Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Chiến thắng trong kháng chiến chống Nhật là công huân lịch sử của Trung Hoa Dân Quốc. Trung Hoa Dân Quốc dung nhập cuộc kháng chiến của Trung Quốc vào Thế chiến hai, nhờ sự giúp đỡ của các lực lượng đồng minh, cuối cùng đã giành được chiến thắng. Tuy nhiên, vì nương nhờ vào lực lượng của Liên Xô, khiến Liên Xô thu được lợi ích to lớn ở Trung Quốc.

Nhiều tác phẩm lịch sử, chẳng hạn như “Thời hiện đại: Thế giới từ những năm 20 đến những năm 90” (Modern Times: The World from the Twenties to the Nineties) của Paul Johnson, tin rằng, đương thời nước lớn duy nhất cảm thấy hứng thú chiến tranh Trung-Nhật là Liên Xô, và nước thu hoạch lớn nhất trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật cũng là Liên Xô, và đảng phái quốc nội duy nhất được hưởng lợi từ cuộc chiến này là ĐCSTQ.

Vậy Liên Xô do Stalin lãnh đạo đã làm gì trong quá trình Nhật Bản xâm lược Trung Quốc? Trong tập này, chúng ta sẽ nói về chủ đề này.

Liên Xô xâm lược Trung Quốc

Đánh giá từ một số sự thật lịch sử, trong Chiến tranh chống Nhật từ tháng 7 năm 1937 đến tháng 9 năm 1945, Liên Xô cũng đã xâm lược Trung Quốc.

Năm 1944, Liên Xô sáp nhập bất hợp pháp 170.000 km vuông Tangnu Ulianghai lãnh thổ của Trung Quốc, thao túng “độc lập” của Ngoại Mông. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nhật kéo dài 8 năm, tất cả các vùng lãnh thổ của Trung Quốc bị Nhật Bản xâm chiếm, ngoại trừ quần đảo Điếu Ngư đang tranh chấp, đều đã được thu hồi. Nhưng đối với lãnh thổ Trung Quốc mà Nga hoàng và Liên Xô chiếm đóng, chia cắt và sáp nhập, tính đến năm 1945, có tổng diện tích là 5,88388 triệu km vuông, chiếm 60% diện tích đất liền hiện tại của Trung Quốc, đã không có ngày trả lại.

Năm 1934 và 1937, Liên Xô đưa quân đến Tân Cương, Trung Quốc, buộc Thịnh Thế Tài phải ký “Hiệp ước cho vay Tân-Xô”, thường được gọi là “Thỏa thuận mỏ thiếc” năm 1940. Năm 1944, Liên Xô lại lên kế hoạch cho cuộc bạo động Y Ninh, kiến lập nước “Cộng hòa Đông Turkestan”.

Từ cuối năm 1937 đến nửa đầu năm 1938, Liên Xô đã thanh trừng cái gọi là các dân tộc “không đáng tin cậy” ở Viễn Đông. Trong vòng sáu tháng, hơn 10.000 người Trung Quốc đã bị bắt vì nhiều tội danh khác nhau, trong đó có hơn 3.000 người trong số họ đã bị xử tử. Trước cái gọi là “Cách mạng Tháng Mười” năm 1917, có hơn 200.000 công nhân Trung Quốc ở Nga. Vào thời điểm điều tra dân số của Liên Xô năm 1926, vẫn còn 100.000 người Trung Quốc ở Liên Xô, trong đó có 70.000 người ở Viễn Đông. Vào những năm 1940, số lượng người Hoa ở Viễn Đông gần như tuyệt tích.

Điều nghiêm trọng hơn là trong thời kỳ Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, Liên Xô cũng đóng vai trò xúi giục, im lặng thừa nhận, thông đồng, hỗ trợ Nhật Bản.

Sự kiện đường sắt Trung Đông là một ví dụ điển hình

Liên Xô thừa hưởng lượng lớn lợi ích từ nước Nga Sa hoàng ở ba tỉnh phía đông Trung Quốc, và Đường sắt Trung Đông là một trong số đó. Đường sắt Trung Đông được ví như “ngón tay cách mạng” của Liên Xô thọc vào Trung Quốc. Stalin hoàn toàn không muốn giải quyết những vấn đề di lưu từ lịch sử này với Trung Quốc, thay vào đó, ông ta muốn đảm bảo và mở rộng lợi ích và an ninh của Liên Xô ở Viễn Đông.

Năm 1928, Trương Học Lương, tướng quân phiệt Phụng Hệ thống trị ba tỉnh đông bắc, đã thay lá cờ năm màu của chính quyền Bắc Dương bằng lá cờ thanh thiên bạch nhật trên nền đất đỏ của chính phủ Quốc dân đảng, tuyên bố chấp nhận sự thống trị của chính phủ Quốc dân đảng Nam Kinh, sử gọi là sự kiện “Đổi cờ Đông Bắc”.

Năm 1929, Trương Học Lương hy vọng dùng vũ lực để thu hồi quyền và lợi ích của Đường sắt Trung Đông mà trên danh nghĩa là do Trung Quốc và Liên Xô quản lý chung. Kết quả là Stalin lấy cớ “tự vệ”, một lần nữa đưa quân xâm lược Mãn Châu, quân Đông Bắc đại bại. Đây là cuộc giao chiến đầu tiên của Trung Quốc với ngoại quốc sau thời kỳ Bắc phạt thống nhất, mặc dù đây là hành động thu hồi lợi ích tự thân của Trung Quốc, nhưng kết cục thất bại, đã sản sinh ảnh hưởng trọng đại đến chiến lược xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản.

Vì sao nói sự kiện Đường sắt Trung Đông ảnh hưởng tới việc Nhật Bản xâm lược Trung Quốc?

Theo nhà báo Vương Hách của chuyên mục Epoch Times trong bài báo “Stalin thúc đẩy cuộc xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản?” đã phân tích, trước hết, “Sự cố đường sắt Trung Đông” là việc Liên Xô sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, khuếch trương quyền lực. Điều này khiến quân Quan đông của Nhật Bản càng cấp bách hơn trong việc hành động ở Đông Bắc Trung Quốc.

Thứ hai, trong trận chiến trên đường sắt Trung Đông, quân Đông Bắc bị thảm bại, khiến Nhật Bản hiểu được thực lực của quân Đông Bắc. Lực lượng quân sự của quân Đông Bắc đương thời ở Trung Quốc không ai sánh được. Trương Tác Lâm từng dựa vào quân Đông Bắc để ba lần vượt qua biên giới, một thời từng kiểm soát chính quyền Bắc Dương, Nhật – Xô đều phải khiếp sợ.

Khi sự cố Đường sắt Trung Đông xảy ra, Tưởng Giới Thạch bị mắc kẹt trong cuộc đại chiến Trung Nguyên với Phùng Ngọc Dương và các quân phiệt khác, không thể động viên toàn quốc trợ lực cho vùng Đông Bắc chống lại Liên Xô, chỉ có thể dựa vào chính quyền địa phương vùng Đông Bắc tự mình ứng phó. Thông qua phản ứng của chính phủ Quốc dân Nam Kinh, Nhật Bản nhận định Trung Quốc nội bộ chưa thống nhất, căn bản không thể tự bảo vệ mình trước ngoại bang. Một khi biến cố phát sinh ở Đông Bắc Trung Quốc, Nam Kinh sẽ bất lực.

Điểm thứ ba là trong sự cố Đường sắt Trung Đông không xuất hiện tình cảnh các cường quốc phương Tây cùng nhau hỗ trợ Trung Quốc như chính quyền Nam Kinh kỳ vọng, cũng không hình thành cục diện các cường quốc phương Tây đoàn kết chống lại Liên Xô, Nhật Bản dự trắc được xã hội quốc tế có khả năng can thiệp ở mức độ nào đối với vấn đề Đông Bắc Trung Quốc.

Mặc cho quân Nhật nuốt trọn Đông Bắc Trung Quốc

Sau Sự cố Đường sắt Trung Đông, chính phủ Liên Xô tuyên bố vào ngày 17 tháng 7 năm 1929 rằng, họ sẽ tuyệt giao với Chính phủ Quốc gia Nam Kinh. Chứng kiến ​​mối quan hệ Trung Quốc và Liên Xô căng thẳng, quân Quan đông Nhật Bản từ trên xuống dưới nóng lòng muốn nắm bắt thời cơ.

Vào đêm ngày 18 tháng 9 năm 1931, quân Quan đông, theo một âm mưu được hoạch định kỹ lưỡng, “đơn vị đồn trú” đường sắt làm nổ tung đường ray của Đường sắt Nam Mãn Châu do Nhật Bản xây dựng gần Liễu Điều Câu ở Thẩm Dương, rồi đổ lỗi cho quân đội Trung Quốc, mượn cớ mở cuộc tấn công bằng pháo binh vào đại doanh của quân Đông Bắc Trung Quốc. Ngày 19, quân Nhật tiến chiếm Thẩm Dương và lần lượt chiếm đóng ba tỉnh đông bắc. Trong thời gian này, Trương Học Lương đã nhiều lần ra lệnh “không kháng cự”.

Tháng 2 năm 1932, toàn bộ vùng Đông Bắc Trung Quốc thất thủ; ngày 1 tháng 3, Nhật Bản thành lập chính quyền bù nhìn Mãn Châu quốc ở ba tỉnh đông bắc. Sự biến ngày 18 tháng 9 là sự khởi đầu cho nỗ lực của Nhật Bản nhằm chinh phục Trung Quốc bằng vũ lực, và là điểm khởi đầu của kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc.

Sự biến 18 tháng 9 đã gây chấn động toàn thế giới, vượt quá dự liệu của Trương Học Lương, Tưởng Giới Thạch và tất cả các đảng phái trong và ngoài nước. Ngoại giới tin rằng Stalin sẽ không dễ dàng từ bỏ quyền lợi của mình ở Đông Bắc Trung Quốc. Trên thực tế, nhân tố quốc tế thực sự ảnh hưởng đến thế cục Đông Bắc Trung Quốc lúc bấy giờ chính là Liên Xô, nước đang kiểm soát tuyến đường sắt Trung Đông.

Quân đội Nhật Bản rất chú ý đến các động thái của quân đội Liên Xô, cố gắng tránh chọc tức quân đội Liên Xô. Tuy nhiên, sau sự việc, Liên Xô không những không đưa quân tới can dự, mà trái lại kiên quyết thực hiện cái gọi là “chính sách không can thiệp”, thờ ơ với việc Nhật Bản sáp nhập toàn bộ vùng Đông Bắc Trung Quốc. Liên Xô ngay lập tức công nhận “Mãn Châu quốc” vào năm 1932, bắt đầu đàm phán với Nhật Bản để bán đường sắt phía Đông.

Tại sao Stalin liên tục thỏa hiệp với Nhật Bản? Các nhà nghiên cứu thường cho rằng nguyên nhân là do Liên Xô cần tập trung đối phó với mối đe dọa từ Đức từ Mặt trận phía Tây. Tuy nhiên, cần phải chỉ ra rằng cách giải thích này không áp dụng được cho hình thế quốc tế trước năm 1933. Trước năm 1933, Đức Quốc xã (Nazi) vẫn chưa lên nắm quyền, việc trọng chỉnh quân bị ở Đức chỉ diễn ra sau năm 1935.

Trong sự biến ngày 18 tháng 9, tại sao Liên Xô lại chọn chấp nhận việc Nhật Bản sáp nhập Đông Bắc Trung Quốc khi nước này không phải đối mặt với áp lực trực tiếp nào lên Mặt trận phía Tây? Động cơ dẫn đến hàng loạt hành động của Liên Xô là gì?

Một quan điểm cho rằng Stalin tìm mọi cách dẫn dắt tai họa chiến tranh Nhật Bản đến Trung Quốc. Bởi vào thời điểm đó, mâu thuẫn và hận thù giữa Nhật Bản và Liên Xô còn sâu sắc hơn giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Đối với Nhật Bản mà nói, Xô Nga là mối tai ương phiền não nhất. Trong “Phương kế quốc phòng” năm 1907 của Nhật Bản, kẻ thù giả tưởng đầu tiên là Nga. Năm 1918, 1923 và 1936, thứ tự kẻ thù giả tưởng được điều chỉnh thành Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc, vào năm 1936 thêm Vương quốc Anh.

Mục tiêu chiến lược của Nhật Bản là đồng thời nam bắc tiến, lục quân vẫn đặt Liên Xô là mục tiêu chiến đấu. Trong “Đại cương chính sách quốc phòng” do Bộ Tổng tham mưu quân đội Nhật Bản viết vào tháng 6 năm 1936, đề cập về sự tất yếu phải tiến hành đại chiến thế giới kéo dài, các bước tác chiến trước tiên là loại bỏ mối đe dọa từ phía bắc, tiêu diệt hoàn toàn thực lực quân sự của Liên Xô ở Viễn Đông là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Ngoài ra, ngay sau sự kiện 18 tháng 9, ngày 7 tháng 11 năm 1931, chính phủ Trung ương Lâm thời Cộng hòa Xô viết Trung Hoa được thành lập tại Khu Xô viết Trung ương Giang Tây. Cuộc xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản đã tạo cơ hội lịch sử cho sự phát triển của ĐCSTQ. Và ĐCSTQ chính xác là một con tốt chiến lược trong tay Stalin.

Gây họa cho Trung Quốc

Stalin không những thờ ơ với việc Nhật Bản sáp nhập toàn bộ khu vực Đông Bắc, mà còn tiến một bước kích thích dã tâm của quân đội Nhật Bản.

Vào đêm ngày 7 tháng 7 năm 1937, tại cầu Marco Polo thuộc huyện Vạn Bình, tỉnh Hà Bắc, một cuộc xung đột quân sự đã nổ ra giữa quân đồn trú Nhật Bản và Trung Quốc với Quân đoàn 29 của Quốc dân đảng đóng tại đó. Sau đó, phát sinh trận chiến Bình Tân, Quân đoàn 29 bị đánh bại, phải rút lui về Bảo Định. Khu vực Bình Tân bị quân Nhật chiếm lĩnh, chiến tranh xâm lược Trung Quốc nổ ra toàn diện. Sự biến ngày 7 tháng 7 đã mở ra cuộc chiến tranh chống Nhật trên toàn quốc.

Tuy nhiên, khi bắt đầu sự việc, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không có kế hoạch cụ thể cho một cuộc chiến tranh toàn diện. Tưởng Giới Thạch cũng hy vọng có thể “tranh thủ thời gian chuẩn bị kháng Nhật”. Các sự biến có tính tất yếu nhất định, cũng có tính ngẫu nhiên; nhưng khi mọi biến cố xảy ra cùng nhau trong tình thế đương thời, chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện. Vậy rốt cuộc ai là người nổ phát súng đầu tiên trong sự biến cầu Lô Câu? Có bốn thuyết pháp được lưu truyền rộng rãi cho đến nay: thuyết pháp thứ nhất là: quân Nhật; thứ hai là: Quân đội Quốc gia Trung Quốc; thứ ba, có người cho rằng đó là Quân đội ĐCSTQ; thuyết pháp thứ tư là gián điệp Liên Xô nổ phát súng đầu tiên; 

Trong một thời gian dài, nội bộ Nhật Bản luôn có tranh chấp về hai chiến lược: tiến bắc và tiến nam. “Tiến bắc” có nghĩa là tấn công Liên Xô; “tiến nam” có nghĩa là đảm bảo địa vị bá chủ đối với Trung Quốc đại lục và sau đó mở rộng sang khu vực Thái Bình Dương. Các kẻ thù giả tưởng là Mỹ, Anh và các nước khác. Vào tháng 8 năm 1936, “Tiêu chuẩn quốc sách” của nội các Hirota đã xác lập phương châm “nam tiến”.

Khi đó, Liên Xô phải đối mặt với áp lực quốc tế rất lớn. Ví dụ, vào tháng 11 năm 1936, Đức Quốc xã và Đế quốc Nhật ký kết Hiệp ước Quốc tế Chống Cộng sản nhắm vào Liên Xô, Liên Xô đối diện với tiền cảnh chiến tranh lưỡng tuyến. Ngoài ra, các xung đột lẻ tẻ ở biên giới giữa Nhật Bản và Liên Xô ngày càng gia tăng. Chỉ một tuần trước sự biến ngày 7 tháng 7, một cuộc xung đột vũ trang đã nổ ra giữa Nhật Bản và Liên Xô ở khu vực biên giới phía đông bắc Trung Quốc, gần như phát triển thành một cuộc chiến tranh toàn diện.

Tuy nhiên, sau sự biến ngày 7 tháng 7, Nhật Bản nhanh chóng chuyển từ “tích cực bắc tiến” sang “chớp thời cơ nam tiến”. Do binh lực dùng để chiến đấu với Liên Xô được đưa vào chiến trường Trung Quốc, nên thực lực thực thi chiến lược bắc tiến của quân Nhật bị suy yếu rất nhiều.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng quốc tế mà bản thân phải đối mặt, Stalin đã tìm mọi cách để buộc Nhật Bản phải chuyển chiến lược tiến bắc thành tiến nam, còn phái gián điệp hoạt động trong quân đội Nhật Bản. Gián điệp của Quốc tế Cộng sản Sorge đã xúi giục thư ký mật của thủ tướng Konoe là Ozaki Hidemi và chỉ huy quân sự Akira Muto, khiến phái chống Nga Ishihara Kanji thất thế. Vụ việc gián điệp không bị phát hiện cho đến khi Ozaki bị bắt vào tháng 10 năm 1941. Nhưng vào thời điểm đó, Nhật Bản đã tiến sâu về phía nam, không thể tiến lên phía bắc được nữa.

Đánh giá từ những sự thực trên, nói rằng Stalin đã thúc đẩy Nhật Bản xâm lược Trung Quốc không phải là không có căn cứ. Stalin ủng hộ Trung Quốc kháng Nhật, mục đích để gài bẫy giữ chân Nhật tại Trung Quốc, loại bỏ mối đe dọa của Nhật đối với chính mình. Ví dụ, năm 1935, ĐCSTQ ra “Tuyên ngôn ngày 1 tháng 8” từ Mátxcơva, kêu gọi chấm dứt nội chiến; với sự can thiệp của Stalin, sự biến Tây An kết thúc trong hòa bình, Quốc dân đảng và Cộng sản đảng lần nữa bước tới hợp tác; Sau sự biến ngày 7 tháng 7, Trung Quốc và Liên Xô đã ký “Thỏa thuận không xâm phạm lẫn nhau Trung Xô”, Liên Xô cung cấp và mở rộng viện trợ quân sự, nhưng từ chối thành lập liên minh, v.v.

Đúng như Norman M. Naimark, giáo sư lịch sử Đông Âu tại Đại học Stanford, đã nói: “Stalin là một chiến lược gia rất giỏi, đương nhiên, Stalin là Satan. Như chúng ta đều biết, Satan xuất hiện dưới nhiều diện mạo khác nhau.”

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch