Một buổi chiều tối sau giờ tan tầm, tôi đi xe buýt về nhà như thường lệ. Chuyến xe hôm đó khá là đông người, nên cũng khá ồn ào, nhưng có một giọng nói có thể nghe rõ được khiến tôi chú ý…
Tôi đưa mắt nhìn về phía phát ra giọng nói đó, thấy một chàng trai trẻ mặt đỏ ửng trông rất kích động, hình như đang nói gì đó với người phụ trách nơi đơn vị của mình, anh nói: “Quản lý, tôi có thể thề với Trời, rằng tôi không hề làm điều đó, tôi có thể lấy mạng sống mình ra đảm bảo…”.
Nghe thấy những lời này, tôi không khỏi cảm thấy có chút sởn gai ốc. Chẳng biết rốt cuộc là chuyện nghiêm trọng gì phải lấy tính mạng của mình ra đảm bảo, phát lời thề độc như vậy để chứng minh. Chắc hẳn chàng trai trẻ phải thấy mình bị oan ức lắm, còn nếu thật sự có một chút trách nhiệm mà phát lời thề độc chỉ để đổi lấy sự tin tưởng của người khác thì quả thật đáng lo ngại.
Trong văn hóa truyền thống, lời thề là một loại giao ước, một loại cam kết phát tự nội tâm, được xem là điều thiêng liêng không thể lay chuyển, không thể thay đổi và càng không thể phản bội. Nó như một bằng chứng thép về nhân cách đạo đức của con người, tỏ rõ trình độ quyết tâm kiên định với một sự lựa chọn nào đó.
Thời xưa, khi phát lời thề người ta sẽ nói: “Trên có Hoàng Thiên, dưới có Hậu thổ làm chứng”, vô cùng thận trọng và nghiêm túc, hơn nữa nó thực sự xuất phát từ tâm can. Người sống ở đời, thành tín là ưu tiên hàng đầu và là cái gốc để người ta đứng vững giữa xã hội. Người xưa nói: “Người không thành tín thì không thể đứng vững giữa cuộc đời”. Khi một người không giữ chữ tín, ông Trời cũng sẽ trừng phạt anh ta.
Trong lịch sử, không thiếu các ví dụ về người xưa xem lời thề nặng tựa Thái Sơn, thậm chí dùng cả sinh mệnh để tuân thủ.
Thời Tam quốc có ba huynh đệ Lưu, Quan, Trương kết nghĩa ở vườn đào, một người thì bán giày cỏ, một người thì bán táo, một người theo nghề đồ tể, mổ trâu giết dê, họ cùng nhau ở nơi vườn đào, uống máu ăn thề, kết làm huynh đệ, thề rằng: “Dẫu cả ba không thể sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, nhưng nguyện chết cùng năm cùng tháng cùng ngày”.
Sau khi lời thề phát ra, cả ba đã làm tròn lời giao ước của mình, cùng sống chết chung hoạn nạn, diễn dịch nên những câu chuyện đặc sắc về nội hàm chữ Nghĩa thấu tận trời xanh, đến nay đã trở thành giai thoại. Cuối cùng, thiên thượng cũng nhất nhất đoái hiện lời thệ ước của họ. Quan Vũ vừa qua đời, Trương Phi và Lưu Bị cũng lần lượt ra đi, chỉ bởi họ đã có lời nói trước, nên thiên thượng để để họ được toại nguyện.
Con người thời nay với việc phát lời thề khá là tùy tiện, không có sự chân thành, chỉ lo sướng miệng nhất thời. Sau khi lời thề phát xong liền quẳng sang một bên, bản thân càng không hề nghĩ đến chuyện hoàn thành. Trong con mắt người thời nay, lời thề dường như đã thành thứ nhạt nhẽo vô vị, không có chút sức ràng buộc nào. Căn nguyên là bởi con người không còn các tiêu chuẩn đạo đức nữa, niềm tin và kính sợ với trời đất, Thần Phật đã thành như câu chuyện thần thoại mông lung, xa vời.
Trong cuộc sống hiện thực, chúng ta hãy thử nhìn các quan chức ngã ngựa, thấy rằng trước khi được bầu vào một chức vụ nào đó họ thường không ngừng cam kết, hứa hẹn với người dân rằng sẽ “xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh”, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, kiên quyết chống tham nhũng quan liêu, phản đối các hành vi đưa nhận hối lộ, còn phải trừng phạt nghiêm khắc những ai vi phạm.
Tuy nhiên, sau khi chuyển mình một cái, ở vào một vị trí cao nhất định rồi, thì không ngừng tham ô, vơ vét lượng lớn tài sản vào túi riêng của mình, bất động sản mua hết cái này đến cái khác, lại còn bao nuôi nhân tình, làm đủ chuyện bại hoại… Đằng sau đạo đức giả đó là bộ mặt xấu xa với tội ác chất chồng. Xét cho cùng, mắt Thần như ánh điện, thiên lý không dung.
Nói về tình hình Trung Quốc hiện nay, tác giả Thanh Lăng đã viết trên Epoch Times rằng: “Sau chiến dịch đả hổ diệt ruồi, có người thì thân ở ngục tù, có người thì tự tử, có người thì chết bất đắc kỳ tử. Nhìn bề mặt thì giống như đấu đá chính trị, nhưng dù nguyên nhân cái chết của họ thật sự là gì, thì chẳng phải thâm sâu đều là nhân quả, chỉ vì họ đã làm trái lời thề của mình nên phải nhận lấy kết cục tương ứng”.
Chính vì đạo đức bại hoại, lòng người suy đồi đã vấy bẩn lời thề thiêng liêng. Ngày nay, mọi người đã không còn tin tưởng nhiều vào lời hứa, và lời thề đã thành như ngôn ngữ sáo rỗng. Ví dụ, khi hai người nắm tay nhau bước vào điện đường của hôn nhân, cả hai đã cùng thề trước Trời Đất, quỷ thần rằng cả hai một đời này sẽ không bao giờ chia lìa, sống hạnh phúc yêu thương nhau đến già. Tuy nhiên, rất nhiều người sau một đoạn thời gian đã chạy theo cám dỗ bên ngoài, bắt đầu tìm kiếm niềm vui mới, khiến tình cảm vợ chồng tan vỡ, cuối cùng mỗi người mỗi ngả, vợ chồng trở mặt thành thù, tạo nên biết bao bi kịch hôn nhân gia đình. Biết bao đứa trẻ mất đi tình thương của bố hoặc mẹ, thậm chí trở thành cô nhi bị ruồng bỏ, nỗi mất mát về tinh thần, ảnh hưởng về tâm lý của các em thật khó mà bù đắp được.
Vũ trụ mênh mông, thiên thể rộng lớn, sinh mệnh vô lượng vô số tồn tại trong nó. Mặc dù mỗi loại có hình thức và tiêu chuẩn sinh tồn khác nhau, nhưng đều bị chế ước bởi các đặc tính của vũ trụ, không ai có thể chống lại được, nếu không sẽ phải đối mặt với sự diệt vong hoặc bị đánh hạ tầng thứ. Thiên thượng dõi theo hết thảy sinh mệnh, bất kể lớn hay nhỏ, mọi thứ đều rõ ràng và không có sự sai lệch.
Mỗi từng lời nói và hành động của con người, dù bạn có ẩn sâu đến đâu, cũng không thể thoát khỏi con mắt của ông Trời. Hết thảy những gì mọi người nói và làm đều được lưu lại trong lịch sử của không gian vũ trụ. Một khi người ta đã phát lời thề, dẫu là bị ép, cố tình hay vô ý, thiên thượng đều ghi lưu lại, và sẽ nhất nhất được thực hiện vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Chỉ bởi con người quá mê đắm trong thú vui hưởng thụ vật chất, không còn tin vào nhân quả thiện ác nữa, nhưng đạo Trời xưa nay đều công bằng không sai chạy dẫu chỉ một ly.
Vũ Dương
Theo Epoch Times
Video: Không cần thanh minh với người khác, hãy là chính mình một cách tốt nhất