Văn: Thường Sơn Tử

Vào những năm Thiên Bảo đời nhà Đường, ở Phạm Dương có một thư sinh họ Lô, nhiều năm ứng thí nhưng năm nào cũng trượt, cuộc sống ngày càng túng quẫn.

Một buổi chiều nọ, Lô Sinh cưỡi lừa dắt theo người hầu đi dạo loanh quanh, đến trước một ngôi chùa, thấy trong chùa đầy ắp tín chúng đang nghe hòa thượng giảng kinh. Lô Sinh bèn xuống lừa, vào chùa ngồi nghe giảng. Người hầu thì dắt lừa đứng đợi ở cổng.

Không lâu sau, Lô Sinh bỗng cảm thấy một cơn buồn ngủ ập đến, liền ngủ gật…

Trong lúc ý thức mông lung, Lô Sinh đi đến cổng chùa, thấy trên bậc thềm có một tỳ nữ mặc áo xanh đang ngồi, tay xách một giỏ anh đào.

Lô Sinh bước tới hỏi: “Cô nương, cô là tỳ nữ nhà nào vậy?”

“Nương tử nhà tôi họ Lô, gả cho nhà họ Thôi. Chẳng may cô gia nhà họ Thôi mất sớm, nương tử hiện đang ở góa trong thành.” Cô gái áo xanh lấy một ít anh đào đưa cho Lô Sinh: “Mời chàng cùng ăn!”

Lô Sinh bèn ngồi xuống cạnh cô gái áo xanh, hai người vừa ăn vừa trò chuyện. Qua cuộc trò chuyện, hai người biết được nương tử của cô gái áo xanh chính là cô mẫu (cô ruột) của Lô Sinh.

“Nào có ai ở cùng thành với cô mẫu mà lại không đến thăm hỏi chứ?” cô gái áo xanh nói.

Thế là Lô Sinh đi theo cô gái áo xanh đến thăm cô mẫu.

Hai người đi qua cầu Thiên Tân, vào phố Thủy Nam thì thấy một dinh thự hoa lệ. Cô gái áo xanh vào phủ, còn Lô Sinh đứng đợi ở cổng lớn.

Một lúc sau, có bốn người bước ra. Hai người mặc áo đỏ, hai người mặc áo xanh, ai nấy đều có tướng mạo tuấn tú, đường hoàng. Thì ra họ là các con trai của cô mẫu, cũng tức là anh em họ của Lô Sinh. Một người là Hộ bộ Lang trung, một người là cựu Trịnh Châu Tư mã, một người là Hà Nam Công tào, và một người là Thái thường Bác sĩ. Anh em họ gặp nhau, trò chuyện rất vui vẻ.

Sau đó, Lô Sinh theo họ vào bái kiến cô mẫu. Cô mẫu mặc một bộ đồ màu tím, tuổi chừng sáu mươi, vẻ mặt nghiêm nghị, uy nghiêm. Bà bảo Lô Sinh ngồi xuống rồi hỏi han tình hình gia đình và họ hàng của chàng. Lô Sinh kính cẩn trả lời từng câu một.

“Con đã thành thân chưa?”

“Dạ chưa ạ.” Lô Sinh nghĩ đến việc mình liên tục thi trượt, đến nỗi chưa thể lập gia đình, mặt bất giác đỏ bừng.

“Ta có một người cháu gái họ Trịnh, cha mất từ khi còn rất nhỏ, được em gái ta nuôi nấng trưởng thành. Con bé có dung mạo xinh đẹp, tính tình hiền huệ. Ta muốn làm mai mối cho con, chắc hẳn con bé sẽ đồng ý, không biết ý con thế nào?”

“Cháu cảm tạ cô mẫu.” Lô Sinh vui mừng cúi đầu cảm tạ.

Bà Thôi lập tức sai người đến nhà họ Trịnh. Không lâu sau, gia đình cô gái họ Trịnh đến nhà họ Thôi, bà cùng nhà họ Trịnh bắt đầu chọn ngày lành tháng tốt. Bà Thôi nói: “Ngày kia là ngày đại cát, cứ định ngày đó đi.” Lô Sinh vui mừng, nhưng cũng lo lắng về các khoản chi phí cho sính lễ và tiệc cưới.

Bà Thôi dường như đoán được tâm tư của Lô Sinh, liền nói: “Cháu không cần phải bận tâm, tiền sính lễ, thiệp mừng, tiệc tùng các thứ, tất cả cứ để ta lo liệu.” Bà nói tiếp: “Con chỉ cần lập một danh sách tên tuổi, địa chỉ của họ hàng, bạn bè trong nhà rồi đưa cho ta là được.”

“Cháu cảm tạ cô mẫu.” Lô Sinh lập tức bắt đầu liệt kê danh sách bạn bè thân thích đang làm quan trong triều đình và phủ nha, tổng cộng hơn ba mươi nhà.

Ngày hôm sau, nhà họ Thôi giăng đèn kết hoa, người trên kẻ dưới đều tất bật chuẩn bị cho hôn lễ.

Đến ngày đại hỷ, tiệc cưới linh đình được mở ra, bạn bè thân thích đều đến chúc mừng. Tân lang tân nương giao bái lễ thành, tiến vào động phòng. Chỉ thấy bài trí trong phòng, từ bình phong, màn trướng, giường chiếu đều vô cùng quý giá hiếm có. Lô Sinh vén khăn che mặt của tân nương lên, thấy một thiếu nữ chừng mười bốn, mười lăm tuổi, dung mạo tựa tiên nữ, thanh lệ thoát tục, lòng chàng vui sướng khôn xiết. Từ đó, Lô Sinh và tân nương sống những ngày hạnh phúc, ngày tháng trôi qua khiến chàng dần quên cả cha mẹ và người thân ở quê nhà.

Thoáng chốc, kỳ thi mùa thu lại đến, nhưng Lô Sinh đã bỏ bê đèn sách từ lâu nên do dự không biết có nên đi thi hay không.

“Cháu cứ yên tâm đi thi, Lễ bộ Thị lang có quan hệ họ hàng với ta, ta đã nhờ ông ấy rồi, ông ấy nhất định sẽ hết lòng giúp đỡ, con không cần phải lo lắng.” Bà Thôi tự tin nói.

Cứ như vậy, mùa xuân năm sau chàng quả nhiên thi đỗ. Tiếp đó, Lô Sinh lại đi thi khoa Bác học Hoành từ. Trước khi lên đường, bà Thôi lại nói: “Lại bộ Thị lang là bạn tốt của anh họ con, ta đã nhờ ông ấy nhất định xếp con vào những hạng đầu.”

Đến khi có kết quả, Lô Sinh quả nhiên lại thi đỗ, được bổ nhiệm chức quan Bí thư lang. Nhưng bà Thôi dường như vẫn chưa hài lòng: “Hà Nam Doãn là cháu họ ngoại của ta, ta sẽ bảo nó tiến cử con làm Huyện úy ở một huyện gần kinh thành.”

Cứ thế vài tháng sau, Lô Sinh được bổ nhiệm làm Huyện úy huyện Vương Ốc. Sau đó, con đường quan lộ của Lô Sinh vô cùng thuận lợi, thăng tiến nhiều lần, sau này vào kinh làm quan, lên đến chức Tể tướng. Tiếng tăm của Lô Sinh rất tốt, được triều đình hết sức trọng dụng.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, chớp mắt một cái, kể từ ngày Lô Sinh và cô Trịnh bái đường thành thân đã mấy chục năm trôi qua. Hai vợ chồng yêu thương hạnh phúc, có với nhau bảy trai ba gái, tất cả đều đã dựng vợ gả chồng, sinh cho ông mười đứa cháu nội ngoại.

Năm ấy, Lô Sinh tuy đã thôi chức Tể tướng nhưng vẫn giữ một vị trí quan trọng. Một hôm, Lô Sinh đi tuần tra, quan viên và tùy tùng đi theo không ít. Tình cờ, đoàn người đến ngôi chùa năm xưa Lô Sinh gặp cô gái áo xanh. Lại thấy trong chùa đầy ắp tín chúng đang nghe hòa thượng giảng kinh, Lô Sinh bèn xuống ngựa vào chùa, đi lên tiểu điện bái Phật. Bỗng nhiên chàng cảm thấy choáng váng, ngã quỵ xuống đất, bên tai vẫn nghe rõ tiếng hòa thượng giảng kinh.

“Vị thí chủ này sao không dậy?” Có người bước tới, lay lay người Lô Sinh.

Lô Sinh mở mắt ra, nhìn xung quanh, tùy tùng và quan viên đều không thấy đâu. Chàng lại nhìn lại mình, không ngờ lại đang mặc một bộ quần áo vải của thường dân. Khi thần trí đã hoàn toàn tỉnh táo, chàng thầm nghĩ: “Chuyện gì thế này?”

Lô Sinh lại dụi dụi mắt, hoảng hốt bước ra khỏi chùa, chỉ thấy người hầu đang dắt con lừa, tay cầm chiếc mũ. Vừa thấy Lô Sinh, anh ta liền cằn nhằn: “Tôi và con lừa đều đói meo cả rồi, sao chủ nhân ra ngoài lâu thế ạ.”

Lô Sinh đứng ngây người một lúc lâu, rồi dần dần hiểu ra, hóa ra vợ con, sự nghiệp, danh tiếng, nửa đời vinh hoa phú quý… tất cả chỉ là một giấc mộng. Lô Sinh ngơ ngác nhìn người hầu, hỏi nhỏ: “Bây giờ là lúc nào rồi?”

“Sắp đến trưa rồi ạ.”

Lô Sinh thở dài một tiếng, tự nhủ: “Vinh hoa phát đạt, phú quý bần tiện ở cõi người, cũng chỉ là một giấc mộng mà thôi.” Nhìn về phía xa, Lô Sinh dường như đã giác ngộ điều gì đó: “Từ nay về sau, ta sẽ không còn mong cầu con đường quan lộ nữa.”

Lô Sinh từ đó đi chu du bốn phương, tìm tiên phỏng đạo, không ai còn thấy tung tích của chàng nữa.

Dựa theo《Thái Bình Quảng Ký》

Theo Epoch Times