Thành công không phải một bước lên mây, mà là sự tiến bộ từng chút từng chút một. Người thành công là người thấu hiểu được áp lực, cho nên mới có thể làm nên những điều lớn lao. Còn người thất bại là người luôn trốn tránh khó khăn, do đó thất bại cũng là điều dễ hiểu.
Dẫu bạn không phải là vĩ nhân, bạn vẫn có thể làm được việc phi thường từ những điều bé nhỏ. Người bình thường không chịu được thiệt thòi, còn bạn chịu được. Người bình thường cần người khác lý giải, động viên, khích lệ, còn bạn thì không.
Người bình thường dùng sự phản kháng, chỉ trích để giải toả bức xúc, còn bạn trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng từ bi hòa ái. Người bình thường cần một bờ vai nương tựa khi yếu mềm, còn bạn chính là bờ vai đó.
Bởi luôn nhìn thấy ánh sáng phía trước, trong lòng luôn hoà ái, bạn sẽ có thể chuyển đổi góc nhìn, chuyển hoá từ tư tưởng tiêu cực sang tích cực.
Nhân tài nhờ nỗ lực mà nên
Khi còn nhỏ, Tăng Quốc Phiên cũng chỉ là một đứa trẻ bình thường. Ông không phải là người có tư chất thông minh thiên bẩm, thậm chí còn có đôi chút khờ khạo. Nếu đem so sánh với những đứa trẻ cùng trang lứa khi đó thì quả thật là kém xa rất nhiều, ví dụ như Tả Tông Đường 14 tuổi đã tham gia ứng thí huyện Tương Âm, Lý Hồng Chương 17 tuổi đỗ tú tài, Lương Khải Siêu 11 tuổi đỗ tú tài, 16 tuổi trúng cử nhân.
Nhưng sau này, thành tựu của Tăng Quốc Phiên lại là nổi trội nhất. Đây chính là nhờ sự kiên trì nỗ lực không ngừng nghỉ mà thành. Tu dưỡng bản thân không khó, khó là khó ở chỗ kiên trì nỗ lực cả đời. Nói một cách đơn giản, kiên trì chính là chìa khóa của sự thành công, nhờ kiên trì miệt mài mà từ một Tăng Quốc Phiên bình thường đã ngược dòng trở thành một Tăng Quốc Phiên uy danh thiên cổ.
Có một điển tích thời thiếu niên của ông: Một hôm Tăng Quốc Phiên ở nhà đọc sách, có một tên trộm ẩn nấp trên xà ngang, đợi gia chủ đi ngủ sẽ bắt đầu hành sự. Tuy nhiên đợi mãi đợi mãi, vẫn thấy Tăng Quốc Phiên đang không ngừng lật qua lật lại đọc bài văn đó, đọc mãi mà không thuộc. Tên trộm nổi giận, nhảy ra và nói: “Với trình độ của nhà ngươi thì đọc được sách gì?”. Nói xong lập tức đọc thuộc lòng một lượt những bài văn ấy, rồi nghênh ngang bỏ đi.
Tuy vậy, Tăng Quốc Phiên cũng không buồn lòng, nản chí. Ông ngày càng siêng năng hiếu học, cuối cùng đã trở thành một vị danh nhân nổi tiếng trong lịch sử; còn tên trộm kia tư chất thông minh nhưng vẫn chỉ là một kẻ trộm tầm thường.
Làm người cần phải không ngừng tinh tấn, không ngừng nỗ lực, mỗi ngày từng chút từng chút một mới là con đường đi đến thành công ngắn nhất.
Năm 31 tuổi, Tăng Quốc Phiên đặt ra 8 quy định cho bản thân mình:
1. Chủ kính (Nghiêm túc)
“Thân trong sạch, quang minh, như Mặt Trời đang lên”, đây là trạng thái tích cực, lành mạnh. “Chủ kính” yêu cầu người ta phải mũ áo, dung mạo chỉnh tề, từ suy nghĩ, thần thái, cho đến tình cảm đều đoan chính, nghiêm túc. Khi làm việc cần phải toàn tâm toàn ý, không có tạp niệm. Chỉ như vậy mới có thể duy trì trạng thái tinh thần và tinh lực dồi dào, giống như Mặt Trời mới mọc buổi sáng vậy, mạnh mẽ, gọn gàng, dứt khoát.
2. Tĩnh tọa 4 khắc (Ngồi thiền 1 tiếng đồng hồ)
Ngồi tĩnh tọa 4 khắc nghĩa là mỗi ngày, không giới hạn vào thời gian nào, ngồi tĩnh tọa một tiếng đồng hồ để thể nghiệm lòng nhân mà bậc Thánh hiền dạy dỗ. Tâm nhân từ, lòng trong sạch, ý chí vững vàng như bảo đỉnh, không gì lay động được. Điều này giống như thiền dưỡng sinh hiện đại, tĩnh toạ để thanh trừ tạp niệm, thả lỏng thân tâm, cũng có thể suy ngẫm về những lỗi lầm của bản thân.
3. Tảo khởi (Dậy sớm)
Nguyên văn: “Bình minh liền dậy, tỉnh dậy đừng nằm cố”. “Tỉnh dậy đừng nằm cố” là sau khi tỉnh dậy không được có suy nghĩ lưu luyến an dật. Có người nói cổ nhân Mặt Trời mọc thì dậy Mặt Trời lặn thì nghỉ. Còn người hiện đại Mặt Trời lặn vẫn ngồi trước bàn ôm đống hồ sơ tài liệu. Do đó đối với người thích ngủ nướng, thì lại càng nên ghi nhớ kỹ điểm này.
4. Độc thư bất nhị (Đọc sách nhất quán)
Đọc sách cần chuyên nhất. Tăng Quốc Phiên cho rằng một quyển sách vẫn chưa đọc xong thì nhất định không xem quyển khác, đọc tùy tiện chỗ này một ít chỗ kia một ít sẽ không có chút lợi ích nào cho học vấn của bản thân. Do đó mỗi ngày phải đọc 10 trang sách. Tuân Tử nói: “Không bước từng bước chân, không thể đi ngàn dặm”. Đọc sách là để mở mang trí tuệ, học tập là để bản thân tốt hơn, thuần thiện hơn, thanh lọc cái xấu mà giữ gìn cái tốt.
5. Cẩn ngôn (Nói năng cẩn trọng)
Tăng Quốc Phiên cho rằng, cẩn thận lời ăn tiếng nói là công phu hàng đầu trong đối nhân xử thế. Khổng Tử giảng: “Mẫn ư sự nhi thận ư ngôn” (làm việc phải cần mẫn, nói năng phải thận trọng). Nếu không suy nghĩ kỹ trước khi nói sẽ dễ lỡ lời, đắc tội người khác hoặc gây ra xung đột, mâu thuẫn không đáng có.
6. Bảo thân (Giữ gìn thân thể)
Tăng Quốc Phiên viết: “Tiết chế lao lực, tiết chế ham muốn, tiết chế ăn uống. Lúc nào cũng như đang dưỡng bệnh”. Sách “Hoàng đế nội kinh” viết: “Ăn uống có điều độ, sinh hoạt có quy luật, không làm việc bừa bãi, lao lực”. Người hiện đại tìm kiếm dưỡng sinh, nhưng lại không chú ý đến việc bệnh từ miệng mà vào. Ăn chỉ no 8 phần, trà chỉ uống 2 phần, tuyệt đối không nên chè chén vô độ. Tục ngữ có câu: “Lòng tham không đáy, tự hại chết mình”, đã có bao nhiêu người chỉ vì miếng ăn mà tự chuốc lấy tật bệnh, tai ách vào người. Thực đúng như câu: “Bệnh từ miệng vào, hoạ từ miệng ra“.
7. Nhật tri sở vong (Mỗi ngày buông bỏ dần ham muốn)
Cái gọi là “Nhật tri sở vong” là ghi chép lại những điều tâm đắc hàng ngày, từ đó mà tự xem xét, sửa lại mình. Khi cái tâm ham muốn, dục vọng ngày ngày mất dần đi thì trí tuệ tăng dần lên. Ham muốn và dục vọng là những sợi dây thít chặt sự khôn ngoan, sáng suốt, đôi khi còn là sợi thòng lọng có thể cướp đi sinh mệnh của con người.
Ngoài ra, trong “Tăng Quốc Phiên gia thư” có viết: “Người ta thất bại không gì ngoài an dật”, nhấn mạnh phải sửa cái thói lần lữa, khất lần, mới có thể thành tựu việc lớn. Chỉ cần chú ý người và sự việc xung quanh, dễ dàng nhận thấy rất nhiều người tài cao chí lớn thất bại chỉ bởi chữ “biếng lười”.
8. Tác tự (Viết chữ)
Ngày nay, người ta đã không còn dùng bút lông để viết chữ. Nhưng từ xa xưa, thư pháp luôn là một nghệ thuật cao nhã của các bậc Thánh hiền.
Tăng Quốc Phiên cho rằng, sau khi dùng bữa sáng, nhất định phải viết chữ nửa canh giờ (1 tiếng đồng hồ), coi đó là bài tập của mình. Hễ là việc của hôm nay, nhất định hôm nay phải xong, nếu không công việc càng ngày càng tích lại nhiều, cuối cùng sẽ nhiều phiền phức như nắm tơ rối.
Viết chữ còn là để rèn luyện cốt cách, nhân phẩm, sự nhẫn nại, kiên trì. Người quân tử thì chữ viết ngay ngắn, thẳng hàng; người tài hoa thì chữ nghĩa bay bổng, phóng khoáng; kẻ tiểu nhân thì chữ rối rít, tủn mủn, nét tỏ nét mờ; kẻ dũng phu thì chữ viết thô kệch, nặng nề…
Đây là những việc mà một người bình thường có thể kiên trì, một ngày, một tháng, một năm là đủ dài. Nhưng Tăng Quốc Phiên đã dùng gần cả đời để kiên trì với nó. Ngay như việc viết chữ, ông đã rèn luyện từ lúc thiếu thời cho đến khi về già vẫn không ngừng kiên trì rèn luyện.
Bản sự do ép mà có
Dung Hoành (Yung Wing) là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thời cận đại Trung Quốc, là học sinh du học đầu tiên của Trung Quốc tốt nghiệp Đại học Yale (Mỹ).
Tăng Quốc Phiên từng đặt kỳ vọng vô cùng to lớn đối với Dung Hoành, cũng nhờ vậy mà Dung Hoành luôn không ngừng nỗ lực để cống hiến, làm nên sự nghiệp. Nhưng cuối cùng cũng có lúc mệt mỏi khiến ông muốn dừng lại.
Có một lần, Dung Hoành than phiền kể khổ với Tăng Quốc Phiên. Lúc ấy, Tăng Quốc Phiên đã nói rằng: “Lão phu sống hơn 50 tuổi, sự việc trải qua không ít, thiên hạ có những việc nhờ ép mà ra. Khó khăn, ép bức chính là khởi nguồn của sự khích lệ”.
Câu nói ấy của Tăng Quốc Phiên khiến Dung Hoành vô cùng cảm kích, từ đó về sau không còn nhắc lại nỗi khổ nữa. Ông nỗ lực hết mình, từng ngày từng ngày tiến bộ, từng bước từng bước tiến lên. Bị ép bức, bị thất bại, bị thiệt thòi cũng không nhất định là việc xấu. Ngược lại, chính là nhờ đó mà con người mạnh mẽ hơn, nhờ đó mà làm nên việc lớn.
Theo Soundofhope
Minh Vũ biên dịch