Đông đảo các mưu sĩ Giang Đông liên tiếp công kích nhằm hạ nhục Gia Cát Lượng, cuối cùng chuốc lấy thất bại ê chề. Bài học cho bọn họ dường như vẫn đúng tới hôm nay.

Tháng 8 năm 208, quân Tào Tháo áp sát Kinh Châu. Lưu Bị đang đóng ở Phàn Thành, nghe tin bèn dẫn quân rời đi. Nhiều thuộc hạ của Lưu Biểu đi theo Lưu Bị, dân lánh nạn đi theo có đến hơn mười vạn người, xe chở hành lý lớn nhỏ chen cả lối đi, mỗi ngày hành quân không được mười dặm. Tào Tháo sai Tào Thuần dẫn quân khinh kỵ đuổi gấp, bắt kịp Lưu Bị ở Đương Dương – Trường Bản. Lưu Bị chạy rẽ sang Hán Tân, vừa hay gặp được thuyền của Quan Vũ, qua sông Miện, hội với con trưởng của Lưu Biểu là Kỳ rồi cùng đến Hạ Khẩu.

Lỗ Túc bên Đông Ngô tới gặp, Gia Cát Lượng theo Túc đi Giang Đông nhằm thuyết phục Tôn Quyền liên minh chống Tào. Lúc bấy giờ, Tào Tháo gửi thư chiêu hàng Tôn Quyền, các quan văn đều cho rằng nên hàng, bởi Tháo thống lĩnh quân trăm vạn, mang danh Thiên tử nay lại lấy được cả Kinh Châu, Đông Ngô không còn độc chiếm cái thế hiểm trở của sông Trường Giang nữa rồi. Tôn Quyền dùng dằng chưa quyết.

Gia Cát Lượng sang đến Đông Ngô, Tôn Quyền sắp xếp cho Gia Cát Lượng trước hết “gặp các tay anh tuấn Giang Đông đã, rồi sẽ mời lên triều đường bàn việc” sau. Trong Hồi 43 Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã xây dựng một điển cố bất hủ về sự kiện này, được biết đến với tên là “Gia Cát Lượng thiệt chiến quần nho” (Gia Cát Lượng khua lưỡi bẻ bọn nho).

Khổng Minh hẳn cũng hiểu lời tướng quân Hoàng Cái: “Nói nhiều dù được lợi, cũng không bằng ngồi im không nói”, nhưng phen này ông đã nói rất nhiều, mục đích là áp đảo lực lượng mưu sĩ Đông Ngô, làm bước đệm để thuyết phục Tôn Quyền quyết tâm đánh Tào. Màn đối đáp xuất sắc này không chỉ thể hiện trí tuệ siêu việt, khả năng ứng đối nhạy bén của Gia Cát Lượng, mà còn truyền tải những đạo lý làm người sâu sắc, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Cụ thể, Gia Cát Lượng đã “thiệt chiến” với quần thể mưu sĩ Đông Ngô, trong đó có Trương Chiêu, Ngu Phiên, Bộ Trắc, Tiết Tung, Lục Tích, Nghiêm Tuấn và Trình Đức Khu. Mỗi một người trong số họ đều đưa ra lý lẽ để làm nhục Gia Cát Lượng và Lưu Bị, nhưng Khổng Minh đã khảng khái biện luận, chỉ ra lối tư duy sai lầm và cách hành xử lỗi đạo của bọn họ. Thông qua đó, người đọc có thể nhận thức được những loại nho tiểu nhân, mà thời hiện đại gọi là “trí thức dỏm”.

Sau đây là 5 loại trí thức dỏm mà Gia Cát Lượng đã chỉ ra.

Loại 1: Khoác lác hư danh, nói như rồng leo làm như mèo mửa

“Túc mới dẫn Khổng Minh đến dưới trướng, đã thấy bọn Trương Chiêu, Cố Ung, toàn ban văn võ hơn hai chục người, mũ cao đai rộng, y phục chỉnh tề, ngồi có thứ tự rồi, Khổng Minh chào hỏi từng người, thông tính danh đâu đấy, rồi đến ngồi trên ghế tân khách.

Bọn Trương Chiêu thấy Khổng Minh phong thái đàng hoàng, tự nhiên, độ lượng, khảng khái, biết rằng người này tất là người đi thuyết khách. Trương Chiêu mới gợi trước rằng:

– Chiêu tôi là một kẻ học trò ngu hèn bên Giang Đông, lâu nay vẫn được nghe tiếng tiên sinh nằm khểnh trong Long Trung, ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị, lời ấy chẳng biết thực hay hư?

Khổng Minh đáp:

– Phải. Lượng tôi cũng có hợm mình mà ví thế.

Chiêu lại nói:

– Mới đây, tôi mới nghe Lưu Dự Châu ba lần cầu đến tiên sinh ở trong lều tranh, may được tiên sinh như cá được nước, những toan thu sạch cả Kinh Tương, thế mà nay chỉ có một buổi sáng mà về tay Tào Tháo hết; chẳng hay ông thế nào?

Khổng Minh nghĩ thầm rằng:

– Trương Chiêu là tay mưu sĩ bậc nhất của Tôn Quyền, nếu mình không áp đảo được hắn thì sao thuyết phục được Tôn Quyền?

Bèn đáp rằng:

– Kẻ lấy đất Hán Thượng, ta coi dễ như trở bàn tay, hiềm vì chủ ta là Lưu Dự Châu, muốn làm điều nhân nghĩa, không nỡ cướp cơ nghiệp của người đồng tông, cho nên nhất định không lấy. Lưu Tông là một đứa trẻ thơ, tin nghe lời nịnh, bí mật hàng Tào, cho nên mới để cho Tào Tháo ngông cuồng. Nay chủ ta đóng quân ở Giang Hạ, sẽ có kế khác, những kẻ tầm thường có hiểu sao được?

Chiêu nói:

– Nếu thế thì tiên sinh lời nói không đi đôi với việc làm rồi. Tiên sinh đã ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị, mà Quản Trọng ngày xưa giúp Hoàn công trị được chư hầu, định được thiên hạ; Nhạc Nghị ngày xưa giúp nước Yên đương suy yếu mà hạ được hơn bảy mươi thành nước Tề. Hai người ấy thực là có tài tế thế. Tiên sinh thì trước ở trong lều tranh, chỉ cười phong cợt nguyệt, xếp gối ngồi cao; Nay đã theo Lưu Dự Châu, thì phải vì dân mà mưu điều lợi, bỏ điều hại, dẹp trừ kẻ loạn tặc mới phải chứ! Vả khi tôi xem Lưu Dự Châu chưa được tiên sinh, ai cũng mong ngóng, đến đứa trẻ con cũng cho đó là hổ sinh cánh, nhà Hán sắp sửa lại hưng, họ Tào sắp đổ. Cựu thần trong triều đình, ẩn sĩ nơi rừng rú, ai cũng lau mắt chờ xem, tưởng là tiên sinh với Lưu Dự Châu, sắp xua tan mây mù trên trời cao, để cho thiên hạ lại được nhìn thấy ánh sáng mặt trời mặt trăng; cứu vớt dân ra khỏi cơn nước lửa, giúp đỡ thiên hạ yên ổn làm ăn, chính là lúc này vậy. Ai ngờ từ khi tiên sinh về với Dự Châu, quân Tào mới đến, đã bỏ giáp quẳng gươm, trông thấy bóng là chạy; trên không báo được Lưu Biểu, để yên thứ dân; dưới lại chẳng giúp được con côi, giữ lấy bờ cõi, bỏ Tân Dã, chạy khỏi Phàn Thành; thua Đương Dương, chạy ra Hạ Khẩu, chẳng có lấy một chỗ dung thân. Thế chẳng hoá ra Dự Châu từ khi được tiên sinh lại không bằng trước ư? Quản Trọng, Nhạc Nghị chắc cũng như thế đó ư? Đó là mấy lời quê kệch, xin tiên sinh đừng chấp.

Cảnh phim Tam quốc diễn nghĩa 1996: Gia Cát Lượng trả lời Trương Chiêu.

Khổng Minh nghe xong, cười ha hả mà rằng:

– Cái chí khí của chim bằng, các loại chim há biết được sao? Ví như người bệnh nặng, trước hết phải cho uống nước cơm, nước cháo, thuốc thang; lúc nào phủ tạng điều hoà, thân thể hồi phục, bấy giờ mới cho bổ bằng cá thịt, trị bằng thuốc mạnh, thì gốc bệnh mới tiệt, sinh mệnh mới an toàn. Nếu bệnh còn nặng, phủ tạng còn yếu, đã trị ngay bằng thuốc mạnh, bổ ngay bằng vị ngon, thì khó lòng chữa khỏi được. Chủ ta, trước thua ở Nhữ Nam, đến nhờ Lưu Biểu, quân không đầy một nghìn, tướng chỉ có Quan, Trương, Triệu chính là lúc bệnh đang nguy ngập. Tân Dã là một huyện nhỏ, hẻo lánh, dân cư thưa thớt, lương thực ít ỏi, chủ ta chẳng qua đến nương tạm đó mà thôi, có phải muốn khư khư ngồi giữ cái xó ấy đâu? Trong hoàn cảnh quân sĩ không sẵn, thành quách không bền, quân không luyện tập, chạy ăn từng bữa, thế mà lửa cháy Bác Vọng, nước ngập Bạch Hạ, khiến bọn Hà Hầu Đôn, Tào Nhân phải lòng run mật vỡ; thiết tưởng Quản Trọng, Nhạc Nghị dùng binh cũng vị tất đã hơn gì! Đến như Lưu Tông hàng Tào, Dự Châu hoàn toàn không biết; vả lại, không nỡ nhân lúc loạn mà cướp lấy cơ nghiệp người đồng tông. Thật là đại nhân, đại nghĩa! Còn trận thua ở Đương Dương, vì có vài vạn dân, già trẻ dắt díu nhau đi theo, không nỡ bỏ, nên mỗi ngày chỉ đi được mười dặm, không thiết đến lấy Giang Lăng, cam chịu thất bại, ấy cũng là đại nhân đại nghĩa vậy. Còn như ít không địch được nhiều, thì được thua chỉ là việc thường thôi. Ngày xưa vua Cao tổ luôn thua Hạng Vũ, sau chỉ một trận ở Cai Hạ là thành công; đó không phải là mẹo tài của Hàn Tín đó ư? Tín thờ Cao tổ đã lâu cũng không mấy khi thắng; bởi vì kế lớn nhà nước, xã tắc an nguy, đều đã có chủ trương. Không như cái lũ khoác lác hư danh, bịp bợm, ngồi một xó mà lý thuyết suông thì không ai bằng; đến lúc có việc thì trăm phần chẳng được phần nào, thật đáng để cho thiên hạ chê cười!

Bị thuyết một hồi, Trương Chiêu không còn thở ra được câu nào nữa”. 

Kết thúc cuộc vấn đáp, Gia Cát Lượng đã chỉ ra loại trí thức dỏm đầu tiên: “khoác lác hư danh, bịp bợm, ngồi một xó mà lý thuyết suông thì không ai bằng; đến lúc có việc thì trăm phần chẳng được phần nào”. Thời nay, có không ít “tiến sĩ giấy”, và cả tiến sĩ có bằng cấp thật hẳn hoi, bình thường vẫn khoe khoang về học vị của mình, nhưng đến lúc cần áp dụng kiến thức vào tình huống cụ thể thì lại bế tắc, khả năng phát minh sáng chế đôi lúc còn thua cả một nông dân.

Loại 2: Hèn nhát, sợ mạnh hiếp yếu

“Lại có một người cất tiếng hỏi rằng:

– Nay Tào Tháo quân hàng trăm vạn, tướng ước nghìn viên, uy thế như rồng như hổ, nuốt chửng Giang Hạ, ông bảo làm sao?

Khổng Minh trông xem ai, thì là Ngu Phiên. Khổng Minh nói:

– Tào Tháo thu quân rơm rác của Viên Thiệu, nhặt quân ô hợp của Lưu Biểu, dù đông mấy trăm vạn cũng không đáng sợ gì hết.

Ngu Phiên cười mát:

– Quân thua ở Đương Dương, kế cùng ở Hạ Khẩu, đi van xin cứu viện không xong, còn nói không sợ, thật là khoác lác để bịp người đó thôi!

Khổng Minh đáp:

– Lưu Dự Châu đem vài nghìn quân nhân nghĩa địch sao được trăm vạn quân tàn bạo? Lui về giữ Hạ Khẩu là để chờ thời cơ đấy! Nay Giang Đông, binh tinh lương đủ, lại có sông Trường Giang hiểm trở, thế mà còn xui chủ uốn gối hàng giặc. Từ đó mà suy, thì Lưu Dự Châu thật không sợ gì giặc Tháo vậy!

Ngu Phiên chịu cứng. Lại có một người lên tiếng hỏi:

– Khổng Minh muốn uốn lưỡi Tô Tần, Trương Nghi sang làm thuyết khách ở Giang Đông này chăng?

Khổng Minh nhìn xem ai thì là Bộ Trắc, bèn đáp rằng:

– Bộ Tử Sơn chỉ biết Tô Tần, Trương Nghi là biện sĩ, chuyên nghề nói mép, chứ chưa biết Tô Tần, Trương Nghi cũng là những trang hào kiệt. Tô Tần đeo ấn làm tướng sáu nước, Trương Nghi hai lần làm tướng nhà Tần, đều có tài giúp gây nên cơ nghiệp, đâu thèm so sánh với những kẻ sợ thế mạnh, lấn người yếu, tránh kiếm, lẩn đao. Các ngươi muốn nghe thấy Tào Tháo phao tin đã vội co vòi xin hàng rồi, còn dám cười Tô Tần, Trương Nghi sao được?

Bộ Trắc im ngay, không dám nói gì nữa”.

Loại trí thức dỏm thứ hai là những kẻ hèn nhát, “sợ thế mạnh, lấn người yếu, tránh kiếm, lẩn đao”, chưa lâm trận đã quỳ gối xin hàng. Trong xã hội ngày nay, tuy không phải ra trận đánh giặc bằng đao kiếm, nhưng trong nhiều lĩnh vực đều cần sự dũng cảm khai phá, dấn thân, chấp nhận gian khổ. Loại trí thức dỏm này sẽ né tránh tất cả những nơi gian khổ ấy, chỉ chỗ nào béo bở thì mới lao vào. Ví như làm thanh tra, cảnh sát thì cần trung thực, trách nhiệm, đôi khi để vạch rõ cái xấu cũng cần dũng cảm đối mặt với nguy hiểm, mất mát danh lợi. Nhưng những thanh tra, cảnh sát dỏm sẽ chỉ biết a dua theo kẻ mạnh, lợi dụng kẻ có tiền, thấy người tốt bị bức hại mà miệng câm như hến.

Loại 3: Bất trung bất hiếu, không biết báo ơn

“Lại có một người hỏi rằng:

– Thế Khổng Minh cho Tào Tháo là người thế nào?

Khổng Minh nhìn xem ai, thì là Tiết Tung, bèn đáp rằng:

– Tào Tháo là giặc nhà Hán, can gì phải hỏi?

Tung nói:

– Ông lầm rồi. Nhà Hán truyền ngôi kế thế mãi đến nay, số trời sắp hết, giờ đây, Tháo đã nắm được hai phần ba thiên hạ rồi, nhân tâm ai cũng quy phục cả. Duy chỉ có Lưu Dự Châu không biết thiên thời, muốn gượng tranh với Tháo, khác nào trứng chọi với đá, sao chẳng thất bại?

Khổng Minh quát to lên rằng:

– Tiết Kính Văn sao dám thở ra câu vô quân, vô phụ vậy? Người ta sinh ra ở đời phải lấy trung hiếu làm cốt. Ông đã làm tôi nhà Hán, nếu kẻ nào phản nghịch, phải thề giết nó đi, mới là phải đạo. Nay tổ tôn Tào Tháo đời đời ăn lộc nhà Hán, Tháo đã không nghĩ báo ơn, lại mang lòng phản nghịch, thiên hạ đều oán ghét cả. Ông lại dám đổ cho số trời, thật là con người vô quân vô phụ, không xứng đáng bàn luận! Chớ có nói nữa!

Tiết Tung đỏ mày xay mặt, câm như miệng hến”. 

Con người Á Đông từ hàng nghìn năm nay vẫn lấy trung hiếu làm gốc, một kẻ bất trung bất hiếu thì không còn tư cách sống giữa trời đất này. Trong xã hội Trung Quốc và Việt Nam ngày nay không còn vua chúa, thì hỏi trung với ai? Nước lấy dân làm gốc, vì thế phải trung với dân, nghĩa là lấy lợi ích của dân làm căn bản, điều gì có lợi cho dân thì làm, điều gì có hại cho dân thì bỏ. Nay một số quan chức tham nhũng, bòn rút của dân, bức hại người tốt, chính là bất trung bất nghĩa, “mang lòng phản nghịch”. Loại trí thức dỏm chỉ biết ngoảnh mặt làm ngơ, đổ cho số trời, tệ hơn là a dua, bợ đỡ loại quan chức này để cầu an ổn hay vinh hoa phú quý.

Loại 4: Hành vi bất chính

“Lại một người hỏi rằng:

– Tào Tháo tuy rằng mượn tiếng thiên tử để sai khiến chư hầu, nhưng cũng còn là con cháu ông tướng quốc Tào Tham ngày xưa. Lưu Dự Châu vẫn tự xưng là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh vương, nhưng không có bằng cớ nào; hiện mắt trông thấy chỉ là một người dệt chiếu, bán giày, sánh với Tào Tháo sao được?

Ảnh chụp màn hình phim Tam quốc diễn nghĩa 1996.

Khổng Minh nhìn xem ai, thì là Lục Tích, liền cười nói rằng;

– Ông có phải là người ăn cắp quýt ở trong bữa tiệc của Viên Thiệu đó không? Xin hãy ngồi nghe ta giảng giải cho: Tào Tháo đã là con cháu tướng quốc họ Tào, thì là đời đời làm tôi nhà Hán, nay dám chuyên quyền ngang ngược, khinh nhờn cả vua; như thế hắn không những là vô quân mà lại là khinh cả tổ tiên mình; không những là loạn thần nhà Hán, mà còn là đứa con bất hiếu của họ Tào nữa. Lưu Dự Châu đường đường một đấng tôn thất, đương kim hoàng đế hiện đã xét gia phả và phong tước cho, sao dám bảo là không có căn cứ? Vả đức Cao tổ ngày xưa, xuất thân làm đình trưởng, mà sau được thiên hạ, thì dệt chiếu, bán giày có gì là nhục? Kiến thức ông như trẻ con, không nên ngồi nói chuyện với cao sĩ.

Lục Tích ngồi im thin thít”.

Mở miệng nói đạo lý nhưng hành vi bất chính, đây là loại trí thức dỏm thứ tư. Những tiến sĩ, thạc sĩ ngày nay, giảng dạy sinh viên toàn kiến thức và đạo lý cao siêu, nhưng lại bán điểm, nhận tiền hối lộ, khác nào Lục Tích ăn cắp quýt ngày xưa?

Loại 5: Bo bo sách vở, múa văn khua bút

“Lại có người hỏi rằng:

– Khổng Minh chỉ được cái già mồm lý lẽ, không phải là chính luận; không cần dài dòng làm gì nữa, hãy xin hỏi Khổng Minh đã học được những sách gì?

Khổng Minh nhìn xem thì là Nghiêm Tuấn, liền đáp:

– Tìm từng chương, dò từng câu, chỉ là bọn hủ nho mà thôi, sao có xây dựng được nước non cơ nghiệp? Vả như ngày xưa Y Doãn cày ở đất Sằn, Tử Nha câu trên sông Vị, Trương Lương, Trần Bình, Đặng Vũ, Cảnh Cam, đều có tài giúp nước cả, mà cũng không cần xét xem ngày thường học những sách vở gì! Có đâu lại bắt chước bọn thư sinh, bo bo sách vở, cãi đen bàn trắng, múa văn khua bút đó ư?

Nghiêm Tuấn cúi đầu tiu nghỉu ngồi im. Lại một người lớn tiếng hỏi:

– Ông chỉ được việc nói khoác là giỏi, vị tất đã có thực học, tôi chỉ sợ bọn nhà nho cười cho thôi.

Khổng Minh nhìn xem thì là Trình Đức Khu ở Nhữ Nam, liền đáp:

– Nho cũng có nho quân tử, cũng có nho tiểu nhân. Nho quân tử thì trung vua yêu nước, giữ chính ghét tà, chuyên làm những điều ích lợi chung, tiếng để đời sau. Còn như loại tiểu nhân thì chỉ gọt dũa văn chương, miệt mài nghiên bút; còn trẻ làm phú đầu bạc đọc kinh, dưới bút dẫu có nghìn lời, trong bụng không được một mẹo. Xem như Dương Hùng văn chương có tiếng một đời, mà phải hạ mình đi thờ Vương Mãng rồi cũng đến đâm đầu xuống lầu mà chết. Thế gọi là nho tiểu nhân, dẫu ngày làm hạng vạn câu thơ, cũng có ích gì đâu!

Trình Đức Khu cũng ứ cổ nốt”.

Loại trí thức dỏm thứ năm này rất hay gặp, và bình thường khó mà phân biệt được. Họ cũng miệt mài học tập, viết báo làm văn, lời nói ra đều trích dẫn kinh sách cổ kim, thoạt trông rất đạo mạo. Nhưng họ thấy điều thiện không dám làm, thấy điều ác chẳng dám bỏ, chỉ bo bo làm những việc có lợi cho chính mình hay gia đình mình, còn điều ích lợi chung thì thấy khó khổ quá làm không nổi.

***

Thời thái bình thịnh trị, làm người tốt không khó, vì lúc bấy giờ đạo đức của toàn xã hội là tương đối cao. Còn giữa thời loạn, đạo đức nhân tâm bại hoại, có thể làm chính nhân quân tử thật chẳng dễ dàng, bạn muốn tốt mà có thể người khác chẳng cho bạn được tốt. Người trí thức cũng vậy, thế nên ta mới thấy đám mưu sĩ Đông Ngô nghe tiếng quân Tào đã xáo xác khuyên chủ đầu hàng, còn những người như Gia Cát Lượng, Chu Du, Lỗ Túc quyết tâm đánh giặc chỉ là thiểu số. Thế nhưng, người ta sinh ra ai chẳng một lần chết, cầu danh tham lợi rồi cũng nát với cỏ cây, sao không sống một đời hiên ngang, trung nghĩa?

Nói lúc nào cũng dễ hơn làm, người viết bài này đọc “Gia Cát Lượng thiệt chiến quần nho” mà tự thấy lòng hổ thẹn. Năm loại trí thức dỏm kia, dường như thấy bóng dáng bản thân mình trong đó. Phải tu tâm hướng thiện như thế nào để không thẹn với cổ nhân? Xin mượn lời thơ ca ngợi Thẩm Phối trong Tam quốc diễn nghĩa để tự khích lệ mình.

 Hà Bắc lắm danh sĩ
Ai bằng Thẩm Chính Nam?
Vua hèn, thân bị hại
Lòng ngay, chết cũng cam.
Trung trực, nói vẫn thẳng,
Thanh liêm, dạ chẳng tham
Chết còn ngoảnh về bắc,
Thẹn thay kẻ đầu hàng!

videoinfo__video3.dkn.tv||12f7cf45f__