Ngô Đạo Tử, một họa gia đời Đường được vinh danh là “Bách đại họa thánh”, đặc biệt giỏi trong các bức họa thần Phật. Ông còn là tác giả bức tranh “Địa ngục biến tướng đồ”, vẽ tại chùa Vân trong thành Trường An, làm náo động cả kinh thành bấy giờ.
Lúc ấy, dân chúng Trường An đều đổ xô tới xem, trong bức họa thể hiện cảnh âm u của chốn âm phủ, khiến người xem rợn tóc gáy. Mọi người lo sợ rằng sau khi chết phải xuống địa ngục chịu khổ như thế, nên đều dặn lòng phải hướng thiện.
Câu chuyện này trong “Lịch đại danh họa ký” và “Đường triều danh họa lục” đều có ghi chép: “Những người ăn mặn đến xem, tất cả tội trạng đều sửa thiện, hai chợ lớn xa hoa, bỗng không bán được cá thịt“.
Tô Đông Pha sau khi xem “Địa ngục biến tướng đồ” của Ngô Đạo Tử cũng nói: “Xem “Địa ngục biến tướng đồ”, không nhìn thấy nguyên nhân tạo nghiệp, chỉ nhìn thấy hình dáng phải chịu tội, bi thương bi thương!“
Người Trung Hoa đã luôn tin vào quy luật “thiện báo ác báo” từ thời cổ đại. Vào thời nhà Đường, cả Phật giáo và Đạo giáo đều được phát triển rất mạnh mẽ. Lý thuyết luân hồi tái sinh, nhân quả báo ứng, tư tưởng thanh tịnh vô vi đối với đế vương trị quốc đã có tác động tích cực đến sự cai trị của hoàng đế và sự tu luyện của người dân.
Ngô Đạo Tử cũng là một người tu luyện Phật pháp. Ông thường đọc Kinh Kim cương để tự thức tỉnh mình. Ông đã sử dụng cây cọ tuyệt vời để mô tả khí tượng của các vị thần Phật, cảnh báo sự khốn khổ dưới địa ngục, giáo hóa người dân và tạo phúc cho xã hội.
Thân thế “Bách đại họa thánh” Ngô Đạo Tử
Ngô Đạo Tử (680 – 759), còn được gọi là Đạo Huyền, là danh họa trứ danh đời Đường. Trong hội họa ông được tôn xưng là họa thánh. Ông là người Dương Địch (nay là Hà Nam, Vũ Châu). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống trong cảnh bần hàn, nhưng thuở niên thiếu ông đã có danh trong giới hội họa. Ông từng đảm nhiệm chức huyện úy Hà Châu. Sau lưu lạc ở Lạc Dương, sáng tác bích họa. Thời đầu nhà Nguyên ông được mời vào cung. Ngoài đảm nhiệm việc vẽ tranh, ông còn kiêm cả việc giáo dục đào tạo những họa gia trong cung. Ông từng theo các danh nhân Trương Húc, Hạ Tri Chương học tập thư pháp.
Ngô Đạo Tử đã độc chế ra kỹ xảo của riêng mình. Trong thời đầu nhà Nguyên, Ngô Đạo Tử được Huyền Tông triệu nhập nội cung, để vẽ tranh cho cung đình. Theo như ghi chép lại, Ngô Đạo Tử đã từng vẽ hơn 300 bức bích họa cho các ngôi chùa trong địa phận thành Lạc Dương và Trường An. Hình tượng các nhân vật vô cùng sống động.
Thư pháp gia Trương Hoàn Quán từng cho rằng Ngô Đạo Tử là Trương Tăng Diêu chuyển thế, vì Trương Tăng Diêu là người của triều đại trước cũng giỏi vẽ tranh về thần Phật.
Nhân vật dưới cọ vẽ của Ngô Đạo Tử, vạt áo phập phồng như đón gió tung bay, mềm mại nhu hòa. Đặc biệt, phong cách của ông được gọi là ” Ngô gia dạng“, được người đời tôn sùng làm điển phạm, ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách của các thế hệ sau này. Có thể được ví như các phi thiên trong hang động Đôn Hoàng: “Thiên y phi dương, mãn bích phong động“, tức muốn chỉ đến sự sinh động của nhân vật trong bức họa.
Hầu hết các tác phẩm của Ngô Đạo Tử là bích họa, vì thế rất hiếm thấy những bản gốc lưu truyền. Cho đến ngày nay, chỉ có một vài bản sao của “Tống tử thiên vương đồ“. Từng có một cuộn tranh, có thể là bản vẽ phác thảo sơ bộ của bức bích họa này, được Từ Bi Hồng và Trường Đại Thiên cùng nhau giám định, cho rằng đây là bản gốc chính của Ngô Đạo Tử, nên tạm đặt tên cuộn tranh theo các nhân vật trong bức tranh, là “Bát thập thất thần tiên quyển“. Theo đánh giá của những người trong nghề: “đây là một tinh phẩm cổ đại của hội họa Trung Hoa, nhân vật mang khí thế bàng bạc, vẻ mặt thanh bình, lãnh đạm“.
Tài năng thiên phú của Ngô Đạo Tử
Các bậc tiền nhân khi bình về nghệ thuật thường nói đến “Thiên” và “Thần”. Cổ nhân thấm nhuần tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất“, tin rằng “Thiên” là sức mạnh tối cao tạo ra vạn vật. Thành tựu của các hoàng đế hay thành tựu văn chương thường được gọi là “Thiên thụ“, “Thiên phú“, hay “Thần trợ“.
Trương Nhạn Viễn nhà Đường bình về Ngô Đạo Tử như sau: “Dấu tích Ngô Đạo Tử để lại, có thể nói là đầy đủ kỹ pháp, thần nhân hợp thành, khí vận hùng tráng…“
“Đường triều danh họa lục” ghi lại: “Ngô sinh vẽ Thần trong miếu Hưng Thiện, cả thành Trường An từ trẻ tới già đều lui tới xem. Bút bát đi đến đâu, như hào quang lan tỏa, thế như phong tỏa, như được Thần giúp sức“.
Có một lần, Ngô Đạo Tử theo hoàng đế tới Đông đô Lạc Dương, cùng tướng quân Bùi Mẫn và thư pháp gia Trương Húc thi triển tuyệt kỹ: Bùi Mẫn múa một khúc kiếm, Trương Húc múa bút trên vách đá, còn Ngô Đạo Tử lấy phấn màu vẽ tranh, tạo nên một cảnh tượng vô cùng tuyệt mỹ.
Ngô Đạo Tử từng ở trong nội điện của Vua vẽ ra 5 con rồng. Sau khi vẽ xong, những vẩy rồng liền lay động, tức tốc bốc khói như sương mù. Nếu không có thần tiên trợ giúp, làm sao hội họa có thể đạt đến cảnh giới huyền diệu như vậy.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch
Clip hay: