Trọng Tương vấn Hán hé lộ những an bài công phu của lịch sử, xếp đặt cho từng nhân vật bị cáo và nguyên cáo trong thời Hán Sở tranh hùng đầu thai trong thời Tam Quốc thành một đại cuộc luân hồi quả báo.
Cuối Hán ai là giỏi?
Vân Trường mấy kẻ tày!
Thần oai, võ đã mạnh.
Nho nhã, văn cũng hay.
Lòng ngay tỏ như kính,
Khí nghĩa cao ngất mây.
Nghìn thu danh tiếng để
Không những nhất đời nay!
Quan Vũ, tự Vân Trường (162 – 220 TCN) là một trong những vị anh hùng thời Tam quốc để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng hậu thế. Ông trở thành bất tử nhờ lòng trung nghĩa tiết liệt, thể hiện qua những điển tích như: chém Nhan Lương Văn Xú, treo ấn gói vàng, vượt năm ải chém sáu tướng, tha Tào Tháo ở hẻm Hoa Dung và bị khốn ở Mạch Thành.
Quan Công: Sinh vi tướng, tử vi Thần
Cả một đời Quan Công thờ hai chữ “Trung Nghĩa”. “Tam Quốc Diễn Nghĩa” kể rằng: Khi bị vây khốn ở Mạch Thành, ngoài không có viện binh, thủ hạ bị thương, quân lương cạn kiệt, phía Đông Ngô dụ hàng ông bảo toàn chức tước và gia quyến nhưng Quan Công vẫn không hề lay chuyển:
“Ta là một kẻ võ phu ở Giải Lương, được nhờ chủ ta coi như anh em thủ túc, có lẽ đâu ta lại trái nghĩa mà theo hàng với người khác! Thành này mà phá, ta chỉ còn cái chết nữa thôi. Ngọc tuy đập vụn được, nhưng không sao đổi được sắc trắng; trúc đốt cháy được, nhưng không sao huỷ được gióng thẳng; thân người tuy chết, nhưng còn danh tiếng truyền mãi trong sử sách đời sau. Ngươi đừng nói làm chi cho phí lời, xin mời ra thành cho mau, ta muốn đánh nhau với Tôn Quyền một trận nữa!”
Ở bước đường cùng, Quan Vân Trường dẫn thuộc hạ chạy ra cửa bắc Mạch Thành, hòng về Tây Xuyên thu nhặt binh mã khôi phục Kinh Châu, đến xứ Quyết Thạch thì bị địch phục kích bắt sống. Tôn Quyền dùng lời nhũn nhặn kính mến để dụ hàng ông, nhưng bị ông mắng té tát. Quan Công mất vào năm Kiến An thứ 24 (219) tháng mười mùa đông, bấy giờ năm mươi tám tuổi.
Phật Gia giảng hết thảy những việc xảy ra trong đời người đều là do nhân duyên nghiệp báo, không có gì là ngẫu nhiên. Bạn đọc đã bao giờ tự hỏi, nhân duyên đời trước như thế nào mà tạo nên một Quan Công anh hùng trung nghĩa, không màng sinh tử như vậy không?
“Trọng Tương vấn Hán”
5000 năm văn hóa Thần truyền Trung Hoa kết tinh biết bao trí tuệ và thiên cơ, trong đó có cả những điều tưởng như hoang đường, huyền hoặc, nhưng lại vén mở bức màn bí mật của lịch sử. Trọng Tương vấn Hán là một tác phẩm như thế. Là một cuốn kỳ thư không rõ tác giả là ai, Trọng Tương vấn Hán thuyết minh rành mạch chuyện luân hồi quả báo từ thời Hán Sở tranh hùng cho đến cuối đời nhà Hán, Trung Hoa phân thành Tam quốc.
Truyện kể rằng (1) đời vua Hán Linh Đế, tại quận Ích Châu, có một Nho sinh tên là Tư Mã Mạo, tự Trọng Tương. Từ nhỏ Trọng Tương đã tỏ ra là cậu bé thiên tư thông tuệ, 8 tuổi đã nổi tiếng là thần đồng. Là con nhà nghèo nhưng lại rất hiếu thảo với cha mẹ, có đi lên kinh đô dự khoa thi nhưng bị đánh rớt, khi trở về quê nhà thì chẳng may cha mẹ đã mất. Trọng Tương lấy làm thương xót lắm, cất một cái lều ở kế bên mộ phần của cha mẹ để ở thủ hiếu. Lòng buồn nhớ thương cha mẹ, lại ưu uất vì nỗi học tài thi phận, nên thường than thân trách phận. Trọng Tương thấy phần nhiều trong triều đình là nịnh thần, toan mưu hại kẻ trung lương, khiến dân chịu nhiều oan ức.
Trong cơn xúc động, Trọng Tương làm ra một bài thơ để giải buồn, rồi than trời trách đất: “Ông Trời ơi là ông Trời, sao ông lại thờ ơ mặc kệ trước thói đời đen bạc? Tôi tự hào rằng bản thân mình cả đời thanh liêm chính trực, chưa từng làm bất kỳ việc gì phải hổ thẹn với lòng, vậy sao cứ phải long đong lận đận như thế? Nếu tôi là Diêm Vương, thì sẽ không để xảy ra nỗi bất bình nào trên thế gian này”.
Không ngờ những lời than trách ấy có Du Thần nghe được, bèn bẩm báo lên Ngọc Đế. Ngọc Đế nghe báo cáo lời lẽ phạm thượng thì đùng đùng nổi giận, tỏ ý quyết phải trừng phạt kẻ hạ trần mắt thịt to gan này. Ngọc Đế nói: “Thật là cuồng vọng! Hắn ta nghĩ làm Diêm Vương là có thể sửa đổi mọi sai lầm trên thế gian sao? Những bản án nơi âm ty chất cao như núi, thập điện Diêm Vương ứng phó còn không xuể, chỉ một mình hắn ta có thể làm được chăng?”.
Thái Bạch Kim Tinh thương xót, bèn nói: “Muôn tâu đại đế, chi bằng bắt Tư Mã Mạo xuống âm ty, yêu cầu hắn phải thay Diêm Vương phân xử một vài vụ án oan khiên éo le nhất hiện đang tồn đọng chưa thể giải khai, nội trong 6 giờ phải hoàn tất. Nếu xét xử công minh thì kiếp sau sẽ được hưởng đại phú đại quý, còn bằng như không thì sẽ phải xuống địa ngục mà chịu tội”.
Thế là Trọng Tương ngồi làm chánh tòa thay thế Diêm Vương phân xử các vụ án, kêu lên từng người nghe họ kể lể hoặc phân biện rồi tra vấn. Tất cả các vụ án được giải quyết xong trong 6 giờ.
Sau đó, Trọng Tương cởi bỏ bộ quan phục của Diêm Vương, trở lại là vị tú tài như trước, còn phán quan thì mang quyển sổ ghi chép lời tuyên án của Trọng Tương đến trình Diêm Vương, sau lại được Diêm Vương kính cẩn dâng lên Ngọc Đế.
Ngọc Đế xem qua, cảm khái khen rằng:
“Vụ án lớn gây nhức nhối suốt 300 năm qua, vậy mà chỉ trong 6 giờ đã được một người phàm phán định. Đó quả là bậc kỳ tài hiếm có trong thiên hạ! Tài đức của Tư Mã Mạo làm kinh động trời đất, quỷ thần kính phục, thật đáng được hưởng ngôi vị vương hầu. Ta truyền rằng kiếp sau ông ta đổi tên mà không đổi họ, gọi là Tư Mã Ý, cả đời làm tướng, lên ngôi vương, cuối cùng thôn tính Tam Quốc, lập nên nhà Tấn”.
Luân hồi quả báo từ Hán Sở tranh hùng đến Tam quốc phân tranh
Cụ thể, Tư Mã Trọng Tương đã xử án như thế nào? Chi tiết rất dài, ở đây chỉ xin nêu lại những trường hợp chính.
Tào Tháo, nguyên kiếp trước là Hàn Tín, có công lớn gồm thâu nước Sở đem về cho Hán Cao Tổ, thế mà không hưởng được lợi lộc gì, lại bị tru di tam tộc, nên qua đời Tam Quốc, cho Tào Tháo soán ngôi nhà Hán, làm vua một thuở để trả thù: xưa Hán Cao Tổ hiếp bức thế nào thì giờ đây Tào Tháo hiếp bức thế ấy, và trước Lã Hậu giết Hàn Tín, nay Tào Tháo bắt Phục Hậu thắt cổ mà giết lại.
Khoái Triệt, mưu sĩ của Hàn Tín, biết Hán Lưu Bang là người ăn ở không có hậu, nên bày kế cho Hàn Tín giữ vững nước Tề, tách khỏi Lưu Bang, hòa với Hạng Vũ, giữ thế chia ba thiên hạ. Hàn Tín không nghe vì không nỡ phản bội Lưu Bang. Sau, Khoái Triệt tái kiếp làm Khổng Minh Gia Cát Lượng, thực thi kế chia ba thiên hạ theo hình chân vạc và cầm binh đánh cho Tào Tháo chạy dài cho biết tài biết trí của quân sư.
Tiêu Hà hèn nhát, không dám can gián Lã Hậu, lại tòng mưu giết Hàn Tín, nên qua đời Tam Quốc, Tiêu Hà đầu kiếp làm Dương Tu, vì một tô canh gà mà bị Tào Tháo bắt tội tiết lộ cơ mưu, sai chém đầu răn loài lẻo mép, mà cũng là người bạn xấu hèn nhát của kiếp trước.
Bành Việt và Anh Bố là hai tướng tài có công lớn mà chết oan nên cho đầu thai trở lại: Bành Việt làm Lưu Bị, Anh Bố là Tôn Quyền, để sau này cùng với Tào Tháo chia ba thiên hạ, hưởng lộc cả quyền cao.
Đinh Công là tướng nước Sở, vẫn có tiền ân với Lưu Bang, sau bị Lưu Bang giết, cho đầu thai làm Chu Du để phò Tôn Quyền, bị Khổng Minh chọc tức, trào máu chết lúc 36 tuổi.
Hạng Vũ có tính cương trực, khí tiết anh hùng, một cây đao không ai địch nổi, truyền cho đầu thai là Quan Vũ, chỉ đổi họ mà không đổi tên Vũ, cũng một cây đao không ai địch nổi. Nhưng kiếp trước Sở Bá vương Hạng Vũ vì giết hại Tần vương Tử Anh và tàn sát nhân dân Hàm Dương, nên kiếp sau Quan Vũ sẽ chỉ có tước hầu và còn phải chết thảm. Có điều Hạng Vũ không sát hại Thái công, không làm ô nhục Lữ hậu, cũng không nhân bày tiệc rượu mà ngầm mưu hại người. Có ba đức ấy, nên Quan Vũ sẽ sinh ra làm người nghĩa dũng cương trực, lòng không tà vạy đối với nhị tẩu, sau khi chết sẽ được phong Thần, hưởng được hương khói ngàn thu.
Bị cáo Hạng Bá thân là chú của Hạng Vũ lại nỡ phụ cháu mà theo Lưu Bang, nay ra lệnh phải đầu thai là Văn Xú để chịu tội trong kiếp sau: Quan Vũ (Hạng Vũ kiếp trước) giết chết để đòi lại công lý.
Bị cáo Ung Xỉ là tôi của Hạng Vũ mà phản Hạng theo Lưu, nay ra lệnh phải đầu thai là Nhan Lương để chịu tội trong kiếp sau: chết dưới thanh long đao của Quan Vũ (Hạng Vũ kiếp trước).
Bị cáo Mã Thông cùng năm tướng phản lại Hạng Vũ theo Lưu Bang mà gia hại rồi xách đầu Hạng Vũ về nộp để lĩnh chức tước, nay ra lệnh phải đầu thai là sáu tướng trấn giữ năm cửa ải của Tào Tháo, đối mặt Quan Vũ (Hạng Vũ kiếp trước) phò nhị tẩu “quá ngũ quan trảm lục tướng”, nhằm “Răn loài phản nghịch một đời/ Hổ mình cho biết đạo trời chẳng dung”.
“Xưa nay nhớ Hạng Vũ/ Chẳng chịu về Giang Đông”
Trọng Tương vấn Hán hé lộ những an bài công phu của lịch sử, xếp đặt cho từng nhân vật bị cáo và nguyên cáo trong thời Hán Sở tranh hùng đầu thai trong thời Tam Quốc thành một đại cuộc luân hồi quả báo. Bị oán kiếp trước thì có cơ hội trả oán kiếp sau, hại người kiếp trước thì kiếp sau bị người hại lại. Chính bởi không rõ tác giả của Trọng Tương vấn Hán là ai, nên người không tin thì cho đó là chuyện hư cấu, hoang đường; người tin thì càng kính sợ Đạo Trời “thiện ác hữu báo”. Tất cả đều ở trong mê mà ngộ.
Quan Vũ có đúng là Hạng Vũ đầu thai chuyển thế hay không, điều đó tuỳ vào niềm tin của mỗi người. Nhưng có một điều trùng hợp không thể chối bỏ là: Quan Vũ thà chịu chết chứ không hưởng vinh hoa theo chúa Giang Đông là Tôn Quyền, còn Hạng Vũ cũng thà chết chứ không chịu ngồi thuyền vượt sông Dương Tử về làm vương xứ Giang Đông. Nữ thi sĩ đời nhà Tống là Lý Thanh Chiếu có bài từ “Ô Giang” nói về sự kiện này như sau:
Sống làm người anh kiệt
Chết cũng ma anh hùng
Xưa nay nhớ Hạng Vũ
Chẳng chịu về Giang Đông!
Thanh Ngọc