Sử sách ghi chép, Quận công Nguyễn Mại là người văn võ song toàn, vị quan thanh liêm, chính trực. Ông được mệnh danh là Bao Công của đất Việt.

Nguyễn Mại là người làng Ninh Xá, huyện Chí Linh (nay là thôn Ninh Quang, xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Ông sinh năm 1655, năm 37 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa Tân Mùi, niên hiệu Chính Hòa thứ 12 (1691) đời Lê Huy Tông.

Lúc đầu Nguyễn Mại làm quan ở bộ Lễ, sau được thăng chức Tả thị lang của bộ này. Ông từng được cử đi sứ nhà Minh, rồi làm Đốc trấn Cao Bằng, sau đổi về Đốc trấn Sơn Tây cho đến cuối đời. Ông mất năm 1720, thọ 66 tuổi, được truy tặng chức Lễ bộ Thượng thư, tước Quận công (đời Lê Dụ Tông).

Trong cuộc đời làm quan, Nguyễn Mại gắn bó nhiều năm với mảnh đất xứ Đoài (Sơn Tây). Ông được giới quan trường đương thời ca ngợi là vị quan thanh liêm, chính trực, xét xử các việc công minh, không sợ cường quyền. Nguyễn Mại từng thẳng thắn chỉ trích lối sống xa hoa của chúa Trịnh, chúa Trịnh dù có phần phật ý nhưng vẫn kính nể và trọng dụng ông. Chúa Trịnh cũng là người giao cho ông trọng trách giữ thủy quân, sau làm đốc trấn Cao Bằng rồi chuyển về trấn thủ Sơn Tây.

Quan lại thời xưa
Các vị quan lại thời xưa (ảnh minh họa: Wikipedia).

Cũng tại trấn Sơn Tây, hay mảnh đất xứ Đoài này, mà chúng ta được biết đến tài năng xử án của Nguyễn Mại. Dân gian xứ Đoài truyền tụng ông là Bao Công của đất Việt bởi sự sâu sát, gần gũi với dân và tài xét đoán các việc anh minh. Hầu hết các câu chuyện xử án của ông được lưu truyền trong dân gian, dưới đây là một vài trong số đó.

Vả mặt người mất trộm truy ra kẻ cắp

Sách Đăng khoa lục sưu giảng còn lưu lại câu chuyện Nguyễn Mại phân xử vụ tranh chấp giữa 2 người đàn bà. Những năm làm quan ở Sơn Tây, trong một lần vi hành, Nguyễn Mại đi bộ ngang chợ Bảo Khám (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) thì thấy một người đàn bà luôn miệng nói tục, “bới” cả tổ tông kẻ trộm ra chửi. Quan hỏi người dân mới biết bà này bị mất trộm một chiếc màn.

Ông gọi người đàn bà lại hỏi chuyện, rồi đột nhiên sai người trói bà, kết tội bà chửi chua ngoa. Sau đó, đàn ông, đàn bà trong xóm được gọi đến đông đủ. Nguyễn Mại sai từng người vả vào mặt người đàn bà mất trộm với lý do “đã chửi ngoa”. Dân làng ai nấy đều thương người mất trộm nên chỉ tát nhẹ, chỉ riêng một phụ nữ xuống tay rất mạnh.

Chị ta vừa tát xong, quan Nguyễn Mại liền cho giữ lại tra xét, nói rằng: “Ngươi chính là kẻ ăn trộm nên mới đánh người ta đau như thế”. Người phụ nữ này vội quỳ xuống nhận tội. Cũng chính từ vụ án này mà người dân Sơn Tây coi ông như “Bao Thanh Thiên”. Sau khi ông mất họ còn làm cả thơ văn ca ngợi công đức của vị quan thanh liêm.

Vụ án thóc nảy mầm

Một lần, Nguyễn Mại đi ngang qua ngôi chùa ở huyện Sơn Vi (nay là huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), một nhóm ni cô báo có người bị mất chiếc áo lụa quý. Thấy vậy, quan sai lập đàn cúng. Các ni cô được giao mỗi người một tay nắm một ít thóc, một tay nắm lấy tay của người bên cạnh rồi cùng chạy quanh đàn. Trước khi các ni cô chuẩn bị chạy, ông nói: “Hễ là kẻ gian thì thóc trong tay lập tức nảy mầm”. Chỉ một hồi quan sát, Nguyễn Mại thấy một ni cô thường lén mở tay ra nhìn, gương mặt bồn chồn lo lắng. Lúc đó, ông yêu cầu tất cả dừng chân, nữ tu đó buộc phải nhận tội.

Bắt trai làng vét bùn tìm ra người trộm chuối

Một vụ án khác được Nguyễn Mại phân xử là ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Khi thấy một người đàn bà chửi bới ầm ĩ vì mất trộm buồng chuối sắp đến ngày thu hoạch, ông bèn tập trung tất cả trai làng, ra lệnh xuống ao làng vét bùn. Lúc cả nhóm nghỉ giải lao, ông lại sai phát cho mỗi người một miếng trầu để ăn. Đích thân ông phát trầu cho từng người và nhận thấy bàn tay của một thanh niên có vết nhựa thâm.

Ông lệnh bắt ngay anh ta, nói rằng đây là vết tích của nhựa chuối, sau khi ngâm bùn mới hiện rõ trên tay, khó rửa sạch ngay. Người thanh niên nghe vậy đã không thể chối tội.

Chia đôi mảnh lụa tìm được kẻ gian

Một vụ trộm khác được Nguyễn Mại phân xử cũng nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Hôm đó, ông vi hành ra chợ Sơn Tây liền gặp hai người phụ nữ giằng co, cãi vã om sòm. Đến gần, ông thấy cả hai đang giằng nhau một tấm lụa, ai cũng nhận mình là chủ nhân và nói người kia là phường ăn cắp… Nguyễn Mại ngăn hai người này lại rồi sai cắt tấm vải làm đôi, chia cho mỗi người một mảnh.

Vị quan xử án
Ảnh minh họa xử án thời xưa (ảnh chụp màn hình Học 247).

Lụa chia xong, ông quan sát thấy một trong hai phụ nữ vui vẻ ôm lụa bỏ đi, người còn lại đứng ôm mảnh lụa nước mắt lưng tròng. Ngay lập tức, ông sai bắt người đàn bà, trả mảnh lụa đã chia cho người còn lại và nói: “Phàm chỉ có người làm ra tấm lụa mới biết trân trọng, tiếc công sức của mình. Còn chỉ biết hưởng công sức người khác thì mới hí hửng nhường ấy”. Người đàn bà bị bắt sau nửa ngày giam đã thú nhận mình là kẻ trộm.

Thu phục và cảm hóa trộm cướp

Nguyễn Mại có cái uy của một vị quan xử kiện, nhưng mặt khác, ông cũng rất am hiểu tâm lý con người. Chính điều ấy đã khiến các tội nhân phải “khẩu phục, tâm phục”.

Khi ông còn làm Đốc trấn Cao Bằng, nơi đây thường có giặc cướp từ Quảng Tây (Trung Quốc) tràn sang. Nhận thấy họ chỉ là nông dân nghèo vì quá đói khổ, túng quẫn mới phải tràn qua biên giới đến Cao Bằng để cướp. Ông cho quân bắt lại rồi thả ra chứ không xét xử, cũng không làm công văn báo với quan lại vùng Quảng Tây, có nhiều lúc còn cung cấp lương thực cho họ để họ trở về. Ông cứ cho quân vây bắt rồi thả về nhiều lần như vậy. Cuối cùng đám giặc cướp cảm động trước ân đức của Nguyễn Mại mà không còn sang quấy nhiễu nữa.

Còn khi đang làm Đốc trấn ở Sơn Tây, thì một hôm công sở của ông chẳng may bị cháy, trại giam trộm cướp xứ Đoài cũng ở ngay gần đấy. Không ngần ngại, ông hạ lệnh thả họ ra, rồi nhờ họ giúp dập đám cháy. Khi đám cháy được dập tắt, các phạm nhân lại bảo nhau trở về trại giam để chờ quan Đốc trấn xét hỏi, chứ không một ai nhân cơ hội này mà chạy trốn.

***

Những câu chuyện trên đây chỉ là một phần nhỏ trong những vụ án nổi tiếng của Quận công Nguyễn Mại. Cho đến nay đã gần 500 năm kể từ khi ông qua đời, nhưng người dân xứ Đoài vẫn không quên truyền tai nhau những giai thoại đẹp về một tấm lòng trong sạch, một tài năng đức độ, một vị quan thanh liêm sáng suốt, và một vị Bao Công của nước Việt lưu danh muôn đời.

Xem thêm: Không sợ trời, không sợ đất, chính quyền Trung Quốc sợ nhất điều gì?

videoinfo__video3.dkn.tv||546f7b0c9__

Xem thêm: