Có nhiều nguyên nhân gây ra mùi cho cơ thể có thể bạn đã biết và phòng tránh, nhưng cũng có vài nguyên nhân mà bạn chưa biết, vậy đó là nguyên nhân nào? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Nhiều người thường cảm thấy tự ti khi giao tiếp với người đối diện nếu như cơ thể họ thường xuyên có mùi khó chịu. Mặc dù bạn có chăm chỉ tắm, làm sạch cơ thể và dùng các sản phẩm khử mùi thì vẫn không kiểm soát được tình trạng này.
Những nguyên nhân khá bất ngờ mà mọi người thường không nghĩ tới dưới đây lại là nguyên nhân hàng đầu gây mùi cơ thể:
1. Tâm trạng căng thẳng
Về mặt hóa học, mồ hôi trên cơ thể cũng có nhiều loại, phụ thuộc vào từng cơ chế khác nhau. Mồ hôi được tiết ra khi cơ thể đang trong trạng thái căng thẳng là loại mùi khó chịu nhất.
Đó là bởi vì nó được sản xuất từ một loại tuyến mồ hôi gọi là tuyến apocrine.
Khi căng thẳng, kích động, các tuyến mồ hôi lớn ấy sẽ tiết ra một chất axit béo ở dạng dịch thể, có chất béo, chất đạm…một khi gặp vi khuẩn trên da sẽ biến thành một loại axit béo không hòa tan, có mùi khó ngửi.
Còn loại mồ hôi tiết ra khi tập luyện có tác dụng giảm nhiệt cơ thể khi quá nóng, nó bao gồm chủ yếu là nước và chất điện giải nên không gây mùi khó chịu.
2. Đeo tất khi chân còn ẩm ướt
Khi đôi bàn chân chưa khô hẳn hay đang chảy mồ hôi mà bạn lại xỏ tất và đi giày ngay, đây chính là điều kiện lí tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, trú ngụ, đặc biệt với loại tất có chất liệu nylon tổng hợp.
Một môi trường ấm áp, ẩm ướt chính là nơi nuôi dưỡng cho vi khuẩn và nấm phát triển, có thể tạo ra hợp chất lưu huỳnh gây mùi khủng khiếp.
Nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng chân bốc mùi hôi khi đi giầy thì hãy lưu ý lựa chọn những đôi tất bằng vải cotton thay vì không đi tất. Tất giúp hấp thụ mồ hôi và có thể làm giảm sự tăng trưởng của vi khuẩn trong giầy.
3. Chọn áo ngực không phù hợp
Rất nhiều phụ nữ đã chọn loại áo ngực với chất liệu không phù hợp, gây bí, hăm vùng ngực và dẫn đến mùi.
Do nhu cầu thẩm mỹ, phái đẹp thường chọn loại áo làm bằng vải ren, tuy nhiên, vải ren không phải là loại thấm hút mồ hôi nên thường gây khó chịu và bức bí. Với loại áo này, phải thay và giặt nhiều hơn số lần bạn nghĩ, mới có thể tránh được mùi hôi tiết ra từ cơ thể.
4. Thường ăn súp lơ xanh
Khi được tiêu hóa, súp lơ xanh sẽ gây ra các hợp chất có mùi đặc trưng, lưu thông trong máu và đi qua hơi thở, mồ hôi cũng như nước tiểu. (Ảnh: LinkedIn).
Có thể bạn đã được nghe nói nhiều việc ăn tỏi và hành tây sẽ khiến miệng có mùi khó chịu. Lý do bởi những loại thực phẩm này, khi được tiêu hóa, sẽ gây ra các hợp chất có mùi đặc trưng, lưu thông trong máu và đi qua hơi thở, mồ hôi cũng như nước tiểu.
Tuy nhiên, tỏi, hành không phải là thực phẩm duy nhất gây ra tác dụng phụ này. Trên thực tế, súp lơ xanh (bông cải xanh), cải bruxen và các rau khác trong gia đình họ cải đều bao gồm những hợp chất có mùi giống nhau – thường là lưu huỳnh – và có thể dẫn đến những mùi hôi trên cơ thể.
5. Bạn mắc bệnh tiểu đường
Khi căn bệnh tiểu đường trong cơ thể không được điều trị, có thể dẫn đến hội chứng nhiễm xeton-axit. Nếu không có đủ insulin, cơ thể bắt đầu phân hủy chất béo làm nhiên liệu, dẫn đến sự tích tụ của xeton – axit trong cơ thể.
Sự tích tụ này có thể tạo ra sự thay đổi trong mùi cơ thể, và có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh nhân tiểu đường.
6. Đột biến gen
Nếu điều này xảy ra, rất có thể bạn đã gặp một căn bệnh khá hiếm, gây ra bởi sự đột biến gen. Khi đó, cơ thể không thể phá hủy một hợp chất gọi là Trimethylamine. Chính chất này phát ra mùi tanh, tích tụ trong cơ thể con người khi nó đang bài tiết, sẽ thông qua đường hô hấp, nước tiểu và mồ hôi phát tán ra ngoài cơ thể.
Do vậy, nếu có bệnh này, bạn sẽ ngửi thấy một mùi tanh tương tự mùi cá trên cơ thể.
Ở một số người, mùi cơ thể cũng có thể chuyển sang tình trạng xấu đi khi họ ăn chế độ nhiều thịt và ít tinh bột. Những người này sẽ sản sinh mùi cơ thể thông qua hơi thở.
Cao Sơn
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.