Bạn lo lắng mật khẩu đăng nhập Facebook, hay một website nào khác bị rò rỉ thông tin, nhất là khi có một loại virus hay mã độc nào đó đang hoành hành? Hai trang web sau đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi trên, theo gợi ý của Tech Republic.
Trang web Have I been pwned? hoạt động bằng cách quét địa chỉ email của bạn để xem liệu email của bạn có được sử dụng trên bất kỳ trang web nào từng rò rỉ dữ liệu người dùng của nó hay không. Nhập địa chỉ email của bạn và nhấp vào nút pwned (hình dưới).
Cuộn xuống và trang web sẽ liệt kê các website bị hack nào có địa chỉ email của bạn. Điều này không có nghĩa mật khẩu của bạn đã bị rò rỉ hoặc bị hack, chỉ đơn thuần là địa chỉ email của bạn đã được phát hiện trên một trang web từng bị hack và bị rò rỉ dữ liệu người dùng. Tất nhiên, khi đó tài khoản của bạn cũng chịu rủi ro này.
Lấy ví dụ, bạn có nhớ vụ bê bối rò rỉ dữ liệu 87 triệu người dùng Facebook vào tháng 3/2018. Trong số đó, 10 quốc gia có số tài khoản Facebook bị thu thập dữ liệu nhiều nhất là Mỹ, Philippines, Indonesia, Anh, Mexico, Canada, Ấn Độ, Brazil, Việt Nam và Australia. Việt Nam có 427.446 tài khoản người dùng bị thu thập dữ liệu. Biết đâu trong đó có tài khoản của bạn. Nhưng nếu dùng Have I been pwned?, bạn sẽ biết được vụ này dù không đọc báo hay nắm bắt tình hình thời sự.
Đó có thể là các trang web mà bạn thường xuyên dùng như Facebook. Đó cũng có thể là các trang web bạn từng dùng email cá nhân để đăng ký tài khoản, nhưng hiện không còn “sờ mó” đến nữa. Nhưng hãy nhớ rằng, thông tin cá nhân của bạn vẫn còn trong tài khoản đó!!!
Hãy đọc kỹ mô tả của từng vụ rò rỉ. Trong một số trường hợp, trang web từng bị rò rỉ dữ liệu có thể buộc người dùng đặt lại mật khẩu. Nếu bạn không chắc chắn, bạn nên đăng nhập vào trang web đó và đặt lại mật khẩu của mình (Hình dưới).
Ngoài việc giúp bạn tìm thấy các website từng bị rò rỉ dữ liệu nào có tài khoản dùng địa chỉ email của bạn, Have I been pwned còn cung cấp thông tin chi tiết về các sự cố rò rỉ. Trang web liệt kê các vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất cũng như các vụ rò rỉ gần đây. Bạn có thể đăng ký dịch vụ để được thông báo khi địa chỉ email của bạn chẳng may lọt vào một vụ rò rỉ dữ liệu mới (hình dưới).
2) Firefox Monitor
Firefox Monitor là một trang web khác hiển thị các website bị rò rỉ dữ liệu có bao hàm địa chỉ email của bạn. Không như tên gọi, bạn có thể truy cập Firefox Monitor từ bất kỳ trình duyệt nào, ví như Chrome hoặc Microsoft Edge, chứ không nhất thiết là trình duyệt Firefox. Dữ liệu của Firefox Monitor đến trực tiếp từ Have I been pwned? Hãy nhập địa chỉ email của bạn rồi nhấn nút để kiểm tra sự cố rò rỉ tiềm tàng (hình dưới).
Đáp lại, ứng dụng sẽ hiển thị mọi website bị rò rỉ dữ liệu có chứa địa chỉ email của bạn. Nhấp vào liên kết (More About This Breach) để biết thêm về một vụ rò rỉ cụ thể (hình dưới).
Tại Firefox Monitor, bạn cũng có thể đăng ký cảnh báo sự cố rò rỉ, tuy vậy bạn phải có tài khoản Firefox. Để thiết lập tính năng này, nhấp vào nút Đăng ký Cảnh báo (Sign Up For Alerts) ở cuối trang. Tạo hoặc đăng nhập tài khoản Firefox của bạn. Nhấp vào nút Manage Email Addresses. Nhớ tích vào ô Send Breach Alerts to The Affected Email Address. (hình dưới).