Cả hai chàng trai trẻ đều bất ngờ lấy phải “lão thái thái”. Sau đó, một người mất hết tiền tài và bỏ nhà đi, trong khi người kia lấy được vợ đẹp lại phát tài. Hai người có kết quả khác nhau một trời một vực. Chìa khóa cho bước ngoặt của họ là gì? Là do may mắn hay có nguyên nhân nào khác?
Vào thời nhà Thanh, ở Thập Đài (nay là trấn Quảng Dương, phía đông bắc huyện Thạch Đài, tỉnh An Huy) có một thanh niên họ Tô, tính tình phóng đãng, thích nói dối, gian lận để kiếm lợi. Tô sinh không có thành tựu trong học hành, nên đã cầm cố gia sản của mình, đổi lấy vài trăm lượng bạc làm chi phí đi lại, rồi vội vã đến kinh đô với hy vọng tìm được một chức quan nhỏ.
Khi Tô sinh mới đến kinh đô, anh chàng sống ở cổng Đông Trường An. Tình cờ, một người họ hàng họ Trần sắp về quê ở phía Nam, vì hành lý quá nhiều không thể mang theo, nên anh ta đã để lại hơn mười chiếc rương đồ. Tô sinh muốn nhân cơ hội này để khoác lác về sự giàu có của mình với bạn bè, nên đã lén lấy những bộ y phục sang trọng của người họ hàng từ trong rương ra mặc vào, rồi đi tới đi lui giữa các tửu lầu và vũ trường. Những người ở đó nhìn thấy vẻ ngoài đẹp trai của anh chàng, mà không biết rằng anh ta chỉ là một thư sinh nghèo khổ.
Một ngày nọ, trong số khách khứa có người bàn tán: Đào thái thái đến từ Quảng Đông, chồng là đồng trị của một tỉnh nào đó, khi đang ứng cử ở đô thành thì bị bệnh qua đời. Bà Đào hiện có gia sản khá lớn, muốn tìm một người đàn ông có chức vụ và giàu có tương đương với chồng cũ để làm chồng. Tô sinh tham lam số tài sản nên nói với vị khách: “Cậu thấy tôi có xứng không?”, rồi khai gian rằng mình là bộ lang được thăng chức lên đồng trị, muốn tham gia khoa cử, nên không trình diện để xác minh. Tô sinh còn bịa rằng mình cũng gặp tang sự, hiện đang sống một mình. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Tô sinh hứa với vị khách rằng sẽ thưởng hậu hĩnh sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Vị khách kia cũng tham tiền, nên đã nói rõ ý định và tình hình của Tô sinh với bà Đào, nhưng bà Đào vẫn nhất quyết muốn gặp trực tiếp Tô sinh rồi mới quyết định.
Thế là Tô sinh đến nhà bà Đào trong bộ trang phục lộng lẫy. Cửa chính mở rộng, trông giống như một dinh thự hạng nhất. Đợi một lát, thấy đám thị nữ vây quanh Đào phu nhân đi ra, đứng sau bình phong thủy tinh, cúi đầu, tóc uốn cao như mây núi, trông vô cùng xinh đẹp, Tô sinh vô cùng vui mừng. Sau đó hai bên thảo luận và quyết định rằng lễ đính hôn sẽ là một nghìn lẻ hai lượng bạc, và Tô sinh sẽ được gả vào nhà họ. Tô sinh đã thế chấp toàn bộ tài sản của gia đình nhưng vẫn không đủ, nên anh chàng còn thế chấp cả đồ cũ của Trần, mới có đủ tiền sính lễ.
Theo phong tục miền Bắc, buổi tối đôi uyên ương sẽ uống rượu cưới, cúi chào ở sảnh, sau đó tháo khăn che mặt ra ngồi đối diện nhau, uống rượu mừng, ăn bánh của con cháu rồi đi ngủ. Vào ngày cưới của Tô sinh, đến giờ uống rượu mừng và ăn bánh mừng con cháu, một nữ tỳ thì thầm với Tô sinh: “Cô dâu đau răng, không thể bầu bạn cùng chàng được.” Tô sinh hội ý, không lâu sau, hai người cởi giày rồi đi ngủ.
Sau khi trời sáng, cô dâu ngủ dậy chải đầu rửa mặt, Tô sinh mới phát hiện Đào thái thái thực ra là một bà lão ngoài sáu mươi, răng không còn, đầu trọc. Lúc này Tô sinh rất mừng vì Đào phu nhân vẫn còn của hồi môn dồi dào có thể thỏa mãn dục vọng của mình. Nhưng đột nhiên, hơn 20 nam nữ đủ mọi lứa tuổi đi ra ngoài, bà Đào ra ngoài chào hỏi, hóa ra đều là con trai, con dâu, cháu chắt của bà Đào. Tô sinh cẩn thận kiểm tra tình hình gia đình, phát hiện gia tài không có gì cả, hơn 40 người trong gia đình đều dựa vào mình anh nuôi dưỡng, đất đai của gia đình cũng là thuê của người khác.
Tô sinh vô cùng tức giận, đi cáo trạng với Bộ Hình. Bà lão đứng lên phản bác, nói năng hùng hồn, trưởng quan Bộ Hình cũng không phản bác nổi, đành phải trả lại bà Đào cho Tô sinh. Tô sinh không còn cách nào khác ngoài việc cạo đầu cải trang trốn thoát vào ban đêm. Bà lão tìm đến nhà họ Tô, lên kinh đô kiện Tô sinh, nhưng Tô sinh không về nhà, đành thất vọng rời đi.
Dưới đây là một câu chuyện khác về một người đàn ông kết hôn với một bà lão tóc bạc. Vì lòng trung hậu của mình, chàng trái lại đã được thiện báo:
Vào những năm đầu của Thuận Trị, sau khi quân Thanh nhập quan, thiên hạ vẫn chưa thái bình, nhiều nơi vẫn còn tình trạng binh hoang mã loạn, rất nhiều gia đình vì chạy trốn chiến tranh mà ly tán, một số phụ nữ bị kỳ đinh (lính vận chuyển lương thực thời nhà Thanh) bắt đi bán. Kỳ đinh vì để tránh người mua kén chọn, thường trùm khăn lên đầu những người phụ nữ để có thể bán được hàng nhanh với giá rẻ.
Lúc đó, có một người đàn ông tên là Triệu Tốn, đã ngoài hai mươi, không có tiền để lấy vợ, bạn bè bèn quyên tiền để chàng lấy được vợ. Một ngày nọ, anh chàng dùng tiền đó để mua một người phụ nữ ở chợ, khi tháo khăn trùm đầu ra, mới phát hiện ra đó là một bà lão tóc bạc. Triệu Tốn nói: “Lão gấp đôi tuổi tôi, sao dám phi lễ xâm phạm lão? Thỉnh lão cho phép tôi làm người phụng dưỡng, cung cấp thức ăn quần áo cho lão.” Bà lão thản nhiên tiếp nhận.
Sau khi ở đó vài ngày, bà lão thấy Triệu Tốn tuân thủ lễ nghi rất cẩn trọng, nên rất cảm kích lòng trung hậu của chàng, nói với chàng, “Cậu chỉ là muốn lấy vợ, nhưng bây giờ tôi lại trở thành gánh nặng cho cậu, khiến cậu không một xu dính túi. Tôi phải làm sao đây? May mắn thay, tôi vẫn còn một túi hạt châu khâu trong quần áo, cậu có thể đổi chúng thành bạc và cưới một cô gái trẻ. Đây cũng là cách tôi báo đáp lòng tốt của cậu.”
Thế là chàng lấy một ít đồ trang sức từ thắt lưng ra và đổi lấy hai mươi lượng bạc. Vài ngày sau, Triệu Tốn mang bạc ra chợ mua một cô gái trẻ. Vừa bước vào cửa, khi cô gái trẻ và bà lão gặp nhau, họ ôm chầm lấy nhau mà khóc. Sau khi tra hỏi, hóa ra cô gái trẻ chính là con gái ruột của bà lão. Hai mẹ con bị kỳ đinh bắt cóc, sau đó bị chia cắt, hiện tại được Triệu Tốn đưa về nhà, lão phu nhân liền tổ chức hôn lễ cho hai người.

Bà lão còn kể rằng bà là người hồng đồng, gia đình rất giàu có, bà có hai người con trai, cả hai đều xuất thân từ gia đình quan lại cũ, nhưng vì chiến tranh mà họ bị thất tán. Nay được đoàn tụ, có thể về nhà. Bà vẫn còn hơn một trăm món đồ trang sức trong tay, có thể bán lấy tiền đi đường, liền cùng con rể và con gái lên đường.
Khi họ trở về nhà, cả hai người con trai đều bình an vô sự, gia đình vô cùng vui mừng. Sau đó, bà lão chia tài sản của mình thành ba phần, cho hai người con trai và một người con rể mỗi người một phần. Gia đình từ đó sống an lạc hòa hợp, bà lão an độ tuổi già.
Nguồn: “Diệu hương thất tùng thoại”, “Hương tổ bút ký”
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch