Hang động Ruakuri ở quận Waitomo ở New Zealand là một trong những điểm đến ít được biết đến. Nhưng nó có thể là một trong những điểm tham quan thú vị nhất mà chúng ta từng biết. Điều gì làm cho hang động này đặc biệt như vậy?
Sự đặc biệt đó đến từ những con côn trùng phát quang sinh học bám trên các bức tường đá lởm chởm tạo thành những chấm sáng kỳ ảo trong bóng tối. Các sinh vật phát quang ấy là một loài muỗi nấm có tên khoa học là Arachnocampa Luminosa. Tên gọi khác của chúng bao gồm “đom đóm New Zealand” hoặc chỉ đơn giản là “đom đóm”.
Sự phát hiện ra “kỳ quan” này vô cùng thú vị. Năm 1888, vị tù trưởng địa phương Maori của bộ lạc Kawhia tên là Tane Tinorau, đã phát động một cuộc chiến tranh và tấn công một bộ tộc khác trong khu vực Waikoto thuộc đảo Bắc của New Zealand.
Sau khi chinh phục thành công bộ tộc này, một người lính tên là Chief Tinorau được phân công đi tìm thức ăn. Anh ta bị vấp ngã vào một hang động và vô tình Chief Tinorau là người đầu tiên khám phá hang động một cách chi tiết với một ngọn đuốc trên tay.
Tuy nhiên, ngọn đuốc của ông không phải là ánh sáng duy nhất trong hang động. Khi ngước nhìn lên trên, trần hang động lấp lánh ánh sáng như các vì sao trên bầu trời đêm. Có hàng ngàn con côn trùng nhỏ bé gắn liền với hòn đá, phát sáng rực rỡ trong bóng tối. Từ đó hang động mang cái tên: Động Waitomo Glowworm.
Những con sâu này đã trú ngụ ở đây từ rất lâu. Chúng phát ra ánh sáng để thu hút các loài côn trùng nhằm tìm kiếm thức ăn. Vào mùa sinh sản là lúc hang động rực rỡ nhất khi các con đực và con cái thi nhau tỏa sáng để thu hút bạn tình.
Trong bóng tối, những ấu trùng phát quang bao phủ bức tường của hang động và làm cho nó phát sáng.
Những con ấu trùng phát sáng chuyển trần và tường thành một màu xanh kỳ lạ như ánh đèn neon.
Nhiếp ảnh gia Shaun Jeffers đã dành cả một năm trong hang động, mỗi lần chụp kéo dài tới 8 giờ đồng hồ để ghi lại những khoảnh khắc lộng lẫy của hang Ruakuri dưới ánh sáng của loài sâu kỳ lạ.
Đây là ánh sáng được phát ra từ loài ấu trùng chỉ có tại New Zealand và phía đông nước Úc.
Những người đủ dũng cảm có thể ra ngoài và đi bộ quanh những tảng đá, phơi mình dưới ánh sáng phát ra từ những con sâu.
Đây một điểm tham quan không tệ phải không?
Vẻ đẹp của loài đom đóm rất ngắn ngủi. Chúng chỉ sống trong khoảng thời gian đủ để giao phối và đẻ trứng. Một con đom đóm cái đẻ khoảng 130 trứng và chết ngay sau đó. Khoảng ba tuần sau, trứng nở thành ấu trùng. Giai đoạn ấu trùng chiếm phần lớn thời gian trong vòng đời của con đom đóm, kéo dài khoảng 6-12 tháng. Ấu trùng có thân mềm, ngoại trừ phần vỏ đầu. Khi chúng lớn hơn lớp vỏ này, ấu trùng bắt đầu lột xác.
Nhiếp ảnh gia Jeffers nói rằng anh cố không chạm vào nó để tránh làm xáo trộn trật tự tự nhiên ở nơi này. Tuy phát sáng là bản năng tự nhiên của chúng nhưng nếu thấy có động, đom đóm có thể tắt chức năng phát quang. Trong môi trường có ánh đuốc, khói, côn trùng khác…, chúng liền “tắt nguồn” khoảng 15 phút.
Theo Lifebuzz
Thuần Khiết
Xem thêm: