Những năm tháng cuối thời nhà Đường, tại chùa Huệ Lâm ở Lạc Dương có hòa thượng tên Viên Quan, biết trồng trọt, có nhiều lương thực và vải vóc. Ông ngoài am hiểu Phật học còn rất tinh thông âm nhạc, người đương thời gọi ông là Phúc hòa thượng, nhưng không ai biết lai lịch của ông.

Quan Gián nghị đại phu Lý Nguyên vốn thuộc dòng dõi quan to trong triều. Trong năm Thiên Bảo (niên hiệu Đường Huyền Tông), cả ngày ông ăn uống vui chơi, say sưa trong ca múa. Cha của ông ta là Lý Đăng trấn thủ biên ải, bị giặc bắt làm tù binh. Lý Nguyên bị ép ăn lương thực phụ, mặc vải thô, phải ở nhờ chùa Huệ Lâm, mang toàn bộ gia sản dâng hiến cho nhà chùa.

Hòa thượng trong chùa mỗi ngày đều cho ông một phần đồ ăn, không cho nô bộc hầu hạ và không nói thông tin về bên ngoài. Ông ta chỉ có thể làm bạn tri âm với hòa thượng Viên Quan. Hai người ngày ngày ngồi nói chuyện cùng nhau, từ sáng sớm đến khi hoàng hôn. Người đương thời nhận thấy hai người, một thanh bạch, một vẩn đục, sống cùng nhau như thế quả không hợp đạo lý. Vì thế mà thường xuyên đem ra chế nhạo.

Cứ thế qua ba mươi năm sau, họ đều đến tuổi già. Một hôm họ hẹn nhau đi chơi Thục Châu, đến núi Nga Mi ở Thanh Thành thăm thần tiên và xin thuốc. Viên Quan muốn đi qua Trường An, từ Tà Cốc đi ra; Lý Nguyên muốn đi qua Kinh Châu, từ Tam Hiệp đi ra. Họ liên tục tranh luận cùng nhau, đến nửa năm trời mà vẫn không thống nhất ý kiến. Lý Nguyên nói: “Đi đường đó không thể toại nguyện ý muốn cá nhân, hãy từ Tam Hiệp đi ra đi”. Thế rồi họ từ Trường Giang lên Tam Hiệp.

(Ảnh: internet)
(Ảnh: internet)

Khi thuyền đến Nam Ký họ cho dừng ở chân núi. Hai người trông thấy có mấy phụ nữ ăn mặc diễm lệ, dìu theo thùng nước đến bờ sông múc nước. Viên Quan thấy cảnh đó thì rơi lệ nói: “Tôi không muốn đến nơi này chính là sợ phải trông thấy những phụ nữ này”.

Lý Nguyên kinh ngạc hỏi: “Chúng ta từ Tam Hiệp ra đã trông thấy rất nhiều phụ nữ thế này, tại sao ông lại chỉ khóc cho mấy người này?”

Viên Quan nói: “Trong số họ có một phụ nữ mang thai họ Vương, là người mà kiếp sau tôi phải nhờ cậy. Cô ấy mang thai đã ba năm nhưng vẫn chưa sinh con, nguyên nhân chính là vì tôi chưa chết. Hôm nay thấy cô ấy, nghĩa là mệnh của tôi đã có nơi gửi gắm, cũng chính là quy luật tuần hoàn luân hồi chuyển kiếp mà đạo Phật thường nói”.

Sau đó ông lại nói với Lý Nguyên: “Mong ông giúp tôi tụng mấy câu chú ngữ để tôi mau được đầu thai. Ông cho thuyền ngừng vài ngày rồi chôn tôi dưới chân núi. Sau ba ngày hài nhi sinh ra thì ông đến nhà hỏi thăm, nếu hài nhi vừa thấy ông đã cười tức là nó có quen biết ông. Sau mười hai năm, vào đêm Trung thu, tôi sẽ gặp ông ở ngoài chùa Thiên Trúc tại Hàng Châu”.

Sau khi biết chuyện Lý Nguyên vô cùng ân hận về hành trình mình chọn, lòng đau như cắt. Thế rồi ông gọi người phụ nữ kia tới dặn dò chuẩn bị chu đáo cho ngày sinh nở. Người phụ nữ kia nghe thế thì vui mừng trở về nhà. Còn Viên Quan thì đi tắm gội sạch sẽ rồi thay đồ mới, đêm hôm đó vừa lúc Viên Quan qua đời thì người phụ nữ kia cũng hạ sinh một bé trai. Sau đó ba ngày Lý Nguyên liền tới thăm hài nhi mới sinh. Hài nhi còn trong tã lót nhưng vừa thấy người quen thì nhận ra ngay, miệng liền nở nụ cười tươi. Nước mắt của Lý Nguyên rơi xuống, ông đem chuyện kể lại chi tiết cho Vương Thị. Thế là Vương Thị dùng rất nhiều tiền để mai táng cho Viên Quan.

Ngày hôm sau, Lý Nguyên lên thuyền trở về chùa Huệ Lâm. Ông đến nơi người đoán mệnh xin chỉ giáo. Lúc này mới biết chuyện này đã có trong số mệnh. Mười hai năm sau, vào ngày mùa thu tháng tám, Lý Nguyên tới Hàng Châu đến nơi hẹn Viên Quan.

Đêm Trung thu hôm đó, khi đến gần chùa Thiên Trúc, ông đang không biết đi đâu tìm Viên Quan thì bất ngờ thấy ở bãi cát vàng bên bờ sông có một mục đồng chăn trâu đang ngâm nga khúc trúc chi từ, ngồi trên lưng trâu gõ vào sừng trâu, tóc bó hai búi, mình mang áo đuôi ngắn, khi đến trước chùa Thiên Trúc thì nhận ra chính là Viên Quan.

(Ảnh: internet)
(Ảnh: internet)

Lý Nguyên chào nói: “Quan lão có khỏe không?”

Mục đồng nhìn Lý Nguyên nói: “Ông đúng là người biết giữ chữ tín. Tôi không chung đường với ông, phải cẩn thận không nên gần gũi nhau. Ông tục duyên chưa tận, nhưng nếu muốn có thể cố gắng tu hành. Nếu ông biết phấn đấu tu hành không lười biếng, chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau thôi”.

Lý Nguyên vì không thể quay lại những tháng ngày bạn bè hữu nghị cùng Viên Quan như trước đây, đành bất lực nhìn theo Viên Quan rơi nước mắt.

Viên Quan vừa cưỡi trâu đi vừa ngâm nga một bài trúc chi từ, hình bóng mỗi lúc một xa dần. Dù núi non trùng điệp, sông nước mênh mông nhưng khúc ca vẫn mãi vang vọng, giai điệu nghe vô cùng tha thiết, không rõ đó là bài gì. Khi mới đến trước chùa thì nghe ca là:

Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn,
Thưởng nguyệt ngâm phong mạc yếu luận,
Tàm quý tình nhân viễn tương phỏng,
Thử thân tuy dị tánh trường tồn.

Diễn nghĩa: “Tôi chính là nguyên thần của Tảng Đá Ba Đời(*). Tôi không còn muốn nói chuyện liên quan đến tình nữa. Thật vui khi một người bạn cũ đã đến thăm tôi. Cơ thể tôi đã đổi thay, nhưng tôi vẫn là tôi.”

Còn nghe được một đoạn ca như sau:

Thân tiền, thân hậu sự mang mang,
Dục thoại nhân duyên khủng đoạn trường,
Ngô, Việt khê sơn tầm kỉ biến,
Khước hồi yên trạo thượng Cù Đường.

Dịch thơ:

Kiếp trước kiếp này còn vấn vương,
Lòng níu nhân duyên lắm đoạn trường,
Núi khe Ngô, Việt tìm khắp chốn,
Trở về sương khói ẩn Cù Đường.

Ba năm sau, hoàng đế phong Lý Nguyên làm quan Ngự Sử. Lý Nguyên đã từng chứng kiến sự huyễn tượng của cuộc đời và đã không nhậm chức. Ông qua đời ở tuổi 80 trong một ngôi chùa.

Chú thích:

(*) Tam Sanh Thạch (Tảng Đá Ba Đời), nằm ở ngã tư của núi Nam Liên Hoa và Núi Phong Đông, và là một trong 16 danh lam thắng cảnh ở Hồ Tây. Người ta nói rằng đó là nơi ngày xưa Viên Quan gặp Lý Nguyên. Tảng đá này cao khoảng 10 mét và rộng hơn 2 mét. Nó rất dốc và là địa danh nổi tiếng. Trên tảng đá có khắc ba chữ Hán “Tam Sanh Thạch”, và mỗi một chữ khá to. Trên tảng đá có một dòng chú thích “Nhận xét về Tam Sanh Thạch của hoà thượng Viên Trạch trong triều Đường”, kể về lai lịch của câu chuyện. Nhiều câu khắc trên bia đá từ triều Đường và triều Tống đều trở nên khó giải, trừ những câu của Dương Vũ và Trương Thục, viết vào năm trị vì đầu tiên của Chí Chánh vào triều Nguyên (tháng 09 năm 1341). Viên Quan cũng được gọi là Viên Trạch. Trong cuốn sáchCam Trạch Dao, tên của vị hoà thượng là Viên Quan. Nhưng trong sách Truyện về Hoà thượng Viên Trạch do Tô Đông Pha viết trong thời triều Tống, tên của vị hoà thượng lại là Viên Trạch.

Tảng Đá Ba Đời với dòng chữ “Tam Sanh Thạch” được khắc lên đó
Tảng Đá Ba Đời với dòng chữ “Tam Sanh Thạch” được khắc lên đó

Theo secretchina

Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm: