Nam Âu đang dần trở thành “cứ điểm” mới trong chiến lược “Vành đai và con đường” của Trung Quốc.
Những năm gần đây, sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI) của Trung Quốc đang “càn quét” mạnh mẽ qua từng ngõ ngách của các quốc gia Á – Phi – Âu với một loạt dự án hạ tầng được khởi động.
Khi Bắc Kinh mở rộng phạm vi kinh tế của họ bằng sáng kiến BRI đầy tham vọng, các nước nghèo tại châu Á, châu Phi và thậm chí cả một số nước ở Nam Âu đã bị cuốn vào các khoản vay hấp dẫn và những hứa hẹn của Trung Quốc về các dự án cơ sở hạ tầng giúp chuyển đổi đất nước.
Điều này cho phép các nước đó phát triển theo những cách mà có thể không thực hiện được nếu không tiếp cận được với khối dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc. Một số quốc gia như Sri Lanka, Djibouti, Mông Cổ, Malaysia hay Myanmar đã cảm nhận bị đè nặng bởi áp lực nợ nần và ngày càng phụ thuộc vào sự hào phóng của Bắc Kinh.
Montenegro là quốc gia đầu tiên ở châu Âu nhận thấy mình bị rơi vào vị trí đó khi chính phủ nhấn sâu vào ước mơ con đường cao tốc mới lấp lánh đất nước đến một tương lai tươi sáng hơn.
Trung Quốc cho Montenegro vay 850 triệu Euro để hoàn thành 85% giai đoạn 1 của tuyến đường cao tốc dài 165 km (bao gồm cầu, hầm chui qua núi) từ cảng Bar đến nước láng giềng Serbia do Tập đoàn xây dựng cầu đường Trung Quốc (CRBC) thực hiện. Nhưng khi công trình mới được khởi công, chính phủ nước này đã phải đối mặt với khó khăn.
Giai đoạn 1 của đường cao tốc đã đội vốn lên đến gần 1 tỷ Euro, chiếm 1/4 GDP của Montenegro.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính chi phí xây dựng phần còn lại của tuyến đường là 1,2 tỷ Euro. Nhưng Montenegro không thể tiếp tục mượn tiền để hoàn thành dự án đầy tham vọng này, vì tổng nợ nước ngoài sau khi vay Trung Quốc được dự báo sẽ bằng 80% GDP trong năm 2018.
Hơn thế, không tổ chức tài chính quốc tế nào, kể cả Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Đầu tư châu Âu, muốn duyệt khoản vay cho Montenegro.
Khoản vay do Trung Quốc cấp với lãi suất 2%, thời hạn trả nợ 20 năm và thời gian ân hạn 6 năm, giờ đây là một gánh nặng dài hạn cho đất nước với dân số chỉ có khoảng 620.000 người.
Khoản vay cho giai đoạn đầu đã buộc chính phủ Montenegro phải tăng thuế, cắt bớt tiền lương của khu vực công và cắt chương trình phúc lợi dành cho các bà mẹ để có tiền trả nợ.
Lưu lượng giao thông hiện nay tại cũng Montenegro rất thấp, điều này đồng nghĩa với việc lợi ích kinh tế của dự án đường cao tốc này không mang lại đủ lợi tức cho nhà đầu tư. Theo nghiên cứu của công ty URS, chính phủ Montenegro trông mong tỷ suất hoàn vốn đạt 8%, nhưng thực tế tỷ lệ này chỉ đạt khoảng dưới 2%.
Mặc dù Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic tuyên bố sẽ hoàn thành đường cao tốc này với bất kỳ chi phí nào, nhưng giới chức nước này lo ngại về một nguy cơ vỡ nợ và phụ thuộc Trung Quốc.
Lãnh đạo phe đối lập Dritan Abazovic cảnh báo: “Dự án này chỉ giúp Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng đối với Montenegro và mở rộng khắp khu vực”.
Nhưng chuyên gia Mladen Grgic, từng tham gia nghiên cứu tiền khả thi dự án, cho rằng “đây là một cái bẫy. Bẫy đã được giăng và con mồi đã sập bẫy. Các chính trị gia không thể cứu gỡ. Thẳng thắn mà họ cũng không thể ngăn chặn”.
Không chỉ riêng gì Montenegro, nước láng giềng Serbia cũng đang là “cứ điểm” tiếp theo trong sáng kiến BRI của Trung Quốc tại Nam Âu.
Tính đến hết năm 2017, Trung Quốc đã cho Serbia vay khoảng 5,5 tỷ Euro để xây dựng cầu, đường cao tốc và đường sắt. Hầu hết các khoản đầu tư đều đến từ các khoản cho vay của các ngân hàng Trung Quốc, với lãi suất từ 2% đến 2,5% trong vòng 20 đến 30 năm. Nợ nước ngoài của Serbia đang ở mức gần 70% GDP.
Còn ở Albania, các tập đoàn Trung Quốc đẩy mạnh thu mua cổ phần công ty dầu mỏ, sở hữu sân bay quốc tế Tirana, cùng lúc Bắc Kinh kêu gọi nước này sớm ký kết thỏa thuận tham gia BRI. Tuy nhiên, IMF cũng đã đề xuất chính phủ Albania tăng cường biện pháp để tránh nguy cơ vỡ nợ.
Sri Lanka trước đó đã là một bài học điển hình cho các quốc gia khác khi đã chào đón quá nhiều đầu tư từ Trung Quốc và không trả được nợ, buộc phải gán nợ bằng việc cho thuê cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm.
Chiến lược của Bắc Kinh khi “tấn công” vào Nam Âu cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng tới trung tâm châu Âu.
Vào tháng 4/2018, đại sứ của 27 nước EU đã ký vào văn bản lên án dự án hạ tầng tham vọng của Trung Quốc vì cho rằng kế hoạch này có thể gây tổn thương đến lợi ích thương mại của toàn bộ châu Âu.
Sáng kiến này không phải hướng tới mục đích thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế toàn cầu cũng như “có lợi cho đôi bên” như Bắc Kinh tuyên bố, mà đó là công cụ để mở rộng ảnh hưởng chính trị và hiện diện quân sự của Trung Quốc.
Kiều Ngọc