Chị Thảo, người có thâm niên 16 năm trong nghề làm tiếp viên đường sắt chia sẻ, nghề này chẳng khác nào làm dâu trăm họ, nếu không rèn được tính nhẫn nại, khéo léo chắc khó bám trụ được lâu. Những chuyến tàu Tết luôn để lại cho chị ấn tượng, nhưng đặc biệt nhất vẫn là câu chuyện đẫm nước mắt trong thời khắc giao thừa của người phụ nữ Hà Nội trên chuyến tàu cuối năm.
Chị Nguyễn Thị Bích Thảo (sinh năm 1979), tiếp viên trên tàu SE 5 – 6 tuyến Bắc – Nam, trải lòng trên Vietnamnet, 16 năm trong nghề chị có 2 năm sinh con là được đón Tết ở nhà, còn đâu quanh năm đón Tết trên tàu. Lúc mới vào nghề, ngày lễ Tết thấy người người về đoàn tụ cùng gia đình còn mình rong ruổi trên tàu nên nhiều khi chị thấy chạnh lòng xong rồi cũng quen. Cường độ làm việc của tiếp viên tàu khá cao, 1 ca làm 30 tiếng đồng hồ cả đi lẫn về, vì vậy thời gian dành cho gia đình không nhiều.
Theo chị Thảo nghề này chẳng khác nào làm dâu trăm họ, mỗi người một tính, nếu không rèn được tính nhẫn nại, khéo léo chắc khó bám trụ được lâu. Trong nhiều năm gắn bó với nghề, câu chuyện về người phụ nữ Hà Nội trên chuyến tàu vào giao thừa năm ngoái khiến chị Thảo xúc động và nhớ mãi.
Trước giao thừa 2 tiếng, chị cùng cùng tổ tàu phục vụ hành khách chuyến từ miền Nam ra miền Bắc. Chuyến tàu cuối năm ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi vì sắp được về nhà đoàn tụ cùng gia đình ngày mồng 1 Tết. Tuy nhiên, có một người phụ nữ tầm 50 tuổi khiến chị khựng lại vì bà đang khóc, đôi mắt rưng rưng lệ. Bà chia sẻ, vốn sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội nhưng lấy chồng và định cư ở Tp.HCM hơn 20 năm. Do hoàn cảnh khó khăn, bà ít có điều kiện về thăm Hà Nội, ở đó có người mẹ già 80 tuổi. Bà hứa với mẹ sẽ về quê đón Tết nhưng mải mưu sinh cuộc sống khiến bà không thực hiện được lời hứa đó. Sáng hôm đó 30 Tết, bà nhận tin mẹ qua đời vì lên cơn đau tim đã vội vã bắt chuyến đêm về lo tang lễ cho mẹ. Bà nói chỉ ước thời gian quay lại để được về đón giao thừa với mẹ dù chỉ một lần nhưng điều đó mãi mãi không bao giờ thực hiện được.
Chị Thảo cho biết, làm nghề tiếp viên tàu nếu người thân không hiểu và thông cảm sẽ khó có thể làm việc liên tục 30 tiếng, nghỉ 4 ngày trong tháng nhưng về đến nhà mệt mỏi chỉ muốn ngủ. Do tính chất công việc giờ giấc bận rộn nên nhiều đồng nghiệp của chị không có thời gian kiếm người yêu. Một số tiếp viên may mắn được se duyên với người trong nghề sẽ dễ thông cảm cho nhau. Nếu hai vợ chống làm khác chuyến ngược xuôi khắp trong Nam ngoài Bắc thì thời gian họ sống trên tàu còn nhiều hơn sống với nhau.
Nữ tiếp viên này kể, đồng nghiệp của chị lấy chồng làm lái tàu Thống Nhất, họ kết hôn vào dịp cận Tết, 2 vợ chồng cưới xong xin đi làm luôn để tăng cường cho các chuyến tàu cuối năm. Vừa cưới được vài tiếng chú rể lên cơ quan để ngủ trước giờ tàu xuất phát 6 tiếng đồng hồ nhằm đảm bảo sức khỏe, tinh thần minh mẫn khi làm nhiệm vụ. Vậy là họ chẳng có đêm tân hôn, đến 2 ngày sau mới có thời gian gặp nhau.
Còn với phụ nữ đã lập gia đình nỗi vất vả càng tăng lên gấp bội. Khi sinh con được hơn 6 tháng, chị Thảo đi làm trở lại con vẫn chưa cai sữa. “Mỗi chuyến công tác mất hơn 1 ngày, nhiều lúc sữa ra căng tức bầu ngực tôi phải vắt bỏ đi trong khi con ở nhà khát sữa mẹ. Xót xa và thương con lắm nhưng vì công việc chung mình phải gác mọi tâm tư, cảm xúc qua một bên”, chị Thảo nói.
Chị Lê Thị Tuyết Hạnh (sinh năm 1978) làm tiếp viên tuyến Vinh – Nghệ An 15 năm bộc bạch, tiếp viên tàu không chỉ đối mặt với áp lực về cường độ làm việc, tai nạn, va chạm đến từ hành khách mà họ còn phải kịp thời xử lý nhiều sự cố phát sinh trên tàu.
Cách đây 3 tháng chị từng giúp 1 trường hợp khách nữ đi tàu bị sàm sỡ. Nữ hành khách mua vé tàu giường nằm từ ga Vinh – Hà Nội và cùng phòng với khách nam quê Hưng Yên. Khi tàu vắng khách chỉ có 2 người, thấy cô gái trẻ xinh đẹp nên giữa đêm khách nam kia có hành động sàm sỡ khiến cô gái hốt hoảng, vùng chạy ra ngoài. Lúc đó, chị Hạnh nghe thấy tiếng kêu liền chạy thấy cô gái khóc nức nở, chị buộc phải nhắc nhở vị khách kia và thu xếp cho cô gái ngủ tạm trong phòng tiếp viên.
Đối với chị Hạnh, hành khách như người thân nên trong lúc đi tàu không chỉ là công việc mà còn là tình cảm giữa con người với nhau. Trường hợp khách ốm đau hay sinh con trên tàu, các tiếp viên sẽ kiêm luôn nhiệm vụ điều dưỡng để chăm sóc họ.
Nữ tiếp viên cho hay, việc các hành khách nữ chuyển dạ và sinh con trên tàu xảy ra khá thường xuyên. Cách đây nửa tháng, chị từng hỗ trợ sinh cho một hành khách đau bụng, có dấu hiệu chuyển dạ trên tàu ga Biên Hòa – Vinh. Hơn 1 tiếng vật lộn, sản phụ tưởng chừng như kiệt sức nhưng nhờ sự giúp đỡ của các nhân viên mà người mẹ đã vượt cạn thành công ngay trên tàu. Sau khi sinh song các tiếp viên còn cắt cử nhau nấu cháo, người pha sữa giúp sản phụ hồi sức sau sinh trước khi vào bệnh viện. Chị Hạnh chia sẻ, bản thân chị luôn mong muốn phục vụ hành khách chu đáo nhất, để mỗi khi đi tàu, họ đều cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi và thân thiện.
Mỹ Duyên