Ngày 5/9, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận một cụ ông 82 tuổi, bị liệt một nửa người bên phải, kích thích vật vã, rối loạn ý thức có nguy cơ tử vong cao.
Cụ ông Tôn Thất T. (82 tuổi, trú TP Huế) khi đang đứng cúng bái ở nhà thờ họ tộc bỗng nhiên bị đột quỵ. Người nhà cụ T. đã ngay lập tức đưa cụ đến Bệnh viện Trung ương Huế vào 19h tối ngày 5/9 sau khoảng nửa tiếng.
Khoa Cấp cứu đa khoa nghi ngờ cụ T. bị đột quỵ do tắc mạch máu lớn. Theo quy trình loại trừ, các bác sĩ đã chụp CT Scan gấp loại trừ xuất huyết não, tiến hành làm tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch nhưng không hiệu quả nên có chỉ định dùng phương pháp hiện đại là lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học.
Bệnh nhân được can thiệp mạch cấp cứu với chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA), xác định động mạch cảnh trong bên trái hoàn toàn bị tắc. Êkip bác sĩ trong vòng nửa tiếng đã tiến hành sử dụng các dụng cụ cơ học với kích thước rất nhỏ để hút huyết khối qua đường động mạch.
Phương thức can thiệp nội mạc mạch máu làm bằng cách luồng các dụng cụ chuyên biệt từ động mạch đùi dưới sự hỗ trợ của máy DSA rồi đi lên các mạch máu trong não và dùng dụng cụ cơ học với kích thước rất nhỏ hút các huyết khối đang làm tắc nghẽn động mạch cảnh trong và các mạch máu trong não, các mạch máu tái thông ngay sau đó.
Sau ca phẫu thuật vào tối 5/9, do bệnh nhân được sớm tái thông đường máu lên não trở lại, não được cung cấp máu đầy dủ, các triệu chứng lâm sàng như liệt nửa người được cải thiện, bệnh nhân tỉnh táo… Sau 2 ngày mổ, cụ ông T. đã đi lại được bình thường, tay chân cử động tốt, nói được.
Đến ngày hôm nay (11/9) sau gần 1 tuần bị đột quỵ vào viện, người nhà cụ T, cho biết cụ đã đi lại rất tốt, nhìn như người bình thường, hàng xóm làng giềng qua thăm rất ngạc nhiên vì thấy cụ đã được trở lại như xưa.
Theo TS. Tôn Thất Trí Dũng, trường hợp như cụ T. trước đây 2 năm khi vào viện đa số tiên lượng là tử vong do tắc mạch máu lớn rất nguy hiểm vì đưa đến tổn thương não nhanh và lan rộng, 1 phút trôi qua sau đột quỵ sẽ làm chết đến 2 triệu tế bào não, nay do có phương pháp hiện đại như lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đã là cứu cánh mới tại Việt Nam, ban đầu đang phát triển tại một số trung tâm y tế lớn trong đó có Bệnh viện Trung ương Huế.
Và phải nhớ “Thời gian vàng” là ngay sau khi khởi phát đột quỵ cho đến tối đa 4,5 tiếng đối với cấp cứu đột quỵ bằng đường tĩnh mạch và 6 tiếng đối với đường động mạch dùng dụng cụ cơ học lấy huyết khối, phải đưa ngay bệnh nhân tới bệnh viện đủ phương tiện cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt – não ít bị tổn thương hơn. Nếu quá thời gian trên nguy cơ sống sót sẽ rất ít hoặc mức độ tàn phế sẽ rất nặng.
Lương y Cao Sơn
Xem thêm:
- Ca phẫu thuật hiếm gặp: Cụ ông sống chung với đoạn chân nhang 2cm trong lỗ rò tai suốt 1 năm
- 6 bệnh phổ biến âm thầm tiến triển, đến khi biết thì đã muộn
- Bí quyết ăn uống phòng chống lão hóa cho hệ tim mạch
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.