Tôi vào Sài Gòn dạy học, mới ngày nào còn chân ướt chân ráo, thấm thoắt nay đã tròn ba mươi năm. So với tuổi đời ba trăm năm của mảnh đất bốn mùa xanh cây lá và rực vàng nắng gió này, khoảng thời gian đó mới chỉ bằng một phần mười. Cùng buồn vui những nỗi vui buồn của người phố xá, tôi đã dần dần hoà nhập vào nhịp sống của đất, của người phố Sài Gòn xưa. Tìm hiểu về vùng đất mới này, tôi đã ghi chép được nhiều điều thích thú…

Theo gia phả của một số dòng họ, người Sài Gòn hầu như đều có nguồn gốc xa xưa từ những vùng quê xa xôi. Lần ngược về quá khứ cách nay vài thế kỷ, nhiều dòng họ biết tổ tiên mình vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên hoặc những vùng đất Quảng. Có dòng họ lại thấy ông cha mình xưa từng ở những vùng Tây Nguyên, nơi có những dãy rừng già chạy hút tới chân trời, những đỉnh núi bốn mùa mờ mây phủ; hay vùng đồng bằng sông Cửu Long cuộn sóng, cò bay mỏi cánh chưa qua một cánh đồng…

Hoàn cảnh tự nhiên, đặc biệt là phong thổ, góp phần không nhỏ trong việc hình thành tính cách con người. Nét riêng của người Sài Gòn, trước hết là những nét chung của ba vùng đất nước đã được gạn trong đến tận cùng. Bởi thế, ai một lần tới thành phố, tuy thấy nhiều cái lạ, nhưng có cảm giác như đã quen, đã gặp ở đâu đó, từ lâu lắm rồi…

Ảnh minh họa: Ngôi Sao

Nhà ở Sài Gòn khá đa dạng, cất bằng đủ mọi thứ vật liệu. Nhà ở mặt tiền phố, hầu hết xây cất bằng xi măng, cốt thép. Cao thấp, to nhỏ có thể khác nhau, song đều giống nhau ở chỗ tường rất mỏng và nhẹ. Gạch xây tường thường là gạch rỗng. Cũng dễ hiểu vì người thành phố gần một trăm năm nay chưa hề biết tới bão là gì. Riêng nhà trong hẻm, trước đây, nhà nào khá giả mới có gỗ cất; nhà nghèo chỉ sơ sài vài ba tấm ván che làm vách, mái lợp bằng lá dừa hoặc tôn là đã có một tổ ấm, cũng vui ra trò. Khác với ngoài mặt tiền, dân phố quen sống biệt lập, có khi hai nhà kề vách không biết tên thật của nhau, trong các con hẻm dọc ngang như bàn cờ ở các xóm lao động, người ta sống với nhau như bà con trong cùng một xóm ở làng quê. Sau những giờ đi kiếm sống và học hành, trẻ con chạy từ nhà này qua nhà khác xem cải lương trên ti vi, người lớn xúm quanh một cỗ bài hay một bàn nhậu, vui chẳng khác nào cảnh quê ngày tết… Lại nữa, những người dân nghèo không có đất, hoặc chưa quên thói quen sống ven sông rạch, cất những căn nhà rất lạ. Nhà nhô ra sông, thuở nước sông chưa bị ô nhiễm rất mát. Chỉ tiếc là những căn nhà như thế thường là những mối nguy hiểm đối với tàu bè khi di chuyển. Cũng như nhiều người khác, tôi rất mê những khu nhà vườn ngoại thành Thủ Đức, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh. Nhà bé, ẩn dưới những lùm cây ăn trái, giữa nhà kê một bộ ván ngựa, nhậu xong, chủ và khách cùng lăn ra ngủ. Gió thì mát như quạt hầu. Độc một thứ gió mang hương lúa, hương cây, hương đất, nồng nàn và tha thiết…

Người Sài Gòn ăn uống hồn nhiên hơn người ở các vùng đất khác. Chỗ nào cũng thấy quán ăn, quán nhậu. Vào các sáng sớm, chiều hôm, khách ăn hàng đông đã đành, khuya rồi vẫn còn đông. Đông tới mức có những điểm ăn nhậu, người ta lai rai ngay trên vỉa hè, có lúc ở bên cạnh một rãnh thóat nước, thậm chí trên cả một nắp cống! Thi thoảng, trong một quán nhậu, dân chơi vừa ăn uống, vừa gõ chén bát làm nhịp ca hát. Mới ngó qua, ai chưa biết, ngỡ đấy là một nhóm tấu hài… Trẻ con ăn quà vặt nhiều, có đứa, tan học về không ăn trưa, đi ngủ ; chiều, vừa thức dậy, đã đi ăn dằn bụng một món gì đó ăn rồi mới làm bài thầy giao về nhà, hoặc đi học thêm. Bởi nhà chúng rất ít khi nổi lửa. Bữa cơm gia đình có khi cả tuần mới đông đủ được một lần. Mà cũng lại ở tiệm. Nhưng quả thật là sang. Ai kêu gì tuỳ thích, ăn không hết thì bỏ, chẳng có ai la mắng nửa lời. Nhiều đêm, tôi không ngủ được vì những tiếng tre gõ vào nhau, những âm thanh khô giòn mời gọi; ngó qua cửa sổ xuống phố, vừa thấy một chú bé tay thoăn thoắt nẻ hai thanh tre cật vào nhau, lại đã thấy một chú bé khác lễ mễ bưng tô mì gõ hút vào một ngõ tối. Có lần tôi kêu thử một tô. Rẻ đến bất ngờ. Ăn thấy cũng ngon ngon. Thấy ngon vì thương người bán! Thấy ngon vì xót hôm nào theo bạn đi dự một bữa tiệc nhỏ, khổ chủ chi cho mỗi thực khách ba trăm ngàn đồng, món ngon ê hề, song ai cũng chỉ nếm qua vì lịch sự…

Ảnh minh họa: VnExpress

Nhìn hai đứa trẻ bán mì gõ, tôi chợt nghĩ đến đám học trò của mình. Dạy học ở một quận nghèo ven đô, nhưng tôi thấy trẻ con được gia đình chúng chăm sóc rất tử tế. Chăm sóc nhiều nhất là việc học. Học ở trường chưa đủ, học thêm ở trung tâm. Học các môn chính khóa, ngoại ngữ, vi tính, có đứa học thêm cả nhạc, cả múa… Nghĩa là học tới mức không còn thời gian để mà làm trẻ con nữa! Có em học giỏi, có em học chỉ làng nhàng. Nhưng phần lớn rất ngoan. Về nhà, khoanh tay chào người lớn. Ra đường, gặp thầy biết cúi đầu lễ phép…

Qua tiếp xúc với nhiều người, tôi thấy phụ huynh học sinh ở thành phố khá thoáng trong việc chọn hướng đi cho con em mình. Họ cho con học hết khả năng cha mẹ có thể lo được. Trong trường hợp con em họ học lực qúa yếu, họ vui vẻ cho các em đi học nghề hoặc đi làm ngay. Rất ít người có quan niệm rằng tuổi trẻ chỉ có thể tiến thân bằng một con đường duy nhất là học vấn. Theo họ, người ta đi học là để làm người. Học cao hay thấp còn tùy thuộc vào đầu óc đứa trẻ. Vấn đề là sau khi vào đời, chúng phải trở thành một công dân tốt, có thể tự lo liệu cho bản thân, góp phần xây dựng cuộc sống là được. Dĩ nhiên, ai chẳng mong ước con em mình học giỏi, thành tài?

Tôi có thói quen chủ nhật đi ngắm phố, tiện một công đôi việc với thú dạo sách. Những buổi như thế, tôi hầu như không mua được cái gì, kể cả sách. Nhưng mà được quá nhiều thứ, có dư tiền triệu cũng không mua sắm nổi. Cách đây mười năm, tôi ra phố ngắm người. Ngắm quần áo đẹp. Ngắm xe cộ… Đúng là ăn Bắc mặc Nam, người Sài Gòn mặc rất đẹp, và nhất là rất đúng mốt. Có những kiểu váy áo mới ngó trên ti vi tối thứ sáu, chủ nhật đi chơi đã thấy có cô gái đẹp như mơ mặc diễu qua trước mắt. Rồi cả cái bộ quần áo tóe loe, rách rưới kia, tôi xem ti vi thấy chói mắt, vậy mà lại cũng đã đây rồi. Nhưng mà dễ coi! Có thể vì cô bé có chiếc răng khểnh, chủ nhân của cái tác phẩm nghèo vui tính nên tôi cũng được cô tặng cho một nụ cười chăng? Dĩ nhiên, tôi thích nhất tà áo dài. Tưởng như ai mặc thứ áo Việt Nam này cũng thành tiên nữ vậy! Và, như có một sức hút vô tình, chính vẻ đẹp của các cô đã đưa tôi đến với các tụ điểm biểu diễn thời trang. Lạ nhất là có một vị trong ban tổ chức, sau khi hỏi tên tuổi tôi như truy bài học trò, cứ nằng nặc mời tôi tham gia góp ý kiến cho ban giám khảo của một cuộc thi thời trang của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Có thể ông ta lầm tôi với một nhà tạo mốt nào chăng? Hay vì muốn tôn vinh một khán giả mến mộ môn phô diễn vẻ đẹp của con người này? Tôi không rõ ý tứ thật của ông ta, chỉ khiêm tốn từ chối. May mà ông ta không ép…

Ảnh: Thư viện Bình Dương

Mấy năm gần đây, hình như tôi đổi tính. Chỉ chăm chắm vào nhà sách. Cái thú này xuất hiện từ khi tôi còn bé tí, thích vào hiệu sách vờ mua để nghiến ngấu vội mấy cuốn truyện tranh không mất tiền. Chẳng ai ngờ, trò láu cá trẻ thơ, giờ tóc đã điểm bạc, lại được nhân lên gấp bội. Tôi có ba người bạn rất thân. Từ khi họ in được một số tác phẩm, tôi đi nhà sách cốt để nhìn ngắm xem người ta mua những cuốn sách đó ra sao. Để viết bài khen bạn trên các báo. Người ta bảo tôi có khiếu phê bình. Rồi, bất ngờ hơn, có tờ báo gửi cho tôi những tác phẩm đang được chú ý, nhờ điểm cho vài trăm chữ gọi là hướng dẫn dư luận. Đọc riết, thấy mình cũng có thể làm được như người khác, tôi bắt đầu viết, và cũng ra được sách. Bất ngờ nhất là sách bán khá chạy. Lấy làm ngạc nhiên, tôi lại phải thử dò xem vì sao người ta lại đọc sách mình viết nhỉ! Tôi đi dạo sách nhiều hơn bình thường, mua rất nhiều sách của người khác. Và, quen được khá nhiều tác giả. Quen cũng dễ. Vì mỗi khi mua một cuốn sách nào đó, cứ lấy lên đặt xuống, rồi ngó nhanh ra xung quanh, thấy ai đó mặt tái mét đi vì hồi hộp, hoặc rân rấn nước mắt vì xúc động, có thể đó chính là cha mẹ đẻ của đứa con tinh thần mà tôi đang cầm trên tay. Tôi biết, những người dạo sách như mình ở thành phố không hiếm. Chẳng thế mà cả hai mùa, mặc nắng mưa tuần hoàn, các hiệu sách lớn trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Văn Cừ… lúc nào cũng tấp nập người vào ra.

Có một lần tôi đã tìm thấy chính mình bên giá truyện tranh trên lầu một nhà sách Lê Lợi. Ngẩn người ngắm một thằng bé giống hệt mình thuở ấu thơ, nhớ lại những năm tháng đắng cay trong cuộc đời mình đã từng nếm trải, tôi suýt bật khóc. Thấy vậy, một người đàn ông chừng năm chục tuổi, mắt mang kính cận, vội đến bên tôi, hỏi nhỏ rằng tôi có phải là tác giả cái truyện tranh trứ danh kia không. Tôi thưa là không phải, rồi đi ra phía cầu thang, xuống nhà dưới. Không ngờ anh bạn theo sát thế, gặng hỏi nữa. Vậy là bắt chuyện, rồi biết anh ta là một nhà thơ chuyên viết cho trẻ con. Biết thêm anh có tới mười tập sách bày bán ở đây. Cũng là trời cho tôi được gặp người kỳ tài chăng?

Richard-Branson
Ảnh minh họa: Noted in Style

Cuối năm. Những dòng người đã đổ vào thành phố nườm nượp, tưởng như không bao giờ dứt. Ngoài ga máy bay, ga tàu hoả, bến ô tô, bến tàu sông, người về quê đông như kiến. Có những nhà khá giả, dư tiền dư bạc, chẳng hiểu vì sao tết không về quê, mà lại rời Sài Gòn gió bụi, đi Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang… nghỉ mát. Họ đón tết ngay trong rừng xanh hoặc trên bãi biển vàng nắng. Cũng là một cách đón xuân lạ, chỉ thấy có ở một số ít gia đình… Chợ hoa, trên các nẻo Bến Nhà Rồng, công viên Bạch Đằng, Lê Văn Tám… trong nắng mai vưà hửng, lại đã rực lên những sắc hoa. Nhiều nhất là mai. Những nụ vàng mới hé. Những bông đã nở, xoè năm, sáu, hoặc mười hai cánh vàng, mỏng mảnh, thanh khiết. Người Nam Bộ yêu mai, coi đó là hồn xuân, như người Bắc vẫn tán về đào vậy. Rồi thì cúc, thược dược, mào gà, hồng, đào tiên, lay ơn, cẩm chướng… trắng, xanh, đỏ, tím, phơn phớt,… sáng cả đất trời. Có những gốc mai, gốc cây sung, cây si già giá tới cả chục triệu. Lạ là rất ít người mua. Mà chỉ ngắm. Ngắm cho tới ngày giáp tết mới chịu ngã giá đem về nhà. Lúc ấy, giá gần như cho không, hoặc đắt gấp bốn năm lần…

Tết nào tôi cũng đi chợ xuân mua cây, mua hoa lấy may. Năm thì mai, đào; năm thì hồng, cúc. Có năm, hứng chí, tôi liều lĩnh đào một gốc sứ già trước cửa, đem ra chợ bán. Tưởng chỉ là một cái cớ ghẹo người sành chơi, ai ngờ lần ấy, gốc sứ trêu người đã chán nó, được người ta trả tới hai mươi triệu bạc. Thấy gốc sứ có giá, tôi sợ hớ, không bán, đem về trưng trong ba ngày tết. Các bạn tôi đến chơi, nhờ gốc sứ gợi hứng, viết được bảy bài thơ. Thế là, họ đòi tôi phải mở một cuộc bình thơ có kèm theo tiệc rượu. Tiền tôi dành được trong năm theo thơ về cõi ảo, nhưng gốc sứ thì còn kia.

Năm nay, tôi gạ bán cây từ tháng mười một. Chờ mãi, mong mỏi cả mắt, vẫn chưa thấy khách hỏi mua. Vậy mà, bây giờ tôi lại phải từ chối hết thảy mọi lời nài nỉ xin mua nó. Một chuyên gia về cây cối, trong lần đến chơi với tôi, đã xem cây rất kỹ và cho biết rằng: cây sứ nhà tôi có độ tuổi bằng đúng tuổi khai sinh của thành phố ven sông Sài Gòn lộng nắng gió này. Vì thế, nó đã trở thành vô giá chăng?

Thy Vinh

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||8638f66c8__