Lịch sử ngày nay vẫn còn lưu danh những vị minh sư nổi tiếng của các Hoàng đế. Họ chính là nền tảng lập quốc, là chỗ dựa lớn cho các bậc minh quân trị nước.
Danh sư Chu Văn An
Nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An (1292 – 1370) là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch. Vua Trần Minh Tông (1300 – 1357) đã mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai.
Đến đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học, viết sách.
Vào những dịp trong triều có lễ hội lớn, ông vẫn được đón về kinh tham dự. Một lần vua Dụ Tông giao cho ông coi việc chính sự, ông từ chối. Biết tin này, bà Hoàng Thái Hậu (tức bà nội vua), nói với những người xung quanh: “Bậc sĩ phu sửa mình trong sạch, dẫu thiên tử cũng không bắt làm bề tôi được. Sao có thể đem bổng cao chức trọng mà dụ dỗ người ta…”. Vua sai nội thần mang áo đến ban tặng, ông tạ ơn xong rồi đem cho người khác. Ai cũng khen phong độ của ông là cao thượng.
Khi Trần Nghệ Tông (1370-1372) lên ngôi, Chu Văn An ra kinh đô bệ kiến vua mới, nhưng không nhận chức tước gì, rồi trở về núi cũ. Đông đảo học trò theo tiễn có hỏi: “Từ nhà vua đến đông đảo các sĩ phu và quan chức đều là học trò của thầy, sao thầy không ở lại để đảm đương một trọng trách? Thầy coi thường những chức tước của triều đình lắm sao?”.
Nhà giáo Chu Văn An nói: “Cái quan trọng của con người không ở chỗ chức tước mà ở phẩm giá. Giữ một chức phận nhỏ mà có ích cho đời thì đáng quý biết bao nhiêu. Còn giữ chức tước lớn mà không làm gì có lợi cho dân, cho nước thì chức tước ấy có nghĩa gì. Các con có nhớ Đức Thái Tông triều Trần ta đã nói gì khi Trần Thủ Độ mời người trở lại làm vua không? Ngài nói: “Nếu làm vua mà làm cho dân giàu, nước mạnh thì hãy làm. Còn ngôi vua ư? Ta coi ngôi vua như chiếc dép rách mà thôi!”.
Những người thầy cao cả của vua Hàm Nghi
Thầy giáo Nguyễn Doãn Cử, quê Vũ Thư – Thái Bình đỗ Cử nhân, được làm giảng quan của phủ Tôn Nhân, chuyên dạy con em vương hầu nhà Nguyễn. Có lần, cậu bé Ưng Lịch không thuộc bài, thầy Cử đã phạt đòn thẳng tay, bất chấp trò là dòng dõi vương tôn. Sau đó thầy cử liền dâng sớ tạ tội, cáo quan về quê cũ.
Nhưng vua Tự Đức chẳng những không quở trách mà còn đưa thêm roi cho thầy và nói: Khanh quý trẫm vì nể trọng khuôn phép, chứ không phải nể quyền uy nơi trẫm. Nếu không nghiêm như vậy thì làm sao đào luyện được tài năng, hoàng tộc sẽ không có người kế nghiệp xứng đáng.
Cậu bé Ưng Lịch bị thầy đánh đòn ấy sau này trở thành vua Hàm Nghi, một ông vua yêu nước được lưu danh trong sử sách.
Trong các thầy dạy vua Hàm Nghi, người đời cũng nhớ đến thầy Nguyễn Nhuận. Dù không đỗ cao, ông là một nhà Nho được kính nể không chỉ vì trí tuệ uyên thâm mà còn cả sự liêm khiết, quang minh. Sau một thời gian mở trường dạy ở quê, ông được mời vào kinh dạy con cháu hoàng tộc. Trong các học trò của ông có cả Ưng Lịch, khi đó là một cậu bé ngỗ nghịch ít được chú ý đến.
Sau này Ưng Lịch trở thành vua Hàm Nghi, nhớ công ơn thầy dạy dỗ, muốn phong cho thầy một chức quan trong triều. Để tạ ơn vua, nghĩ đến quê mình có vùng đất Tuyên Hóa nghèo khổ lại toàn là núi rừng, dân chúng ít học, thầy Nguyễn Nhuận đã xin được về Tuyên Hóa nhận chức Tri huyện.
Thời gian cụ làm quan ở huyện này, không có ăn xin ăn mày, không có trộm cắp, vườn tược nhà nhà thông thương, hoa quả không bị mất trộm, nhà nhà không phải đóng cửa khi chủ đi vắng.
Gia Cát Lượng – Cúc cung tận tụy cả đời
Gia Cát Lượng (181 – 234), biểu tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là Thừa tướng, công thần khai quốc, nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Lưu Bị thua trận, hổ thẹn mà mắc bệnh nặng ở thành Bạch Đế. Trước khi chết, ông đã ủy thác việc nước cho Gia Cát Lượng. Di chiếu của Lưu Bị nhắc nhở Thái tử Lưu Thiện:
“Trẫm lúc mới ốm chỉ mắc bệnh lị mà thôi, sau chuyển sang tạp bệnh, sợ rằng chẳng qua khỏi. Người ta 50 tuổi chẳng nói là yểu, ta đã hơn 60 tuổi, sao phải ân hận nữa, chẳng đau xót gì cho mình, chỉ nghĩ đến anh em khanh (chỉ thái tử Lưu Thiện). Quan Bộc xạ tới đây, nói rằng Thừa tướng khen khanh sáng suốt hiểu biết, tiến bộ rất mau, vượt quá ước vọng của y, nếu thực được như thế, ta sao còn phải lo lắng nữa! Gắng lên, gắng lên! Chớ vì điều ác nhỏ mà làm, chớ vì điều thiện nhỏ mà không làm. Chỉ có hiền chỉ có đức, mới có thể thu phục được người. Cha các ngươi đức bạc, chớ nên bắt chước. Ngươi nên đọc sách Hán thư – Lễ ký, những lúc nhàn nhã nên xem các sách của Chư tử cùng với Lục Thao-Thương quân thư, cũng giúp tăng thêm ý chí và trí tuệ. Nghe nói Thừa tướng chỉnh lý các sách Thân-Hàn-Quản tử-Lục Thao đều thông suốt hết cả, chưa đưa ra ngoài, e rằng lỗi đạo, nên phải tự thân đến cầu học lấy”.
Lúc lâm chung, Lưu Bị cho gọi Lỗ vương (một người con thứ) đến dặn nhỏ rằng: “Sau khi ta mất, anh em chúng mày phải coi Thừa tướng như cha, lệnh cho ngươi làm cộng sự giúp cho Thừa tướng mà thôi”. Gia Cát Lượng nghe vậy khóc mà quỳ xuống tâu rằng: “Thần xin dốc sức làm tay chân, theo đúng lẽ trung trinh, nguyện chết không đổi vậy”.
Lưu Thiện mới 17 tuổi lên ngôi làm chủ đất Thục, Gia Cát Lượng cầm quyền, chỉnh đốn nội bộ và chấn chỉnh lực lượng. Lưu Thiện nói với ông: “Chính là họ Gia Cát đã cứu quả nhân”.
Trương Cư Chính
Trương Cư Chính (1525 – 1582), tự là Thúc Đại, hiệu Thái Nhạc, còn có hiệu là “Văn Trung”, sinh ở Giang Lăng Thảo, Hồ Bắc. Được coi là con cháu của nông dân, Trương Cư Chính từ thời thơ ấu đã nổi tiếng là thần đồng ở quê hương, 5 tuổi đã đi học, 7 tuổi đã thông thạo nghĩa lớn của lục kinh, 12 tuổi đỗ tú tài. 13 tuổi, ông đã viết được bài thơ “Vịnh trúc” nổi tiếng. Cũng năm ấy, ông thi đỗ cử nhân.
Tuần phủ Hồ Quảng làm chủ khảo thấy tuổi ông còn trẻ cố ý đánh trượt để ông gặp vấp váp mà cố gắng rèn luyện. Ba năm sau, Trương Cư Chính lại đi thi và đỗ cử nhân, đó là cử nhân trẻ nhất, mới 16 tuổi. Ông tuần phủ trước đây đã cho ông trượt biết chuyện rất vui vẻ, lập tức đeo tặng ông một ngọc bội, khích lệ ông trở thành một nhân tài của đất nước. Sau đó, việc học hành của ông tiếp tục thuận lợi, năm 23 tuổi, ông dự thi hội, rồi thi đình, đỗ tiến sĩ, được chọn là Thứ cát sĩ, năm 25 tuổi được thăng Hàn lâm viện biên tu, năm 43 tuổi vào nội các đồng thời là Đại học sĩ, năm 48 tuổi làm Thủ phụ.
Sau khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương bãi bỏ chức Tể tướng, Thủ phụ của nội các cũng chính là một Tể tướng. Năm Long Khánh thứ 6 (1572), Minh Mục Tông lâm bệnh, di chiếu mệnh cho Cao Củng, Trương Cư Chính, Cao Nghị cùng giúp đỡ phò tá cho hoàng đế Thần Tông mới 10 tuổi. Cao Củng làm Thủ phụ nội các, là người kiêu ngạo, dưới con mắt ông ta, Trương Cư Chính chỉ là một thuộc hạ, Cao Nghị thì tuổi cao bệnh lắm, cả hai đều không phải là đối thủ của ông ta, người duy nhất có thể tranh quyền với ông ta là Ty lễ giám chưởng ấn Thái giám Phùng Bảo, trong cuộc đấu tranh giữa hai người Cao và Phùng, Trương Cư Chính liên hợp với Phùng Bảo, chống lại Cao Củng, đến năm Cao Nghị bị bệnh chết, Trương Cư Chính được thăng Thủ phụ. Ông vốn là thầy dạy của tiểu Hoàng đế, lại là cố mệnh đại thần duy nhất, hoàn toàn được sự tin cậy của hoàng đế. Qua 10 năm cầm quyền, ông thực tế đã nắm vững đại quyền của đế quốc Minh, đây chính là điều kiện có lợi để ông tiến hành những cải cách.
Trương Cư Chính đã thực hiện một loạt những cải cách: Về mặt nội chính, đầu tiên ông chỉnh đốn việc cai trị, tăng cường chế độ trung ương tập quyền. Trương Cư Chính đưa ra “Khảo thành pháp”, khảo sát nghiêm ngặt các cấp quan lại và hoàn cảnh ban ra chiếu chỉ của triều đình, yêu cầu các địa phương định kỳ phải báo cáo mọi việc cho nội các, đề cao thực quyền của nội các, bãi miễn những kẻ thủ cựu, chậm trễ trong công việc, những quan lại ngoan cố phản đối cải cách; tuyển dụng, đề bạt những người có năng lực ủng hộ cải cách, chuẩn bị mọi công việc về tổ chức. Ông còn chỉnh đốn mọi việc về truyền tin và thuyên chuyển. Phương châm của ông đặt ra là “tôn chủ quyền, khoá sử chức, hành thưởng phạt, nhất hiệu lệnh” (tôn trọng chủ quyền, thi lấy chức vụ, thi hành thưởng phạt, thống nhất mệnh lệnh) và “Trương công thất, Đỗ tùng môn”.
Kiên Định
(Tổng hợp)
Video: Chính quyền Trump sẽ ngăn chặn Trung Quốc đàn áp những người có đức tin