Nếu đã coi nhau là bạn thì phải trân trọng nhau. Nếu đã thực sự là bạn thì có điều gì đó khiến không hài lòng, hãy nên góp ý thẳng thắn với nhau, để bạn sửa chữa, chứ đừng đi “góp ý” với người khác.
Tôi đã từng vô cùng suy nghĩ và thậm chí là mất vài ngày để tìm hiểu lý do vì sao người khác lại nói xấu sau lưng tôi. Rằng, mình đã làm việc gì sai để người khác nghĩ như vậy về mình. Thậm chí, đã có lúc tôi còn cố tìm cách giải thích với người đã nói xấu mình rằng: Tôi không phải người như thế, bạn đã hiểu lầm tôi rồi.
Nhưng, bây giờ, suy nghĩ của tôi hoàn toàn khác. Tôi đã không còn quá bận tâm về những chuyện như vậy nữa. Đã từng có người hỏi tôi trong một cuộc phỏng vấn, rằng, nếu bạn phát hiện người ta nói xấu mình, bạn sẽ làm gì. Tôi cười và trả lời ‘không làm gì cả’. Bởi, đó là chuyện của người ta, không phải của mình.
Trên đời này chẳng có ai hoàn hảo cả
Nếu trên đời chẳng có ai hoàn hảo vậy tất nhiên là ai cũng có điểm xấu rồi. Vậy có lý do gì để bạn buồn khi nghe được lời xấu về mình chứ? Hay là bạn tự thấy mình là người hoàn hảo chăng? Có một thực tế là, trong mắt những người xung quanh, ngoài những người yêu thương luôn nghĩ tốt về bạn thì sẽ có trăm ngàn người nghĩ bạn không tốt, và sẵn sàng nói xấu bạn bất cứ lúc nào họ muốn. Bạn có biết vì sao không, vì có thể họ và bạn không hợp nhau, hoặc cũng có thể họ đang ghen ăn tức ở với bạn.
Thực ra, nói xấu sau lưng người khác chẳng có gì là tốt cả, nhưng liệu có ai trong chúng ta có thể tự tin nói rằng tôi chưa từng nói xấu, hoặc tham gia vào một nhóm nói xấu ai đó, dù ít dù nhiều?
Thứ nhất, vì nó dễ. Sự thật mất lòng, hoặc những điều xấu xí cũng khó nói trước mặt, “ném đá giấu tay” cho người nói một cảm giác an toàn vì nó bí mật. Bí mật luôn là sự ràng buộc tuyệt vời cho một mối quan hệ, và trở thành một thứ “quà” tinh thần nếu muốn làm thân với ai đó. Bởi vậy mới có câu “bán bạn làm quà”.
Thứ hai, nói xấu người khác cho người ta cảm giác mình tốt đẹp hơn, mình đứng ngoài cái xấu và dễ dàng nhận ra nó. Đó cũng là một hình thức để tự thôi miên cái tôi yếu ớt và dễ tổn thương trong mỗi con người, bởi cái tôi ấy thường ích kỷ và chỉ cảm thấy an toàn khi biết được những điểm yếu, những sai lầm của người khác.
Nếu như vậy, bạn đã có lý do để tha thứ, hoặc ít nhất là bỏ qua cho những kẻ đã nói xấu sau lưng mình rồi chứ?
Và, nếu có thể, hãy bao dung với kẻ đã nói xấu mình
Nói thẳng ra, nói xấu sau lưng chỉ là hành động của những kẻ yếu kém bất lực. Người sống có mục đích, có ước mơ sẽ không có thời gian để soi mói, xét nét người khác. Người quân tử biết phân biệt đúng sai, biết nhìn vào điểm mạnh của mọi người để soi xét bản thân, học tập và tiến bộ. Kẻ tiểu nhân chỉ nhìn thấy điểm yếu, bới lông tìm vết mọi đối tượng để phán xét, tự đề cao bản thân mình. Thực chất, tôn trọng, đề cao điểm mạnh của người khác không làm ta thụt lùi hơn họ mà chính là thể hiện thiện chí học hỏi, ý thức cầu tiến. Ngược lại, moi móc người khác chẳng khác nào tự đóng chặt mọi cơ hội tiến bộ của bản thân và sống trong ảo tưởng. Như vậy, giả sử có người nói xấu bạn, họ đã đủ “bất hạnh” rồi, bạn đâu cần phải ghét bỏ họ thêm nữa chứ?
Tất nhiên, ai cũng có những nhược điểm, sở đoản, ai cũng sẽ mắc sai lầm. Tuy nhiên, người sáng suốt sẽ không nhìn vào đó để coi thường đối phương mà luôn lấy đó là bài học cho chính mình. Lòng khoan dung không bao giờ là thừa. Nó giúp ta có thêm niềm tin vào con người, đẩy lùi sự ích kỉ, nhỏ nhen hay những suy tính hẹp hòi tủn mủn.
Ngoài ra, con người vốn là một thể đa diện nhiều mặt, nhiều cá tính. Không thể vì một hành động nhỏ hoặc một lời nói dèm pha mà khẳng định ai đó là xấu xa. Vì thế, chúng ta cũng không nên vì ai đó đã từng nói xấu mình mà ghét họ, bởi, rất có thể đó chỉ là một mảng tối của họ mà thôi!
Hơn nữa, thái độ của ta đối với lỗi lầm của người khác không chỉ ảnh hưởng đến bản thân ta mà còn ảnh hưởng đến chính họ. Nếu khi đối diện với một người vừa nói xấu mình, bạn có thể khoan dung, rộng lượng với họ, hoặc ít nhất là không quan tâm đến những lời đàm tiếu thì mối quan hệ giữa hai người hoàn toàn có thể trở nên vui vẻ, hòa ái. Dù sao thì vẫn nên cho người khác một cơ hội, ông cha ta chẳng phải vẫn dạy “thêm bạn bớt thù”?
Thiện Nam