Trong lịch sử, người ta thường nhớ đến một Gia Cát Lượng dụng binh như Thần, tính toán trước sau mười phần toàn vẹn. Nhưng ít người biết rằng cái gốc của thuật điều binh khiển tướng của Khổng Minh lại nằm ở một chữ này, chữ Tín.

Trong những năm 228-234, Gia Cát Lượng 5 lần thống suất đại quân Bắc phạt Trung Nguyên, ôm chí trùng hưng Hán thất. Tháng 2 năm 231, tức Kiến Hưng năm thứ 9, Gia Cát Lượng lại dẫn đại quân tiến ra Kỳ Sơn một lần nữa. Lần này để giải quyết triệt để vấn đề vận lương, ông tuyển chọn nhiều thợ khéo, chế ra “trâu gỗ ngựa máy” tải lương, băng băng vượt qua rừng núi.

Nghe tin Khổng Minh kéo quân đến, Ngụy Minh đế Tào Duệ tức tốc sai người triệu Tư Mã Ý đang trấn giữ ở Uyển Thành về chủ trì đại sự quốc gia. Tào Duệ lệnh cho Tư Mã Ý thống soái 30 vạn binh mã hai châu Ung, Lương cự địch, còn mình thân chinh dẫn quân ra Trường An đốc thúc chiến trận.

Tư Mã Ý thống soái 30 vạn binh mã hai châu Ung, Lương cự địch. Ảnh dẫn theo dailynews

Thục – Ngụy hai quân đối mặt ở Kỳ Sơn. Tư Mã Ý biết quân Thục từ xa đến, lương thảo không nhiều, nên cố thủ trong thành, quyết không ra đánh. Sau một vài trận thắng nhỏ, quân Thục rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đến tháng 6, trời lại đổ mưa tầm tã, đường vận lương ngày càng khó khăn hơn.

Trước đó, Trưởng sử Dương Nghi cho rằng, mấy lần khởi binh Bắc phạt, toàn bộ quân sĩ trong nước đều ra trận một lượt nên rất mệt mỏi, việc tiếp tế lương thảo cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ông đề nghị chia quân ra làm hai đội, lấy kỳ hạn thay phiên là 3 tháng. Ví như có 20 vạn binh, chỉ dẫn 10 vạn lên Kỳ Sơn, ở đó 3 tháng rồi sau lại dẫn 10 vạn binh ở hậu phương lên thay thế, tuần hoàn hoán đổi như vậy. Theo cách này, lúc nào quân Thục cũng có được tinh binh ở ngoài trận tiền, đủ sức chiến đấu lâu dài.

Gia Cát Lượng cũng cho rằng đánh Trung Nguyên không phải là việc ngày một ngày hai, cách của Dương Nghi rất hợp lý. Ông chia quân làm hai cánh, lấy kỳ hạn là 100 ngày, tuần hoàn thay đổi. Người nào vi phạm quy định thời hạn này sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Khi ấy, thời hạn 100 ngày như quy định đã đến. Dương Nghi báo cho Gia Cát Lượng: “Thừa tướng vốn ra lệnh cho binh lính 100 ngày hoán đổi một lần, nay đã đến hạn rồi. Quân Hán Trung đã ra khỏi cửa Xuyên, công văn đã đưa đến, chỉ còn chờ quân trở về để thay thế. Hiện ở đây có 8 vạn quân, trong đó 4 vạn được đổi về”. Gia Cát Lượng nói: “Đã có lệnh như vậy, lập tức cho họ về”. Quân lính nghe tin, ai nấy đều thu xếp chuẩn bị lên đường.

Thời hạn 100 ngày như quy định đã đến. Dương Nghi báo cho Gia Cát Lượng, quân lính nghe tin, ai nấy đều thu xếp chuẩn bị lên đường. Ảnh dẫn theo pinterest.com

Nhưng chính khi ấy, biến động bất ngờ xảy ra. Tin báo về rằng Tôn Lễ dẫn 20 vạn binh mã các quận Ung, Lương đến giúp cho quân Ngụy, đánh thẳng vào cửa Kiếm Các. Tư Mã Ý thì dẫn quân tiến công Lỗ Thành. Quân Thục đều vô cùng kinh hãi. Lúc này, Dương Nghi và các tướng lĩnh dưới trướng đều can rằng: “Quân Ngụy đến quá gấp, Thừa tướng có thể giữ lại quân thay ca để đương đầu với quân địch, sau đó đợi quân mới lên thay rồi hãy cho họ trở về”. 

Gia Cát Lượng nói: “Không được! Ta dùng binh lấy tín làm gốc. Phàm đã có lệnh từ trước thì sao có thể thất tín được? Hơn nữa quân binh khi đi đều đã có dự tính cho quay về, cha mẹ, vợ con của họ đều dựa cửa trông mong. Ta giờ có đại nạn cũng quyết không giữ họ lại. Lập tức cho họ về!”. Khổng Minh khăng khăng như vậy, không nghe lời can ngăn nữa.

Lệnh vừa hạ xuống, toàn bộ tướng sĩ, quân lính ai nấy đều cảm động vô cùng. Những binh lính đến lượt được về đều một lòng muốn ở lại tham chiến. Họ nói: “Thừa tướng ân trọng như vậy, chúng tôi nguyện không về, quyết liều một mạng này để trả ân Thừa tướng”. 

Gia Cát Lượng cũng cảm động nói: “Những người chờ để về thì nên trở về, sao có thể ở lại?”. 

Binh lính lại đồng loạt nói: “Chúng thần xin ở lại, nguyện không trở về”. 

Cuối cùng, Gia Cát Lượng phần vì thương binh sĩ, phần vì đường lương thảo khó khăn, quyết định rút quân về. Tuy nhiên, trên đường rút về, ông khôn khéo bày phục binh ở đường Mộc Môn, dụ được tướng địch là Trương Cáp đang mải truy kích vào ổ mai phục. Trương Cáp và hơn trăm bộ tướng đi theo đều bị bắn chết ở đường Mộc Môn cả. Quân Thục khí thế ngút trời. Tư Mã Ý nghe tin Trương Cáp chết, cũng vội vã rút lui, không dám đuổi theo. Gia Cát Lượng nhờ thế mà nhẹ nhàng rút về nước Thục an toàn.  

***

Cổ nhân nói, người không giữ tín nghĩa thì không làm được chuyện gì, đất nước không có tín thì mất hết lòng dân. Ranh giới đo lường giữa tiểu nhân và quân tử cũng chính là chữ “Tín” này. Tiểu nhân thì nói trước lừa lọc sau, quân tử lại chính là “một lời nói ra, bốn ngựa khó đuổi“. Gia Cát Lượng thà phải đối đầu với nguy hiểm tính mạng cũng không thất hứa, để mất chữ tín. Ông coi tín nghĩa là sinh mệnh thứ hai của mình, là nền tảng cơ bản của đạo đức.

Gia Cát Lượng thà phải đối đầu với nguy hiểm tính mạng cũng không thất hứa, để mất chữ tín. Ảnh dẫn theo youtube.com

Ấy vậy mà con người hiện đại có mấy ai hiểu được điều ấy. Rất nhiều thương nhân vì lợi nhuận mà bán rẻ uy tín, làm chuyện khuất tất, gian lận. Chuyện “Khải Silk” bán lụa “made in China” đang làm nóng mặt báo mấy hôm nay đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự thất tín đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội. Ông cha ta có câu: “Một lần mất tin, vạn lần bất tín“, không có bạc tiền nào mua nổi niềm tin vậy.

Văn Nhược