Danh y nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung y, Lý Thời Trân, đã ‘tiến cử’ cà rốt như một loại thực phẩm không thể thiếu trong dưỡng sinh. Còn trong chữ Hán xưa, cà rốt được viết là “nhân sâm nhỏ”.
Lý Thời Trân, người Kỳ Châu, sinh ra và mất đi tại Kỳ Châu, là một danh y, nhà dược học, nhà tự nhiên học nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cuốn “Bản Thảo Cương Mục” của ông được coi là tác phẩm y học hoàn chỉnh và thành công nhất của Đông Y, có ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ tương lai.
Căn cứ vào “Kỳ xuân huyền chí” ghi chép lại, Lý Thời Trân thường một mình cầm theo giỏ lên núi sâu hái thuốc. Một hôm, vào lúc gần trưa, trên một vách núi cheo leo tình cờ gặp được một ông lão tóc bạc ở phía đối diện cũng đang hái thuốc, ông lão tay chân linh hoạt, khí sắc hồng nhuận, khiến Lý Thời Trân cực kỳ kinh ngạc.
Ông lão này là một vị ẩn sĩ trên núi, đã qua trăm tuổi nhưng mắt không mờ, tai không điếc, thân thể cứng cỏi, tư duy minh mẫn, vô cùng khỏe mạnh. Lý Thời Trân cùng ông lão trò chuyện, xin ông ấy chỉ giáo làm cách nào có thể kéo dài tuổi thọ. Ông lão chia sẽ đạo lý trong đó chính là, người ở trong núi, ăn uống nhẹ nhàng, đạm bạc, giữ tâm thanh tịnh, không màng thế sự, làm nhiều việc thiện, bản thân cũng vui vẻ, đồng thời ông chỉ vào giỏ của mình nói rằng cần ăn thêm nhiều cà rốt.
Lời nói của ông lão giúp Lý Thời Trân nảy ra ý tưởng viết về dược tính của cà rốt: Cà rốt trung tính, có thể trán dương bổ âm, là loại rau củ tốt nhất, cũng là loại dược phẩm dưỡng sinh có hiệu quả cao, ăn nhiều cà rốt đối với cơ thể con người rất có ích. Lý Thời Trân đem những điểm tốt của cà rốt nói cho nhiều người cùng biết, cho đến tận ngày nay, khu vực Hồ Bắc và Ký Châu vẫn còn giữ lại thói quen ăn cà rốt. Người địa phương còn coi cà rốt như củ nhân sâm nhỏ, là loại rau củ dưỡng sinh không thể thiếu trong mỗi bửa ăn.
Căn cứ theo “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân ghi chép, từ thế kỷ 16, việc ăn cà rốt tốt cho sức khỏe bắt đầu từ Trung Quốc lan truyền sang Nhật Bản, lúc đó cà rốt trong Hán tự còn được gọi là củ nhân sâm nhỏ.
Cà rốt chứa dinh dưỡng phong phú, có thể ăn sống, cũng có thể cắt thành miếng nhỏ, sợi, lát, nấu cùng với một số thực phẩm khác, ngoài ra cà rốt còn có thể làm nước ép, sinh tốt, hoặc trộn với bột mì, bột gạo làm thành bánh.
Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe thu được từ cà rốt:
1. Cải thiện tầm nhìn
Theo Boldsky, cà rốt rất giàu beta-caroten, tiền chất giúp chuyển hóa thành vitamin A, bảo vệ sức khỏe của đôi mắt, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể do tuổi già.
2. Ổn định huyết áp
Cà rốt chứa lượng natri vừa đủ để duy trì huyết áp ở mức hợp lý trong cơ thể. Ăn cà rốt đều đặn giúp ổn định huyết áp.
3. Ngừa ung thư
Theo nghiên cứu mới nhất, hợp chất falcarinol trong cà rốt có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư ở người như gan, phổi và đại tràng.
4. Làm đẹp da
Vitamin A trong cà rốt giúp làn da luôn mịn màng, sáng đẹp. Nếu thiếu hụt vitamin A, da và tóc sẽ bị khô quá mức. Cà rốt cũng giúp giảm hình thành nếp nhăn trên khuôn mặt.
5. Giảm cholesterol
Cà rốt chứa lượng lớn chất xơ hòa tan, chủ yếu là pectin, giúp giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Theo một nghiên cứu của chính phủ Mỹ, những người ăn khoảng một bát cà rốt mỗi ngày trong 3 tuần có thể giảm lượng lớn cholesterol trong máu.
6. Bảo vệ tim mạch
Do giàu carotenoid, cà rốt có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ bệnh tim. Ngoài ra, alpha-carotene và lutein được tìm thấy trong cà rốt cũng bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh, hoạt động hiệu quả.
Chất pectin trong cà rốt có thể làm giảm cholesterol, ngăn ngừa bệnh động mạch vành và đột quỵ Các chất khoáng có trong cà rốt cũng phát huy tác dụng rất tốt cho tim mạch.
7. Thải độc cơ thể
Cà rốt chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa và vitamin A, vì vậy, chúng giúp loại bỏ độc tố trong cơ thể, làm giảm sự tích tụ mỡ trong gan.
8. Ngăn ngừa mất trí nhớ
Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, Mỹ, trong 18 năm cho thấy nam giới tiêu thụ 50 mg beta-carotene trong rau quả, đặc biệt là cà rốt, giảm nguy cơ mất trí nhớ 1-1,5 năm so với những người uống giả dược chứa beta-carotene. Hợp chất này có tác dụng bảo vệ hệ thống thần kinh trung ương, chống lão hóa sớm.
9. Tăng cường chắc khỏe xương
Cà rốt chứa lượng nhỏ các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin C (5 mg mỗi bát ăn) và canxi (96 mg mỗi bát ăn). Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ thời kỳ mãn kinh, không có đủ canxi, vì vậy, ăn cà rốt hàng ngày có thể hỗ trợ xương chắc khỏe hơn.
Lưu ý:
- Cà rốt có thể ăn sống hoặc nấu chín. Ăn món có cà rốt nấu chín cùng với một chút dầu sẽ giúp các chất dinh dưỡng được cơ thể hấp thụ tốt hơn.
- Không nên ăn nhiều cà rốt trong thời gian quá dài khiến dư thừa vitamin A và các sắc tố.
Minh Thành
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.