Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chắc hẳn ai cũng từng chứng kiến việc người này người kia nói lời thề, thậm chí lời thề độc. Có đôi khi lời thề độc được phát ra một cách tùy tiện để che dấu cho một việc làm tội lỗi hay vì lợi ích của bản thân.
Việc phát lời thề độc một cách tùy tiện như vậy sẽ chỉ là “lời nói gió bay” hay sẽ đem lại hậu quả gì? Dưới đây xin kể lại câu chuyện xảy ra trong một gia đình do một người phụ nữ trẻ chia sẻ.
Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi sống cùng với mẹ chồng, mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng rất tốt. Mẹ chồng tôi thường đem những kinh nghiệm mà bà đã trải qua chỉ bảo cho tôi. Bà cũng kể cho tôi nghe rất nhiều những câu chuyện đã xảy ra trong gia đình chồng tôi. Trong đó câu chuyện về người cô là em ruột của bố chồng tôi phát lời thề độc khiến tôi thực sự sợ hãi.
Mẹ chồng tôi mồ côi mẹ từ khi còn rất nhỏ nên đã phải ở nhờ nhà bác gái (chị của bố). Khi mẹ tôi mới 15 tuổi thì đã được gả ngay cho một người đàn ông tàn tật ở trong làng đang cần người chăm sóc. Người đàn ông ấy chính là bố chồng tôi bây giờ.
Lúc ấy, nhà bố chồng tôi là một gia đình giàu có nổi tiếng ở địa phương. Trong nhà có 5 anh em. Bố chồng tôi là người con thứ hai, trên ông là một người anh trai đã lập gia đình. Dưới ông là 2 người em trai chưa lập gia đình và một cô em gái đã kết hôn. Người em gái này của bố chồng tôi vì lấy chồng gần nên thường xuyên về nhà đẻ ở. Mẹ chồng tôi vốn là con nhà nghèo nên khi lấy chồng bị khinh bỉ, ức hiếp rất nhiều và cũng thường xuyên phải làm việc cực nhọc.
Tháng 8/1945, lúc ấy chú út của tôi còn đang đi học xa nhà nên bà nội đã bảo mẹ chồng tôi làm cho chú một đôi giày bằng vải bông ấm để chuẩn bị cho mùa đông năm ấy.
Sau khi đôi giày được làm xong, thì lại đúng lúc cô của chồng tôi trở về nhà chơi. Cô vừa nhìn thấy đôi giày vải liền hỏi bà nội tôi rằng: “Đôi giày vải này là ai làm cho cậu út vậy?”
Bà nội liền nói rằng: “Đôi giày đó là do chị dâu của con làm, bởi vì chị dâu thêu giỏi nên mẹ đã nói nó làm!”
Mặc dù mẹ chồng tôi và cô bằng tuổi nhau nhưng cô thường xuyên ức hiếp chị dâu mình. Hôm ấy, cô đã lén lấy một chiếc kim to cắm vào đế giày mà mẹ chồng tôi đã làm. Sau đó, cô lên kể với bà nội tôi rằng: “Chị dâu nhân cơ hội làm giày đã cắm vào đó một chiếc kim to để ám hại em trai con đấy mẹ ạ!”
Bà nội khi ấy vừa nghe xong liền đi kiểm tra và phát hiện lời cô nói là thật. Thế là mẹ chồng tôi vừa phải chịu oan ức, vừa bị đánh mắng thậm tệ. Thậm chí cô em chồng cũng mượn cơ hội này hành hạ chị dâu.
Mẹ chồng tôi cũng thanh minh rằng bà không làm việc ấy, mọi việc là do cô gây ra. Nhưng làm sao cô chồng tôi chịu nhận tội được? Thế là trong lúc cãi lộn, cô lấp một đống đất nhỏ rồi cắm ba cây củi lên đốt coi như thắp hương và quỳ xuống phát lời thề: “Xin thần linh chứng giám, nếu như là con hãm hại chị dâu thì sau này con sẽ bị tuyệt tử tuyệt tôn, gia đình tan nát!”
Sau khi cô phát lời thề xong thì mẹ chồng tôi cũng quỳ xuống để thề, nhưng ngay khi mẹ chồng tôi còn chưa thốt lên lời thì bác dâu tôi đã bịt miệng bà lại và kéo về phòng. Sở dĩ bác dâu làm như vậy là bởi vì bác biết rằng, con người là không thể tùy tiện thề. Bác sợ rằng mẹ chồng tôi nói sai điều gì sẽ khiến cả gia đình gặp phải tai họa.
Vào thời ấy, chiến tranh vừa chấm dứt, mưa lũ liên tục kéo dài khiến cho bệnh dịch xảy ra nhiều nơi. Rất nhiều người và gia súc gia cầm đều bị chết vì bệnh tả.
Chỉ sau sự việc ấy một thời gian ngắn, thì hai người con gái của cô tôi và hai người em gái của chồng cô đều bị mắc bệnh dịch tả mà chết. Nhưng chỉ một năm sau đó, bố mẹ chồng và chồng của cô cũng đều không bệnh mà qua đời. Toàn bộ gia đình, chỉ còn lại một mình cô trơ trọi lẻ loi. Tình cảnh lúc này thực sự ứng nghiệm với lời “tuyệt tử tuyệt tôn gia đình tan nát” mà cô đã thề.
Sự việc vẫn không dừng ở đó. Về sau, cô tôi cũng tái giá qua hai đời chồng nữa nhưng mà cả hai gia đình mà cô đến đều có chuyện không tốt xảy ra. Trước khi bà nội chồng tôi qua đời, cô cũng có trở về gia đình thăm, sau đó cô đã đi đến một nơi xa nào đó mà không ai biết.
Nhiều người cho rằng lời nói ra rồi sẽ tan biến hết giống như mọi người hay nói “lời nói gió bay.” Cho nên khi gặp sự việc gì liền tùy tiện phát lời thề độc nhằm che dấu tội lỗi hay việc làm sai trái của mình. Nhưng nếu như mọi người nhớ rằng “trên đầu ba thước có thần linh,” mỗi hành vi lời nói của con người đều là được thần linh thấu tỏ, ghi chép lại hết, chỉ chờ đến thời điểm là lời thề sẽ linh nghiệm thì thà rằng “nhận lỗi” còn hơn là tùy tiện phát lời thề độc!
Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: