Tương truyền, dưới thời hoàng đế Khang Hy triều Thanh (1636 – 1912), Bình Nam vương Thượng Khả Hỷ được lệnh đến kinh thành và yết kiến hoàng thái hậu. Thái hậu hỏi thăm sức khỏe của mẫu thân ông và tặng ông một chiếc áo choàng có cổ lông chồn màu hoa oải hương  và thêu hoa lụa. Tuy nhiên, món quà của hoàng thái hậu đã trở thành một vấn đề khó xử đối với gia đình họ Thượng.

Thực ra, Thượng Khả Hỷ là con trai của người vợ thứ hai của cha, nhưng được nuôi dưỡng bởi người vợ cả, vì vậy ông có hai người mẹ: một mẹ ruột và một mẹ nuôi. Hai người mẹ ghen tị với nhau, đều đến yêu cầu nhận món quà của hoàng thái hậu.

Không dám làm phật lòng ai, Thượng Khả Hỷ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cuối cùng, ông quyết định yêu cầu thư ký soạn một bức thư để trình lên hoàng thái hậu, giải thích rằng ông buộc phải trả lại chiếc áo vì hai người mẹ của ông đang tranh giành nó.

Khi bức thư xin lỗi được chuẩn bị xong, Kim Quang, một cố vấn trong vương phủ đã vào kiểm tra. Sau khi đọc, Kim Quang thấy rằng nội dung của bức thư không phù hợp và sẽ là một nỗi hổ thẹn cho gia đình họ Thượng nếu trình bày như vậy. Ông đã thay mấy từ “tranh giành nó” thành “nhường nhau chiếc áo”.

Khi hoàng thái hậu đọc bức thư, bà mỉm cười và tự trách mình: “Mình đã không hỏi về hoàn cảnh gia đình của ông ấy, thật là lỗi của mình khi làm khó ông ấy. Bình Nam vương có hai người mẹ đức hạnh như vậy, không có gì lạ khi ông ấy thành công như vậy”. Bà đã ra lệnh làm một bản sao của chiếc áo để tặng cho cả hai người mẹ của Thượng Khả Hỷ.

Khi hai người mẹ của Thượng Khả Hỷ nhận được chiếc áo của mình, họ cảm thấy rất xấu hổ và quyết định thay đổi hành vi, trở nên tôn trọng lẫn nhau hơn.

Theo Vision Times
Thanh Ngọc biên dịch