Vào những năm giữa triều đại Đường-Tống, ở vùng đất Chiết Giang, Trung Quốc có một người tên là Thẩm Kính. Từ nhỏ Thẩm Kính đã có tâm hướng Đạo, nhưng mãi đến lúc trưởng thành ông vẫn chưa tìm được chân sư.

Về sau, Thẩm Kính vân du đến Chung Nam Sơn, vùng núi nổi tiếng là nơi ẩn cư của các Đạo sĩ. Tại đây ông may mắn gặp được tiên nhân lão bà. Lão bà nói: “Con là người có cốt cách phi phàm, thần khí trang nghiêm, lòng dạ ngay chính. Chỉ cần con chuyên cần tu luyện, 10 năm sau ắt sẽ đắc Đạo”. Rồi lão bà đưa cho Thẩm Kính một hòn đá trắng và nói: “Con hãy dùng nước suối để luộc viên đá này, luộc đến khi đá mềm, ăn vào sẽ đắc Đạo thành Tiên. Nhưng khi đá chưa mềm thì tuyệt đối không được để lửa tắt, hãy nhớ lời ta!” Thẩm Kính vẫn chưa hết bàng hoàng thì tiên nhân lão bà đã biến mất.

Từ đó, Thẩm Kính ở trên núi, hàng ngày cần mẫn đi đốn củi, lấy nước suối, và cẩn thận trông coi bếp lửa, một phút cũng không dám lơ là. Ngay cả lúc ngủ ông cũng thấp thỏm, chỉ lo nếu ngủ quên mất thì bếp lửa sẽ tắt. Đôi lúc phải tranh thủ đến những nhà dân lân cận để xin miếng cơm, hay hái tạm quả rừng ăn qua ngày, nhưng ông vẫn không quên giữ cho lửa khỏi tắt.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, Thẩm Kính đã trải qua không biết bao lần sương gió mưa tuyết, bao ngày đông giá lạnh, bao ngày hè nóng bức. Vì luộc đá mà không quản khổ nhọc, không ngại những tiếng khen chê và cái nhìn khinh bỉ của người đời. Có chàng ngốc nào lại khờ khạo như Thẩm Kính không? Luộc đá để thành Tiên? Sao có chuyện khôi hài đến vậy! Thế nhưng ông vẫn ghi nhớ trong lòng lời căn dặn của lão bà: 10 năm nữa sẽ đắc Đạo thành Tiên!

Cuối cùng kỳ hạn 10 năm cũng đến, Thẩm Kình lòng tràn đầy hy vọng mở nắp nồi ra xem. Nhưng kìa, lạ chưa, viên đá vẫn cứng vẫn rắn như ngày nào, chẳng có chút gì thay đổi. Không lẽ lời lão bà nói chỉ là chuyện hoang đường? Vậy mà Thẩm Kính ngốc nghếch vẫn cứ tin tưởng suốt 10 năm ròng rã… Thẩm Kính quá thất vọng đã tắt lửa và không luộc đá nữa.

"Thần trà" Lục Vũ nổi tiếng thời nhà Đường. Ảnh: NTD Tiếng Việt.
(Ảnh minh họa: NTD Tiếng Việt)

Không lâu sau tiên nhân lão bà quay trở lại. Thấy Thẩm Kính không còn ý chí tu luyện, lão bà liền nói: “Hòn đá ta trao cho con không phải là đá bình thường, những người cả đời tu Đạo dẫu muốn cũng không thể có được nó đâu. Nó vốn là quả trên thiên thượng, không may bị rơi xuống ngọn núi này, gió độc nơi nhân gian thổi vào khiến nó trở nên cứng rắn. Nếu mang tâm thành kính dùng nước trên núi để luộc thì nó sẽ mềm trở lại, sau khi ăn vào liền có thể đắc Đạo thành Tiên. Con đắc được đá thần rồi, sao còn không giữ lòng thành kính, buông bỏ mọi nghi hoặc mà kiên trì tu luyện? Nếu thật sự làm được như vậy, thì chưa cần đến 10 năm con đã có thể thành Đạo rồi. Nhưng trong tâm con vẫn nửa tin nửa ngờ, bề ngoài là kiên trì luộc đá, nhưng tín tâm thực ra không vững chắc, thì dù có luộc cả ngàn năm con cũng không ăn được nó đâu!” Nói xong lão bà lại rời đi.

Thẩm Kính nghiêm túc nhìn lại bản thân. Ông nhận ra rằng trong sâu thẳm lòng mình ông vẫn còn hoài nghi lời lão bà nói. Chẳng thế mà khi vừa mở nồi thấy đá chưa mềm, ông đã vội vàng bỏ cuộc. Tu luyện là gian khổ, là thử thách, trong đó có cả thử thách về lòng tin.

Hiểu được đạo lý này, Thẩm Kính quyết chí sẽ làm lại từ đầu. Ông tắm rửa sạch sẽ, chắp tay cầu khấn Thần Linh, hứa lòng sẽ vững như bàn thạch. Rồi ông đi lấy nước suối và bắt đầu luộc đá trở lại, tự nhủ với bản thân rằng: dẫu phải dành cả đời ông cũng không thay đổi ý chí. Lần này tâm ông nhẹ bẫng, thanh thản vô tư, cứ bình thản mà luộc đá, không còn thấp thỏm lo âu như lần trước nữa. Không ngờ chỉ qua có một ngày đêm mà hòn đá đã mềm nhũn, hương thơm lan tỏa khắp núi rừng. Thẩm Kính lại tắm gội sạch sẽ, thành kính ăn đá thần, lập tức ông trở lại dung mạo lúc còn son trẻ, nội tâm thanh tịnh, thân thể nhẹ nhàng, đó cũng là lúc ông đắc Đạo về Trời.

con-nguoi-ca-doi-dan-than-vi-chu-tien-nhung-van-con-mot-dieu-chua-hieu
(Ảnh minh họa)

“Thẩm Kính luộc đá” đã trở thành điển tích nổi tiếng trong dân gian. Câu chuyện đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều hàm nghĩa sâu xa.

Thẩm Kính sinh ra đã có thần thái phi phàm, chứng tỏ không phải người bình thường. Những người có tư chất thiên bẩm sẽ làm được những điều vĩ đại. Thế nhưng không thể hoàn toàn dựa vào tư chất để thành Đạo mà vẫn cần phải trải qua quá trình rèn luyện trong phong ba bão táp. 10 năm khắc khổ của Thẩm Kính là để tôi luyện ý chí, thử thách nhân tâm, chỉ khi đó mài sắt mới nên kim, luyện đá mới thành vàng, cuối cùng đắc quả vị. Chúng ta cũng vậy, không ai sinh ra đã là một vĩ nhân. Ngay cả những bộ óc thiên tài cũng cần phải nỗ lực không ngừng, giống như nhà phát minh Thomas Edison từng nói: “Thiên tài là một phần trăm cảm hứng, chín mươi chín phần trăm mồ hôi”.

Câu chuyện “luộc đá” cũng là một ẩn ý sâu sắc. Nếu chỉ cần luộc đá là có thể thành Tiên thì có lẽ nhân gian đã sớm thành Thiên giới từ lâu rồi. Thực chất, “luộc đá” chỉ là một cách thức để Thẩm Kính tu luyện, hoàn thiện bản thân mình. Nếu không phải vì gian lao vất vả luộc đá, thì Thẩm Kính đâu phải đối mặt với gió tuyết phong ba, đâu phải chịu những tiếng chê bai khinh bỉ, để rồi cuối cùng khi vượt qua tất cả, ông đã thành tựu chính mình. Trong cuộc sống, khi ai đó gây trở ngại cho bạn, ai đó đối xử tệ với bạn, rất có thể họ đang giúp bạn “luộc đá” mà bạn không hề biết. Vậy thì, thay vì oán trách số phận, hãy cảm ơn cuộc đời đã cho bạn “đá thần” để hoàn thiện bản thân mình.

Và trên tất cả, câu chuyện cho chúng ta bài học về niềm tin. Cũng như Thẩm Kính lần đầu tiên luộc đá, dẫu có chín chín phần tin nhưng chỉ một phần nghi hoặc thì sẽ bỏ phí 10 năm mà uổng sức; lần thứ hai nhờ kiên định đức tin nên việc lớn một ngày đã hoàn thành. Và chúng ta, những con người bình dị trong cuộc sống xô bồ này, có phải bạn cũng nhận ra rằng: niềm tin dẫu vô hình nhưng lại có một sức mạnh lớn lao? Tin vào lương tri và bản tính thuần thiện của con người, bạn có thể cảm hóa được cả những tên tội phạm khét tiếng nhất – và câu chuyện của vợ của viên cai ngục Lewis Lawes chính là một minh chứng. Niềm tin còn có thể khiến người mắc bệnh hiểm nghèo tự phục hồi kỳ diệu – chẳng thế mà trong y học người ta vẫn nhắc đến “hiệu ứng Placebo” (The Placebo Effect), nghĩa là bệnh nhân có khả năng tự chữa lành bằng tinh thần mà không cần uống thuốc. 

Bất cứ khi nào sóng gió và chông gai cướp đi của bạn mọi cơ hội, thì đừng quên rằng bạn còn có lòng tin. Hãy tin vào bản thân, tin vào con đường bạn lựa chọn, và tin vào sức mạnh nội lực đang tiềm ẩn trong con người bạn, rất có thể khi một cánh cửa đóng lại một cánh cửa khác sẽ mở ra…

Theo Chánh Kiến
Hồng Liên biên tập