa vị quản gia trong Vinh quốc phủ không chỉ nhờ tài quán xuyến tháo vát của nàng, mà còn nhờ cảm tình của Giả mẫu và Vương phu nhân. Vậy nên thấy Giả mẫu chiều chuộng Bảo Ngọc, Phượng Thư cũng chiều; giờ Giả mẫu yêu thương Đại Ngọc, Phượng Thư đương nhiên cũng thân mật với cô em.

Phủ Vinh trên dưới mấy trăm người, Phượng Thư cắt đặt công việc đâu vào đấy, xứng đáng là bậc nữ lưu hào kiệt, nam giới chưa chắc đã sánh bằng. Nàng ta lại còn “kiếm thêm” bằng cách chậm phát lương cho người trong phủ để đem cho vay lãi, rồi nhận hối lộ hàng nghìn lạng bạc…

Tạo hình nhân vật Vương Hy Phượng trong phim Hồng Lâu Mộng 1986.

Lại nói về khoản ghen tuông thì Phượng Thư không kém gì Hoạn Thư: nàng đưa a hoàn cũ của mình là Bình Nhi lên làm nàng hầu cho Giả Liễn để tiện bề trói buộc, lại dùng tâm kế gián tiếp ép chết “dì Hai” họ Vưu mà Giả Liễn hết mực thương yêu. Vậy mà Giả mẫu và Vương phu nhân vẫn cứ tưởng rằng Phượng Thư ‘biết dung kẻ dưới’.

Phượng Thư nổi tiếng với câu nói: “Xưa nay ta chẳng tin sự báo ứng âm ty địa ngục gì cả. Bất cứ việc gì ta đã làm là làm”. Vì vậy, Phượng Thư trên thì lấy lòng Giả mẫu và Vương phu nhân, dưới thì khắc nghiệt với kẻ ăn người ở, những ai dám đe doạ đến địa vị của nàng thì đều không có kết quả tốt đẹp.

Lý Hoàn: An phận thủ thường, rộng đường phúc báo

Trái ngược với Phượng Thư, xuyên suốt Hồng Lâu Mộng, Lý Hoàn xuất hiện mờ nhạt, hành động cũng mờ nhạt. Tào Tuyết Cần giới thiệu về nàng như sau:

“Nguyên họ Lý là vợ Giả Châu. Giả Châu chết sớm, có đứa con trai tên là Giả Lan, lên năm tuổi, đã đi học. Họ Lý cũng là con nhà danh hoạn đất Kim Lăng, bố là Lý Thủ Trung là Quốc tử Tế tửu. Trong họ, con trai, con gái đều được đi học. Đến đời Lý Thủ Trung thì cho “con gái bất tài, ấy là đức”. Vì thế, ông ta không cho con gái đi học đến nơi đến chốn, chỉ cho đọc “Nữ tứ thư”, “Liệt nữ truyện” để biết một số chữ, nhớ một số truyện hiền nữ đời trước là đủ, cốt sao chú trọng về thêu thùa canh cửi và việc vặt mà thôi. Nhân vậy đặt tên con là Lý Hoàn, tên chữ là Cung Tài. Lý Hoàn trẻ tuổi, góa chồng, mặc dầu ở chỗ cao lương gấm vóc, nhưng lòng lạnh như tro tàn, cây cỗi, hết thảy không buồn hỏi, không buồn nghe việc gì; chỉ biết hầu bố mẹ chồng, nuôi con, lúc rỗi thì khâu vá, đọc sách với các cô em. Nay biết Đại Ngọc đến đây, nhưng chắc đã có mấy chị em hầu bạn, nên ngoài việc thờ phụng cha già ra, chị ta không còn nghĩ đến việc gì nữa”.

Nếu như Phượng Thư sống hai mặt, thì Lý Hoàn đối với tất cả mọi người chỉ có một thái độ đơn giản duy nhất, đó là ‘an phận thủ thường’. Nàng không mưu cầu danh lợi, quyền thế, không lo tranh đoạt địa vị trong phủ, nhân đức với kẻ dưới. Bởi vậy, gia nhân trong Giả phủ yêu mến gọi nàng là “Phật sống”. Ngay cả Phượng Thư là người ham tranh đoạt cũng chẳng có gì phải tranh với Lý Hoàn.

Lý Hoàn cũng là người đứng ra cầm trịch ở thi xã, nàng cũng biết về thơ, làm được thơ nhưng không hay gắng sức trổ tài. Ở hồi 63 “Viện Di Hồng chị em mở tiệc; Nuốt kim đan, Giả Kính chết oan”, khi rút thẻ hoa, Lý Hoàn rút được thẻ có hình cây mai già, mặt sau đề một câu thơ cổ: “Nhà tranh giậu trúc nhưng lòng vẫn vui”.

“Nhà tranh giậu trúc” là miêu tả chân thực cảnh sống của Lý Hoàn. Đạo Hương thôn nơi nàng sống cùng con trai được miêu tả trong hồi 17 như sau:

“Mọi người vừa nói chuyện vừa đi, đã đến một ngọn núi xanh chênh chếch. Đi vào trong núi, thấp thoáng có một bức tường thấp, đất vàng, trên tường có rơm che, có mấy trăm cây hoa hạnh, trông như lửa phun, ráng phủ. Mặt trong có mấy gian nhà tranh, mặt ngoài có những cây dâu, dâm bụt và găng mơn mởn tốt tươi theo nhau chỗ nhô ra, chỗ lượn vào, đan thành hai hàng rào xanh. Dưới chân núi, ngoài hàng rào có cái giếng khơi, bên cạnh có gầu và trục kéo nước; mé dưới có mảnh rộng phẳng lì, có luống rau tươi tốt, trông bát ngát mênh mông.

(…) Ở đây, cửa sổ dán giấy, giường gỗ đơn sơ, không có gì là hào hoa phú quý cả”.

Tranh vẽ Lý Hoàn (ảnh: Soi.today).

Có ý kiến cho rằng Lý Hoàn là “tấm gương phản chiếu xã hội phong kiến bóp nghẹt quyền sống của người phụ nữ”, và nàng “đè nén sống đời vờ nhạt nhẽo”. Theo thiển ý của người viết, đây là dùng quan niệm hiện đại tôn sùng hưởng thụ thế tục mà đánh giá lối sống thanh nhàn của cổ nhân, chỉ để ý thấy cảnh “nhà tranh giậu trúc” mà quên mất vế sau “nhưng lòng vẫn vui”. Dùng tư duy hưởng thụ vật chất thì không thể nào hiểu được cảnh giới của người có đạo đức cao thượng như Lý Hoàn.

‘Ôn cố tri tân’ một chút, chúng ta lại thấy: sinh thời Đào Tiềm, tự Uyên Minh, là nhà thơ đời Tấn, tính tình cao thượng, phóng khoáng, không cầu cạnh lợi danh. Ông được đề cử nhậm chức quan ở Bành Trạch, dịp cuối năm có một viên đốc bưu về kiểm tra công việc, và nha lại khuyên ông ăn mặc chỉnh tề ra đón. Ông than “ta há vì năm đấu gạo mà cong lưng vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi xóm sao?”, bèn treo ấn từ quan. Tâm Đào Tiềm không còn vướng víu vào được mất nơi thế tục, ông vui với cảnh nghèo: “hái cúc dưới giậu đông, thơ thới nhìn núi Nam” (Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến Nam sơn). Đào Uyên Minh chắc hẳn không phải bị “xã hội phong kiến bóp nghẹt quyền sống”, và “sống đời vờ nhạt nhẽo”, thế thì Lý Hoàn lẽ nào lại như vậy?

Trong đám tang của Giả mẫu, khi Phượng Thư vắt kiệt sức để quán xuyến công việc, kẻ thì lười biếng dửng dưng, người thì oán trách, riêng có Lý Hoàn hiểu được nỗi khổ tâm của Phượng Thư. Lý Hoàn bản thân rất mệt nhưng không than phiền nửa lời, còn phủ dụ người nhà ‘không được quấy rầy mợ Hai Liễn’, việc gì cũng cần chung tay góp sức. Chỉ một chi tiết ấy đã đủ bộc lộ tấm lòng thành thật, lương thiện của nàng, không một chút gì gò ép, ngụy tạo.

Thông minh quá hoá hồ đồ, hồ đồ ấy mới cơ hồ thông minh…

Lý Hoàn và Phượng Thư, hai cách sống trái ngược cuối cùng đưa đến hai cái kết trái ngược cho hai nàng dâu của Vinh quốc phủ.

Khi gia tộc lâm vào cảnh nguy khốn, Phượng Thư “hình dáng cũng đổi khác, ăn nói cũng không lanh lợi nữa”, còn Lý Hoàn thì được Giả mẫu khen ngợi là: “Chỉ có vợ cháu Châu là vẫn giỏi. Khi giàu nó cũng như thế, khi nghèo nó cũng như thế, sống lặng lẽ với cháu Lan, thật là đáng khen”.

Phượng Thư thông minh nhưng hay phải dụng nhiều tâm cơ, cậy khỏe nên tham công tiếc việc, bởi vậy nên không thể sinh con trai, lại thêm bệnh rong kinh nên cơ thể ngày càng hư nhược. Về sau, cơ nghiệp trong phủ ngày càng suy bại, quyền hành của Phượng Thư cũng mất dần, đến đám tang của Giả mẫu, nàng không còn được người nhà và gia nhân nể trọng. Cuối cùng, ấm ức bệnh tật mà chết.

Lý Hoàn không tranh với đời, chỉ chăm lo làm tròn bổn phận hiếu kính cha mẹ già và nuôi dạy con nhỏ, nên nàng đi qua mọi thăng trầm thịnh suy một cách bình hoà. Con trai nàng – Giả Lan tuổi nhỏ mà hiếu học, về sau đỗ đạt làm quan, rạng danh cha mẹ và dòng tộc.

Thế mới biết, phúc phận của đời người là do tu nhân tích đức mà ra, thông minh đến đâu cũng chẳng lại với Trời. Người thông minh nhiều tâm kế, tưởng rằng dùng thủ đoạn thì có thể giành được phần lợi, biết đâu lại chính là đang làm tổn hại đi phúc phận của mình rồi.

Quả đúng là:

Việc đời tính rất thông minh
Việc mình, mình tính phận mình vẫn sai
Sống lần ruột đã nát rồi
Chết mang tiếng hão là người tinh ranh
Trước kia giàu có khang ninh
Giờ sao cơ nghiệp tan tành khắp nơi
Uổng công áy náy nửa đời
Khác gì một giấc mộng dài thâu canh
Ầm ầm như sắp đổ đình
Chập chờn như ngọn đèn xanh cạn dầu
Vừa vui vẻ đã âu sầu
Đời người biến đổi biết đâu mà lường.

(Thông minh lụy – Hồng Lâu Mộng)

Thanh Ngọc