“Hồi đầu thị ngạn”, quay đầu chính là bờ giác ngộ. Con người sống trong mê, nhưng biển mê và bờ giác chỉ cách nhau một cái quay đầu mà thôi…
Cách đây rất lâu, ở miền sơn cước có một thôn trang tên là Thụy Lâm. Thôn trang dân cư thưa thớt, chỉ có vài trăm hộ dân cư trú, đời nối đời sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Cuộc sống tuy không sung túc nhưng con người nơi đây ai cũng thuần phác, thiện lương, duy chỉ có một kẻ bạo ngược tên là Trần Trung Hành.
Vì cha mẹ mất sớm, Trần Trung Hành phải sống với bà nội từ nhỏ. Đến năm 12 tuổi thì bà nội qua đời, Trần Trung Hành chỉ còn lại một mình vò võ nuôi thân. Cuộc sống không có người chỉ dạy, cũng không còn ai quản giáo, khiến đứa trẻ mồ côi sớm từng trải sự đời, dưỡng thành đủ mọi thói hư tật xấu, tự tung tự tại gây hoạ loạn khắp nơi. Càng lớn, Trần Trung Hành càng biếng làm siêng ăn, cậy có thân hình to khỏe mà thường xuyên lui đến các hộ dân trong thôn bắt họ phải cung phụng đồ ăn thức uống. Nhà nào nếu không chịu đáp ứng thì chuyện xấu gì y cũng dám làm.
Lời căn dặn của gà mẹ khiến kẻ xấu kinh hồn bạt vía
Một ngày kia, Trần Trung Hành đến nhà của một đôi vợ chồng trẻ. Hai vợ chồng họ không dám làm điều gì phật ý, bèn bưng trà rót nước, nồng hậu tiếp đón, sau lại nấu một nồi cơm trắng và thịt con gà trống duy nhất trong nhà để chiêu đãi, hy vọng ăn xong y sẽ vui vẻ mà ra về. Không ngờ, Trần Trung Hành sớm đã để ý vẫn còn một con gà mái mẹ dắt theo đàn gà con. Thế là, y liền cố tình nán lại đợi đến ngày hôm sau đánh chén no say gà mái mẹ rồi mới chịu rời đi. Buổi tối hôm đó, Trần Trung hành nghỉ lại trong nhà họ, đôi vợ chồng đành phải ngủ trong gian bếp để nhường lại căn phòng chính cho y.
Nửa đêm hôm ấy, Trần Trung Hành đang say cơn mộng mị thì bỗng giật mình tỉnh dậy. Giữa màn đêm tĩnh mịch y nghe thấy rõ ràng gà mẹ nằm dưới mái hiên đang căn dặn đàn gà con: “Nếu kiếp sau các con có cơ hội chuyển sinh thành người, nhất định không được giống như lão Trần Trung Hành này. Hắn ta làm nhiều chuyện xấu thế, nay mai sẽ gặp phải báo ứng thôi”.
Trần Trung Hành nghe xong không khỏi giật mình kinh hãi. Y hồi tưởng lại những việc đã làm trong quá khứ, nhận ra bản thân thật quá xấu xa. Y bất giác ngước lên nhìn ánh trăng qua song cửa sổ mà tự trách bản thân mình, vì sao ta lại hủ bại thấp hèn đến thế, ta thật không xứng làm người, ngay cả một con gà ta cũng không bằng được…
Sáng sớm hôm sau, Trần Trung Hành từ biệt đôi vợ chồng trẻ để lên đường. Trước khi đi, y hỏi họ phải đến nơi đâu mới có thể để chuộc lại lỗi lầm hay không? Đôi vợ chồng trả lời rằng, cách ngọn núi này không xa có ngôi chùa tên là Hồi Thiên Tự, trong chùa có hòa thượng Lai Duyên, ông ấy nhất định sẽ cho anh câu trả lời. Trần Trung Hành đã lên núi tìm được vị hòa thượng đó, xin hòa thượng cho mình xuất gia.
Kẻ xấu gặp hòa thượng, xin chuộc lại lỗi lầm xưa
Hòa thượng Lai Duyên nói: “Trên ngọn núi này lương thực rất túng thiếu, ngày ngày đều có người xuống núi hóa duyên, vậy mà vẫn thường xuyên ăn bữa nay lo bữa mai. Bần tăng chỉ e thí chủ không chịu nổi cái khổ này, thiết nghĩ thí chủ hãy xuống núi là tốt hơn”.
Trần Trung Hành một lòng kiên định, nhất quyết nói rằng y có thể chịu được cái khổ này. Lão hòa thượng nói: “Chúng tăng ở đây, với những ai vừa mới nhập môn đều quy định rằng: cần phải ở trong gian nhà đá nhỏ phía sau chùa, suốt bảy ngày không ăn không uống. Nếu thí chủ có thể vượt qua bảy ngày này thì có thể ở lại, còn như không qua được thì thí chủ có thể xuống núi bất cứ lúc nào”.
Trần Trung Hành thật sự đã ở lại trong gian nhà đá ấy, bụng đói cồn cào cũng không ăn, miệng khô lửa đốt cũng không uống. Đến giữa trưa ngày thứ tư có một tiểu hòa thượng bưng cơm đến, ngồi trước cửa ngôi nhà đá ăn một cách say sưa và nói với y: “Sư phụ bảo tôi nói với huynh rằng, nếu huynh không chịu đựng được thì có thể ăn chút gì đó rồi hãy xuống núi”. Trần Trung Hành vẫn ngồi bất động không lên tiếng. Cứ như vậy, bảy ngày trôi qua thật nhanh chóng, Trần Trung Hành cuối cùng cũng được giữ lại trong chùa.
Kể từ khi bước vào Phật môn, Trần Trung Hành đã đổi thành một con người hoàn toàn khác, việc nặng nhọc nào y cũng xung phong làm, việc khó khăn nào y cũng không tránh né. Lão hòa thượng thấy Trần Trung Hành thay đổi như vậy, trong lòng rất lấy làm vui mừng.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, mùa đông năm ấy, tuyết lớn phủ kín khắp núi đồi. Chưa qua mùa đông mà lương thực tích trữ trong chùa đã cạn sạch, lão hòa thượng vô cùng buồn bã, không biết nên làm như thế nào.
Vì đường núi gập ghềnh hiểm trở, lại thêm cảnh tuyết lở đá rơi, các tăng ni đều ngần ngại khi phải ra khỏi chùa. Thấy vậy, Trần Trung Hành đã chủ động xin sư phụ cho xuống núi hóa duyên. Dẫu lão hòa thượng lo lắng bất an, Trần Trung Hành vẫn kiên quyết xin đi, nói nguy hiểm thế nào y cũng không e ngại. Trần Trung Hành không quản gió tuyết, đã vượt qua rất nhiều khó khăn để xuống núi, xin người dân trong làng bố thí lương thực. Mọi người thấy kẻ bạo ngược Trần Trung Hành năm xưa nay đã hướng thiện, ai nấy đều vui mừng bố thí, chẳng mấy chốc đã chất đầy một bao lớn lương thực cho y khiêng về.
Tu hành nhiều đời chỉ vì để viên mãn
Trần Trung Hành đã bỏ ra rất nhiều công sức mới leo lên đến lưng chừng núi. Khi đến gần chùa, bỗng một con hổ xuất hiện ngay trước mặt, con hổ gầm lên một tiếng ra oai và nói: “Hôm nay ta nhất định phải ăn thịt nhà ngươi mới khoả lấp cái bụng đói cồn cào này”.
Trần Trung Hành không hề run sợ, chỉ khẩn thiết trả lời con hổ rằng: “Hổ ơi, ông muốn lấy mạng tôi cũng được, nhưng sư phụ và các sư huynh sư đệ vẫn đang ngóng chờ tôi trở về. Hổ hãy để tôi cõng bao lương thực này về chùa trước đã, tôi nhất định sẽ quay trở lại đây cho ông ăn thịt”. Con hổ nói: “Ta dựa vào cái gì để tin lời ngươi đây, ngộ nhỡ ngươi không quay lại, ta chẳng phải sẽ chết đói sao?”. Trần Trung Hành nói: “Tôi là người xuất gia, người xuất gia không dám nói dối. Tôi đảm bảo sẽ giữ lời hứa của mình”. Con hổ nói: “Thế cũng được, ta tạm tin ngươi một lần này vậy”.
Trần Trung Hành cõng bao lương thực về đến chùa, sau đó rất điềm tĩnh nói lời từ biệt với lão hòa thượng. Lão hòa thượng dường như đã biết hết thảy, ông không nói thêm gì mà chỉ dẫn các hòa thượng khác cùng tiễn chân y ra khỏi chùa.
Trần Trung Hành nhấc chân đi không ngoảnh đầu nhìn lại, trong tâm bình thản bước từng bước khoan thai đến trước mặt hổ. Chính ngay tại thời khắc đó, bầu trời rực sáng, thiên nữ trải hoa, Trần Trung Hành đã viên mãn thăng thiên, cưỡi mây lành bay lên không trung.
Lão hòa thượng nhìn thấy khung cảnh tráng lệ ấy, chắp tay hợp thập và nói: “Trần Trung Hành vốn đã tu rất nhiều đời rồi, chúng ta đều là vì sự viên mãn của ông ta mà đến, chúng ta đều là vì sự viên mãn hôm nay mà đến thế gian này…”.
Có câu nói rằng: “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”. Kẻ ác nếu hồi tâm chuyển tính, có thể quay đầu trở về làm người lương thiện, thì đó chính là Phật tính đã xuất lai. Trên thế gian này, điều đáng quý nhất của sinh mệnh chính là biết nhận ra chính tà, phân rõ tốt xấu, buông bỏ những ma tính trong tâm mà một lòng hướng thiện. “Hồi đầu thị ngạn”, quay đầu lại chính là bến bờ giác ngộ. Con người sống trong mê, qua tháng năm đằng đẵng kiếp kiếp đời đời đã tạo biết bao nhiêu nghiệp chướng. Vậy nên, biển mê và bờ giác chỉ cách nhau có một cái quay đầu mà thôi…
Thiện Sinh