Sinh vào thời Đông Hán của Trung Hoa cổ đại, Ban Chiêu là người tài đức vẹn toàn, từng nhiều lần được Hán Hòa Đế vời vào cung để dạy lễ nghi cho các công chúa, hoàng tử,… Các họa gia khi vẽ bà cũng gắn liền với việc bà đang đọc sách hay dạy học.

Từ câu chuyện hai cuốn sách “Nữ giới” và “Hán thư”

Là con gái của đại văn hào Ban Bưu, Ban Chiêu lấy tên hiệu là “Đại Gia”; nhà chồng nàng họ “Tào” nên nàng hay được gọi là “Tào Đại Gia”. Bà học rộng hiểu nhiều; người huynh trưởng Ban Cố của bà đang soạn viết cuốn “Hán thư” chưa xong thì qua đời; Hòa Đế liền hạ chiếu cho Ban Chiêu viết tiếp cuốn sách này. Ban Chiêu không chỉ đã hoàn thành chiếu chỉ viết nốt cuốn “Hán thư” dang dở, mà bà còn viết thêm được cuốn “Nữ giới” cho riêng mình, nội dung nói về bảy phương diện của những lễ nghĩa phẩm giới mà người phụ nữ cần phải có, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục đạo đức trong hàng ngàn năm sau của Trung Hoa.

“Hán thư” – Bản thời Bắc Tống (Ảnh: epochtimes)
“Nữ giới” – Ban Chiêu (Ảnh: shuge)
Hình ảnh Ban Chiêu luôn gắn liền với thư sách (Ảnh: wikipedia)

Bức tranh “Tào Đại Gia thụ thư đồ”

Bức tranh “Tào Đại Gia thụ thư đồ” lấy việc dạy học của Ban Chiêu làm chủ đề, mô tả cảnh bà đang ở trong lầu son cung cấm dạy học cho các thiếu nhi. Bức tranh này được vẽ bởi họa gia Kim Đình Tiêu là một họa gia cung đình trong triều đại nhà Thanh. Ông đã sử dụng phương pháp tả thực để miêu tả những cảnh tượng và đồ dùng trong phòng học của người xưa.

Trong bức tranh này, Ban Chiêu hiện lên với trang phục hoa mỹ, khí chất thanh nhã, tay dựng thẳng cầm cây bút, chăm chú viết chữ truyền thụ cho học trò. Cậu bé được bà dạy học trong bức họa đang đặt hai tay lên bàn và đứng nghiêm thụ giáo, trên tờ giấy đỏ có viết đầy những chữ khải thư nhỏ, có thể là nội dung chương trình học cho trẻ em thời đó.

“Tào Đại Gia thụ thư đồ” – Kim Đình Tiêu (Ảnh: nmp.gov)

Kỹ thuật vẽ gọn gàng, sắc nét với màu sắc tương phản định rõ các tuyến nhân vật

Các nhân vật được khắc họa bên trong bức tranh một cách rất tinh tế, những nét móc của đường lượn rất chắc chắn và ngay ngắn, thể hiện sự linh hoạt và gọn gàng, nhưng cũng rất có nguyên tắc của họa gia. Về phương diện màu sắc, trang phục của Ban Chiêu và cậu học trò được trộn giữa màu xanh lam và xanh lục, với những nhân vật khác thì chủ yếu dùng màu tím nhạt, tạo ra độ tương phản giữa các nhân vật chính và phụ.

(Ảnh: epochtimes)

Ngoài đó ra, màu xanh trên trang phục của hai nhân vật chính này và màu đỏ của các thếp giấy tương phản rõ nét với màu sơn mài nâu của chiếc bàn. Nhờ kỹ thuật tương phản này, chủ đề của bức tranh đã được làm nổi bật, một phần nhỏ của cuộc sống nơi cung đình cũng được tiết lộ.

Khắc họa nhân vật có chiều sâu tính cách, phù hợp lứa tuổi

Họa gia đã áp dụng những kỹ thuật để khắc họa tuổi tác của nhân vật. Các nhân vật trong bức tranh thuộc về ba nhóm tuổi: trung niên, thanh nữ và trẻ em. Thông qua dáng người, biểu cảm, trang phục, ba lứa tuổi này đều được nhìn thấy rõ ràng qua ngọn bút tài tình của họa gia. Ví dụ, khuôn mặt Tào Đại Gia biểu cảm chuyên tâm, nghiêm túc, thể hiện ra là người từng trải, cộng thêm việc phối hợp với trang phục và trang sức tinh tế, có thể cho người xem thấy rằng bà không phải là người có lai lịch tầm thường. Hai vị thị nữ thì có dáng người gầy, nhỏ nhắn và biểu cảm ôn hòa, rất phù hợp với thân phận và địa vị của họ.

Hình ảnh Ban Chiêu trong bức họa “Tào Đại Gia thụ thư đồ” (Ảnh: picbon)

Trong căn phòng nhỏ nơi cung cấm yên tĩnh này, ngoài cậu bé đang đứng thụ giáo trước mặt Ban Chiêu còn có bốn đứa trẻ khác, có thể thấy rằng chúng rất hiếm khi được ra ngoài, nên khi có cơ hội chúng liền hết sức tinh nghịch và vui vẻ chơi đùa. Đứa bé gái như đang cố gắng nhoài ra khỏi tay của người thị nữ, không chịu ở yên dõi nhìn, mà muốn duỗi tay ra để cầm nắm thứ gì đó. Họa gia còn vẽ những tư thế khác nhau của những đứa trẻ ở ngoài ô cửa một cách rất sống động. Nhờ sự hiếu động của các em bé này mà bức tranh trở nên tràn đầy sinh khí.

Họa gia Kim Đình Tiêu thật sự rất giỏi trong việc tạo hiệu ứng hình ảnh cho nhân vật, lợi dụng tính hiếu động của bọn trẻ để làm cho bức tranh trở nên sống động và ấm áp; mặc dù đã tạo ra một chút hỗn loạn, nhưng việc khắc họa thêm hình ảnh các ô cửa sổ vuông và cửa ra vào lớn hình tròn đã khiến bức tranh lấy lại được sự cân bằng. Hơn nữa, từ bức tranh đã toát lên khí khái và kiến trúc xa hoa của cung đình thời xưa, giúp chúng ta tiến tới hiểu thêm một bước về cuộc sống bí ẩn nơi cung cấm Trung Hoa thời cổ đại.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Video ý nghĩa:

videoinfo__video2.dkn.tv||5f87f29ae__

Quà tặng tâm hồn: sống sao hạnh phúc nụ cười hoa sen