Thời tiết chuyển rét đậm, nhiều bệnh viện ở Hà Nội như bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Châm cứu Trung ương… đã phải tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân nhập viện do đột quỵ, liệt nửa người, méo miệng trong đó có cả trẻ nhỏ.
Bác sĩ Phạm Thị Trà Giang, Trưởng khoa Cấp cứu Nội Nhi – Bệnh viện Thanh Nhàn trao đổi với Báo An Ninh Thủ Đô, nhiệt độ giảm mạnh đột ngột hoặc vào những ngày rét đậm sẽ làm tăng nguy cơ đột quy – tai biến mạch máu não, đặc biệt ở những người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp.
Tại bệnh viện Thanh Nhàn, cứ vào mùa lạnh, các đợt rét đậm rét hại, trung bình số bệnh nhập viện vì đột quỵ tăng từ 15% đến 30%.
Trường hợp bà Ph. (60 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đột ngột bị liệt 1/2 người, được đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu…
Kết quả chụp MSCT 128 dãy, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa M1 và trong vòng 30 phút dùng ngay thuốc tiêu huyết khối cho bệnh nhân. May mắn,bệnh nhân được chuyển đến viện sớm nên sau khi tiêm thuốc 1 giờ đã có thể nhấc được tay lên và hồi phục tốt.
Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, khoảng 1 tuần nay, khoa Nhi của viện đã tiếp nhận 5 ca bị liệt dây thần kinh ngoại biên số VII.
Bệnh nhi N.T.H (3 tuổi, Thái Bình) vào viện trong tình trạng không ngậm chặt được miệng, một mắt nhắm không kín, cười miệng méo xệch.
Theo lời kể của bà nội cháu bé, khoảng một tuần trước, cháu được mẹ chở xuống bà ngoại chơi. Sau một đêm, bà ngoại thấy cháu cười lệch nên cho lên Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị.
Cũng đang nằm điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, bệnh nhi N.K.O (1 tuổi, Hải Dương) được bác sĩ chẩn đoán liệt dây VII ngoại biên bên phải. Mẹ của bé cho biết, cháu mắc bệnh khoảng 2 tháng nay và nguyên nhân cũng là do nhiễm lạnh.
ThS.BS Đặng Thị Hoàng Tuyên, Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho Sức khỏe và Đời sống biết, thời tiết mưa rét, lạnh đột ngột, nhiệt độ ngày – đêm chênh lệch cao là yếu tố làm gia tăng bệnh nhân mắc các triệu chứng của liệt dây thần kinh ngoại biên số VII.
Khi gặp lạnh, dây thần kinh số VII bị tổn thương gây phù nề, viêm nhiễm. Từ đó gây ra bệnh với các biểu hiện như miệng lệch sang một bên, khó nói, mắt nhắm không kín, khi ăn miệng méo sẽ gây rơi vãi thức ăn, đồ uống ở bên bị liệt.
Các bác sĩ khuyến cáo, trong thời tiết giá lạnh, người dân, đặc biệt người già và trẻ nhỏ cần đảm bảo giữ ấm cơ thể, không được tắm quá muộn, tắm nước lạnh, hạn chế uống rượu bia.
Người già không nên đi tập thể dục quá sớm, buổi sáng ngủ dậy nên ở trong phòng ấm 10-15 phút làm quen thời tiết trước khi ra ngoài. Nên ăn uống các thức ăn ấm nóng, giàu dinh dưỡng. Những bệnh nhân huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị.
Khi cho trẻ chơi, nên chọn nơi không có gió lùa, nhiệt độ luôn đảm bảo. Đặc biệt, cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đủ năng lượng để chống đỡ với trời lạnh. Khi ra đường, hay đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang để tránh bị lây nhiễm các bệnh do virus…
(Tổng hợp)