Tào Tháo là một trong những nhà chính trị, nhà quân sự xuất sắc bậc nhất của lịch sử Trung Quốc. Ông có tài mưu lược như thần và thuật dùng người cao thâm. Tào Tháo nổi tiếng lịch sử về những câu chuyện ông chiêu dụng nhân tài chí sĩ. Không chỉ thế ông còn là một nhà thơ tài ba. Đoản ca hành là một trong những tác phẩm tiêu biểu khi ông dùng nghệ thuật thi nhạc để chiêu nạp nhân tài cũng như thúc đẩy tinh thần tướng lĩnh trước khi lâm trận.

Trong gần 2000 năm qua, hình tượng Tào Tháo là một chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử Trung Quốc, hầu hết đều bị ảnh hưởng tiêu cực do tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa”. Hành động “Phụng thiên tử để lệnh chư hầu” của ông đã khai sáng ra một tiền lệ mới cho những đế vương khai quốc đời sau học theo.

Tuy nhiên kể từ thế kỷ 20, nhiều học giả đã có nhìn nhận khác khách quan hơn về Tào Tháo. Những nhà văn, nhà thơ của Trung Quốc đều đánh giá Tào Tháo là anh hùng. 

Ngoài những tài năng trí tuệ lỗi lạc, Tào Tháo còn là một thi nhân nổi tiếng. Ông dùng thi nhạc để bộc bạch nỗi lòng mà cầu hiền tài. Một trong những tác phẩm mà ông để lại là Đoản ca hành. Đây là một khúc nhạc phủ, thuộc Tương hoạ ca. Tào Tháo có hai bài, đây là bài thứ hai, thể hiện tráng chí và ý nguyện cầu hiền tài. Lời bài thơ trôi chảy, khí vận trầm hùng, tiêu biểu cho phong cách thơ của Tào Tháo. Bài thơ này được cho là sáng tác vào năm Kiến An thứ 13 (208), trong đêm trước trận chiến Xích Bích.

(Ảnh: Cluber)

Tào Tháo là người coi trọng nhân tài và ông cho rằng người tài giỏi không phải là để thể hiện mình mà phải biết dùng cái giỏi cái tài của người khác

Ông vốn trọng dụng nhân tài nên ông đã thu phục được nhiều hào kiệt, cả văn lẫn võ, làm người hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển cơ nghiệp của mình.

Về võ tướng, đầu quân cho ông còn có anh em Hạ Hầu, Tào Nhân, Tào Hồng. Ngoài ra, ngũ tử lương tướng xuất sắc nhất theo đánh giá của Trần Thọ, không nằm trong gia tộc họ Tào, gồm Trương Liêu, Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp, Từ Hoảng. Tào Tháo coi trọng tướng tài là Quan Vân Trường nên ông đã rất nhiều lần tìm cách giữ lại nhưng bất thành.

Về mưu sĩ, ông có Hi Chí Tài, Quách Gia, Tuân Úc phụng sự. Những người này được đánh giá có năng lực không thua kém so với Khổng Minh Gia Cát Lượng và Phượng Sồ Bàng Thống. Quách Gia còn được coi là trí tuệ hơn cả Khổng Minh.

Mặc dù rất muốn chiêu mộ người tài, Tào Tháo vẫn có những nguyên tắc riêng của mình trong việc dùng người. Người được ông dùng nếu chỉ có tài thôi vẫn chưa đủ, mà phẩm chất đạo đức của họ phải ở mức “chấp nhận được” và phải tuyệt đối trung thành với đất nước, chủ nhân.

Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến ông quyết định giết chết kẻ “phản trắc” Lã Bố, dù thời điểm ấy Tào Tháo vẫn đang rất cần một dũng tướng. Dương Tu cũng chết dưới tay Tào Tháo vì có tài nhưng không hiểu nguyên tắc: ở chiến trường, quân lệnh như sơn.

Bên cạnh đó, Tào Tháo có rất nhiều điểm phải ngưỡng mộ trong việc xử lý những mối quan hệ xã hội. Sau khi xử chém phản nghịch Trần Cung, Mạnh Đức rất khoan dung với gia tư quyến thuộc nhà Trần như phụng dưỡng mẹ của Trần Cung, gả chồng cho con gái ông ta.

Đối với Lưu Bị, Tào Tháo cũng rất khí khái, ra ngoài thì ngồi chung xe, vào trong thì cùng dùng cơm, cùng uống rượu luận anh hùng.

Dưới trướng Tào Tháo có vô số những vị quân sư, chiến lược gia nổi bật thời Tam quốc như Tuân Úc, Quách Gia, Trình Dục hay Tuân Du. Những người này được đánh giá có năng lực không thua kém so với Gia Cát Khổng Minh.

Tào Tháo còn được nhiều nhân tài từ khắp nơi đến đầu quân như Trình Trọng Đức, Tuân Công Đạt, Giả Văn Hòa…

(Ảnh: Dkn.tv)

Đoản ca hành thể hiện cái tình của một nhà quân sự kì tài

Nhiều dữ liệu lịch sử ghi chép rằng, trước khi tham chiến trận Xích Bích, Tào Tháo đã lên kế hoạch chuẩn bị trong một năm.

Ông chiêu binh mộ tướng, dùng thi nhạc mà làm trỗi dậy nỗi lòng của những nhân tài còn ẩn danh. Dùng lời thơ tiếng nhạc mà động viên tướng sĩ, dùng chén rượu mà bày tỏ tình người và nguyện ý của ông với những bậc trung thần cùng ông chinh chiến.

Đối tửu đương ca,
Nhân sinh kỷ hà:
Thí như triêu lộ,
Khứ nhật khổ đa.

Khái đương dĩ khảng,
Ưu tư nan vong.
Hà dĩ giải ưu:
Duy hữu Đỗ Khang.

Thanh thanh tử khâm,
Du du ngã tâm.
Đãn vị quân cố,
Trầm ngâm chí kim.

U u lộc minh,
Thực dã chi bình.
Ngã hữu gia tân,
Cổ sắt xuy sinh.

Hạo hạo như nguyệt,
Hà thời khả chuyết ?
Ưu tòng trung lai,
Bất khả đoạn tuyệt.

Việt mạch độ thiên,
Uổng dụng tương tồn.
Khế khoát đàm yến,
Tâm niệm cựu ân.

Nguyệt minh tinh hy,
Ô thước nam phi,
Nhiễu thụ tam tạp,
Vô chi khả y.

Sơn bất yếm cao,
Thuỷ bất yếm thâm.
Chu Công thổ bộ,
Thiên hạ quy tâm.

Dịch thơ:

Trước ly rượu ta nên ca hát
Một đời người thấm thoát là bao?
Khác chi mấy hạt sương mai,
Ngày qua sầu tủi hỏi ai không buồn?

Vụt đứng dậy, lòng thêm khảng khái
Nhưng cái buồn đeo mãi không tha
Giải sầu chỉ một chăng là
Mượn đôi ba chén cửa nhà Đỗ Khang

Tuổi đi học, áo xanh cổ cứng
Mà lòng ta bịn rịn hôm mai
Nhưng thôi nhắc mãi làm chi
Tuổi xanh quá vãng vì mi ta buồn

Con hươu lạc kêu trên đồng vắng
Chân ngẩn ngơ mồm gặm cỏ non
Nhà ta khách quý rộn ràng
Đàn ca sáo phách bập bùng thâu đêm

Nhà ta khách quý rộn ràng. Đàn ca sáo phách bập bùng thâu đêm. (Ảnh: Pinterest.com)

Mảnh trăng nọ treo trên trời rộng
Biết bao giờ hết sáng ngàn cây?
Nỗi buồn ập đến ai hay
Lòng ta vương vấn khi đầy khi vơi

Xông pha mãi một đời gió bụi
Uổng công ta lui tới đeo đai
Bi hoan ly hợp một đời
Mong người tri kỷ đứng ngồi chẳng an

Trăng vằng vặc sao ngàn thưa thớt
Quạ về nam thảng thốt kêu thương
Liệng quanh cây những mấy vòng
Mà không tìm được một cành nương thân

Chẳng quản ngại ta tìm tri kỷ
Dù núi cao, biển cả sâu nông
Một đời nghiền ngẫm Chu công
Làm sao thiên hạ dốc lòng về ta.

(Bản dịch thơ của Lệ Chi Sơn)

Đối với Tào Tháo, hôm nay huynh đệ cùng vào sinh ra tử thì mãi là huynh đệ một nhà. Tuy nhiều khi nổi nóng, chém đầu tướng lĩnh, quân sĩ nhưng đến cuối cùng, ông vẫn là người trọng người tài.

Khi có vị tướng đại bại trở về, sau khi đánh giá tình hình, Tào Tháo chỉ khoát tay nói một câu khiến ai cũng tâm phục khẩu phục: “Thắng bại là chuyện thường tình của binh gia”

Năm 197, võ tướng Điển Vi liều chết cố thủ trước đợt tập kích của bè lũ Trương Tú, tạo cơ hội để Tào Tháo thoát chết. Khi thoát nạn trở về Hứa Xương, Tào Tháo lo lắng tìm kiếm Điển Vi.

(Ảnh: IFuun)

Biết tin vị tướng dũng mãnh chết trận khi chưa cùng mình hoàn thành cơ nghiệp, Tào Tháo thương tiếc vô cùng. Ông sai người lập đền thờ, bày bàn cúng tế rồi nói với các tướng rằng: “Ta mất một con trưởng và một cháu yêu, cũng không thương là mấy, chỉ thương khóc Ðiển Vi mà thôi”.

Khi Quách Gia qua đời, Tào Tháo khóc than như một người cha mất đi một người con, người anh mất đi người em ruột thân thiết của mình. Tào Tháo cũng từng than trời và cho rằng ông không thể thua đau trận Xích Bích nếu Quách Gia còn sống. Rõ ràng việc mất Quách Phụng Hiếu là một tổn thất không thể bù đắp khiến Tào Tháo không thể đánh bại Tôn Quyền và Lưu bị dù lúc này ông sở hữu tới hơn 1 triệu quân, gấp nhiều lần số quân của Tôn Quyền và gần bằng 10 lần số lính của Lưu Bị hiện có.

Có thể nói, Tào Tháo đối xử với tướng lĩnh như vậy là bởi ông là người hiểu rõ đạo lý, đặc biệt đối với những võ tướng tài năng, hết mực trung thành.

Mặc dù Tào Tháo đã phải trải qua hàng trăm năm bị người đời sau “vùi dập” thế nhưng ông như viên ngọc sáng mà càng mài giũa lại càng toát lên vẻ đẹp tuyệt diệu. Tài năng và trí tuệ của ông trong quân sự và chính trị khiến người đời mãi không ngừng tán dương mặc dù đã qua hàng nghìn năm lịch sử. Ông xứng đáng với đánh giá là quân sự và chính trị tài ba bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

( Bài viết sử dụng nguồn thơ từ thivien.net)

Tịnh Tâm