Ngày nay, người ta thường dùng câu nói “Hậu sinh khả uý” với ý nghĩa rằng thế hệ sau giỏi giang hơn thế hệ trước, đáng nể hơn thế hệ trước. Cách hiểu này có vẻ không sai, nhưng chưa đầy đủ, và điển tích về nó đáng để hậu thế suy ngẫm, cảnh tỉnh chính mình…

Thành ngữ “Hậu sinh khả úy” có nguồn gốc từ trong sách Luận Ngữ, một trong Tứ Thư kinh điển của Nho gia. Nguyên văn lời Khổng Tử như sau:

“Hậu sinh khả úy, yên tri lai giả chi bất như kim dã? Tứ thập, ngũ thập nhi vô văn yên, tư diệc bất túc úy dã dĩ”.

Tạm dịch: “Người sinh sau thường rất đáng (kính) sợ, nhưng trong tương lai biết đâu họ sẽ không bằng được như hiện tại? Nếu họ không có chút thành đạt gì trong độ tuổi bốn mươi, năm mươi thì không cần phải sợ họ nữa”.

Trong Hồng Lâu Mộng, một trong “Tứ đại danh tác” của Trung Hoa còn lưu lại đoạn vấn đáp thú vị giữa thầy trò Giả Bảo Ngọc về câu nói này. Bảo Ngọc là thiếu gia nhà họ Giả, một danh gia vọng tộc đất kinh kỳ. Bảo Ngọc tính tình trẻ con, thường chỉ thích vui chơi cùng các chị em và a hoàn, tâm niệm rằng dù được chết trong suối nước mắt khóc thương của họ cũng thoả một đời rồi. Với chuyện đọc sách Thánh hiền, Bảo Ngọc xưa nay chỉ quấy quá cho qua vì sợ cha trách phạt. Theo lệnh cha, Bảo Ngọc phải đến trường để thầy Đại Nho kèm cặp. 

Thầy trò Giả Bảo Ngọc bàn về “Hậu sinh khả uý” ra sao?

Hồng Lâu Mộng hồi 82: “Lấy nghĩa sách giảng bày, cụ đồ già dạy răn chàng bướng; Thấy ác mộng kinh khủng, gái Tiêu Tương hoảng sợ ngây hồn” có viết:

“Chiều đến, Đại Nho nói:

– Bảo Ngọc, có một chương sách cháu lại giảng xem.

Bảo Ngọc đến xem thì thấy là chương “Hậu sinh khả úy”, nghĩ bụng: “Chương này còn khá! May không phải là Đại học và Trung dung”. Bảo Ngọc liền hỏi:

– Giảng như thế nào?

– Cháu cứ theo từng ý từng câu giảng lại cho kỹ lưỡng.

Bảo Ngọc trước tiên đọc to lên một lần, rồi nói:

– Chương sách này là Thánh nhân khuyên lớp trẻ, họ bảo phải kịp thời cố gắng đừng để đến…

Nói đến đó Bảo Ngọc ngước đầu nhìn Đại Nho một cái, Đại Nho biết ý, cười nói:

– Cháu cứ việc nói, giảng thì không cần phải kiêng nể gì cả. Sách Lễ ký nói “Lâm văn bất húy” (Khi giảng tới câu này không phải kiêng kỵ), cháu cứ nói tiếp, đừng để ý đến cái gì.

Giả Bảo Ngọc thường chỉ thích vui chơi cùng các chị em mà không đoái hoài đến sách Thánh hiền (Cảnh phim Hồng Lâu Mộng 1987).

Bảo Ngọc nói tiếp:

– Đừng để đến già mà không làm nên gì. Trước hết Thánh nhân đem hai chữ “khả úy” để khích lệ chí khí của lớp trẻ, sau đem ba chữ “bất túc úy” (không đáng sợ) để cảnh tỉnh tương lai của lớp trẻ.

Nói xong, đứng nhìn Đại Nho, Đại Nho nói:

– Cũng được đấy, cứ giảng suốt đi nào!

Bảo Ngọc nói tiếp:

– Thánh nhân nói: Người ta sinh ra, lúc còn nhỏ, tâm tư và tài lực thông minh tài giỏi và có thể làm, thật là đáng sợ. Ai dám nói ngày sau họ không được như ta ngày nay? Nhưng nếu họ cứ nay lần mai lữa không biết chăm chỉ, đến khoảng bốn năm mươi tuổi mà không làm nên việc gì, thì hạng người đó, tuy rằng lúc trẻ hình như hữu dụng, đến lúc ấy thì trọn đời chẳng làm ai sợ nữa.

Đại Nho cười nói:

– Vừa rồi về phần ý, cháu giảng cũng rõ ràng đấy, nhưng lời lẽ có phần trẻ con, hai chữ “vô văn” không có nghĩa là không làm nên việc gì, không ra làm quan. Chữ “văn” ở đây nghĩa là mình thông suốt đạo lý, dầu không làm quan cũng là thành đạt; nếu không thế thì Thánh hiền đời xưa cũng có người trốn đời không ra làm quan. Không nhẽ cũng là người không thành đạt à? Ba chữ “bất túc uý” cốt là để người ta xem xét cho cẩn thận, để đối chọi với chữ “tri” của “yên tri” chứ không phải có nghĩa là sợ. Phải nhận rõ điểm đó mới hiểu được tinh vi, cháu có hiểu không?

– Hiểu rồi ạ.

– Còn một chương nữa cháu giảng xem.

Rồi ông ta giở qua một thiên khác, chỉ cho Bảo Ngọc. Bảo Ngọc xem thì thấy là chương “Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả dã” (Ta chưa thấy ai ham đức như ham sắc đẹp), Bảo Ngọc cảm thấy chương ấy châm chọc mình, liền cười lấy lòng thầy và thưa:

– Câu này không có nghĩa gì mà giảng cả.

– Nói nhảm! Thế gặp lúc ra đề mục này, cháu cũng nói không có gì mà làm hay sao?

Bảo Ngọc bất đắc dĩ phải giảng:

– Đấy là Thánh nhân thấy người ta không chịu ham đạo đức, mà thấy sắc đẹp thì rất là ham, không nghĩ rằng đạo đức là cái sẵn có ở trong bản tính con người, thế mà người lại không chịu ham nó; trái lại sắc đẹp tuy cũng đã có từ khi con người mới bẩm sinh ra, không ai là không ham, nhưng đức là thiên lý, sắc là nhân dục, thế mà người ta không chịu xem thiên lý hơn nhân dục. Đây tuy là lời than thở của Khổng Tử, mà lại có ý trông mong cho người ta trở lại đường ngay và cũng để thấy rõ rằng người ta dù có ham đức vẫn là ham một cách nông cạn, phải ham đức như ham sắc thì mới là thật ham.

Vẻ băng thanh ngọc khiết của Lâm Đại Ngọc trong phim Hồng Lâu Mộng 1987.

– Cháu giảng thế cũng được, nhưng ta có điều này muốn hỏi: cháu đã hiểu lời nói của Thánh nhân, vậy làm sao chính mình lại phạm lấy hai cái lỗi ấy? Tuy rằng ta không ở trong nhà cháu, mà cha cháu cũng không nói với ta, nhưng thật ra những tật xấu của cháu, ta điều biết hết. Làm một con người sao lại không trông mong thành đạt? Giờ đây cháu đang ở cái thời “Hậu sinh khả uý”, “Hữu văn” hay “bất túc úy”, hoàn toàn do mình làm lấy. Nay ta hẹn cho cháu một tháng, đem những sách đã đọc, ôn lại một lượt. Rồi đọc thêm văn bát cổ trong một tháng nữa, sau đó ta sẽ ra đầu bài cho mà làm. Nếu còn nhác nhớn, nhất định ta không nghe đâu. Người xưa nói: “Muốn nên người không thể lười biếng, lười biếng thì không thể nên người”. Cháu nên nhớ những lời ta dặn.

Bảo Ngọc vâng lời. Từ hôm ấy trở đi, ngày ngày đành phải học tập theo lời thầy dạy”.

Ý nghĩa thật sự của nhân sinh

Cuộc vấn đáp giữa thầy trò Giả Bảo Ngọc đã làm sáng tỏ nhiều đạo lý nhân sinh, ở đây người viết chỉ mạo muội thiển đàm vài cảm ngộ như sau:

Một là, đời người ngắn ngủi, tuổi trẻ rất có tiềm năng (hậu sinh khả uý), nhưng nếu không tranh thủ thời gian mà chăm chỉ học hành thì đến tuổi già sẽ trở nên vô dụng.

Hai là, mục tiêu “thành đạt” của đời người không phải chỉ ở việc làm quan, phát tài, đo lường thành công bằng danh lợi bề mặt; mà ngụ ý là sự thông hiểu đạo lý, trở thành bậc “chính nhân quân tử” của Nho gia, “chân nhân” của Đạo gia, hay đấng giác ngộ mà Phật gia truyền giảng.

Ba là, muốn “thành đạt” được như vậy thì cần có cái tâm thành kính cầu học, mến đức như người đời ham sắc đẹp. Nghe thấy điều thiện thì phấn khởi làm theo, ngày càng tiến gần hơn với Đạo.

Thế mới biết ngày nay, không những câu “hậu sinh khả uý” đã được hậu thế hiểu chưa đầy đủ, mà nội hàm chân chính của “thành đạt” cũng bị bóp méo sai lệch cả rồi. Những bậc Thánh hiền ẩn cư nơi thôn dã thì bị cho là “vô tích sự”, chỉ những triệu phú quan to mới được nể trọng mà thôi. Vì người ta hoàn toàn mê vào không gian vật chất này, phủ định sự tồn tại và giáo huấn của Thần Phật, nên cả đời dùng mọi thủ đoạn để vơ vét hưởng thụ nhiều nhất có thể, không sợ quả báo, còn cho đó là “hơn người”, coi khinh những bậc lão niên.

Trong Hồng Lâu Mộng, Giả Bảo Ngọc tuy không màng danh lợi, nhưng lại quá dính mắc vào tình. Bảo Ngọc nguyên là viên đá ngũ sắc được Nữ Oa nương nương luyện thành, chỉ vì “bất giác động lòng phàm tục” mà được một vị tăng nhân và một vị đạo sĩ mang từ thiên giới xuống trần gian. Đầu thai vào gia đình phú quý phong lưu, hưởng hết vinh hoa chốn nhân gian, lại chứng kiến mọi bi hoan ly hợp của kiếp người, viên linh thạch cuối cùng đã thấu tỏ sự hư ảo tạm bợ chốn hồng trần, ngộ Đạo trở về dưới chân núi Thanh Ngạnh. 

Bảo Ngọc hiện nguyên hình là hòn đá thiêng, đem tất cả những gì bản thân trải nghiệm trong kiếp sống hạ phàm ghi chép lại, mong có người đi ngang qua nhìn thấy mà sao chép ra, truyền cho nhân thế. Vì vậy, Hồng Lâu Mộng còn có tên là “Thạch đầu ký”. Về sau Tào Tuyết Cần mười năm đọc bộ sách này ở trong hiên Điệu Hồng, thêm bớt năm lần, xếp thành mục lục, chia ra từng chương từng hồi, lại đề là “Kim lăng thập nhị hoa”. Quả đúng là:

Lẵng đẵng trên đời khéo khổ công,
Tiệc tùng rốt cuộc chỉ là không.
Muôn trò mừng tủi đều hư ảo,
Một giấc xưa nay rõ viển vông.
Vạt thắm nào riêng người đẫm lệ,
Tình ngây còn vướng hận ôm lòng.
Xem ra chữ chữ toàn bằng huyết,
Cay đắng mười năm khéo lạ lùng.

[Thơ: Tào Tuyết Cần].

Thanh Ngọc