Thuốc kháng sinh được ví như con dao hai lưỡi, tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh ngày càng phổ biến vì tính gọn nhẹ, nhanh, rẻ tiền và dễ mua. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy xấu đối với sức khỏe và việc điều trị dần đến bế tắc – kháng thuốc.

Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới. Đây chính là hệ quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh của người Việt trong thời gian qua. Có thể nói, khi con người càng lạm dụng kháng sinh, các chủng vi khuẩn kháng thuốc càng có cơ hội phát triển và lây lan. Do đó, khả năng phòng bệnh của cơ thể bị giảm đi, đồng thời cơ thể đáp ứng với các loại thuốc cũng kém, nên khi có bệnh, tỉ lệ chữa khỏi thường không cao.

Lạm dụng kháng sinh dẫn đến những tác dụng nguy hại cho cơ thể. (Ảnh: trihoconan.com)

Người dùng kháng sinh bao giờ cũng có hai mặt của nó, mặt tích cực là đều trị bệnh, diệt vi khuẩn gây bệnh, không cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở tiết ra các độc chất gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, còn có tác dụng phụ, phản ứng phụ và dị ứng. Điều này gây nguy hiểm cho người bệnh, tùy từng cơ địa của mỗi người mà thuốc có tác dụng phụ như gây suy gan, suy thận, các rối loạn khác trong cơ thể từ đó làm nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng thuốc. Tóm lại việc sử dụng kháng sinh là con dao hai lưỡi.

Bệnh tiêu chảy

Tiêu chảy là một tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc kháng sinh. Kháng sinh có thể phá vỡ sự cân bằng của các lợi khuẩn và hại khuẩn trong đường ruột của bạn khi vô tình tiêu diệt cả lợi khuẩn trong khi tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng. Điều này dẫn đến tiêu chảy và gây ra hiện tượng phân lỏng.

Một số loại thuốc kháng sinh phổ biến nhất thường dẫn đến tiêu chảy là Cephalosporins, Clindamycin, Penicillin và Fluoroquinolones.

Kháng sinh trong khi diệt khuẩn gây hại cũng diệt cả khuẩn có lợi dễ dẫn đến tiêu chảy. (Ảnh: vimeo.com)

Một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ kết luận rằng việc sử dụng Probiotic là có hiệu quả trong việc phòng ngừa và điều trị tiêu chảy liên quan kháng sinh.

Để ngăn ngừa hoặc điều trị các tác dụng phụ này của thuốc kháng sinh, thêm một số loại sữa chua có chứa Probiotic, dưa cải muối, tỏi, hạnh nhân vào chế độ ăn của bạn.

Buồn nôn và ói mửa

Trong khi sử dụng thuốc kháng sinh như Penicillin và Metronidazole, nhiều người bị buồn nôn và ói mửa.

Những triệu chứng này xảy ra khi thuốc kháng sinh tiêu diệt một số vi khuẩn tốt sống trong ruột của bạn. Điều này dẫn đến các vấn đề như đầy hơi, buồn nôn và ói mửa, thường là triệu chứng nhẹ và thoáng qua.

Nếu bạn có triệu chứng buồn nôn khi điều trị bằng kháng sinh, bạn có thể ăn sữa chua chứa Probiotic và uống trà gừng.

Kháng sinh ảnh hưởng đến tiêu hóa dễ dẫn đến tiêu chảy. (Ảnh: mecuben.com)

Nhiễm trùng men nấm âm đạo

Candida và các loại vi trùng khác sống bên trong âm đạo vô hại khi tồn tại sự cân bằng tự nhiên. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh dùng để điều trị một loạt các bệnh nhiễm trùng có thể thay đổi sự cân bằng tự nhiên của các vi khuẩn, tăng số lượng các men Candida, có thể dẫn đến nhiễm nấm âm đạo.

Các triệu chứng của nhiễm trùng men nấm bao gồm một lớp dày, trắng khí hư gây ra nóng rát và ngứa.

Nếu bạn đang dùng một trong các loại thuốc kháng sinh, hàng ngày ăn ít nhất 1 cốc sữa chua với lối sống tích cực hơn để ngăn ngừa nhiễm trùng men nấm.

Phản ứng dị ứng

Dị ứng là vấn đề thường gặp khi sử dụng kháng sinh. (Ảnh: baobacgiang.com.vn)

Một số người bị dị ứng với kháng sinh như Penicillin và Cephalosporins. Các phản ứng dị ứng có thể bao gồm các triệu chứng như phát ban, nổi mẩn da, ngứa, sưng, khó thở, thở khò khè, chảy nước mũi, sốt và sốc phản vệ.

Hơn thế nữa, một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên The BMJ ghi nhận mối liên hệ mật thiết giữa việc tiếp xúc với kháng sinh trong thời kì phôi thai hoặc trẻ em và bệnh hen suyễn sau này.

Giảm thiểu sử dụng kháng sinh không cần thiết và tránh sử dụng các loại thuốc kháng sinh mà bạn bị dị ứng. Báo cáo bất kỳ phản ứng bất thường nào cho bác sĩ để có thể chỉ định thay thế kháng sinh khác khi cần thiết.

Hệ miễn dịch suy yếu

Lạm dụng kháng sinh có thể phá vỡ hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. (Ảnh: salamati.ir)

Hơn 80% khả năng miễn dịch của cơ thể được tạo ra trong đường ruột với sự giúp đỡ của các vi khuẩn có lợi cư trú ở đó. Tuy nhiên, sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi giết vi khuẩn, cả có lợi và có hại.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y dược Pennsylvania lưu ý rằng việc sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài có thể gây ra hậu quả làm giảm hiệu quả của hệ thống miễn dịch cơ thể, do đó làm tăng nguy cơ phát triển nhiễm khuẩn thứ cấp.

Thêm các loại thực phẩm vào chế độ ăn của bạn có sự phong phú về tính kháng sinh, chẳng hạn như gừng, sữa chua, lá kinh giới, bưởi, nghệ và tỏi.

Nguy cơ ung thư

Quá trình hủy hoại tế bào của các phân tử gốc tự do trong thuốc có thể dẫn đến ung thư. (Ảnh: almada.cc)

Lạm dụng kháng sinh có thể gây ra sự hủy hoại tế bào bởi các phân tử gốc tự do và làm tăng nguy cơ nhất định phát triển bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư gan.

Điều này xảy ra chủ yếu do lạm dụng thuốc kháng sinh. Nhiều người sử dụng kháng sinh không đúng theo chỉ định để điều trị nhiễm trùng do virus như cảm lạnh, cúm, viêm phế quản cấp, viêm họng, và những bệnh khác.

Một nghiên cứu năm 2004 được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ đã cho thấy việc sử dụng thuốc kháng sinh làm tăng nguy cơ bệnh ung thư vú gây tử vong.

Chi Mai