Trong văn hóa Trung Hoa, Gia Cát Lượng là bậc quân sư lỗi lạc, nhà chính trị đại tài, nhà ngoại giao tài ba, nhà quân sự kiệt xuất nhất thời Tam Quốc khiến hậu thế đời đời thán phục. Ông cũng rất nổi tiếng với khả năng tiên đoán, liệu sự như Thần. Suốt 2000 năm qua cho đến tận ngày nay, đó vẫn là bí ẩn chưa thể nào giải mã hết.

Cuộc đời vị Thừa tướng nhà Thục Hán, một hoá thân của trí tuệ quân sự, bắt đầu như thế nào? Con đường “thành công” của ông chắc chắn phải vô cùng gian truân và thú vị mới khiến cho ông có được một tài năng xuất chúng đến thế.

Kỳ tài từ thuở hàn vi

Theo sử sách ghi lại, Gia Cát Lượng vốn là người đất Dương Đô (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông), quận Lang Nha đời Thục Hán. Ông sinh vào mùa Thu năm Tân Dậu (Tam Quốc). Lá số của ông là một trong 1.000 lá số của những người có ảnh hưởng lớn nhất cổ kim, được in trong cuốn “Tử vi đẩu số toàn thư Trung Quốc”. Theo lý giải của tử vi thì Gia Cát Lượng là người “tuyệt thế kỳ tài, thiên hạ vô song”. 

youtu.be-d6BwgSIjPzc (57)

Gia Cát Lượng mồ côi cha mẹ từ bé và trong 3 anh em thì ông tỏ ra là người hiếu học nhất. Tương truyền, thuở nhỏ Gia Cát Lượng là đệ tử của Thuỷ Kính tiên sinh. Thuỷ Kính tiên sinh ẩn cư ở phía Nam thành Tương Dương để dạy học. Trong sân nhà ông có nuôi một con gà trắng cổ bông. Con gà này mỗi khi đến trưa là gáy lên 3 tiếng. Khi nghe thấy tiếng gà gáy là Thuỷ Kính tiên sinh cho học trò ra về.

Gia Cát Lượng vốn rất ham được nghe thầy giảng thiên văn địa lý nên mỗi lần thấy tiếng gà gáy báo hiệu hết giờ thì rất buồn rầu. Thế nên sau này mỗi khi đi học, ông bèn xúc một túi thóc trong bồ đem theo. Lúc thấy con gà trống sắp ngửa cổ lên gáy, ông liền vãi thóc ra ngoài cửa sổ cho gà ăn để nó không gáy nữa. Cứ thế khi con gà ăn hết túi thóc thì thầy cũng đã giảng bài thêm được độ hơn một giờ.

Gia Cát Lượng vô cùng hiếu học, ông đọc đủ loại sách vở và tầm sư học đạo khắp nơi. Kinh Dịch được ông nghiên cứu khá nhiều, sau đó kết hợp với Chu Dịch của Chu Văn Vương Cơ Xương thời nhà Chu để sáng tạo ra “Gia Cát thần toán sách” về xem bói, vẫn còn nguyên giá trị đến tận ngày nay. 

Tài tiên tri có một không hai của Gia Cát Lượng

Những câu chuyện về Gia Cát Lượng xem bói, đoán trước tương lai được kể khá nhiều trong dã sử và chính sử. Chuyện nổi tiếng nhất là việc ông khiến Lưu Bá Ôn, một tể tướng văn võ song toàn (người đã một tay giúp Minh thành tổ Chu Nguyên Chương đánh đuổi quân Mông Nguyên sáng lập ra triều đại nhà Minh) phải phục sát đất. 

Tương truyền, Lưu Bá Ôn có lần thân chinh dẫn tướng sĩ vượt núi băng rừng truy kích quân địch không may bị lạc vào một hang núi. Lần mò tìm lối ra khỏi hang, Lưu Bá Ôn thấy một tấm bia đá khắc 14 chữ: “Vạn đại quân sư Gia Cát Lượng, thống nhất sơn hà Lưu Bá Ôn”, phía dưới bia có khắc dòng chữ nhỏ: Gia Cát Lượng thủ bút.

1438155763968426
Thống nhất sơn hà Lưu Bá Ôn. (Ảnh minh hoạ)

Dòng chữ trên có nghĩa là: Gia Cát Lượng xứng đáng là quân sư của mọi thời đại, nhưng làm tướng thống nhất sơn hà thì chỉ có Lưu Bá Ôn. Phía sau tấm bia còn vẽ đường rời khỏi hang núi. Lưu Bá Ôn thất kinh như gặp được Thần nhân giữa ban ngày, vội bái lạy, rồi làm theo đúng lời chỉ dẫn của Khổng Minh mà thoát khỏi cảnh chết đói chốn hoang vu.

Lại tương truyền rằng, Lưu Bá Ôn, tể tướng triều Minh sau thời Tam Quốc, là người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, trăm trận trăm thắng, sống ở Thiếu Thành, chính là phủ Khổng Minh ngày xưa, trên phủ có treo một bảng hiệu: “Thiên hạ đệ nhất nhân”. Ông liền hỏi rằng đây là ai mà lại to gan như vậy, dám tự phong bản thân là “thiên hạ đệ nhất nhân” (người tài giỏi nhất trong thiên hạ). 

Tùy tùng nói cho ông biết, đó là Gia Cát Khổng Minh thời Tam Quốc. Lưu Bá Ôn nghe xong, vô cùng tức giận, thầm nghĩ: “Khổng Minh tuy là bậc kỳ tài, nhưng cũng không thể tự xưng mình là “thiên hạ đệ nhất nhân” được! Lưu Bá Ôn ta nếu sinh sớm mấy trăm năm, nói không chừng có khi còn vượt xa hơn cả ông ta!”. 

“Các người mau dẹp bỏ tấm bảng hiệu này cho ta!”. Khi tùy tùng tháo bỏ tấm bảng đó đi, lại phát hiện thấy bên trong còn có một tấm bảng nữa, trên đó ghi một bài thơ:

Tiền triều quân sư Gia Cát Lượng

Hậu triều quân sư Lưu Bá Ôn

Ngũ bách niên tiền ngô tri nhu

Ngũ bách niên hậu nhu tri thùy?

Tạm dịch:

Quân sư triều trước là Gia Cát Lượng

Quân sư triều sau là Lưu Bá Ôn

500 năm trước ta biết ngươi

500 năm sau ngươi có biết ta?

Lưu Bá Ôn đối mặt với tấm bảng hiệu, quỳ mãi không dậy nổi.

Untitled-1

Trước khi Gia Cát Lượng qua đời, ông để lại một túi gấm và dặn con cháu đời sau nếu gặp nguy khốn hãy mở ra: “Sau khi ta chết, trong số các con sẽ gặp phải đại hoạ chết người. Tới lúc đó hãy dỡ nhà, lấy từ trong tường ra một bọc giấy, trong đó có cách cứu mạng”. Sau khi ông qua đời, Tư Mã Viêm lên ngôi hoàng đế. Nghe tin trong số quan quân triều đình có viên tướng quân là hậu thế của Gia Cát Lượng nên Tư Mã Viêm bèn nghĩ kế trừng trị người này. 

Một hôm, Tư Mã Viêm tìm cớ định tội chết cho viên tướng nhà Gia Cát. Trên triều, Tư Mã Viêm cất lời hỏi: “Trước khi chết, tổ phụ nhà ngươi đã nói những gì?”. Hậu duệ nhà Gia Cát bèn thật thà truyền đạt tới vua lời dặn dò của Gia Cát Lượng. Nghe thấy vậy, Tư Mã Viêm bèn ra lệnh cho quân lính dỡ nhà, lấy bọc giấy ra xem. 

Bên trong chỉ có một phong thư kín, phía trên viết rằng: “Ngộ hoàng nhi khai” (nghĩa là phải là hoàng thượng mới được mở ra xem). Đám binh sĩ bèn dâng thư lên vua. Trong thư có mấy chữ: “Xin lùi ba bước”. Tư Mã Viêm hơi hoài nghi nhưng cũng lập tức làm theo. Nhưng khi nhà vua vừa lùi ba bước thì bỗng nghe thấy một tiếng “rầm”, chiếc xà rơi thẳng xuống chỗ vua ngồi, khiến bàn ghế tan tành. 

Tư Mã Viêm trông thấy vậy mà sợ hãi lạnh người, rồi lại xem tiếp những dòng ở cuối thư: “Ta cứu mạng ngươi, ngươi hãy giữ lại mạng sống của con cháu ta”. Xem xong thư, Tư Mã Viêm thầm thán phục tài tiên đoán như thần của Gia Cát Khổng Minh rồi ra lệnh phục nguyên chức cho vị tướng quân này. 

Screen Shot 2016-12-08 at 4.20.59 PM
Tư Mã Viêm phải từ bỏ ý định trả thù cá nhân của mình, vì đã gặp phải “Thần nhân” Gia Cát Khổng Minh, mặc dù ông đã mất từ lâu.

Ở Việt Nam, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là bậc danh sỹ có tài tiên tri nổi tiếng. Ông được giới học giả Trung Quốc ngưỡng mộ xưng tụng: “An Nam lý số hữu Trình Tuyền”. Có thầy địa lý nổi tiếng ở Trung Quốc muốn xem thực, hư chuyện Trạng thế nào đã lặn lội sang tận mộ cụ. Đến nơi, thấy ngôi mộ đặt đúng vào huyệt đất tốt nhưng huyệt phát ở đằng chân mà mộ lại đặt ngược, ông thầy Tàu cho là Trạng Trình cũng chỉ có danh mà không có thực, mới tự đắc bảo: “Cái huyệt ở đàng chân sờ sờ thế kia mà không biết lại tự đem để mả thế này. Có thánh nhân cái gì đâu, hay là thánh nhân mắt mù đó”. 

Con cháu cụ Trạng nghe thấy vậy liền khẩn khoản nhờ thầy đặt lại mộ cho. Ông thầy Tàu đồng ý và bảo: “Không cần phải đem đâu xa cả, chỉ cần đào lên rồi xoay lại quan tài và nhích lên một chút là được”. Y lời, con cháu cụ Trạng đào mộ lên, đến gần quan tài thì thấy có tấm bia. Ông thầy mới bảo rửa sạch đi để xem bia viết gì. Thì ra tấm bia có khắc một bài thơ: 

Ngũ thập niên tiền mạch tại đầu

Ngũ thập niên hậu mạch quy túc

Hậu sinh nhĩ bối ná năng tri

Hà vị thánh nhân vô nhỉ mục?

Dịch nghĩa:

Ngày nay mạch lộn xuống chân

Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu

Biết gì những kẻ sinh sau

Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ?

Đọc xong tấm bia, ông thầy Tàu kinh hãi, toát cả mồ hôi hột, biết gặp phải Thần nhân chứ chẳng phải là người, thì ra cụ Trạng đã sớm tiên liệu mọi việc hết rồi. 

Lời bàn:

Vạn sự trên đời thảy đều có định số. Vật chất chuyển động theo những mô tuýp cố định, vũ trụ bao la này cũng là do vật chất tạo thành, cũng đều vận hành theo một “cơ chế” có sẵn, các bậc thánh nhân xưa tinh thông lý số, thấu hiểu mệnh trời, có thể phát hiện được “quy luật của vũ trụ”, “quy luật của vật chất”, biết trước là đến lúc nào thì sự việc gì sẽ xảy ra. Vì vậy họ an nhiên tĩnh tại, sống cảnh đời đạm bạc nhưng trí tuệ thì như biển cả. 

Không chỉ sống cho mình, họ còn lấy chính mình làm gương, để lại các bài học thanh cao về đạo đức, lối sống, về sự tôn kính Thần Phật (những đấng tạo hoá vũ trụ), để lại cho con cháu những lời “sấm truyền” để cảnh tỉnh hậu thế phải luôn biết mình đang ở đâu, không được tự cao ngạo cho rằng mình là nhất, là sự “tiến hoá hoàn hảo” của tự nhiên, coi trời bằng vung. Bài học mà dành cho họ là phải biết sống khiêm tốn, nghe lời dạy bảo của các bậc Thánh nhân xưa. Chỉ có như thế thì mới có thể “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, mà cũng đạt đến cảnh giới an nhiên tĩnh tại, trí tuệ vô biên như họ, biết trước những sự đổi thay của dòng đời, của lịch sử, từ đó mà cảnh tỉnh những người xung quanh, quay trở về những giá trị đạo đức truyền thống. 

Ánh Trăng tổng hợp

Xem thêm: