Tôi để nguyên cả những con bống nhỏ, con mày mạy xanh nhớt và dăm con cua mới mở mắt lẫn trong ấy như sợ vuột mất những gì thân thương của thuở ấu thơ. Cái thuở lớn lên cùng những bến bờ xanh mướt mát đậu ngô…khi vẫn hát bài “Bà còng đi chợ trời mưa, cái tôm cái tép đi đưa bà còng…”.
Sớm nay đi chợ, chị hàng cá vẫy vẫy: Có đặc sản đây em ơi! “Đặc sản” hóa ra là mớ tép tầm một vốc tay đang nhảy tanh tách. Chẳng biết nơi khác thế nào chứ quê tôi phân biệt rõ ràng tép và tôm. Lớn lên đi học cứ tranh luận mãi về hai loại ấy nhất là những người bạn quê Hà Tây cũ. Có người còn gọi những con cá nhỏ là con tép hay cá tép nhưng loài tép riu ở quê Bách Thuận tôi là có thật và rất ngon.
Lúc còn nhỏ tôi thường xuyên theo các anh ra ruộng để hoặc đánh dậm hoặc kéo tép. Đánh dậm thì chỉ được nhiều cua và thi thoảng có bống đù hay những con tôm to hoặc những con cá cờ cầu vồng lấp lánh. Riêng kéo tép phải dùng dụng cụ riêng giống như cái dậm nhưng bẹp hơn. Bố tôi phải ra tận chợ Thông ở Hòa Bình mua lưới như lưới căng chạn về để làm. Tép ít ở chỗ có bùn mà chủ yếu tập trung ở đoạn nước nông, có dày đặc lớp rong tóc tiên mềm mại.
Tôi xách cái rá có buộc dây 4 góc đứng trên bờ chờ đợi. Anh tôi đi lùi ngược dòng nước được một đoạn lại nhấc te lên tôi hí hửng chạy đến đón vốc tép nhảy tanh tách. Những con tép riu bé như cọng rơm đều chằn chặn, màu xanh biếc hoặc đen bóng mẩy căng lao xao trong rá.
Tôi có nhiệm vụ ngồi nhặt đi những con ốc nhỏ, những vụn rong đuôi chó, những con cá “đèn pin” bé tí chỉ có đuôi với mắt lồi to hay những con mài mại xanh nhớt, đuôi dài ngoẵng của con chuồn kim… Đôi khi tôi vẫn thích để nhưng con mài mại nhỏ béo tròn, ấu trùng của “chuồn chuồn bà” để về rang lẫn với tép ăn bùi bùi béo béo.
Con tép riu ấy khác hẳn với những con tép nhỏ nhợt nhạt mềm xìu ngoài đồng bằng. Tép ở chỉ có sỏi và cát nên rất chắc rang lên đỏ rực và mùi thơm rất riêng. Những con tép ban ngày đen bóng nhỏ xíu, ban đêm phát lân tinh sáng lấp lánh dưới nước thật lạ. Ăn chán tép rang mẹ tôi phơi khô để dành, những ngày mưa rét đem rang mỡ hoặc giã nấu canh bầu bí ngọt lừ. Tôi không hiểu sao không thích mùi tép khô, chỉ thích món mắm tép.
Tép tươi rói được sơ chế thật sạch, để ráo nước. Chỉ cần cho muối trộn đều và giã giập cho chóng ngấu. Thính gạo nếp rang vàng giã nhỏ, một chút rượu, một chút giềng giã nhỏ rồi chượp vào hũ thủy tinh bọc lớp vải màn rồi phơi giữa trời nắng.
Được nắng, chỉ từ sáng đến chiều mắm đã chuyển màu đỏ au. Đậy chặt nút lại phơi tiếp mấy ngày thì đem cất đi, để lâu mắm càng ngấu ăn càng ngon.
Nhà hàng xóm cạnh nhà tôi còn dìm vào hũ mắm khẩu thịt ba chỉ cho mắm thêm béo nhưng tôi chỉ thích mắm suông. Mẹ mua đậu phụ về, tôi hăng hái đi chưng mắm với hành khô phi thơm lừng béo ngậy. Mắm ngấu ngon có thể ăn sống với lát ớt tươi và chanh vắt đánh sủi bọt, chấm thịt ba chỉ luộc.
Tôi cũng thích hấp chén mắm vào nồi cơm với chút mỡ, tí đường, lát ớt. Mắm chưng thịt kho, mắm khều đầu đũa nấu canh rau tập tàng… Mắm từ tép đồng ngon cơm nhất khi có thêm bát cà pháo muối hoa riềng giòn tan.
Tôi dặn trước chị hàng tôm cá khi nào có tép nhớ gọi để ủ mắm. Món mắm tép ấy ông chồng tôi rất thích, có lần mới ủ được mấy ngày, thấy mắm ngấu đỏ au cứ muốn ăn ngay. Tôi phải chưng với quả cà chua cho nó có vị chua và mềm mượt như là mắm đã chín ngấu, thế mà ông xã cứ khen mãi. Không phải năm nào cũng có đủ tép để ủ, càng ngày ruộng bị thu hẹp lại, hai bên bờ bãi xanh non bị những kè bê tong khô cứng lấn hẹp , rong rêu cũng không còn để trú ngụ.
Và loài tép cũng cùng số phận với những loài phù du sinh vật bé nhỏ, bị những dòng điện mạnh từ những cái kích điện hủy diệt từ trứng nước. Chẳng lẽ loài tôm tép bé nhỏ, bé lắm cơ phận tép riu cũng không còn là món ăn dân dã thôn quê. Nó bỗng nhiên hiếm hoi đến mức chị hàng cá tôn lên làm “đặc sản” mà may mắn lắm hôm nay tôi đã mua được. Các con tôi vẫn hát bài “Bà còng đi chợ trời mưa, cái tôm cái tép đi đưa bà còng…”.
Đấy! những con tép của bà lưng cũng cong cong như bà còng sớm trưa cặm cụi trên đồng bãi. Con tép trong truyện cổ tích về loài chim “ bắt tép kho cà” của các con đây. Bé nhỏ biết bao so những con tôm biển được nuôi bán ở hàng đông lạnh. Tôi để nguyên cả những con bống nhỏ, con mày mạy xanh nhớt và dăm con cua mới mở mắt lẫn trong ấy như sợ vuột mất những gì thân thương của thủa ấu thơ. Cái thủa lớn lên cùng những bến bờ xanh mướt mát đậu ngô…
Bên dòng trong vắt hiền hòa.
Đừng cạn nhé! Để loài tép tôm không chỉ còn tồn tại trong những câu chuyện cổ tích ngày xưa.
Nguyễn Như Thạnh
Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Nghệ Thuật Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.