Nhà Phật có cách nói là: Cải tà quy chính, đắc đạo thành Phật. Nhưng quan hệ nhân quả không phải ngày một ngày hai mà thành hiện thực, việc bạn có thể thay đổi quan niệm, cách nghĩ là không hề đơn giản.

Như Lai khuyên Ngộ Không đi theo cửa Phật

Trong Tây Du Ký kể rằng, Ngộ Không đại náo thiên đình, muốn đòi giành lấy ngôi cửu ngũ chí tôn của Ngọc Hoàng đại đế. Ngọc Hoàng bèn cho người mời Phật Tổ Như Lai tới trị con hầu tinh.

Tây Du Ký hồi thứ 7 thuật lại rằng:

“Đoạn, Như Lai gọi hai vị tôn giả là A Nan và Ca Diếp cùng đi, rời chùa Lôi Âm, đến thẳng điện Linh Tiêu. Khi tới nơi, mọi người nghe thấy tiếng reo hò vang động của ba mươi sáu lôi thần đang đánh nhau với Đại Thánh. Phật Tổ ra lệnh:

– Các lôi thần hãy dừng tay, mở vòng vây, gọi Đại Thánh ra đây để ta hỏi hắn có những phép gì?

Các tướng liền lui ra. Đại Thánh cũng thu phép, hiện nguyên hình, bước tới trước mặt Phật Tổ, vẻ giận dữ ngông nghênh lớn tiếng quát.

– Nhà ngươi là thiện sĩ phương nào mà dám tới đây ngăn cản việc binh đao, lại còn hỏi ta cái gì?

Như Lai cười nói:

– Ta là Phật A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni tôn giả ở thế giới Tây phương cực lạc. Nghe tin nhà ngươi ngông cuồng nơi hoang dã, mấy lần quấy phá cả thiên cung. Vậy ta hỏi nhà ngươi sinh trưởng ở nơi nào? Tu hành đắc đạo bao giờ mà dám ngang ngược thế?

Đại Thánh đáp:

– Ta đây:

Đất trời dưỡng dục khỉ tiên
Núi Hoa Quả chính là miền quê hương
Động Thủy Liêm ấy nhà riêng
Tìm thầy học đạo lẽ huyền sáng thông
Trường sinh phép ấy nhập lòng
Muôn hình biến hóa thần thông rõ ràng
Chỉ vì chật đất trần gian
Muốn lên thượng giới chiếm làm cơ ngơi
Lẽ đâu ở mãi ngôi trời?
Đế vương hạ giới bao đời đổi thay
Ai mạnh là chủ xưa nay
Anh hùng là tớ nhường ngay cho rồi!

Phật Tổ nghe xong, cười khà khà, nói:

– Nhà ngươi chẳng qua chỉ là con khỉ thành tinh, cớ sao dám dối trá định cướp ngôi chí tôn của Thượng Đế? Thượng Đế tu hành từ nhỏ, trải qua một nghìn bảy trăm năm mươi kiếp. Mỗi kiếp là mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm. Nhà ngươi tính xem. Thượng Đế phải tu hành bao nhiêu năm mới được hưởng cái đạo lớn vô cực ấy? Thế mà nhà ngươi mới từ súc sinh lên làm người, sao dám khoác lác như vậy. Thật không đáng làm cái giống người, thế nào cũng chết non chết yểu! Nhà ngươi hãy sớm quy y đi, đừng có ăn nói lếu láo nữa. Chỉ e gặp tay thủ địch lợi hại hơn, trong khoảnh khắc, tính mạng nhà ngươi tan tành, thì đáng tiếc cho đời nhà ngươi lắm!”.

Vậy là ngay trong giờ phút đầu tiên đối mặt, Phật Tổ Như Lai đã thuyết giáo cho Ngộ Không, khuyên y nên “quy y” để giữ toàn tính mạng. Phật Tổ đại từ đại bi, đối với chúng sinh đều đối xử bình đẳng, nhủ lòng thương xót. Ngộ Không lúc đại náo thiên cung thì đích thị là một con yêu quái nhưng Phật Tổ lại thuyết pháp, khuyên y quay về với điều thiện. Ở đây chứng tỏ hai điểm: một là Phật Tổ đại từ bi, hai là Ngộ Không là một sinh mệnh có lai lịch, không phải hạng yêu quái hại người tầm thường. 

Vậy đã không phải là yêu quái tầm thường thì hẳn là y được an bài cho một vai diễn đặc biệt. Ở trong truyện ta đã biết rằng từ sớm Ngộ Không đã được chọn làm người bảo vệ “người lấy kinh” sang Tây Thiên. Nhưng muốn bước trên con đường thần thánh ấy thì y phải gột rửa cái tính khí “yêu quái” của mình đã. Y ngông nghênh, coi trời bằng vung, dám mắc đại tội đại náo thiên cung. Với đại tội ấy, một sinh mệnh bình thường hẳn là đã phải chịu huỷ diệt nghìn lần. Nhưng Phật Tổ đã đến và đích thân giáo hoá y, cuối cùng lại phong kín y dưới Ngũ Hành Sơn, ấy không phải là hại y mà thực ra lại chính là cứu y vậy. 

500 năm giam dưới Ngũ Hành Sơn, một sớm gặp sư phụ

Ngộ Không chịu khổ ải 500 năm dưới núi Ngũ Hành, e rằng vẫn là còn quá nhẹ. Tội nghiệp của y quá lớn, thật may là Phật Tổ đã tiêu giảm giúp y rất nhiều, thế nên y mới có thể giữ lại cái mạng của mình. Nói 500 năm dưới Ngũ Hành Sơn là khổ, thực ra khổ ấy vẫn còn… quá sướng! 

Tây Du Ký hồi thứ 14 có chép:

Lại nói chuyện Lưu Bá Khâm, Đường Tam Tạng đang ngơ ngác sợ hãi, thì lại nghe thấy tiếng gọi:

– Sư phụ đến rồi! Toán người nhà nói:

– Đấy là tiếng gọi của con vượn già trong hộp đá dưới chân núi.

Thái Bảo nói:

– Đúng đấy, đúng đấy! Tam Tạng hỏi:

– Con vượn già nào vậy? Thái Bảo đáp:

– Quả núi này trước tên là núi Ngũ Hành. Từ khi vua Đường chinh tây mở nước, mới đổi tên là núi Lưỡng Giới. Mấy năm trước đây, tôi thường nghe các cụ già kể rằng: Vào thời Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, trời đè dưới quả núi này một con khỉ thần. Con khỉ ấy không sợ nóng lạnh, không cần ăn uống, có thổ thần canh giữ, bảo nó đói thì ăn hòn sắt, khát thì uống nước rỉ đồng. Từ bấy đến nay, đói rét nó cũng không chết. Chắc tiếng kêu đó là của nó. Trưởng lão đừng sợ, chúng ta xuống chân núi xem sao.

Tam Tạng bằng lòng, dắt ngựa xuống núi. Đi được vài dặm, thấy quả có một con khỉ trong hộp đá, ló đầu vẫy tay rối rít nói:

– Sư phụ ơi, sao bây giờ sư phụ mới tới? May quá! May quá! Sư phụ cứu con ra, con sẽ bảo vệ sư phụ sang Tây Trúc”.

Ảnh chụp phim Tây Du Ký 1986.

Tôn Ngộ Không được Đường Tăng giải thoát khỏi núi Ngũ Hành, phò tá người đi lấy kinh, trải qua bao khổ nạn cuối cùng đã tu thành chính quả. Vậy mới thấy, chỉ cần tâm hướng thiện, tất cả mọi thứ đều sẽ thay đổi theo. Tây Du Ký không chỉ là một bộ truyện, mà còn thể hiện rõ từ bi vĩ đại của Phật Pháp.

Ghi chú: Nội dung trích từ truyện Tây Du Ký, Hồi 7 – Đại Thánh trốn khỏi lò bát quái, Hầu vương giam dưới núi Ngũ hành và Hồi 14 – Lòng vượn theo đường chính, Sáu giặc mất tăm hơi. 

Quỳnh Chi

Tham khảo Secret China

Video: Bậc Thánh nhân cầu Tâm chứ không cầu Phật

videoinfo__video3.dkn.tv||0402ce7f5__