Có bài thơ rằng:
“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)
Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?
Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.
Lý Công Uẩn là vị hoàng đế của triều đại chính thống lâu dài đầu tiên của nước Đại Việt thống nhất. Ông xuất thân từ cửa chùa, là người khai vận cho triều Lý, được lịch sử nhắc đến như một vị minh quân đáng kính, tràn đầy lòng nhân từ. Cuộc đời ông ẩn chứa đầy màu sắc huyền bí, thú vị. Hãy cùng chúng tôi lần giở lại trang sử cũ về vị hoàng đế đặc biệt này.
Xem thêm: Phần 1
Thuận Thiên thừa vận, được Thần Linh phù trợ
Sử cũ chép như sau: “Bính Thìn, [Thuận Thiên] năm thứ 7 [1016] Mùa xuân, tháng 3, lại lập 3 hoàng hậu: Tá Quốc hoàng hậu, lập Nguyên hoàng hậu, lập Giáo hoàng hậu, độ cho hơn nghìn người ở kinh sư làm tăng đạo. Dựng hai chùa Thiên Quang, Thiên Đức và tô bốn pho tượng Thiên Đế. Động đất. Làm lễ tế vong các danh sơn.
Vua nhân đi xem núi sông, đến bến đò Cổ Sở, thấy khí tốt của núi sông, tâm thần cảm động, bèn làm lễ rưới rượu xuống đất, khấn rằng: “Trẫm xem địa phương này, núi lạ sông đẹp, nếu có nhân kiệt địa linh thì hưởng lễ”. Đêm ấy, vua chiêm bao thấy có dị nhân đến cúi đầu lạy hai lạy, nói: “Thần là người làng này, họ Lý tên Phục man, làm tướng giúp Nam Đế, có tiếng là người trung liệt, được giao trông coi hai dải sông núi Đỗ Động và Đường Lâm, bọn Di Lão không dám xâm phạm biên giới, một phương yên bình. Đến khi chết, Thượng đế khen là trung trực, sắc cho giữ chức như cũ. Cho nên phàm giặc Man Di đến cướp đều chống giữ được cả. Nay may được bệ hạ thương đến, biết cho thần giữ chức này đã lâu rồi”. Rồi đó ung dung nói: “Thiên hạ khi mờ tối, trung thần giấu tính danh, giữa trời nhật nguyệt sáng, ai chẳng thấy dáng hình”.
Vua thức dậy nói việc ấy với các quan, có Ngự sử đại phu Lương Nhậm Văn tâu rằng: “Đó là ý thần muốn tạc tượng”. Vua sai bói xin âm dương, quả nhiên đúng như thế. Bèn sai người trong châu lập đền đắp tượng đúng như hình dạng người trong chiêm bao, tuế thời cúng tế.
Khoảng niên hiệu Nguyên Phong [1251-1258] đời Trần, người Thát Đát (Mông Cổ) vào cướp, đi đến địa phương này, ngựa khuỵu chân không đi được, người trong thôn dẫn dân chúng ra chống đánh, chém được đầu giặc, giặc chạy tan. Khoảng năm Trùng Hưng [1285-1293], [Thát Đát] lại vào cướp, đến đâu cũng đốt phá, mà ấp ấy vẫn như được che chở, không bị xâm phạm mảy may, quả đúng như lời thần nói)“.
Thời đại của Lý Công Uẩn là thời Phật giáo cường thịnh, con người sống đạo đức chân chính và luôn giữ mình kính sợ Thần Phật nên quốc tộ dài lâu, đất nước thái bình. Cũng vì lẽ đó mà nhiều việc linh hiển hay Thần tích được ghi chép rất nhiều trong thời gian này cũng vì bản thân Lý Thái Tổ cũng là một vị vua nhân từ luôn ra sức hoằng dương Phật Pháp và luôn được Thần Phật phù trợ.
Vị Hoàng đế nhân từ thương dân như con
Người viết bài này khi xem lại hành trạng của Lý Thái Tổ thì luôn thấy rất cảm động, bởi lẽ chưa từng có vị vua nào giàu lòng thương người như ông. Có lẽ cội nguồn sâu xa nhất cho những công nghiệp hùng vĩ của vua Lý Thái Tổ, giúp ông trở thành một vị minh quân chính là lòng nhân của ông vậy. Lời xưa có nói: “Người nhân thì không có đối thủ” (Nhân giả vô địch) quả thật chẳng sai.
Lý Thái Tổ luôn yêu thương trăm họ, chăm sóc trẻ em góa phụ, người già, miễn thuế cho dân nghèo. Sử chép: “Canh Tuất, Thuận Thiên năm thứ 1 [1010], mùa xuân, tháng 2 xa giá về châu Cổ Pháp, ban tiền lụa cho các bô lão trong làng theo thứ bậc khác nhau. Xuống chiếu truyền cho những kẻ trốn tránh phải về quê cũ. Lại hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại.
Mùa đông, tháng 12, cung Thúy Hoa làm xong, làm lễ khánh thành, đại xá các thuế khóa cho thiên hạ trong 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều tha cho cả. Cấp áo quần, lương thực, thuốc men cho 28 người lính man bị Ngọa Triều bắt, sai người đưa về quê cũ. Tha cho người ở vùng Nam Giới, huyện Thạch Hà thuộc châu Hoan được trở về bản huyện. Đổi 10 đạo làm 24 lộ, châu Hoan, châu Ái làm trại. Năm ấy độ dân làm sư. Phát bạc ở kho 1.680 lạng để đúc chuông lớn, treo ở chùa Đại Giáo”.
Vua mới lên ngôi, trong thì tu sửa thành lũy, dựng kinh đô mới, ngoài thì sửa lại chùa chiền, tôn kính Phật Pháp. Trăm sự vạn sự đều cần tiền chi dụng, thời gian sức lực đều bận rộn. Vậy mà Lý Thái Tổ vẫn khẳng khái đại xá thuế cho thiên hạ 3 năm và bỏ hết thuế nợ cho những người già cả côi cút. Ân uy khắp cả trời đất, không quên đến cả những tù binh chiến tranh và dân phiêu bạt tứ xứ. Thế mới thực là một bậc Thiên tử con trời, thánh nhân chân chính, sinh ra chính là để làm lợi cho thiên hạ. Chưa dừng ở đó, chỉ 4 năm sau, nhà vua lại tha thuế tiếp cho bá tánh thêm 3 năm nữa. Đây có lẽ là vị Thiên tử có… thu nhập ít nhất trong lịch sử vậy.
Sử chép: “Bính Thìn, [Thuận Thiên] năm thứ 7 [1016], năm ấy được mùa to, 30 bó lúa giá 70 tiền. Cho thiên hạ 3 năm không phải nộp tô thuế”. Và ngay trong 2 năm tiếp theo, Lý Thái Tổ tiếp tục tha thêm thuế ruộng cho lê dân, quả thật là điều không tưởng. Trong lịch sử, có lẽ triều đại của ông chính là triều đại tha thuế, ban ân sủng cho khắp thiên hạ nhiều đến vậy. “Đinh Tỵ, [Thuận Thiên] năm thứ 8 [1017], xuống chiếu xá tô ruộng cho thiên hạ. Mậu Ngọ, [Thuận Thiên] năm thứ 9 [1018] Xá một nửa tô ruộng cho thiên hạ”.
Sử chép: “Tân Dậu, [Thuận Thiên] năm thứ 12 [1021]. Mùa xuân, tháng 2, lấy ngày sinh nhật của vua làm tiết Thiên Thành, lấy tre kết làm một ngọn núi gọi là Vạn Thọ Nam Sơn ở ngoài cửa Quảng Phúc, trên núi làm nhiều hình chim bay thú chạy, muôn vẻ lạ kỳ. Lại sai người bắt chước tiếng của cầm thú làm vui để ban yến cho bề tôi. Nhâm Tuất, [Thuận Thiên] năm thứ 13 [1022], vua thấy tiết Thiên Thành làm núi giả khó nhọc cho dân, bãi đi, chỉ đặt yến lễ mà thôi”
Ngày sinh nhật Hoàng đế chính là ngày trọng đại nhất của cả quốc gia. Đối với vị vua khai sáng ra cả một nền thịnh trị như Lý Thái Tổ thì hoàn toàn xứng đáng hưởng thụ một nghi thức tiệc sinh nhật hoành tráng nhất. Thế nhưng ông đã không làm như vậy. Điều ông nghĩ đến trước tiên chính là sự khó nhọc của dân chúng. Làm Thiên tử chính là “chăn dân”, lo cho muôn dân được yên ấm, hạnh phúc. Bậc minh quân nào cũng không phí hoài sức dân, nhọc lòng thiên hạ chỉ để phục vụ những lợi ích nhỏ nhoi của cá nhân mình.
(Còn nữa)
Tĩnh Thủy