“Cuộc vận động nông dân” do ĐCSTQ phát động đã biến các vùng nông thôn vốn dĩ có cuộc sống mộc mạc thanh bình thành địa ngục trần gian, thành chiến địa của đao kiếm thịt nát xương tan. Trong vòng tuần hoàn cừu sát bất tận của cuộc tranh đoạt quyền lợi, không chỉ hàng vạn địa chủ và nhân sĩ bị mất mạng, mà còn có vô số nông dân vô tội cũng trở thành nạn nhân…
Trung Hoa xưa vốn là một đất nước của lễ nghĩa; tại vùng nông thôn, hầu hết mọi người đều giữ gìn truyền thống thiên lý nhân tình, sống an phận thủ thường qua ngày, thượng hạ không đua đòi, giàu nghèo đều tương an. Tuy nhiên từ những năm 1920, ĐCSTQ đã kích động cuộc “Vận động nông dân” tàn bạo tại Hồ Nam, phá vỡ bối cảnh vốn dĩ bình tĩnh an tường tại các miền quê thôn dã.
Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“! Hôm nay, chúng ta sẽ cùng mọi người hồi cố lại “Cuộc vận động nông dân Hồ Nam”.
Theo lịch sử ĐCSTQ, vận động nông dân Hồ Nam là một “cuộc đấu tranh cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc và chống chủ nghĩa phong kiến” khai triển bởi nông dân Hồ Nam, do ĐCSTQ lãnh đạo, đã xúc tiến sự phát triển nhanh chóng của vận động nông dân toàn quốc. Vậy, cuộc vận động này rốt cuộc tốt hay không tốt? Đương thời, trong xã hội xuất hiện hai luồng ý kiến. Những người phản đối nói: “Thật cặn bã!” Nhưng những kẻ tán thành, đại biểu là Mao Trạch Đông nói: “Rất tốt!” Cho đến ngày nay, ĐCSTQ vẫn ca ngợi cuộc vận động này vì đã “làm lung lay nền tảng cai trị của chủ nghĩa đế quốc và cơ sở thống trị tại Trung Quốc của chủ nghĩa quan liêu chuyên chế, được coi là một đòn quyết định trong lịch sử cách mạng Trung Quốc”.
Vậy quan điểm của Mao Trạch Đông và ĐCSTQ về cuộc vận động này có chính xác không? Nó có thể vượt qua kiểm nghiệm của sự thật khách quan không? Trước khi đưa ra kết luận, chúng ta hãy quay trở lại hoàn cảnh lịch sử đương thời, và tìm hiểu tình hình thực tế của cuộc Vận động nông dân Hồ Nam.
“Vô sản lưu manh” đấu địa chủ, phiến động nông thôn
Trong các thôn làng truyền thống của Trung Quốc, nói chung đều có ba thành phần xã hội khác nhau: một là địa chủ, hay được gọi là quý tộc; hai là tầng lớp nông dân trung hậu và thật thà; thành phần thứ ba chính là loại người nhàn tạp, du thủ du thực, phàm phu tục tử, v.v. Thành phần thứ ba này hầu hết là nay đây mai đó, nằm ngoài kết cấu chủ thể của hương thôn, nằm ngoài hệ thống quản lý của thôn xã, và họ thông thường không được coi trọng. Có học giả gọi họ là “lực lượng biên duyên” ở hương thôn, còn ĐCSTQ thường gọi họ là “giới lưu manh vô sản”.
Trong tình huống bình thường, lực lượng này không có tư cách để phát ngôn. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã nhắm vào họ và lợi dụng họ để tạo ra một trường mưa máu gió tanh. Vào mùa xuân năm 1925, cuộc Vận động nông dân Hồ Nam bắt đầu. Để phá vỡ trật tự hương thôn truyền thống, phương pháp phổ biến nhất mà ĐCSTQ sử dụng là cho một số cán bộ vận động nông dân đã kinh qua bồi huấn, xâm nhập vào thôn làng, dùng phương thức “lớp học ban đêm” để tụ tập “giới lưu manh vô sản” nhàn rỗi thành nhóm, tiến hành “giáo dục chính trị tư tưởng” đối với họ.
“Mạng tin tức của ĐCSTQ” từng khoe khoang ‘thành tích’ rằng, theo yêu cầu của Mao Trạch Đông, các lớp học ban đêm đã mượn chữ để kích động lòng hận thù của những người này đối với địa chủ. Ví dụ, khi nói về các từ “tay” và “chân”, liền nói: “Người người đều có tay chân, tay chân của nông dân lao động cả năm không nghỉ, nhưng vẫn thiếu ăn thiếu mặc; địa chủ có tay mà không lao động, có chân mà ngồi xe hơi, ăn toàn thịt to cá lớn, mặc toàn lụa là gấm vóc!” Chẳng bao lâu, nhóm côn đồ bất lương trong hương thôn liền bị cán bộ vận động nông thôn của ĐCSTQ kích động, trở thành cái thứ gọi là đội “tiên phong cách mạng”.
Đội “tiên phong cách mạng” này đã trói những địa chủ và sĩ thân vô tội đi diễu phố, xông vào nhà họ đập phá, cướp của, chiếm nhà và trấn lột tài sản hợp pháp của họ. Vào cuối năm 1926, các vùng nông thôn của Hồ Nam đã hoàn toàn bị đảo lộn. Một lượng lớn lưu manh vô sản nắm quyền kiểm soát ở nông thôn, chúng muốn làm gì liền làm, muốn đấu ai thì đấu, đại địa chủ, tiểu địa chủ, phú nông, nông dân khá giả, bất phân đẳng cấp đều trở thành cái gọi là “giai cấp địch nhân”, đều bị đả đảo.
Lưu manh vô sản thậm chí còn đập phá chùa chiền miếu tự ở hương thôn, đốt phá tượng của các vị Bồ Tát. Theo ghi chép trong “Báo cáo khảo sát vận động nông dân Hồ Nam” của Mao Trạch Đông: Vào năm 1926, “việc cấm mê tín và đập phá tượng Bồ Tát khá thịnh hành ở Lễ Lăng. Ở Bắc Tam khu, nông dân phá tượng Bồ Tát bằng gỗ để nấu ăn. Chùa Đông Phú ở Nam khu, 30 bức tượng Bồ Tát đều bị nông dân và sinh viên cùng nhau đốt!” Mao tin rằng, đây là “sự lật đổ thần quyền, phá trừ mê tín, là vận động cách mạng mà khắp nơi đều đang tiến hành”.
Không chỉ vậy, ngoài việc dùng bạo lực, những băng nhóm lưu manh côn đồ này còn dụ dỗ, xúi giục, lôi kéo ngày càng nhiều nông dân phổ thông gia nhập cuộc vận động. Đến tháng 1/1927, số hội viên của Hiệp hội Nông dân tỉnh Hồ Nam đã tăng lên hơn hai triệu người; đến tháng 5, vận động lên đến đỉnh điểm. Vào thời điểm cực đoan, thành phố Trường Sa đại khai sát giới, từ thôn làng đến quận thị đều dựng lên những màn náo kịch đẫm máu cực độ, hỗn loạn và điên cuồng.
Mao Trạch Đông: “Vận động lưu manh rất tốt!”
Trước hình thế đó, dư luận xã hội hết lời mắng chửi, chỉ trích “Nông vận là cuộc vận động của những kẻ lưu manh côn đồ tại địa phương” và là “đỉnh cao cặn bã”. Nhưng Mao Trạch Đông, với tư cách là người lãnh đạo vận động nông dân, được mời hồi hương để “chỉ đạo mọi việc” thì lại lấy làm cao hứng. Trong khi tuần thị, Hiệp hội Nông dân báo cáo với Mao rằng có người đã bị đánh chết, phải làm sao? Mao nói: “Đánh chết có mấy người, không đáng kể!” Trước khi Mao tuần thị, các lãnh đạo Nông vận Hồ Nam cũng đã cố gắng kiềm chế bạo lực, bắt giữ một số người đã đánh chết người. Nhưng Mao ra lệnh phóng thích họ, và nói trong báo cáo khảo sát: “Cách mạng không phải là bữa tiệc đêm, không phải là làm văn chương, không là hội họa tranh thêu… mỗi một thôn đều phải trong thời gian ngắn tạo thành một hiện tượng khủng bố”. Các lãnh đạo Nông vận Hồ Nam đã kiểm điểm và chấp hành mệnh lệnh của Mao.’
Đối với những quan điểm phản đối trong xã hội, Mao Trạch Đông phản bác lại trong bản báo cáo rằng “vận động lưu manh côn đồ” là “rất tốt!” Ông ta cũng không kiêng nể mà nói toạc rằng: “Côn đồ và lưu manh địa phương luôn là tầng lớp bị xã hội khinh rẻ vứt bỏ, nhưng họ là lực lượng cách mạng nông thôn kiên quyết nhất, triệt để nhất, dũng cảm nhất!”; “Họ hiện tại đang xưng vương tại nông hội!”; “Vi sở dục vi!” (thích gì làm nấy); “Không ngừng tróc nã những kẻ cao ngạo, tống khỏi hương thôn!”; “Lập tức tại hương thôn tạo thành một chủng hiện tượng khủng bố”, sau khi xem, “bạn nhất định cảm thấy một niềm vui chưa từng có!”…
Mao Trạch Đông cũng đặc biệt ngưỡng mộ một loại hung khí — thương, giáo, nói rằng đó là “một thứ” vũ khí đả chiến “khiến tất cả các thổ hào liệt thân phải run sợ”. Ông ta yêu cầu chính quyền Hồ Nam phải “trang bị thương, giáo cho hơn 20 triệu nông dân ở 75 quận huyện”.
Đương thời, nội bộ Quốc dân đảng phát sinh chia rẽ Ninh-Hán, mà ĐCSTQ và phe cánh tả của Quốc dân đảng Uông Tinh Vệ lại là “đồng minh cách mạng”. Uông khống chế quân cách mạng quốc dân mà người Hồ Nam chiếm chín mươi phần trăm. Họ, thân tại tiền tuyến chiến đấu chống phát xít Nhật, nhưng gia tộc của họ tại địa phương lại bị chính Nông hội bức hại.
Tác giả chuyên mục Viên Bân của Epoch Times từng viết rằng Đàm Diên Khải, nguyên lão của Quốc dân đảng, rất đồng tình với ĐCSTQ. Tuy vậy, con rể của ông vẫn bị Nông hội tống tiền vì là cháu của một đại tư bản ở Trường Sa. Đàm Diên Khải đã phải gửi một bức điện để nhờ ĐCSTQ can thiệp.
Hà Kiện, chỉ huy quân đoàn 35 của Quốc dân đảng, là cấp dưới của Đường Sinh Trí, một tướng cánh tả của Quốc dân đảng. Vào tháng 5/1927, Hà Kiện chiến đấu ở Hà Nam, nhưng Tổng Công hội Trường Sa đã lục soát nhà ông ở Trường Sa, và bắt cha ông đi diễu phố. Hà Kiện biết chuyện đã tức giận cực độ, gửi một bức điện cho chính quyền tỉnh Hồ Nam và mắng mỏ Tổng Công hội vì đã đảo loạn hậu phương.
Chiến hữu của Mao Trạch Đông, Liễu Trực Tuân, cũng đã viết trong bài báo “Hồi ức sự biến Mã Nhật” rằng: Hùng Trấn, một quân nhân Quốc dân đảng chiến đấu tại Trường Sa, biểu hiện rất cánh tả, đợi khi cậu ta đến Thần Châu (nay là Hoài Hóa, Hồ Nam), nghe nói nhạc phụ (cha vợ) bị tống khỏi hương thôn, vô cùng giận dữ, từ đó mới bắt đầu phản đối công nông vận.
Điều khiến Quốc dân đảng chấn động nhất là việc nông hội sát hại Diệp Đức Huy, phần tử đại trí thức của Hồ Nam và là vị trạng nguyên cuối cùng của Thanh triều. Khi đó, Diệp Đức Huy là một danh sĩ ở Hồ Nam, không quen với tác phong nông dân của nông hội; khi nông hội mở hội nghị, ông đã gửi đôi câu đối châm biếm, rằng: “Nông vận đã lâu, lúa đậu mạch nếp tẻ, một ban tạp chủng – Hội trường quảng đại, mã ngưu dương kê khuyển, đều là súc sinh!”.
Sự biến Mã Nhật – quả báo cho những kẻ hành ác
Sau khi Diệp Đức Huy bị bắn, hình thế tức khắc chuyển biến. Giới nhân sĩ ở Hồ Nam chấn động, hết người này đến người khác gia nhập quân đội Quốc dân đảng.
Trên thực tế, đương thời, ngoài vận động bạo lực của nông dân, ĐCSTQ còn hạ thủ từ những phương diện khác, sớm đã gây rối loạn an ninh thường ngày trong xã hội. Ví dụ, họ cổ động cuộc vận động công nhân, tạo thành khủng bố máu. Đồng thời, dù lưỡng đảng vẫn đang trong thời kỳ hợp tác đầu tiên, có một số lượng lớn đảng viên Cộng sản đã tuân theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản gia nhập Quốc dân đảng với thân phận cá nhân. Họ nhanh chóng khống chế nhiều chức vụ quan trọng của Quốc dân đảng, khiến chính quyền Quốc dân đảng xuất hiện cục diện nguy hiểm, gần như do Liên Xô và ĐCSTQ toàn quyền chi phối.
Tháng 4/1927, Tưởng Giới Thạch, cánh hữu của Quốc dân đảng, công khai cắt đứt quan hệ với Liên Xô và ĐCSTQ, đồng thời ra lệnh truy nã các nhân vật chủ chốt của ĐCSTQ. Thông tin công khai cho thấy vào tháng 5, Quân đội Cách mạng Quốc dân bắt đầu trấn áp các cuộc vận động công nông: Vào trung tuần tháng 5, Lý Trung Hoa, ủy viên trưởng Hiệp hội Nông dân Lâm Tương, bị kết liễu; vào ngày 18, ủy viên trưởng Hiệp hội Nông dân Thường Đức bị xử tử; vào đêm ngày 19, Công hội và Hiệp hội Nông dân huyện Ích Dương bị chiếm lĩnh, tự vệ quân nông dân và đội kiểm sát công nhân đã bị tước vũ khí. Vào ngày 20, tất cả các nhóm cách mạng ở Thường Đức bị bao vây, đội kiểm sát công nhân đã chống trả, và bị bắn bằng súng máy, hơn 80 người chết.
Vào ngày 21/5, Hứa Khắc Tường, người đứng đầu Trung đoàn 33 độc lập của Quân đội Cách mạng Quốc dân tại Trường Sa, đã trấn áp các công nông hội ở Trường Sa, bắt giữ các nhân vật lãnh đạo công nông, và xử tử họ – Sử sách gọi đây là “Sự cố Mã Nhật”. Những hành vi báo thù này chính xác là ác quả dẫn động bởi tư tưởng bạo lực cực đoan của Mao Trạch Đông. Nhà văn Thái Vịnh Mai đã đề cập trong bài báo “Cuộc vận động nông dân Hồ Nam mở ra khúc dạo đầu đẫm máu của ĐCSTQ” rằng: ngay cả lãnh đạo đảng đầu tiên của ĐCSTQ, Trần Độc Tú, khi gọi điện cho Quốc tế Cộng sản vào tháng 6 năm đó, cũng phải thừa nhận rằng cuộc vận động nông dân Hồ Nam là quá khích, mới dẫn đến sự cố Mã-Nhật.
Vào tối ngày 14/7, Uông Cảnh Vệ, cánh tả của Quốc dân đảng, đã chủ trì một hội nghị của chính phủ Quốc dân đảng mà không có sự tham gia của ĐCSTQ để thông qua nghị quyết phân Cộng. Vào ngày 17, Quân đội Cách mạng Quốc dân trú tại Vũ Hán bắt đầu bao vây những người Cộng sản và cái gọi là “quần chúng cách mạng”. Cuộc hợp tác lưỡng đảng bắt đầu từ năm 1924 đã cáo chung bởi sự ác hành của ĐCSTQ.
“Cuộc vận động nông dân” do ĐCSTQ một tay phát động đã biến các vùng nông thôn vốn dĩ có cuộc sống bình lặng và tự cung tự cấp trở thành địa ngục trần gian, thành chiến địa của đao kiếm thịt nát xương tan. Trong vòng tuần hoàn cừu sát bất tận của cuộc tranh đoạt quyền lợi, không chỉ hàng vạn địa chủ và nhân sĩ bị mất mạng, mà còn có vô số nông dân vô tội cũng trở thành nạn nhân. Một trường vận động nông dân lưu manh như vậy, lẽ nào có thể là một cuộc vận động “rất tốt” như tuyên truyền của Mao Trạch Đông, hay rốt cuộc chỉ là thuần túy hành ác, cướp đoạt và phá hoại?
- Trọn bộ Trăm Năm Chân Tướng
Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch