Hà Nội có nhiều ngõ nhỏ, nhỏ đến nỗi chỉ vừa một người đi lọt. Nếu không chú ý kỹ, nhiều người đi đường sẽ lầm tưởng đó chỉ là khoảng ranh giới giữa 2 căn nhà…

Đón xem: Hà Nội trong tim tôi

Người Hà Nội kể, những con ngõ nhỏ trong cái thành phố này đã hình thành từ hàng chục, hàng trăm năm nay. Những con ngõ “khổ hạnh” ấy, dù chật chội, tối tăm là vậy nhưng cũng chẳng khác nào một thế giới. Ở đó có đầy đủ các hoạt động, các mối quan hệ diễn ra. 

Hà Nội có nhiều ngõ nhỏ mà nếu không chú ý kỹ, nhiều người đi đường sẽ lầm tưởng đó chỉ là khoảng ranh giới giữa 2 căn nhà…
Dù chật, dù bẩn, người ta vẫn thích sống ở trong những con ngõ nhỏ như vậy.

Có câu: “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội”, mang danh người Hà Nội, dù gì cũng “hiên ngang” với đời hơn nhiều. Bởi thế dù chật, dù bẩn, người ta vẫn thích sống ở trong những con ngõ nhỏ như vậy.

Dù ngày hay đêm, đèn vẫn phải bật đều để soi đường cho mọi người ra vào…

Những hộ gia đình chỉ có không gian khoảng 10 mét vuông dùng chung để nấu nướng, dù ngày hay đêm, đèn vẫn phải bật đều để soi đường cho mọi người ra vào… Có lẽ, những người nơi xa đến sẽ không hiểu tại sao lại có những người chấp nhận sống chung với bóng tối trong không gian chật hẹp đến vậy. Hà Nội mà, mảnh đất này luôn có những nét đặc trưng chẳng lẫn với nơi nào. Và những con ngõ bé xíu xiu ấy là một trong số đó. Chúng vẫn luôn ở đó, lưu giữ và tồn tại cùng nhịp sống văn hóa của người dân xứ Kinh Kỳ, dường như chẳng thể nào thay đổi, phá bỏ hay chìm vào quên lãng.

Những con ngõ bé xíu xiu ấy vẫn luôn ở đó, lưu giữ và tồn tại cùng nhịp sống văn hóa của người dân xứ Kinh Kỳ

Bất kỳ “hàng” nào trong số 36 phố phường của Hà Nội cũng tồn tại ngõ nhỏ, chính xác hơn là những góc đường “nhìn mặt đặt tên”. Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Nón, Ngõ Gạch, Hàng Điếu… Đặc biệt, phố Hàng Buồm chỉ dài 300m, nhưng từng con ngõ sâu, chật hẹp cứ xuất hiện xen kẽ, cứ một nhà mặt tiền lớn lại tới một con ngõ.

Ánh sáng ngoài đường phố dường như ngăn cách 2 thế giới với nhau. Mặt phố hào nhoáng bao nhiêu, bên trong chật hẹp, tù túng bấy nhiêu.

Từng mớ dây điện chồng chéo, hộp điện mắc nối từ ngoài lề đường,… tất cả là dấu hiệu của sự sống bên trong từng lối đi. Nếu đi sâu vào đó, bạn có thể thấy một “quần thể” các ngôi nhà chen chúc nhau, hoặc một cửa hàng, quán ăn… Nếu không phải người bản địa, hẳn bạn sẽ chẳng bao giờ biết được, đằng sau cái ngõ bé xíu mà người ra nầm tưởng là ranh giới giữa hai ngôi nhà là biết bao phận người đang ngày đêm oằn mình sống.

Nếu đi sâu vào đó, bạn có thể thấy một “quần thể” các ngôi nhà chen chúc nhau, hoặc một cửa hàng, quán ăn…

“Hà Nội không vội được đâu” – câu ví von này thật đúng cho những ai bước vào những con ngõ như thế này. Đôi khi để “giao thông” được suôn sẻ, người này phải nhường người kia. Một người sẽ chủ động đứng nép vào một bên, khom người nhường cho người kia đi ra, rồi sau đó mới đi tiếp. Âu cũng là chút lịch sự họ có thể dành cho nhau.

Nơi tôi sinh – Hà Nội
Ngày tôi sinh – một ngày bỏng cháy
Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó
Đêm lặng nghe trong gió tiếng Sông Hồng thở than

Những ngày tôi lang thang
Tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội
Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi
Mộc mạc thôi mà bâng khuâng nhớ mãi

Tuổi thơ đã đi qua không trở lại
Cháy hết mình, cánh phượng nhẹ nhàng rơi…

(Hà Nội và tôi – Lê Vinh)

(Ảnh dẫn qua kenh14)

Trần Phong

videoinfo__video3.dkn.tv||57e0e4036__