Tăng Quốc Phiên là một danh thần dưới triều Mãn Thanh. Ông vừa giỏi binh pháp, lại thông tường Nho học, là một người văn võ song toàn.
Cuộc đời Tăng Quốc Phiên đã đạt đến đỉnh cao trong 3 điều bất hủ của cổ nhân là “lập đức, lập công, lập ngôn”. Chính vì vậy trí huệ kiếp nhân sinh của ông luôn là điều khiến hậu thế coi trọng và trân quý. Dưới đây là 15 giá trị nhân sinh được ông đúc kết trong suốt cuộc đời mình.
Tiếp theo Phần 1
8. Đời người cần phải nỗ lực
Nguyên văn: “Học quý sơ hữu quyết định bất dịch chi chí, trong hữu dũng mãnh tinh tiến chi tâm, mạt hữu kiên trinh vĩnh cố chi lực”.
(“Tằng Văn chính công toàn tập”)
Diễn nghĩa: Học vấn ban đầu quý ở ý chí kiên định không dao động, sau đó quý ở chí tiến thủ dũng mãnh, liên tục tiến về phía trước, cuối cùng quý ở năng lực vĩnh viễn bảo trì một cái tâm kiên định.
Gợi ý nhân sinh:
Trong giai đoạn đầu của mỗi người, chúng ta đều còn nhỏ, tâm trí còn ấu trĩ, học thức thì nông cạn, mối quan hệ lại ít ỏi. Khi ấy chúng ta chỉ đóng một vai trò nhỏ, một nhân vật nhỏ, chỉ là kẻ yếu thế mà thôi. Lúc này con người quý ở bồi dưỡng đạo đức, lập chí cao xa, trở thành người có ích cho xã hội.
Trải qua quá trình lập chí, nỗ lực, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức, chúng ta lại tiến nhập vào giai đoạn thứ hai của đời người. Lúc này trái tim và khối óc đã hoàn thiện, sự đời đã tỏ tường. Chúng ta cũng đã nắm vững trong tay mình nguồn tài nguyên phong phú trong các mối quan hệ, tiền bạc, quyền lực. Lúc này chúng ta nên bạo gan hơn một chút, bước chân nhanh hơn một chút, dựng công lập nghiệp, thực hiện giá trị kiếp nhân sinh của mình.
Giai đoạn thứ ba là cần giữ được cốt cách và phong thái phẩm giá con người. Lúc này cần giữ gìn những thành quả đã đạt được và luôn giữ nụ cười trên môi tới thời khắc cuối cùng, không nên kiêu ngạo cũng không nên hành sự tuỳ tiện nhất thời.
9. Ba phẩm chất không thể thiếu của một người thành công
Nguyên văn: “Nhân sỹ độc thư, đệ nhất yếu hữu chí, đệ nhị yếu hữu thức, đệ san yếu hữu hằng. Hữu chí tắc đoán bất cam vi hạ lưu. Hữu thức, tắc tri học vấn vô tận, bất cảm dĩ nhất đắc tự túc. Hữu hằng, tắc đoạn vô bất thành sự”.
(“Tăng Quốc Phiên gia thư”)
Diễn nghĩa: Kẻ đọc sách, thứ nhất là phải có chí hướng, thứ hai là phải có kiến thức, thứ ba là phải có lòng kiên trì. Người có chí khí thì sẽ không cam lòng làm một người bình thường vô dụng. Người có kiến thức thì có thể biết rằng học vấn là vô tận, không bao giờ dám tự mãn về vốn hiểu biết của mình. Người có tâm kiên định thì không việc gì không thể thành công.
Gợi ý nhân sinh:
Không chỉ chuyện học hành mà làm bất cứ việc gì trong cuộc sống cũng đều phải có đầy đủ ba phẩm chất này: Có chí, có kiến thức, có lòng kiên trì. Người có chí thì mới không can tâm làm một người bình thường, sống cuộc đời vô ích. Người có kiến thức mới có được bản sự làm việc, đạt được mục tiêu đề ra. Người có lòng kiên trì mới có thể như “nước chảy đá mòn”, từng bước tiến tới thành công.
Ba phương diện này móc nối tuần hoàn với nhau, không thể thiếu đi phương diện nào. Đây chính là nguyên lý thành công được đúc rút từ thiên cổ vậy.
10. Làm một người tốt mới có thể gánh vác trọng trách
Nguyên văn: “Bất tham tài, bất thất tín, bất tự thị, hữu thử tam giả, đáo sở nhân giai kính trọng”.
(“Tăng Quốc Phiên gia thư”)
Diễn nghĩa: Ai có thể làm được 3 điểm này: Không tham tiền bạc, không thất tín, không tự cho mình là người giỏi giang, thì đi đến đâu cũng được mọi người tôn trọng.
Gợi ý nhân sinh:
Rất nhiều người đã đúc kết ra kinh nghiệm rằng: Tham tài thì được lợi, thất tín là điều vô hại, nói dối chỉ để dọa người. Nhưng người như vậy mấy ai đã làm nên đại sự? Dẫu có lên ngôi thì có mấy người ngồi được vững vàng? Từ xưa tới nay, số ấy cũng vô cùng ít ỏi.
Cho nên chúng ta nhắc tới thành công thì cần phải có kiến thức và tầm nhìn về 3 điều trên. Nhắc tới tu dưỡng, trước tiên chúng ta phải làm được 3 việc: Không tham tiền tài, không thất tín, không tự cho mình là người giỏi giang. Nếu dành tâm sức rèn luyện cho mình có được 3 đặc điểm này thì mọi người xung quanh cũng sẽ phải thốt lên rằng: “Người này rất tuyệt, một người thật tốt bụng!”.
11. Tu thân bắt đầu từ việc khiến những người xung quanh thấy dễ chịu
Nguyên văn: “Cổ lai vô dữ tông tộc hương đảng vi thù chi thánh hiền”.
(“Tăng Quốc Phiên gia thư”)
Diễn nghĩa: Từ xưa tới nay không có bậc thánh hiền nào lại thích kết thù kết oán với những người xung quanh mình.
Gợi ý nhân sinh:
Mục đích của việc tu dưỡng nằm ở hai chữ “hài hòa”. Bên trong thì hài hoà thân và tâm, bên ngoài thì hài hòa với mọi người, sau cùng là hài hòa với vạn vật trong trời đất. Sự hài hòa bên ngoài tự nhiên sẽ bắt đầu từ mối quan hệ với những người thân, bè bạn, và đồng nghiệp xung quanh.
Nếu bạn kết thù kết oán với người thân, bạn bè của mình thì ngay cả bản thân họ cũng không thể sống yên, huống chi nói tới việc “thiên hạ thái bình”?
12. Ai mới được gọi là quân tử?
Nguyên văn: “Cần kiệm tự trì, tập lao tập khổ, khả dĩ xử lạc, khả dĩ sở ước, thử quân tử dã”.
(“Tăng Quốc Phiên gia thư”)
Diễn nghĩa: Người chăm chỉ, cần kiệm tự nhiên sẽ biết ước thúc bản thân, không ngại khó ngại khổ. Ở trong hoàn cảnh này họ vẫn thấy vui vẻ, vẫn có thể tuân theo quy tắc của thế gian. Người như vậy đúng là bậc quân tử.
Gợi ý nhân sinh:
Người chăm chỉ, cần kiệm, tự giác ắt có thể tìm thấy niềm vui trong sự vất vả. Ngay trong công việc và cuộc sống bận rộn họ vẫn trải nghiệm được niềm vui. Họ hiểu rõ và tôn trọng đầy đủ các phép tắc trong xã hội nhưng bản thân không cảm thấy bị bó buộc.
Trong những giai đoạn khác nhau của đời người, họ đều có thể vinh nhục không màng, thong dong tự tại một cách xuyên suốt như vậy. Người như vậy xứng đáng được gọi là bậc quân tử. Cuộc đời của người quân tử là một cuộc đời luôn vui vẻ, hạnh phúc.
13. Cách thức là số 1
Nguyên văn: “Cổ chi thành đại sự giả, quy mô viễn đại dữ tống lý mật vi, nhị giả khuyết nhất bất khả”.
(“Tăng Quốc Phiên gia thư”)
Diễn nghĩa: Từ xưa tới nay những người làm nên sự nghiệp lớn thường biết quy hoạch sâu rộng, tầm nhìn cao xa và tính toán được tính thiết thực của những tiểu tiết. Hai điểm này không thể khuyết một trong hai.
Gợi ý nhân sinh:
Cách thức chính là tầm nhìn, là tấm lòng và chí hướng của một người lớn hay nhỏ. Đây chính là nền tảng của thành công.
Có được nền tảng này thì phải bắt tay thực hiện từ những từng việc nhỏ nhặt nhất, từng bước từng bước, in hằn từng vết chân mà bước đi. Đây chính là sự đảm bảo vững chắc cho thành công.
Nếu có được hai điểm này thì muốn thành công cũng không khó. Thành tích trong cuộc đời vĩ đại của Tăng Quốc Phiên chính là minh chứng rõ nhất cho điều này.
14. Đối nhân xử thế phải biết “trong vuông ngoài tròn”
Nguyên văn: “Phụ trong tuy dã hoài tá bất hợp thời nghi, khước nhất vị hồn hàm, vĩnh bất phát lộ”.
(“Tăng Quốc Phiên gia thư”)
Diễn nghĩa: Mặc dù trong tâm ta cũng có những điều thấy mình không hợp thời, nhưng xưa nay ta đều luôn giữ kín, không bao giờ biểu lộ ra ngoài.
Gợi ý nhân sinh:
Tăng Quốc Phiên cũng ghét cay ghét đắng bộ mặt nơi quan trường, nhưng “đâm lao thì phải theo lao”. Bề ngoài ông vẫn giữ thái độ điềm nhiên, không hé răng nói nấy một lời, chính là trong vuông ngoài tròn vậy.
Bên trong vuông mới có thể giữ vững bản thân, mới có kiến giải của bản thân và thực hiện được giá trị của bản thân mình. Ngoài tròn mới có thể đối nhân xử thế một cách lão luyện, từ đó từng bước thực hiện giá trị mong muốn trong cuộc đời mình.
Kỳ thực hai điều này luôn nâng đỡ, bù đắp cho nhau. Người không có cái tôi và chủ kiến thì khó thành đại sự. Phải có sự lão luyện, thành thục mới có thể rèn giũa tính cách của mình, khiến nó càng thêm viên dung, chất phác.
15. Con người quý ở sự kiên trì
Nguyên văn: “Nhân nhi vô hằng, chung thân nhất vô sở thành”.
(“Tăng Quốc Phiên gia thư”)
Diễn nghĩa: Nếu không có lòng kiên trì thì cả đời sẽ chẳng nên công trạng gì.
Gợi ý nhân sinh:
Mọi việc đều có chu kỳ. Ví như sự trưởng thành của con người, từ khi nằm trong bụng mẹ, tới khi sinh ra, tới khi học ăn, học nói, học đi, cho tới khi có được khả năng tự lo liệu cho cuộc sống của mình, thì chí ít cũng phải mất vài năm.
Đạo lý thì ai cũng hiểu, nhưng vì sao khi thực hiện rất nhiều việc lại bị bỏ dở giữa chừng?
Kỳ thực những trường hợp ấy không hề nằm ngoài 3 tình huống sau:
- Gặp phải khó khăn cảm thấy không thể vượt qua.
- Khi đã nhàm chán thì càng làm càng cảm thấy không có động lực, nên ý chí không còn kiên định, tâm bắt đầu dao động.
- Phát hiện ra quy hoạch và sự lựa chọn trước kia có vấn đề cần phải điều chỉnh lại phương hướng.
Tóm lại, có lòng kiên trì ắt sẽ có thể tiến gần tới thành công. Trên con đường đời của mỗi người sẽ phải gặp đủ loại khó khăn, đủ kiểu kẻ thù. Có khi chúng ta phải hành động mạnh mẽ, nhưng có khi chúng ta lại phải kiên nhẫn chờ đợi. Phải trải qua nhiều khó khăn thì con người mới được tôi luyện, mới trưởng thành, mới có thể trở nên mạnh mẽ.
Nhã Văn biên dịch
Xem thêm: